“Chương 3: Bài 1—Sứ Điệp về Sự Phục Hồi Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)
“Chương 3: Bài 1,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta
Chương 3: Bài 1
Sứ Điệp về Sự Phục Hồi Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô
Từ buổi ban đầu của thế gian, Thượng Đế đã mặc khải phúc âm cho con cái của Ngài qua các vị tiên tri. Ngài đã làm điều này qua Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Vào thời xưa, Chúa Giê Su đã mặc khải phúc âm cho các vị tiên tri như A Đam, Nô Ê, Áp Ra Ham và Môi Se. Nhưng nhiều người đã bác bỏ phúc âm.
Cách đây hai ngàn năm, chính Chúa Giê Su Ky Tô đã giảng dạy phúc âm của Ngài và thiết lập Giáo Hội của Ngài. Người ta thậm chí còn chối bỏ Chúa Giê Su. Ngay sau khi Ngài chết, đã lan tràn sự rời bỏ lẽ thật và Giáo Hội của Chúa. Phúc âm trọn vẹn và thẩm quyền chức tư tế không còn ở trên thế gian nữa.
Nhiều thế kỷ sau, Thượng Đế kêu gọi một vị tiên tri khác, Joseph Smith. Thượng Đế đã phục hồi phúc âm trọn vẹn qua ông và cho phép ông tổ chức lại Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Việc có được phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian là một trong những phước lành lớn lao trong thời kỳ của chúng ta. Phúc âm giúp chúng ta trả lời những câu hỏi hóc búa nhất của cuộc sống. Các vị tiên tri tại thế hướng dẫn chúng ta vượt qua những thời kỳ thử thách. Thẩm quyền chức tư tế của Thượng Đế có mặt một lần nữa trên thế gian để ban phước cho con cái của Ngài.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Phần này đưa ra một đại cương mẫu để giúp anh chị em chuẩn bị giảng dạy. Nó cũng bao gồm các ví dụ về những câu hỏi và lời mời mà anh chị em có thể sử dụng.
Khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy, hãy thành tâm xem xét hoàn cảnh và nhu cầu thuộc linh của mỗi người. Quyết định điều gì sẽ hữu ích nhất để giảng dạy. Chuẩn bị để định nghĩa các thuật ngữ mà người khác có thể không hiểu. Hoạch định theo lượng thời gian anh chị em sẽ có và nhớ giữ cho bài học ngắn gọn.
Chọn những câu thánh thư để sử dụng khi anh chị em giảng dạy. Phần “Nền Tảng Giáo Lý” của bài học gồm có nhiều câu thánh thư hữu ích.
Cân nhắc những câu hỏi nào cần hỏi khi anh chị em giảng dạy. Hoạch định đưa ra những lời mời mà sẽ khuyến khích mỗi người hành động.
Nhấn mạnh đến các phước lành đã được hứa của Thượng Đế và chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về điều anh chị em giảng dạy.
Những Điều mà Anh Chị Em Có Thể Giảng Dạy trong 15 đến 25 phút
Hãy chọn một hoặc nhiều nguyên tắc hơn sau đây để giảng dạy. Nền tảng giáo lý cho mỗi nguyên tắc được đưa ra sau đại cương này.
Thượng Đế là Cha Thiên Thượng Nhân Từ của Chúng Ta
-
Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta và chúng ta là con cái của Ngài. Ngài sáng tạo chúng ta theo hình ảnh của Ngài.
-
Thượng Đế biết rõ mỗi người chúng ta và yêu thương chúng ta.
-
Thượng Đế có một thể xác vinh quang, hoàn hảo bằng xương bằng thịt.
-
Thượng Đế muốn ban phước cho chúng ta với sự bình an và niềm vui trọn vẹn mà sẽ tồn tại vĩnh viễn.
-
Vì yêu thương chúng ta nên Thượng Đế đã sai Con Trai của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô đến để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết.
Thượng Đế Mặc Khải Phúc Âm qua Các Vị Tiên Tri trong Mỗi Gian Kỳ
-
Thượng Đế kêu gọi các vị tiên tri làm những người đại diện của Ngài trên thế gian.
-
Thời xưa, Thượng Đế đã kêu gọi các vị tiên tri như A Đam, Nô Ê, Áp Ra Ham và Môi Se.
-
Một vị tiên tri tại thế nhận được sự mặc khải từ Thượng Đế để giảng dạy và hướng dẫn chúng ta ngày nay.
Giáo Vụ Trần Thế và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô
-
Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế.
