Lớp Giáo Lý
Ga La Ti 6


Ga La Ti 6

“Vì Ai Gieo Giống Chi, Lại Gặt Giống Ấy”

Hình Ảnh
Người phụ nữ và bé gái thu hoạch và chăm sóc vườn tược ở Ecuador.

Em có bao giờ tự hỏi liệu nỗ lực để sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có dẫn đến mục tiêu vĩnh cửu của mình không? Phao Lô viết thư cho Các Thánh Hữu ở Ga La Ti để giúp họ nhận ra rằng cách chúng ta sống mỗi ngày ảnh hưởng đến việc liệu Đấng Cứu Rỗi sẽ ban cho chúng ta “sự sống đời đời” hay không (Ga La Ti 6:8). Bài học này có thể giúp em nhận ra những hành động cần thực hiện để đạt được những mục tiêu vĩnh cửu của mình.

Các mục tiêu vĩnh cửu

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một cuộc trò chuyện đáng nhớ mà ông từng có với một em thiếu niên.

Xem video “Hãy Chọn Lựa Một Cách Khôn Ngoan”, trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 3:03 đến 4:52 hoặc đọc lời phát biểu dưới đây. Hãy tìm kiếm những mục tiêu của người thiếu niên này và những suy nghĩ sai lầm mà bạn ấy có thể có về việc đạt được các mục tiêu đó.

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Quentin L. Cook. Được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào ngày 6 tháng Mười năm 2007.

Gần đây tôi có gặp một thiếu niên hiền lành. Mục tiêu của em ấy là đi truyền giáo, có được học vấn, kết hôn trong đền thờ, và có được một gia đình hạnh phúc trung tín. Tôi rất hài lòng với các mục tiêu của em ấy. Nhưng trong khi nói chuyện thêm, thì rõ ràng là hành vi của em ấy và những lựa chọn em ấy đưa ra lại không phù hợp với các mục tiêu của em ấy. Tôi cảm thấy là em ấy thực sự muốn đi truyền giáo và tránh những phạm giới nghiêm trọng mà sẽ ngăn cản em ấy đi truyền giáo, nhưng sinh hoạt hàng ngày của em ấy đã không chuẩn bị cho em ấy đối phó với những thử thách về thể chất, tình cảm, giao tiếp, trí tuệ và thuộc linh. Em ấy đã không học cách làm việc chăm chỉ. Em ấy đã không nghiêm túc trong việc học hành. Em ấy đi nhà thờ, nhưng đã không đọc Sách Mặc Môn. Em ấy dành rất nhiều thời giờ cho các trò chơi video và truyền thông xã hội. Em ấy dường như nghĩ rằng chỉ cần [có mặt khi] đi truyền giáo là đủ.

(Quentin L. Cook, “Hãy Chọn Lựa Một Cách Khôn Ngoan,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 47)

  • Người thiếu niên này có thể đã hiểu sai điều gì về việc đạt được mục tiêu của mình?

Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy lập một bản liệt kê vắn tắt về những mục tiêu em có mà em coi là quan trọng vĩnh viễn. Hãy suy ngẫm về lý do tại sao em muốn đạt được những mục tiêu này. Suy ngẫm xem làm thế nào mà hành vi hàng ngày của em có thể dẫn em tiến đến hoặc rời xa những mục tiêu quan trọng vĩnh viễn này. Khi em học tập, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em chỉnh đốn các hành động hàng ngày của mình tốt hơn theo các kết quả có ý nghĩa vĩnh cửu mà em mong muốn.

Luật thu hoạch

Các Thánh Hữu ở Ga La Ti gặp nguy hiểm bởi những lời dạy sai lạc khiến nhiều người bị dẫn đi lạc lối (xin xem Ga La Ti 1:6–9). Một số người đã tin và dạy giáo lý sai lạc rằng người Dân Ngoại cải đạo phải chịu phép cắt bì để được cứu rỗi (xin xem Ga La Ti 6:12; Công Vụ Các Sứ Đồ 15:1). Những người khác sai lầm khi tin rằng ân điển của Đấng Ky Tô đã cho họ được tự do phạm tội (xin xem Ga La Ti 5:13). Sau khi giải quyết những niềm tin sai lầm này và khuyến khích Các Thánh Hữu giúp đỡ những người đã lạc lối về mặt thuộc linh, Phao Lô đã dạy một lẽ thật quan trọng để giúp mọi người hiểu được tác động của những hành động của họ.

Đọc Ga La Ti 6:7–8. Hãy tìm kiếm lẽ thật mà Phao Lô đã dạy mà có thể ảnh hưởng đến những hành động hàng ngày của chúng ta. Xin lưu ý rằng gieo có nghĩa là trồng và gặt nghĩa là thu hoạch.

  • Em sẽ giải thích những lời giảng dạy của Phao Lô bằng lời riêng của mình như thế nào?

Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ Ga La Ti 6:7ai gieo giống chi thì họ sẽ gặt giống ấy. Ý tưởng này đôi khi được gọi là luật thu hoạch.

  • Em đã thấy những ví dụ nào về lẽ thật này trong cuộc sống của mình hoặc cuộc sống của những người khác?

  • Việc hiểu rõ lẽ thật này có thể ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định mà em đưa ra trong cuộc sống của mình?

Những lời dạy của An Ma cho con trai mình là Cô Ri An Tôn trong Sách Mặc Môn có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hàm ý vĩnh cửu của luật thu hoạch, hay điều mà An Ma gọi là “kế hoạch phục hồi.” Hãy đọc An Ma 41:3–6, 10–15, tìm kiếm những lẽ thật giúp gia tăng sự hiểu biết của em về những lời giảng dạy của Phao Lô.

