Lớp Giáo Lý
Đánh Giá Việc Học Tập của Em 6


Đánh Giá Việc Học Tập của Em 6

Ma Thi Ơ 26–28; Mác 14–16; Lu Ca 22–24; Giăng 13–21

Các thiếu niên và thiếu nữ tham dự một lớp giáo lý vào sáng sớm ở Argentina.

Bài học này nhằm giúp em đánh giá những mục tiêu đã đặt ra và sự phát triển cá nhân em đã có được trong quá trình học Kinh Tân Ước.

Hết lòng yêu mến Thượng Đế

Trong nhật ký ghi chép việc học tập của em, hãy vẽ một hình trái tim. Ở bên trong hoặc xung quanh trái tim, hãy liệt kê những điều em đã học hoặc cảm nhận được về Đấng Cứu Rỗi mà đã làm gia tăng tình yêu thương của em dành cho Ngài. Nếu có thể, hãy hỏi một người bạn hoặc người trong gia đình xem họ thích điều gì về Đấng Cứu Rỗi và thêm điều đó vào bản liệt kê của em. Trả lời các câu hỏi sau đây bên dưới hình vẽ trái tim.

  • Làm thế nào việc học hỏi thêm về tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho em đã thúc đẩy em cố gắng yêu thương hai Ngài nhiều hơn?

  • Sự hiểu biết của em về tình yêu thương của hai Ngài dành cho em đã giúp gia tăng tình yêu thương của em đối với người khác như thế nào?

Hãy nhớ lại rằng Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta thể hiện tình yêu thương dành cho Ngài bằng cách tuân giữ các giáo lệnh (xin xem Giăng 14:15). Chúa Giê Su Ky Tô đã cung cấp một tấm gương hoàn hảo về việc thể hiện tình yêu thương dành cho Cha Thiên Thượng bằng cách tuân theo tất cả các giáo lệnh (xin xem Giăng 14:31).

Khi học Giăng 14:15, em có thể đã viết trong nhật ký về mong muốn của mình để tuân giữ các giáo lệnh và động cơ, hoặc lý do của em để làm như vậy. Nếu vậy, hãy xem lại những điều em đã viết.

Dùng bút mực hay bút chì viết lên một tờ giấy. 1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

  • Em cảm thấy như thế nào về mong muốn và động cơ hiện tại của mình để tuân giữ các giáo lệnh để thể hiện tình yêu thương của mình dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô? So sánh những mong muốn và động cơ của em bây giờ với thời gian trước đây trong năm.

  • Em đã nhận thấy những thay đổi nào trong tình yêu thương của mình dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô khi nghiên cứu Kinh Tân Ước? Nếu em nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, thì em nghĩ điều gì đã dẫn đến những thay đổi này?

  • Có bất kỳ thay đổi nào khác mà em cảm thấy cần thực hiện để cho thấy hoặc gia tăng tình yêu thương của mình dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô không?

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô: Cuộc sống của em sẽ ra sao nếu không có điều đó?

Hãy suy ngẫm về những điều em đã học được về sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Kinh Tân Ước. Hãy suy ngẫm một chút về ý nghĩa của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài đối với riêng cá nhân em. Suy ngẫm xem cuộc sống của em sẽ như thế nào nếu không có một trong hai điều đó.

Hình ảnh minh họa Chúa Giê Su cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê khi Ngài thực hiện Sự Chuộc Tội.

Vì em đã dành thời gian để suy ngẫm, hãy ghi lại một số suy nghĩ của em bằng cách trả lời những câu hỏi sau đây. Hãy gồm vào các chi tiết có ý nghĩa trong câu trả lời của em và các đoạn thánh thư đã tác động đến em về sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Dùng bút mực hay bút chì viết lên một tờ giấy. 2. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

  • Cuộc sống của em sẽ khác đi như thế nào nếu Đấng Cứu Rỗi không chịu đau khổ ở Ghết Sê Ma Nê vì em và chết thay cho em trên thập tự giá tại Đồi Sọ?