-
Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã giảng dạy phúc âm của Ngài và thiết lập Giáo Hội của Ngài.
-
Chúa Giê Su kêu gọi mười hai Vị Sứ Đồ và ban cho họ thẩm quyền để hướng dẫn Giáo Hội của Ngài.
-
Vào cuối cuộc đời Ngài, Chúa Giê Su đã chuộc tội lỗi của chúng ta bằng nỗi đau khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trong lúc bị đóng đinh. Sau khi Chúa Giê Su chết, Ngài đã phục sinh.
-
Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su nên chúng ta có thể được tha thứ và tẩy sạch tội lỗi của mình khi chúng ta hối cải. Điều này mang lại cho chúng ta sự bình an và giúp chúng ta có thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế và nhận được niềm vui trọn vẹn.
-
Nhờ vào Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su nên chúng ta sẽ đều được phục sinh sau khi chết. Điều này có nghĩa là linh hồn và thể xác của mỗi người sẽ được tái hợp và sống vĩnh viễn.
Sự Bỏ Đạo
-
Sau khi Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su qua đời, có nhiều người rời bỏ phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Trong thời gian này, người ta đã thay đổi nhiều điều giảng dạy về phúc âm. Người ta cũng thay đổi các giáo lễ của chức tư tế, chẳng hạn như phép báp têm. Thẩm quyền chức tư tế và Giáo Hội mà Chúa Giê Su đã thiết lập không còn ở trên thế gian nữa.
Sự Phục Hồi Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô qua Joseph Smith
-
Joseph Smith cố gắng để biết giáo hội nào là Giáo Hội chân chính của Thượng Đế để ông có thể gia nhập giáo hội đó. Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng ông vào năm 1820. Sự kiện này được gọi là Khải Tượng Thứ Nhất.
-
Thượng Đế kêu gọi Joseph Smith làm một vị tiên tri, cũng giống như Ngài đã kêu gọi các vị tiên tri trong thời kỳ trước.
-
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được phục hồi qua Joseph Smith.
-
Các thiên sứ khác đã phục hồi chức tư tế, và Joseph được phép tổ chức Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Chúa Giê Su Ky Tô tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội của Ngài ngày nay qua các vị tiên tri và sứ đồ tại thế.
Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô
-
Sách Mặc Môn là một quyển thánh thư được viết vào thời xưa bởi các vị tiên tri ở Châu Mỹ. Joseph Smith đã phiên dịch sách đó bởi ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.
-
Cùng với Kinh Thánh, Sách Mặc Môn cung cấp sự làm chứng về giáo vụ, những lời giảng dạy và sứ mệnh của Chúa Giê Su với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
-
Chúng ta có thể đến gần Thượng Đế hơn bằng cách đọc Sách Mặc Môn và tuân theo những lời giảng dạy trong sách.
-
Chúng ta có thể biết rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế bằng cách đọc, suy ngẫm và cầu nguyện về sách này. Tiến trình này cũng sẽ giúp chúng ta biết rằng Joseph Smith là một vị tiên tri.
Cầu Nguyện để Biết Lẽ Thật qua Đức Thánh Linh
-
Cầu nguyện là sự giao tiếp hai chiều giữa Thượng Đế và con cái của Ngài.
-
Qua lời cầu nguyện chân thành, chúng ta có thể biết rằng sứ điệp về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là có thật.
-
Khi chúng ta cầu nguyện, Đức Thánh Linh giảng dạy và xác nhận lẽ thật cho chúng ta.
Những Câu Hỏi mà Anh Chị Em Có Thể Hỏi Mọi Người
Các câu hỏi sau đây là ví dụ về những câu hỏi mà anh chị em có thể hỏi mọi người. Những câu hỏi này có thể giúp anh chị em có những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa và hiểu được nhu cầu cũng như quan điểm của một người.
-
Anh (chị, em) tin vào điều gì về Thượng Đế?
-
Cảm giác gần gũi hơn với Thượng Đế sẽ giúp đỡ cho anh (chị, em) như thế nào?
-
Anh (chị, em) biết gì về Chúa Giê Su Ky Tô? Cuộc đời và những lời giảng dạy của Ngài đã ảnh hưởng như thế nào đến anh (chị, em)?
-
Làm thế nào để anh (chị, em) tìm thấy những câu trả lời đáng tin cậy trong thế giới đầy hoang mang ngày nay?
-
Việc biết rằng có một vị tiên tri tại thế trên thế gian ngày nay sẽ giúp ích như thế nào cho anh (chị, em)?
