Lớp Giáo Lý
Lu Ca 24:1–12, 36–48


Lu Ca 24:1–12, 36–48

Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh
Ngôi mộ trống của Chúa Giê Su Ky Tô - mô hình tại Goshen, Utah

Sau khi Đấng Cứu Rỗi được chôn cất, các môn đồ trung tín mang hương liệu đến ngôi mộ. Thay vì tìm thấy thi thể của Đấng Cứu Rỗi, họ thấy một ngôi mộ trống. Các thiên sứ tuyên phán rằng Chúa đã sống lại. Chiều tối hôm đó, khi các môn đồ quy tụ lại với nhau, Ngài hiện đến cùng họ và cho họ xem thể xác phục sinh của Ngài. Bài học này có thể giúp em gia tăng thêm sự hiểu biết của mình về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi và cách mà điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống của em.

Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô

Hãy xem xét hình ảnh ngôi mộ trống của Chúa Giê Su Ky Tô ở đầu bài học này và suy ngẫm về câu trả lời của em cho những câu hỏi sau đây.

  • Hình ảnh này có ý nghĩa gì đối với em?

1. Suy ngẫm về những điều em biết về Sự Phục Sinh và ảnh hưởng của Sự Phục Sinh trong cuộc sống của em bằng cách trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập. Em sẽ có cơ hội xem lại những câu hỏi này khi kết thúc bài học hôm nay.

  • Em biết gì về phục sinh?

  • Sự hiểu biết và niềm tin của em về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân em?

Sau khi Chúa Giê Su Ky Tô tự nguyện hy sinh mạng sống của Ngài trên thập tự giá, xác của Ngài được hạ xuống và bọc trong vải lanh sạch sẽ và đặt vào một ngôi mộ. Sau ngày Sa Bát, Ma Ri Ma Đơ Len và một số phụ nữ trung tín khác trở lại ngôi mộ vào sáng sớm (xin xem Lu Ca 24:10; Giăng 20:11–18).

Đọc Lu Ca 24:1–12, tìm kiếm những điều họ đã tìm thấy và biết được tại ngôi mộ của Đấng Cứu Rỗi.

  • Em nghĩ các môn đồ đã nghĩ và cảm thấy gì sau những điều họ nhìn thấy và nghe được?

Không bao lâu sau kinh nghiệm này, Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng hai môn đồ trên đường đến Em Ma Út (xin xem Lu Ca 24:13–32). Họ trở lại Giê Ru Sa Lem để chia sẻ kinh nghiệm của mình với Các Sứ Đồ (xin xem Lu Ca 24:33–35).

Đọc Lu Ca 24:36–48, tìm kiếm những điều đã xảy ra khi các môn đồ của Chúa Giê Su đang tụ họp lại để thảo luận về sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi được phục sinh.

Lu Ca 24:36–39 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách đặc biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Em sẽ tìm hiểu thêm về đoạn thông thạo giáo lý này trong bài học tiếp theo.

  • Điều gì nổi bật với em trong những câu này từ những lời của Đấng Cứu Rỗi phán với các môn đồ của Ngài?

  • Em nghĩ tại sao một số lời đầu tiên mà Đấng Cứu Rỗi phán với họ là “Bình an cho các ngươi”? (Lu Ca 24:36).

  • Em học được gì từ những câu này về Đấng Cứu Rỗi là ai và Ngài muốn các môn đồ của Ngài hiểu điều gì?

Gia tăng sự hiểu biết của em về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi

Một lẽ thật mà chúng ta học được từ những đoạn này là Chúa Giê Su Ky Tô có thể xác phục sinh bằng xương và thịt.

  • Được phục sinh có nghĩa là gì?

Sự phục sinh, là “sự tái hợp của linh hồn với thể xác bằng xương và thịt sau khi chết,” sẽ xảy đến cho mỗi người chúng ta nhờ Chúa Giê Su Ky Tô (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Phục Sinh, Sự,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Nhờ Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã làm cho mỗi chúng ta có thể sống cùng Ngài và trở nên giống như Ngài.

Hãy suy ngẫm về bất kỳ câu hỏi nào em có về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi và ý nghĩa của Sự Phục Sinh trong cuộc sống của em. Một số câu hỏi em có thể có về giáo lý của Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi được liệt kê dưới đây. Cân nhắc liệt kê những câu hỏi này trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.

  • Tại sao việc Chúa Giê Su Ky Tô có thể xác bằng xương và thịt lại quan trọng?

  • Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi có ý nghĩa gì trong cuộc đời tôi?

Một cách để tìm câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta là tìm kiếm những điều mà các vị tiên tri và sứ đồ của Chúa đã giảng dạy. Dưới đây là một số lời giảng dạy của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Khi em học những lời này, hãy tìm câu trả lời cho một số câu hỏi của mình. Ngoài ra, hãy cân nhắc tìm kiếm thêm bất kỳ lời nào từ các tôi tớ được sắc phong của Chúa mà có thể giúp ích cho em.

Hình Ảnh
Chân dung của Anh Cả D. Todd Christofferson. Được chụp vào tháng Ba năm 2020.

Hãy cân nhắc trong một giây lát ý nghĩa của Sự Phục Sinh trong việc giải quyết một cách dứt khoát danh tính thực sự của Chúa Giê Su ở Na Xa Rét và những tranh cãi về triết lý sâu xa và những thắc mắc về cuộc sống. Nếu Chúa Giê Su đã thật sự phục sinh, thì tiếp theo đó nhất định Ngài là một Đấng thánh. Không có một người trần thế nào có quyền năng [trong] chính mình để sống lại sau khi chết cả. Vì Ngài đã phục sinh nên Chúa Giê Su không thể chỉ là một người thợ mộc, [một giảng viên], một giáo sĩ, hay một vị tiên tri. Vì Ngài đã phục sinh, nên Chúa Giê Su phải là một Thượng Đế, chính là Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha.

Do đó, những gì Ngài dạy là chân chính; Thượng Đế không thể nói dối.

Do đó, Ngài là Đấng Sáng Tạo của thế gian, như Ngài đã phán.

Do đó, thiên thượng và ngục giới là có thật, như Ngài đã dạy.

Do đó, có một thế giới linh hồn mà Ngài đã đến thăm sau khi chết.

Do đó, Ngài sẽ tái lâm, như các thiên sứ đã nói, và “thân hành trị vì trên thế gian” [Những Tín Điều 1:10].

Do đó, có một sự phục sinh và một sự phán xét cuối cùng cho tất cả mọi người.

(D. Todd Christofferson, “Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 113)

2. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

  • Em sẽ thêm điều gì vào câu trả lời của mình cho các câu hỏi ở đầu bài học?

  • Em sẽ giải thích như thế nào về sự phục sinh là gì đối với một người không quen thuộc với lời giảng dạy này?

  • Việc hiểu biết về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng như thế nào đến lòng biết ơn và tình yêu thương của em dành cho Chúa Giê Su Ky Tô?

Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?

Tại sao Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô lại quan trọng đối với tôi?

Trong bài nói chuyện “Đấng Cứu Rỗi Đã Làm Gì cho Chúng Ta?” Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng như thế nào đến mỗi chúng ta (Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 75–77).

In