  • Em thấy những từ hoặc cụm từ nào là quan trọng từ những câu này? Tại sao?

  • Sau khi xem lại những điều An Ma đã dạy cho Cô Ri An Tôn, lời dạy này áp dụng như thế nào cho những lời của Phao Lô rằng “vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”? (Ga La Ti 6:7).

  • Những lời giảng dạy mà em đã học hôm nay giúp em hiểu gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Lời mời gọi của Phao Lô dành cho người Ga La Ti

Phao Lô kết thúc những lời giảng dạy của mình về luật thu hoạch với một lời mời gọi. Hãy đọc Ga La Ti 6:9–10, tìm kiếm những điều mà Phao Lô đã mời gọi Các Thánh Hữu làm.

  • Em nghĩ “chớ mệt nhọc về sự làm lành” nghĩa là gì? (Ga La Ti 6:9).

  • Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương hoàn hảo về điều này như thế nào?

  • Em nghĩ Phao Lô có ý gì khi nói rằng “đến kỳ” chúng ta sẽ gặt (Ga La Ti 6:9) trong khi chúng ta cố gắng làm điều tốt cho người khác? Tại sao điều này là quan trọng cần phải hiểu?

Áp dụng những điều em đã học

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã khuyến khích chúng ta suy ngẫm về việc mỗi lựa chọn của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đến đâu (xin xem “Lựa Chọn của Tôi Sẽ Dẫn Đến Đâu?,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 60–62).

Để áp dụng lời khuyên bảo này từ Chủ Tịch Oaks, hãy thực hiện sinh hoạt sau đây.

1. Để áp dụng lời khuyên bảo này từ Chủ Tịch Oaks, hãy thực hiện sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập. Hãy chỉ đưa vào những phần trong bảng biểu của em mà không quá cá nhân để chia sẻ.

Tạo một bảng biểu tương tự như sau:

Những điều em đang gieo (những hành động em thường làm)

Những điều em đang gặt hoặc có thể mong đợi sẽ gặt được trong tương lai (kết quả do những hành động này mang lại)

Ở phía bên trái, hãy lập bản liệt kê một số việc em dành phần lớn thời gian để làm hoặc muốn bắt đầu làm thường xuyên.

Ở phía bên phải, hãy viết ra những điều em cảm thấy sẽ là kết quả của việc làm những điều đó một cách thường xuyên. Hãy suy ngẫm về những kết quả mà em có thể mong đợi nếu em lặp lại những hành động này thường xuyên trong một tuần, một tháng, một năm, năm năm hoặc thậm chí cả phần đời còn lại của mình.

Suy ngẫm về bất kỳ sự thúc giục nào em đã nhận được từ Đức Thánh Linh trong khi em học ngày hôm nay. Bên dưới bảng biểu, hãy viết ra bất kỳ sự điều chỉnh nào em cảm thấy được thúc giục để thực hiện trong cuộc sống của mình nhằm giúp em hội đủ điều kiện hơn để nhận được những phước lành mà em mong muốn. Thượng Đế sẽ giúp em khi em nỗ lực hết sức mình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 123:17).

Tùy Chọn: Muốn Tìm Hiểu Thêm? 

Ga La Ti 6:8. Nếu một người “gieo cho Thánh Linh” hoặc “gieo cho xác thịt mình” thì có nghĩa là gì?

Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Ulisses Soares, bức ảnh chân dung chính thức Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Gieo cho Thánh Linh có nghĩa là tất cả những ý nghĩ, lời nói và hành động cần phải nâng chúng ta lên đến mức độ thiêng liêng của cha mẹ thiên thượng chúng ta. Tuy nhiên, thánh thư ám chỉ xác thịt là thể xác hay bản chất trần tục của con người thiên nhiên, để cho người ta bị ảnh hưởng bởi sự đam mê, dục vọng, thèm muốn, và sự thúc đẩy của xác thịt thay vì tìm kiếm sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh. Nếu không cẩn thận thì các ảnh hưởng đó kết hợp với áp lực của điều ác trên thế gian có thể khiến cho chúng ta chấp nhận hành vi thô bỉ và khinh suất mà có thể trở thành một phần cá tính của chúng ta. Để tránh các ảnh hưởng xấu đó, chúng ta cần phải tuân theo điều Chúa đã chỉ dẫn cho Tiên Tri Joseph Smith để tiếp tục gieo cho Thánh Linh: “Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn” (Giáo Lý và Giao Ước 64:33).

(Ulisses Soares, “Hãy Ở Lại trong Lãnh Thổ của Chúa!,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 39)

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch Dallin H. Oaks được chụp vào tháng Ba năm 2018.

Nếu chúng ta say mê ma túy hoặc nội dung khiêu dâm hoặc những điều tà ác khác mà Sứ Đồ [Phao Lô] gọi là gieo cho xác thịt, luật vĩnh cửu quy định rằng chúng ta thu hoạch sự hư hỏng [thay vì] sự sống vĩnh cửu. Đó là sự công bình của Thượng Đế, và lòng nhân từ không thể cướp đi sự công bình. Nếu phá vỡ một luật vĩnh cửu, thì người đó phải chịu hình phạt gắn liền với luật đó. Một số điều này có thể được thỏa mãn bởi Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, nhưng việc thanh tẩy nhân từ cho kẻ tội lỗi bẩn thỉu chỉ đến sau khi hối cải (xin xem An Ma 42:22–25), đối với một số tội lỗi là một quá trình kéo dài và đau đớn.

(Dallin H. Oaks, “Đừng Để Bị Lừa Gạt,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 45)

Làm thế nào mà những nỗ lực nhỏ bé có thể thay đổi cuộc sống của tôi và cuộc sống của những người khác?

In