-
Anh (chị, em) có nghe nói về Sách Mặc Môn chưa? Chúng tôi có thể xin được chia sẻ lý do tại sao sách đó quan trọng không?
-
Anh (chị, em) có thể chia sẻ niềm tin của mình về sự cầu nguyện không? Chúng tôi có thể xin được chia sẻ niềm tin của mình về sự cầu nguyện không?
Những Lời Mời mà Anh Chị Em Có Thể Đưa Ra
-
Anh (chị, em) sẽ cầu xin Thượng Đế khi cầu nguyện để giúp anh (chị, em) biết rằng những gì chúng tôi đã giảng dạy là chân chính chứ? (Xin xem “Giảng Dạy với Sự Hiểu Biết Thấu Đáo: Cầu Nguyện” trong phần cuối của bài học này.)
-
Anh (chị, em) sẽ tham dự nhà thờ vào Chủ Nhật này để tìm hiểu thêm về những gì chúng tôi đã giảng dạy chứ?
-
Anh (chị, em) sẽ đọc Sách Mặc Môn và cầu nguyện để biết rằng đó là lời của Thượng Đế chứ? (Anh chị em có thể đề nghị các chương hoặc các câu thánh thư cụ thể.)
-
Anh (chị, em) sẽ noi theo gương của Chúa Giê Su và chịu phép báp têm chứ? (Xin xem “Lời Mời Chịu Phép Báp Têm và Được Làm Lễ Xác Nhận,” ngay trước bài học này.)
-
Chúng tôi có thể ấn định giờ cho chuyến thăm tiếp theo của mình không?
Nền Tảng Giáo Lý
Phần này đưa ra giáo lý và các câu thánh thư để anh chị em nghiên cứu nhằm củng cố sự hiểu biết và chứng ngôn của anh chị em về phúc âm cũng như giúp đỡ anh chị em giảng dạy.
Thượng Đế là Cha Thiên Thượng Nhân Từ của Chúng Ta
Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta và chúng ta là con cái của Ngài. Ngài sáng tạo chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Ngài có một “thể xác bằng xương và thịt đầy vinh quang, hoàn hảo và hữu hình như loài người” (Giáo Lý và Giao Ước 130:22).
Thượng Đế biết rõ từng người chúng ta, và Ngài yêu thương chúng ta nhiều hơn chúng ta có thể hiểu được. Ngài hiểu những thử thách, nỗi buồn khổ và sự yếu kém của chúng ta, và Ngài muốn giúp đỡ chúng ta vượt qua chúng. Ngài hân hoan trước sự tiến triển của chúng ta và sẽ giúp chúng ta có những lựa chọn đúng. Ngài muốn giao tiếp với chúng ta, và chúng ta có thể giao tiếp với Ngài qua lời cầu nguyện.
Thượng Đế đã ban cho chúng ta kinh nghiệm này trên thế gian để chúng ta có thể học hỏi, tăng trưởng và trở nên giống như Ngài hơn. Với tình yêu thương trọn vẹn, Ngài muốn chúng ta trở về với Ngài sau khi chết. Tuy nhiên, chúng ta không thể tự mình làm điều này. Vì Thượng Đế yêu thương chúng ta nên Ngài đã sai Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su, đến cứu chuộc chúng ta. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, … hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu” (Giăng 3:16–17).
Thượng Đế muốn ban phước cho chúng ta với sự bình an và niềm vui trọn vẹn mà sẽ tồn tại vĩnh viễn. Ngài đã ban cho một kế hoạch mà mang đến cho chúng ta cơ hội để nhận được những phước lành này. Kế hoạch này được gọi là kế hoạch cứu rỗi (xin xem bài học 2).
Thượng Đế Mặc Khải Phúc Âm qua Các Vị Tiên Tri trong Mỗi Gian Kỳ
Các Vị Tiên Tri Là Những Người Đại Diện của Thượng Đế trên Thế Gian
Một cách quan trọng mà Thượng Đế cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta là bằng cách kêu gọi các vị tiên tri, ban cho họ thẩm quyền chức tư tế, và soi dẫn họ để nói thay cho Ngài. Các Vị Tiên Tri là những người đại diện của Thượng Đế trên thế gian. Tiên tri A Mốt thời Cựu Ước đã ghi lại rằng “Chúa Giê Hô Va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các Đấng tiên tri” (A Mốt 3:7). Dưới đây là một số phước lành chúng ta nhận được từ các vị tiên tri tại thế.
