Ga La Ti 1
“Tôi Không Nhận và Cũng Không Học Tin Lành Đó với Một Người Nào, Nhưng … Bởi Sự Tỏ Ra của Đức Chúa Giê Su Ky Tô”
Em có bao giờ cảm thấy hoang mang bởi tất cả những ý kiến và triết lý khác nhau trên thế gian không? Các Thánh Hữu ở Ga La Ti đã trải qua những thử thách tương tự khi họ được trình bày những lời giảng dạy dẫn họ rời xa phúc âm chân chính của Đấng Ky Tô. Bài học này có thể giúp em học cách tránh bị lừa gạt và hoang mang bằng cách nghe theo những lời của Chúa Giê Su Ky Tô ban cho các vị tiên tri thời xưa lẫn thời hiện đại.
Gặp phải những ý kiến sai lạc
Hãy nghĩ về cách em sẽ phản ứng trong những tình huống sau đây:
-
Em thấy một video hoặc bài đăng phổ biến đang được nhiều bạn bè của mình chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội. Video hoặc bài đăng đó có những ý kiến đi ngược lại điều em đã được giảng dạy ở nhà và trong Giáo Hội.
-
Ở trường học, một vài người bạn là tín hữu Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang đưa ra những ý kiến trái ngược với những lời giảng dạy của Giáo Hội.
-
Em có thường xuyên gặp phải những tình huống như vậy không?
-
Em cảm thấy mình nên làm gì trong những tình huống như vậy? Tại sao?
-
Các Thánh Hữu ở Ga La Ti cũng gặp phải những lời giảng dạy từ những người tìm cách “đánh đổ tin lành của Đấng Ky Tô” (Ga La Ti 1:7). Ví dụ, một số Ky Tô Hữu người Do Thái đang làm sai lạc những lời giảng dạy phúc âm và làm gia tăng nỗi nghi ngờ về lời giảng dạy của Phao Lô rằng sự cứu rỗi chỉ đến qua Chúa Giê Su Ky Tô.
Phao Lô cảnh báo Các Thánh Hữu Ga La Ti về những ý kiến sai lạc
Phao Lô viết một bức thư để chống lại những lời giảng dạy sai lạc đang được lan truyền giữa Các Thánh Hữu Ga La Ti.
Hãy đọc Ga La Ti 1:6–9. Hãy tìm kiếm những điều Phao Lô đã nói về những người thuyết giảng một “phúc âm” trái ngược với điều ông đã thuyết giảng với tư cách là một Vị Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Em thấy điều gì là quan trọng trong các câu này? Tại sao?
Phao Lô cảnh báo Các Thánh Hữu Ga La Ti phải bác bỏ “tin lành nào khác” (Ga La Ti 1:9) ngoài phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Một số ví dụ nào về những ý kiến sai lạc trong thời kỳ chúng ta có thể dẫn dắt mọi người rời xa phúc âm chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Các nguyên tắc chân chính nào đã bị thế gian hiểu lầm hoặc bị xuyên tạc?
-
Một số hậu quả có thể xảy ra khi lắng nghe hoặc tuân theo những ý kiến hoặc lời giảng dạy sai lầm này là gì? Em từng thấy một số hậu quả này khi nào?
Chúng ta có thể tìm đến các vị tiên tri và sứ đồ để tìm kiếm lẽ thật
Trong bức thư của ông, Phao Lô đã nhắc nhở Các Thánh Hữu Ga La Ti về các lẽ thật phúc âm chính yếu và nguồn gốc của thẩm quyền và những lời giảng dạy của ông.
Đọc Ga La Ti 1:1–5, 10–12, tìm kiếm những điều mà Phao Lô đã chia sẻ có thể giúp Các Thánh Hữu tránh bị lừa gạt bởi những lời giảng dạy sai lạc.
-
Phao Lô đã nhắc nhở dân Ga La Ti về những lẽ thật phúc âm nào?
Phao Lô nhắc nhở dân Ga La Ti rằng ông là một Vị Sứ Đồ, được kêu gọi “chẳng phải bởi loài người …, [mà] bởi Chúa Giê Su Ky Tô” (Ga La Ti 1:1), và rằng ông đã nhận được phúc âm “bởi sự tỏ ra của Chúa Giê Su Ky Tô” (Ga La Ti 1:12). Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ những lời của Phao Lô là Chúa Giê Su Ky Tô mặc khải giáo lý chân chính cho các vị tiên tri và sứ đồ của Ngài.
