Lớp Giáo Lý
Thông Thạo Giáo Lý: Ê Phê Sô 1:10


Thông Thạo Giáo Lý: Ê Phê Sô 1:10

Phục Hồi Tất Cả Mọi Điều

Tranh vẽ khải tượng thứ nhất của Walter Rane. Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hiện đến cùng Joseph Smith trong khu rừng thiêng liêng.

Khi học về Ê Phê Sô 1, em đã học về giáo lý của Sự Phục Hồi. Bài học này sẽ cho em cơ hội để gia tăng khả năng thông thạo những lời giảng dạy trong Ê Phê Sô 1:10 bằng cách học thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt, giải thích giáo lý và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh trong tình huống thực tế.

Giải thích và học thuộc lòng

Hãy tưởng tượng rằng một số bạn học đã vắng mặt vào ngày lớp của em nghiên cứu giáo lý về Sự Phục Hồi trong Ê Phê Sô 1. Giảng viên lớp giáo lý yêu cầu em dành vài phút để tóm tắt những lời giảng dạy quan trọng nhất mà em cảm thấy tất cả học viên đều cần biết và ghi nhớ về giáo lý của Sự Phục Hồi và những lời giảng dạy từ Ê Phê Sô 1:10.

Dùng bút mực hay bút chì viết lên một tờ giấy. 1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

  • Em sẽ chia sẻ những lẽ thật quan trọng nào về Sự Phục Hồi của phúc âm? Tại sao?

  • Em sẽ giải thích những lời giảng dạy trong Ê Phê Sô 1:10 bằng lời riêng của mình như thế nào?

  • Việc hiểu được Sự Phục Hồi có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự hiểu biết và cảm nghĩ của một người nào đó về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Trong nhật ký ghi chép việc học tập hoặc trên thiết bị kỹ thuật số, hãy ghi lại cụm từ thánh thư then chốt và phần tham khảo cho đoạn thông thạo giáo lý Ê Phê Sô 1:10 bằng cách chia thành bốn phần như minh họa bên dưới:

  • Trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn

  • Ngài có thể hội hiệp thành một

  • Muôn vật lại nơi Đấng Ky Tô

  • Ê Phê Sô 1:10

Che các dòng 2–4 và lặp lại dòng 1 trong tâm trí cho đến khi em học thuộc lòng các dòng đó. Di chuyển đến dòng thứ hai và lặp lại tiến trình đó. Làm tương tự cho các dòng 3 và 4. Khi em cảm thấy tự tin rằng mình đã học thuộc lòng tất cả bốn dòng, hãy viết tất cả bốn dòng này vào nhật ký ghi chép việc học tập mà không cần nhìn. Lặp lại tiến trình này nếu cần cho đến khi em có thể viết thuộc lòng toàn bộ cụm từ thánh then chốt và phần tham khảo.

Thực hành cách áp dụng

Cân nhắc ôn lại các đoạn 5–12 trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2022). Chọn một trong ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và tạo một biểu tượng hoặc hình ảnh trực quan tượng trưng đơn giản để nhắc nhở em về nguyên tắc này và khái niệm của nguyên tắc đó. Ví dụ: đối với nguyên tắc “xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu,” em có thể cân nhắc tạo một hình ảnh trực quan như sau:

Kính mắt cùng với một bộ ống nhòm và kính viễn vọng.

Hãy đọc tình huống sau đây để giúp em tập áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và giáo lý được dạy trong Ê Phê Sô 1:10 rằng trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn, muôn vật sẽ được quy tụ lại trong Đấng Ky Tô. Sau đó, sử dụng tình huống này hoặc tạo một tình huống của riêng em để trả lời các câu hỏi tiếp theo.

Một người bạn của em đã được làm phép báp têm cùng với gia đình của bạn ấy và cảm thấy tin tưởng vào lúc đó rằng bạn ấy đang noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô khi tham gia Giáo Hội của Ngài. Nhưng trong năm qua kể từ lễ báp têm, bạn ấy thường bị những người bạn khác cám dỗ để vi phạm các lệnh truyền. Bạn ấy bắt đầu tự hỏi liệu đây có thực sự là Giáo Hội của Đấng Ky Tô và liệu có đáng để vẫn trung tín với phúc âm hay không.

Mặc dù có một số lẽ thật có thể giúp ích cho người bạn này, nhưng hãy suy ngẫm xem các giáo lý về Sự Phục Hồi và gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn có thể củng cố và khuyến khích bạn ấy như thế nào.

Dùng bút mực hay bút chì viết lên một tờ giấy. 2. Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy trả lời các câu hỏi dưới mỗi nguyên tắc trong ba nguyên tắc sau đây:

Hành động với đức tin

  • Em có thể khuyến khích bạn mình thực hiện những bước nào để bạn ấy hành động với đức tin?

  • Làm thế nào mà việc hành động bằng đức tin có thể giúp người bạn đó giải đáp những thắc mắc và lo lắng của bạn ấy?

Xem xét các khái niệm và câu hỏi bằng một quan điểm vĩnh cửu

  • Em biết gì về những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về Sự Phục Hồi?

  • Việc duy trì một quan điểm vĩnh cửu có thể giúp ích như thế nào cho cả em và người bạn đó trong tình huống này?

Hãy tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định

  • Những lẽ thật có trong Ê Phê Sô 1:10 có thể giúp ích như thế nào trong tình huống này?

  • Nếu em có thêm thời gian trước khi trả lời bạn của mình, thì em có thể xem lại hoặc nghiên cứu điều gì? Em có thể mời người bạn này tự mình nghiên cứu những nguồn tài liệu nào? Tại sao?