Các nhân chứng của Chúa Giê Su Ky Tô. Các vị tiên tri là nhân chứng đặc biệt của Chúa Giê Su Ky Tô, làm chứng về Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.
Những Lời Giảng Dạy. Các vị tiên tri nhận được sự hướng dẫn từ Thượng Đế để giúp chúng ta phân biệt lẽ thật với sự sai lầm. Họ dạy chúng ta tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế và hối cải khi vấp phạm. Họ tố cáo tội lỗi và cảnh báo về những hậu quả của nó.
Những lời giảng dạy của các vị tiên tri nâng chúng ta đến với Thượng Đế và giúp chúng ta nhận được các phước lành mà Ngài mong muốn dành cho chúng ta. Sự an toàn lớn nhất của chúng ta nằm ở việc tuân theo lời của Chúa được ban cho qua các vị tiên tri của Ngài.
Thẩm Quyền Chức Tư Tế. Vị tiên tri hiện tại là người nắm giữ chức tư tế chủ tọa trên thế gian. Chức tư tế là thẩm quyền và quyền năng của Thượng Đế. Vị tiên tri có thẩm quyền nhân danh Thượng Đế để nói và hành động cho sự cứu rỗi con cái của Ngài.
Sự Hướng Dẫn của Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được xây dựng trên nền tảng của các vị tiên tri và sứ đồ (xin xem Ê Phê Sô 2:19–20; 4:11–14).
Các Vị Tiên Tri Thời Xưa
A Đam là vị tiên tri đầu tiên trên thế gian. Thượng Đế đã mặc khải phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho ông và ban cho ông thẩm quyền chức tư tế. A Đam và Ê Va đã dạy con cái của họ những lẽ thật này và khuyến khích họ phát triển đức tin và sống theo phúc âm.
Cuối cùng thì con cháu của A Đam và Ê Va đã nổi loạn và từ bỏ phúc âm. Điều này dẫn đến một tình trạng được gọi là sự bội giáo hay rời bỏ. Khi sự bội giáo lan rộng, Thượng Đế rút lại thẩm quyền chức tư tế của Ngài, tức là điều cần thiết để giảng dạy và thực hiện các giáo lễ phúc âm.
Kinh Cựu Ước ghi lại nhiều trường hợp về sự bội giáo lan rộng. Để kết thúc những giai đoạn này, Thượng Đế đã tiếp cận với con cái của Ngài bằng cách kêu gọi một vị tiên tri khác. Ngài đã mặc khải các lẽ thật của phúc âm một lần nữa cho các vị tiên tri này và ban cho họ thẩm quyền chức tư tế. Một trong số các vị tiên tri này là Nô Ê, Áp Ra Ham và Môi Se. Tiếc thay, theo một khuôn mẫu lặp đi lặp lại theo thời gian, cuối cùng mọi người cũng đã chối bỏ các vị tiên tri và bỏ đạo.
Giáo Vụ Trần Thế và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô
Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Chúa Giê Su và Sự Chuộc Tội của Ngài là trọng tâm kế hoạch của Thượng Đế dành cho chúng ta. Sự Chuộc Tội của Ngài gồm có nỗi đau khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, nỗi đau khổ và cái chết của Ngài trên cây thập tự và Sự Phục Sinh của Ngài.
Từ thời A Đam và Ê Va, mọi người mong đợi sự giáng lâm của Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của họ. Cha Thiên Thượng đã phái Chúa Giê Su đến thế gian cách đây hơn 2.000 năm.
Chúa Giê Su sống một cuộc sống hoàn hảo, vô tội. Ngài giảng dạy phúc âm của Ngài và thiết lập Giáo Hội của Ngài. Ngài kêu gọi Mười Hai Vị Sứ Đồ và ban cho họ thẩm quyền chức tư tế để giảng dạy và thực hiện các giáo lễ thiêng liêng, như phép báp têm. Ngài cũng ban cho họ thẩm quyền chức để lãnh đạo Giáo Hội của Ngài.
Vào cuối cuộc đời Ngài, Chúa Giê Su đã chuộc tội lỗi của chúng ta bằng nỗi đau khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trong lúc bị đóng đinh. Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su nên chúng ta có thể được tẩy sạch tội lỗi của mình khi chúng ta hối cải. Điều này giúp chúng ta có thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế và nhận được niềm vui trọn vẹn.