  • Cuộc sống của em sẽ khác đi như thế nào nếu Chúa Giê Su Ky Tô không chiến thắng cái chết qua Sự Phục Sinh vinh quang của Ngài?

  • Điều gì sẽ xảy ra với kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng nếu không có sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô?

Chủ Tịch M. Russell Ballard, quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã dạy:

Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, năm 2004.

Biết ơn thay, Chúa Giê Su Ky Tô đã can đảm làm tròn sự hy sinh này ở Giê Ru Sa Lem thời xưa. … Chúa Giê Su đã sẵn lòng chịu đau đớn để tất cả chúng ta đều có thể có cơ hội được thanh tẩy—qua việc có đức tin nơi Ngài, hối cải các tội lỗi của chúng ta, chịu phép báp têm bằng quyền năng hợp thức của chức tư tế, tiếp nhận ân tứ thanh tẩy của Đức Thánh Linh bằng lễ xác nhận, và chấp nhận tất cả các giáo lễ thiết yếu khác. Nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa, thì không có phước lành nào trong số các phước lành này có sẵn cho chúng ta, và chúng ta không thể trở nên xứng đáng và được chuẩn bị để trở về sống ở nơi hiện diện của Thượng Đế.

(M. Russell Ballard, “The Atonement and the Value of One Soul,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 85)

Chia sẻ tin lành của Chúa Giê Su Ky Tô

Bây giờ em đã suy ngẫm về tầm quan trọng của sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson.

Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch Russell M. Nelson được chụp vào tháng Một năm 2018

Từ phúc âm có nghĩa là “tin lành.” Tin lành là Chúa Giê Su Ky Tô và sứ điệp cứu rỗi của Ngài. Chúa Giê Su coi phúc âm tương đương với cả sứ mệnh lẫn giáo vụ của Ngài trên trần thế.

(Russell M. Nelson, “Senior Missionaries and the Gospel,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 81)

Dùng bút mực hay bút chì viết lên một tờ giấy. 3. Hoàn tất sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

Em muốn chia sẻ tin lành nào với những người khác về Chúa Giê Su Ky Tô và sứ mệnh thiêng liêng của Ngài? Hãy tưởng tượng rằng Giáo Hội đang phát động một chiến dịch truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức về cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô được ghi lại trong bốn sách Phúc Âm. Giáo Hội đang kêu gọi các bài đăng trên mạng xã hội cho chiến dịch này.

Hãy viết một bài đăng vắn tắt giải thích tin lành của em về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy suy ngẫm về điều gì đó em đã học được từ các sách Phúc Âm (Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca và Giăng) mà đặc biệt đối với em và đã giúp em cảm thấy gần hơn với Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, em có thể chọn điều gì đó mà Chúa Giê Su đã dạy, một phép lạ mà Ngài đã thực hiện, một câu chuyện ngụ ngôn, một câu chuyện về cách Ngài giao tiếp với những người khác, một thuộc tính mà Ngài nêu gương, hoặc một phần của sự hy sinh chuộc tội, cái chết và Sự Phục Sinh của Ngài. Nếu cảm thấy thoải mái, em có thể đăng tin lành của mình lên mạng xã hội hoặc chia sẻ tin đó với người khác. Hãy bao gồm những chi tiết sau đây trong bài đăng của em:

  • Đặt một đầu đề hoặc tiêu đề cho bài đăng của em.

  • Giải thích tin lành của Đấng Cứu Rỗi có ý nghĩa như thế nào đối với em và giúp em cảm thấy gần hơn với Ngài ra sao.

  • Bao gồm một đoạn thánh thư cụ thể từ các sách Phúc Âm (Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca hoặc Giăng).

  • Bao gồm chứng ngôn của em và cách tin lành này có thể mang lại lợi ích cho những người khác.