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy về tầm quan trọng của những lời của các vị tiên tri thời xưa lẫn thời hiện đại:
Thanh sắt là lời của Thượng Đế. Tôi thích nghĩ thanh sắt đó theo cách này: Lời của Thượng Đế chứa đựng ba yếu tố rất mạnh mẽ đan xen vào nhau và hỗ trợ lẫn nhau để tạo thành một thanh sắt bất di bất dịch. Ba yếu tố này gồm có, trước hết là thánh thư, hoặc những lời của các vị tiên tri thời xưa. …
Yếu tố thứ hai trong lời của Thượng Đế là sự mặc khải và soi dẫn cá nhân mà đến với chúng ta qua Đức Thánh Linh. …
… Yếu tố thứ ba, một sự bổ sung thiết yếu đan xen với hai yếu tố kia[,] … tượng trưng cho những lời của các vị tiên tri tại thế.
(Neil L. Andersen, “Hold Fast to the Words of the Prophets” [Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 4 tháng Ba năm 2007], speeches.byu.edu)
-
Những nỗ lực của Thượng Đế để cung cấp cho chúng ta những nguồn tài liệu này dạy chúng ta điều gì về Ngài?
-
Làm thế nào mà việc nghe theo những lời của Đấng Ky Tô từ các vị tiên tri thời xưa lẫn hiện đại có thể giúp em tránh bị lừa gạt?
-
Làm thế nào mà sự mặc khải cá nhân có thể giúp em tránh bị lừa gạt?
Hoàn cảnh cá nhân của em
Hãy suy ngẫm về những điều em đã học và cảm nhận được hôm nay. Tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh và nhận ra những cách thức mà em hiện có thể dễ bị lừa gạt. Những lời giảng dạy hoặc ý kiến sai lạc nào của thế gian có thể làm tổn hại đến chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô? Em có đọc, xem, hoặc lắng nghe bất cứ điều gì mà có thể đang lừa dối em không?
Tùy Chọn: Muốn Tìm Hiểu Thêm?
Phao Lô có dạy chúng ta không nên lắng nghe những sứ điệp từ các thiên sứ không?
Những lời giảng dạy của Phao Lô trong Ga La Ti 1:8–10 đôi khi được sử dụng sai để phản bác những khải tượng về các thiên sứ thuyết giảng một phúc âm phục hồi. Tuy nhiên, Phao Lô đã không dạy rằng tất cả các thiên sứ phải bị chối bỏ, vì thánh thư cho thấy rằng các thiên sứ quả thật sẽ đến vào những ngày sau cùng để thuyết giảng phúc âm một lần nữa (xin xem Khải Huyền 14:6). Thay vì thế, Phao Lô dạy rằng nếu có bất cứ ai—ngay cả một thiên sứ—đến để làm cho dân chúng xa lánh phúc âm chân chính, thì người đó cần phải bị chối bỏ (xin xem thêm An Ma 30:53).
Tại sao tôi nên sử dụng các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định trong việc tìm kiếm lẽ thật?
Những lời cảnh báo của Phao Lô áp dụng như thế nào ngày nay?
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã cảnh báo:
Chúng ta sống trong một thời kỳ đầy rẫy những thông tin sẵn có và được truyền bá rộng rãi. Nhưng không phải tất cả những thông tin này đều chính xác. Chúng ta cần phải thận trọng khi tìm kiếm lẽ thật và chọn nguồn thông tin cho công cuộc tìm kiếm đó. Chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ vì có ảnh hưởng hoặc quyền hành trong xã hội thì xứng đáng làm nguồn lẽ thật. Chúng ta cần phải thận trọng với việc trông cậy vào những thông tin hoặc lời khuyên bảo đưa ra bởi những ngôi sao giải trí, vận động viên nổi tiếng, hoặc những nguồn vô danh trên Internet. Một người thành thạo trong một lĩnh vực không nên được cho là thành thạo về lẽ thật trong các đề tài khác.
(Dallin H. Oaks, “Lẽ Thật và Kế Hoạch,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 25)