Sau khi Chúa Giê Su bị đóng đinh, Ngài đã phục sinh, chiến thắng cái chết bởi quyền năng của Cha Thiên Thượng. Nhờ vào Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su, nên tất cả chúng ta sẽ được phục sinh sau khi chết. Điều này có nghĩa là linh hồn và thể xác của mỗi người sẽ được tái hợp và mỗi người chúng ta sẽ sống vĩnh viễn trong một thể xác hoàn hảo, phục sinh. (Xin xem “Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô” trong bài học 2.)
Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất và sống lại vào ngày thứ ba và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 49).
Sự Bỏ Đạo
Sau cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô, Các Sứ Đồ của Ngài đã tìm cách giữ cho giáo lý của Đấng Ky Tô được thuần khiết và duy trì trật tự trong Giáo Hội. Tuy nhiên, nhiều tín hữu Giáo Hội đã từ bỏ Các Sứ Đồ và giáo lý mà Chúa Giê Su đã giảng dạy.
Sau khi Các Sứ Đồ bị giết, đã có nhiều người rời bỏ phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự rời bỏ này đôi khi được gọi là Sự Đại Bội Giáo. Vì thế, Thượng Đế đã rút thẩm quyền chức tư tế khỏi thế gian. Sự mất mát này gồm có thẩm quyền cần thiết để hướng dẫn Giáo Hội. Do đó, Giáo Hội mà Chúa Giê Su đã thiết lập không còn ở trên thế gian nữa.
Trong thời gian này, người ta đã thay đổi nhiều điều giảng dạy về phúc âm. Phần lớn kiến thức về thiên tính thực sự của Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và Đức Thánh Linh đã bị bóp méo hoặc biến mất. Người ta cũng thay đổi các giáo lễ của chức tư tế, chẳng hạn như phép báp têm.
Nhiều thế kỷ sau, những người nam và người nữ đi tìm kiếm lẽ thật đã cố gắng sửa lại những điều giảng dạy và thực hành đã bị thay đổi. Họ tìm kiếm ánh sáng thuộc linh rực rỡ hơn, và một số người trong số họ đã nói về sự cần thiết phải phục hồi lẽ thật. Những nỗ lực của họ đã dẫn đến việc tổ chức nhiều giáo hội.
Khoảng thời gian này dẫn đến việc quyền tự do tôn giáo ngày càng được chú trọng, mở đường cho việc phục hồi lẽ thật và thẩm quyền từ Thượng Đế.
Các vị tiên tri và sứ đồ đã báo trước về sự bỏ đạo (xin xem 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:1–3). Họ cũng đã báo trước rằng phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ được phục hồi trên thế gian (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 3:20–21). Nếu không có sự bỏ đạo thì đã không cần phải có sự phục hồi.
Sự Phục Hồi Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô qua Joseph Smith
Khải Tượng Thứ Nhất và Sự Kêu Gọi của Joseph Smith với tư cách là một Vị Tiên Tri
Trong các thế kỷ khi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô không có ở trên thế gian, Cha Thiên Thượng vẫn tiếp tục tìm đến con cái của Ngài. Theo thời gian, Ngài đã chuẩn bị con đường để họ có thể được ban phước một lần nữa với phúc âm trọn vẹn của Ngài. Khi hoàn cảnh được thích hợp, Ngài đã kêu gọi Joseph Smith làm vị tiên tri mà qua ông phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ được phục hồi.
Joseph Smith sống ở miền đông Hoa Kỳ vào thời điểm mà tôn giáo đang có nhiều sôi nổi. Những người trong gia đình ông đã tận tụy với Thượng Đế và tìm kiếm lẽ thật. Nhiều giáo hội khẳng định rằng họ có lẽ thật, và Joseph muốn biết giáo hội nào là đúng (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:18). Kinh Thánh dạy rằng “chỉ có chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp têm” (Ê Phê Sô 4:5). Khi Joseph tham dự nhiều nhà thờ khác nhau, ông đã hoang mang không biết nên gia nhập giáo hội nào. Về sau, ông nói:
“Vì sự tranh chấp và sự hỗn loạn giữa các giáo phái lúc bấy giờ quá lớn lao, nên một người trẻ tuổi … như tôi lúc đó không thể nào đi đến kết luận chắc chắn là ai đúng và ai sai. …
“Ở giữa trận khẩu chiến và xung đột về quan điểm này, tôi thường tự hỏi: Bây giờ mình phải làm gì đây? Trong số các giáo phái này, giáo phái nào đúng, hay là tất cả họ đều sai lầm? Nếu có một giáo phái nào đúng, thì đó là giáo phái nào, và làm sao tôi biết được?” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:8, 10).
Giống như nhiều người, Joseph Smith cũng có thắc mắc về sự cứu rỗi của linh hồn mình. Ông muốn tội lỗi của mình được tha thứ và được trong sạch trước mặt Thượng Đế. Trong khi tìm kiếm lẽ thật ở giữa những giáo hội khác nhau, ông đã đọc trong Kinh Thánh: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia Cơ 1:5).
Vì đoạn thánh thư này nên Joseph đã quyết định đi cầu vấn Thượng Đế để xem mình nên làm gì. Vào mùa xuân năm 1820, ông đến một khu rừng gần nhà và quỳ xuống cầu nguyện. Có bốn bài tường thuật về khải tượng sau đó, được ghi lại bởi Joseph Smith hoặc bởi những người ghi chép dưới sự hướng dẫn của ông (xin xem Gospel Topics Essays [Các Bài Tiểu Luận về Đề Tài Phúc Âm], “First Vision Accounts”). Trong bài tường thuật được coi như là thánh thư, ông đã mô tả kinh nghiệm của mình như sau:
“Tôi thấy một luồng ánh sáng ngay trên đầu tôi, sáng hơn cả ánh sáng mặt trời, ánh sáng ấy từ từ hạ xuống cho đến khi phủ lên tôi. … Khi ánh sáng chan hòa trên người tôi, tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith— Lịch Sử 1:16–17).
Trong khải tượng này, Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng Joseph Smith. Đấng Cứu Rỗi đã phán bảo ông là không được gia nhập giáo hội nào cả.
Trong một lời tường thuật khác về khải tượng này, Joseph đã chia sẻ rằng Đấng Cứu Rỗi cũng đã phán bảo ông: “Những tội lỗi của ngươi đã được tha. … Này, ta là Chúa của vinh quang. Ta bị đóng đinh trên thập tự giá vì thế gian, rằng tất cả những ai tin vào danh của ta có thể có cuộc sống Vĩnh Cửu.”
Sau khải tượng đó, Joseph đã suy ngẫm: “Lòng tôi chan hòa tình thương yêu và trong nhiều ngày tôi đã có thể hân hoan với niềm vui lớn lao và Chúa đã ở cùng tôi” (Joseph Smith History, circa Summer năm 1832, trang 3, josephsmithpapers.org; chính tả và phép chấm câu đã được hiện đại hóa).
Qua khải tượng này, Joseph Smith đã trở thành nhân chứng của Chúa Giê Su Ky Tô và biết được những lẽ thật quan trọng về Thiên Chủ Đoàn. Ví dụ, ông đã biết được rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là hai Đấng riêng biệt. Khi hai Ngài gọi tên ông thì ông biết rằng hai Ngài đã biết rõ về cá nhân ông. Khi Joseph được cho biết rằng ông đã được tha thứ thì ông biết rằng Thượng Đế đầy lòng thương xót. Kinh nghiệm này làm cho lòng ông tràn ngập niềm vui.
Như Thượng Đế đã làm với nhiều vị tiên tri trước đây, Ngài kêu gọi Joseph Smith làm vị tiên tri mà qua ông phúc âm trọn vẹn sẽ được phục hồi trên thế gian. Sự phục hồi này sẽ giúp con cái của Thượng Đế tìm thấy niềm vui trong thế giới này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau—tất cả đều nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô.
Sự Phục Hồi Chức Tư Tế và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế
Sau sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, các sứ giả thiên thượng khác cũng đã được gửi đến Joseph Smith và người cộng sự của ông là Oliver Cowdery. Giăng Báp Tít hiện đến với tư cách là một người được phục sinh và truyền giao Chức Tư Tế A Rôn và các chìa khóa của Chức Tư Tế A Rôn cho họ. Chức Tư Tế A Rôn bao gồm thẩm quyền làm phép báp têm.
Ngay sau đó, Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng—ba trong số Các Sứ Đồ đầu tiên của Đấng Ky Tô—hiện đến với tư cách là những người được phục sinh và truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cùng các chìa khóa của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cho Joseph Smith và Oliver Cowdery. Chức tư tế này cũng chính là thẩm quyền mà Đấng Ky Tô đã ban cho Các Sứ Đồ của Ngài vào thời xưa.
Trong Đền Thờ Kirtland, Môi Se, Ê Li A và Ê Li đã hiện đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery và truyền giao cho họ thêm thẩm quyền và các chìa khóa của chức tư tế cần thiết để thực hiện công việc của Thượng Đế trong những ngày sau. Môi Se truyền giao các chìa khóa của sự quy tụ Y Sơ Ra Ên. Ê Li A truyền giao gian kỳ phúc âm của Áp Ra Ham. Ê Li truyền giao các chìa khóa của quyền năng gắn bó. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:11–16; xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, phần 3.1.)
Tổ Chức của Giáo Hội
Joseph Smith được hướng dẫn để tổ chức Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô một lần nữa trên thế gian. Chúa Giê Su Ky Tô kêu gọi mười hai Vị Sứ Đồ qua ông.
Các vị tiên tri trong thời Kinh Thánh đã gọi thời kỳ mà chúng ta đang sống là những ngày cuối cùng hoặc những ngày sau cùng. Đó là thời gian không lâu trước Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là lý do tại sao Giáo Hội được đặt tên là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 115:3–4; xin xem thêm 3 Nê Phi 27:3–8).
Các Vị Tiên Tri và Sứ Đồ Ngày Nay
Giống như Chúa Giê Su đã kêu gọi Các Sứ Đồ trong giáo vụ trên trần thế của Ngài để lãnh đạo Giáo Hội của Ngài, thì Ngài đã kêu gọi Các Sứ Đồ để lãnh đạo Giáo Hội ngày nay. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải.
Chỉ có Vị Sứ Đồ trưởng mới được gọi là vị tiên tri vì ông chủ tọa toàn thể Giáo Hội và có được thẩm quyền duy nhất để nói thay cho Chúa. Ông được phép kế vị Joseph Smith. Ông và Các Sứ Đồ hiện tại truy nguyên thẩm quyền của họ đến Chúa Giê Su Ky Tô trong một chuỗi lễ sắc phong liên tục mà bắt đầu khi Joseph Smith được sắc phong dưới bàn tay của các sứ giả thiên thượng.
Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô
Sách Mặc Môn là một quyển thánh thư xưa như Kinh Thánh. Kinh Thánh là một chứng thư về Chúa Giê Su Ky Tô, và Sách Mặc Môn là chứng thư thứ hai về giáo vụ của Ngài, những lời giảng dạy của Ngài và sứ mệnh của Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Joseph Smith được một sứ giả thiên thượng tên là Mô Rô Ni hướng dẫn đến một ngọn đồi nơi mà một biên sử cổ xưa đã được chôn giấu trong nhiều thế kỷ. Biên sử này, được ghi trên các bảng khắc bằng vàng (các tấm kim loại mỏng), chứa đựng những bài viết của các vị tiên tri về những giao tiếp của Thượng Đế với một số cư dân thời xưa ở Châu Mỹ. Tiên Tri Joseph Smith đã phiên dịch biên sử này bởi ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.
Các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn biết về sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô và giảng dạy phúc âm của Ngài. Sau khi Chúa Giê Su phục sinh, Ngài hiện đến cùng những người này và đích thân phục sự họ. Ngài giảng dạy cho họ và thiết lập Giáo Hội của Ngài.
Sách Mặc Môn giúp chúng ta đến gần Thượng Đế hơn khi chúng ta học hỏi, hiểu và áp dụng những lời giảng dạy của sách. Tiên Tri Joseph Smith nói rằng “một người nam [hoặc một người nữ] sẽ đến gần Thượng Đế hơn bằng cách tuân theo những lời dạy của [cuốn sách này], hơn bất cứ cuốn sách nào khác” (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, trang 64).
Để biết rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế, chúng ta cần phải đọc, suy ngẫm và cầu nguyện về sách này. Một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã hứa rằng Thượng Đế sẽ mặc khải lẽ thật của sách cho chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với tấm lòng chân thành, với chủ ý thực sự và với đức tin nơi Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 10:3–5). Việc nghiên cứu Sách Mặc Môn là điều cần thiết để có được sự cải đạo lâu dài.
Khi đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn, chúng ta sẽ học được các lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô mà sẽ ban phước cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ tiến đến việc biết rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế và rằng phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi qua ông.
“Tôi hứa rằng khi anh chị em thành tâm học hỏi Sách Mặc Môn mỗi ngày, anh chị em sẽ đưa ra những quyết định tốt hơn—mỗi ngày. Tôi hứa rằng khi các anh chị em suy ngẫm những gì mình học hỏi, các cửa sổ trên trời sẽ mở ra, và các anh chị em sẽ nhận được câu trả lời cho những câu hỏi của mình và nhận được sự chỉ dẫn cho cuộc sống của mình. Tôi hứa rằng khi các anh chị em hằng ngày đắm chìm trong Sách Mặc Môn, các anh chị em sẽ trở nên miễn nhiễm với những điều tà ác trong ngày, kể cả hình ảnh sách báo khiêu dâm đầy hấp dẫn và những thói nghiện làm tê liệt tâm trí khác” (Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 62–63).
Cầu Nguyện để Biết Lẽ Thật qua Đức Thánh Linh
Vì Thượng Đế là Đức Chúa Cha của chúng ta nên Ngài sẽ giúp chúng ta nhận ra lẽ thật. Chúng ta có thể biết rằng sứ điệp về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính khi chúng ta đọc Sách Mặc Môn và cầu nguyện lên Thượng Đế. Khi chúng ta cầu nguyện với đức tin và chủ ý thực sự, thì Ngài sẽ trả lời các câu hỏi của chúng ta và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.
Thượng Đế thường đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta qua Đức Thánh Linh. Khi chúng ta cầu nguyện, thì Đức Thánh Linh giảng dạy và xác nhận lẽ thật. Những sự truyền đạt từ Đức Thánh Linh rất mạnh mẽ. Chúng thường đến như một sự bảo đảm thầm lặng qua những cảm xúc, ý nghĩ và ấn tượng của chúng ta (xin xem 1 Các Vua 19:11–12; Hê La Man 5:30; Giáo Lý và Giao Ước 8:2).
Việc kiên trì học tập thánh thư (nhất là Sách Mặc Môn), tham dự lễ Tiệc Thánh hằng tuần và cầu nguyện chân thành giúp chúng ta cảm nhận được quyền năng của Đức Thánh Linh và khám phá ra lẽ thật.
Đại Cương Ngắn hoặc Trung Bình cho Bài Học
Đại cương sau đây là một ví dụ mẫu về những gì anh chị em có thể giảng dạy cho một người nào đó nếu anh chị em chỉ có một khoảng thời gian ngắn. Khi sử dụng đại cương này, hãy chọn một hoặc nhiều nguyên tắc hơn để giảng dạy. Nền tảng giáo lý cho mỗi nguyên tắc đã được đưa ra trước đó trong bài học.
Khi anh chị em giảng dạy, hãy đặt câu hỏi và lắng nghe. Đưa ra những lời mời mà sẽ giúp mọi người học cách đến gần Thượng Đế hơn. Một lời mời quan trọng là để người đó gặp lại anh chị em. Thời lượng bài học dài hay ngắn sẽ tùy thuộc vào các câu hỏi mà anh chị em hỏi và cách anh chị em lắng nghe.
Những Điều mà Anh Chị Em Có Thể Giảng Dạy từ 3 đến 10 Phút
-
Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta và Ngài sáng tạo chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Ngài biết rõ mỗi người chúng ta và yêu thương chúng ta. Ngài muốn ban phước cho chúng ta với sự bình an và niềm vui trọn vẹn mà sẽ tồn tại vĩnh viễn.
-
Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Sứ mệnh của Ngài là làm cho chúng ta có thể được tẩy sạch tội lỗi, khắc phục cái chết và nhận được cuộc sống vĩnh cửu.
-
Thượng Đế kêu gọi các vị tiên tri làm những người đại diện của Ngài trên thế gian. Thời xưa, Ngài kêu gọi các vị tiên tri như A Đam, Nô Ê, Áp Ra Ham và Môi Se. Một vị tiên tri tại thế nhận được sự mặc khải từ Thượng Đế để giảng dạy và hướng dẫn chúng ta ngày nay.
-
Trong giáo vụ trên trần thế của Chúa Giê Su, Ngài đã thiết lập Giáo Hội của Ngài. Sau khi Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su qua đời, có nhiều người rời bỏ phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Người ta đã thay đổi nhiều lời giảng dạy về phúc âm và các giáo lễ của chức tư tế, như phép báp têm.
-
Thượng Đế kêu gọi Joseph Smith làm một vị tiên tri, cũng giống như Ngài đã kêu gọi các vị tiên tri trong thời kỳ trước. Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su đã hiện đến cùng ông. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi qua ông.
-
Sách Mặc Môn là một quyển thánh thư. Giống như Kinh Thánh, đó là một chứng thư về Chúa Giê Su Ky Tô, và giúp chúng ta đến gần Thượng Đế hơn khi chúng ta đọc sách đó và áp dụng những lời dạy của sách. Joseph Smith đã phiên dịch sách đó bởi ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.
-
Qua lời cầu nguyện chân thành, chúng ta có thể giao tiếp với Chúa. Chúng ta có thể biết rằng sứ điệp về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính.