Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Sự Học Hỏi Kỹ Càng và Niềm Vui nơi Chúa


Sự Học Hỏi Kỹ Càng và Niềm Vui nơi Chúa

Buổi Phát Sóng Chương Trình Huấn Luyện Thường Niên của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo• Ngày 13 Tháng Sáu, 2017

Thật là một đặc ân để được nói chuyện với gia đình Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý trên khắp trái đất. Tôi yêu thương các anh chị em rất nhiều, và tôi biết ơn về các anh chị em và tất cả những gì các anh chị em làm và con người của các anh chị em. Tôi cầu nguyện cho những phước lành của Chúa lên các anh chị em trong công việc vĩ đại ở phía trước chúng ta.

Các anh chị em thân mến, quan trọng thay công việc giảng dạy, chuẩn bị, nâng đỡ, và củng cố thế hệ đang vươn lên. Tôi cảm nhận được sự gấp rút và tầm quan trọng vô cùng của công việc này. Các em giới trẻ và thành niên trẻ tuổi trong Giáo Hội của Chúa đang đối diện với nhiều những thử thách khó khăn và nhiều những cơ hội tuyệt vời. Thế giới xung quanh các em tràn ngập với những công nghệ mạnh mẽ được sử dụng cho cả điều tốt lớn lao và cái xấu ghê tởm. Nhiều người trẻ tuổi của chúng ta sống ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh, các hoạt động khủng bố, sự tham nhũng, sự hủy diệt của gia đình, sự chia rẽ chính trị và xã hội, chủ nghĩa thế tục, và những thiệt hại do nghèo đói, bệnh tật, và bệnh dịch gây ra.

Thế nhưng, giữa những sự chấn động và rối loạn này, Chúa Giê Su Ky Tô đang chuẩn bị vương quốc và dân của Ngài cho sự tái lâm của Ngài. Ngài đang vận hành trong quyền năng ở khắp nơi trên thế giới để quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán, xây dựng vương quốc của Ngài, và thiết lập Si Ôn. Vòng tay đầy yêu thương và nhân từ của Ngài đang dang ra tời các em giới trẻ vàthành niên trẻ tuổi trong Giáo Hội của Ngài, mời gọi các em tiếp nhận quyền năng chữa lành, củng cố, và cứu chuộc của Ngài trong cuộc sống của các em.

Cuộc chiến vĩ đại giữa thiện và ác bắt đầu từ tiền dương thế vẫn tiếp diễn với cường độ ngày càng gia tăng trong những ngày sau. Trong cuộc chiến ấy các em giới trẻ và thành niên trẻ tuổi thuộc thế hệ đang vươn lên không đứng ở hậu phương. Các em ở tiền tuyến, và các em sẽ đóng một vai trò ngày càng mang tính quyết định trong công việc vĩ đại của Chúa. Điều này mang tôi đến các anh chị em.

Các anh chị em ở ngay tiền tuyến cùng với thế hệ đang vươn lên. Khi tôi nghĩ về các anh chị em và những gì các anh chị làm mỗi ngày để ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hàng nghìn em giới trẻ và thành niên trẻ tuổi trong Giáo Hội của Chúa, tôi nghĩ về khải tượng của Nê Phi về thời kỳ của chúng ta:

“Và… tôi, Nê Phi, thấy quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế giáng xuống trên các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con, và trên dân giao ước của Chúa đã bị phân tán khắp mặt đất; và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Chúa trong vinh quang vĩ đại.”1

Nê Phi mô tả tiến trình thiêng liêng các anh chị em đang tham gia vào một cách đáng kể. Khi các anh chị em nghĩ về những gì mình đang làm trong công việc giảng dạy lớp giáo lý và viện giáo lý, tôi hy vọng các anh chị em sẽ nghĩ về đoạn thánh thư này. Các anh chị em là những công cụ trong bàn tay Chúa trong một tiến trình thiêng liêng mà qua đó các con cái giao ước quý báu của Ngài được ban phước bằng sự ngay chính và tiếp nhận quyền năng của Ngài và vinh quang của Ngài.

Đây là những gì các anh chị em làm. Các anh chị em giảng dạy những người trẻ tuổi tuyệt vời này phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, và các anh chị em giúp đỡ các em nhận lấy quyền năng thiêng liêng trong chức tư tế, trong đền thờ, trong sự đồng hành của Đức Thánh Linh, trong thánh thư, trong các giao ước và giáo lễ thiêng liêng. Đây là quyền năng của Thượng Đế, và Ngài ban nó cho các con trai và con gái yêu quý của Ngài để họ có thể yêu thương, giảng dạy, và phục vụ với đức tin và niềm hy vọng nơi Ngài, trong khi làm công việc của Ngài suốt cuộc đời của họ.

Chúng ta đôi khi khó có thể liên hệ khải tượng đầy soi dẫn của Nê Phi với thực tế lớp giáo lý lúc 6:15 sáng của các anh chị em hoặc lớp viện giáo lý tối khuya đầy những sinh viên đại học mệt mỏi. Tôi đã thấy đủ phần tôi các thiếu niên mắt lờ mờ vào lúc sáng sớm. Và tôi chắc chắn biết sinh viên đại học mệt mỏi trông như thế nào. Nhưng tôi đã thấy điều gì xảy ra với những em thiếu niên và sinh viên đại học này khi một người giảng viên yêu thương các em giảng dạy các em với Thánh Linh của Chúa. Tôi đã thấy điều gì xảy ra trong tâm trí và tâm hồn các em khi người giảng viên đó mở ra quyền năng của thánh thư cho các em và giúp các em học hỏi một cách kỹ càng theo cách thức của Chúa. Tôi biết điều này vì nó đã xảy đến với tất cả các con cái của tôi. Và điều này cũng đang xảy đến với những đứa cháu của tôi.

Các em giới trẻ và thành niên trẻ tuổi các anh chị em giảng dạy thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta cần nhiều, rất nhiều hơn nữa các em nhận lấy các phước lành của chức tư tế và đền thờ, phục vụ truyền giáo, kết hôn trong đền thờ, xây dựng gia đình vĩnh cửu, phục vụ Chúa trong vương quốc của Ngài, và làm ánh sáng cho thế gian—nhiều em hơn nữa. Điều đó có nghĩa rằng các anh chị em cần phải ngày càng giỏi hơn trong công việc của mình. Chúa cần các anh chị em mạnh mẽ hơn nữa và hiệu quả hơn nữa trong công việc vĩ đại này.

Niềm Vui nơi Chúa

Tôi muốn chia sẻ với các anh chị em ngày hôm nay một vài suy nghĩ mà tôi hy vọng sẽ giúp ích cho các anh chị em khi các anh chị em theo đuổi mục đích vĩ đại ấy. Sứ điệp của tôi rất đơn giản: chúng ta cần làm nhiều hơn để giúp giới trẻ và thành niêm trẻ tuổi trong Giáo Hội có được niềm vui—niềm vui thuộc linh đích thực—nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi tin rằng cách tốt nhất để làm việc này là thông qua sự học hỏi kỹ càng về giáo lý của Đấng Ky Tô theo cách thức của Chúa. Lời chứng và chứng ngôn của tôi cho các anh chị em là sự học hỏi kỹ càng về giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô dẫn đến niềm vui nơi Chúa.

Như Chủ Tịch Nelson đã dạy:

“Anh chị em thân mến, niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều tùy thuộc vào điểm tập trung của cuộc sống chúng ta.

“Khi điểm tập trung của cuộc sống chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế… và Chúa Giê Su Ky Tô cùng phúc âm của Ngài… thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình. Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài. Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi niềm vui.”2

Đó là niềm vui những người trẻ tuổi của chúng ta cần phải cảm thấy. Nó bảo vệ các em khỏi cái ác, thúc đẩy các em trở nên ngay chính, nuôi dưỡng để luôn luôn có được Đức Thánh Linh cùng các em, và lôi kéo các em đến với Chúa.

Đấng Cứu Rỗi đã ban cho chúng ta một mẫu mực tuyệt vời trong Sách Mặc Môn để giúp các anh chị em giúp học viên của các anh chị em tìm thấy niềm vui nơi Ngài:

“Vậy nên, các ngươi hãy đưa cao sự sáng của mình cho nó chiếu sáng trong thế gian. Này, ta là sự sáng mà các ngươi sẽ đưa cao—như các ngươi đã thấy ta làm. Này, các ngươi thấy rằng ta đã cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha, và tất cả các ngươi đều đã chứng kiến.

“Và các ngươi thấy rằng, ta đã không bảo một ai trong các ngươi phải đi chỗ khác, mà trái lại ta bảo mọi người hãy đến cùng ta để các ngươi có thể rờ và trông thấy được; vậy các ngươi hãy là như vậy đối với thế gian.”3

Khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng những người ở đền thờ ở Bountiful, Ngài đã yêu thương họ, giảng dạy cho họ giáo lý của Ngài, và ban phước cho họ. Họ cảm nhận được một niềm vui lớn lao. Trong đoạn thánh thư này, Đấng Cứu Rỗi kêu gọi các anh chị em đến cùng Ngài và, qua quyền năng của Đức Thánh Linh, xem công việc của Ngài, cảm nhận tình yêu thương của Ngài, và trải qua niềm vui của Ngài. Rồi Ngài ra lệnh cho các anh chị em mang những gì các anh chị em đã thấy và cảm nhận đến các học viên của mình: yêu thương các em, giảng dạy cho các em giáo lý của Ngài, mời gọi các em đến cùng Ngài và cảm nhận niềm vui của Ngài. Nếu tình yêu thương, giáo lý, ánh sáng, và niềm vui của Chúa Giê Su Ky Tô ở trong các anh chị em, các anh chị em có thể soi dẫn các em và khuyến khích các em tìm kiếm cho riêng mình những trải nghiệm thuộc linh cá nhân, riêng tư với Chúa.

Niềm Vui và Sự Học Hỏi Kỹ Càng

Sự học hỏi mà dẫn đến niềm vui là sự học hỏi kỹ càng về giáo lý của Đấng Ky Tô, và nó phải được thực hiện theo cách thức của Chúa. Sự học hỏi kỹ càng là sự học hỏi của toàn tâm hồn—trí óc, con tim, thể xác, và linh hồn bất diệt. Sự học hỏi kỹ càng gia tăng khả năng của học viên để làm ba việc sau:4

1. Biết và hiểu

Thứ nhất là việc biết và việc hiểu. Đây là kiến thức của tâm trí và tâm hồn. Áp dụng vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, ví dụ, học viên học được rằng đức tin nơi Đấng Ky Tô là một nguyên tắc của hành động và quyền năng. Qua sự làm chứng của Thánh Linh, các em cảm nhận được lẽ thật của nguyên tắc này và bắt đầu nhìn thấy rõ ràng hơn, khao khát mãnh liệt hơn, và vì thế hiểu được trong tim trọn vẹn hơn những tác động của nguyên tắc này trong cuộc sống của các em.

2. Hành động hiệu quả và ngay chính

Thứ hai là hành động một cách hữu hiệu và ngày chính. Các học viên học cách áp dụng nguyên tắc về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô vào cuộc sống của các em và rồi thực sự áp dụng nó. Ví dụ, các em có thể quyết định hành động với đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi để có lòng can đảm mời một người bạn đọc Sách Mặc Môn. Khi các em hành động với đức tin nơi Ngài, sự tự tin của các em nơi Ngài lớn dần và Chúa ban phước cho các em với đức tin lớn lao hơn.

3. Trở thành giống như Cha Thiên Thượng hơn

Thứ ba là trở thành giống Cha Thiên Thượng của chúng ta nhiều hơn. Việc trở thành là một tiến trình thay đổi trong nhân cách và chính bản chất của học viên. Nó đến qua quyền năng cứu chuộc và củng cố của Chúa Giê Su Ky Tô. Áp dụng vào nguyên tắc về đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, nó có nghĩa là học viên ngày càng trở thành một con người trung tín hơn. Đức tin nơi Đấng Ky Tô trở thành một thuộc tính trong nhân cách các em, con người các em, khi các em liên tục và kiên định gia tăng kiến thức và sự hiểu biết về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hành động với đức tin nơi Ngài để làm những gì Ngài muốn được hoàn thành, và tìm kiếm các ân tứ và phước lành của Ngài để trở nên giống như Ngài và Cha Ngài.

Ba khía cạnh này của sự học hỏi kỹ càng tương tác và tương hỗ lẫn nhau. Việc trở thành một con người trung tín gia tăng khả năng của học viên để biết và hiểu. Sự hiểu biết sâu sắc hơn khuyến khích hành động hiệu quả hơn, từ đó mang lại những sự hiểu biết mới và dẫn đến một nhân cách mạnh mẽ hơn. Niềm vui tồn tại trong mỗi yếu tố của sự học hỏi kỹ càng—niềm vui trong những sự hiểu biết mới, niềm vui trong những hành động ngay chính, niềm vui trong việc trở thành giống như Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hơn.

Cách Thức của Chúa để Học Hỏi Kỹ Càng

Ba lời mời

Cách thức của Chúa để học hỏi kỹ càng đơn giản nhưng mạnh mẽ. Đây là lời mô tả của Chúa về việc học hỏi theo cách của Ngài:

“Nếu con mắt các ngươi chỉ duy nhất hướng về vinh quang của ta, thì thể xác các ngươi sẽ được tràn đầy ánh sáng.”5

“Hãy… tự chuẩn bị, và tự thánh hóa mình.”6

“[Hãy] giảng dạy lẫn nhau về giáo lý của vương quốc.”7

“Các ngươi hãy siêng năng giảng dạy lẫn nhau, rồi ân điển của ta sẽ ở với các ngươi.”8

“Các ngươi phải siêng năng tìm hiểu và dạy cho nhau những lời thông sáng.”9

“Hãy tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin.”10

“Hãy chỉ định một thầy giảng trong số các ngươi, và tất cả mọi người không được phát ngôn cùng một lúc.”11

“Mỗi lần chỉ một người được nói, và tất cả mọi người phải lắng nghe … [để] tất cả có thể được gây dựng .”12

“Trên hết mọi sự đó, [các ngươi] phải khoác lên mình sợi dây ràng buộc của lòng bác ái.”13

Những đoạn thánh thư tuyệt vời từ tiết 88 của sách Giáo Lý và Giao Ước chỉ ra ba yếu tố tương tác và tương hỗ trong cách thức của Chúa để học hỏi kỹ càng: Thứ nhất là việc học hỏi siêng năng, tìm kiếm, chuẩn bị và vâng lời.14 Thứ hai là việc tụ họp để giảng dạy lẫn nhau, trong mối ràng buộc của lòng bác ái, được hướng dẫn bởi một người thầy giảng được soi dẫn, trong ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô. Thứ ba là việc tiếp nhận sự mặc khải, sự soi dẫn, và các ân tứ thuộc linh khác đến qua quyền năng của Đức Thánh Linh

Người thầy giảng dạy theo cách thức của Chúa đóng một vai trò tích cực và đầy soi dẫn trong việc giúp học viên tham gia trong mọi yếu tố của sự học hỏi kỹ càng. Hai điều thiết yếu là: thứ nhất, các anh chị em có được Đức Thánh Linh ở cùng các anh chị em, và thứ hai, các anh chị em yêu thương các học viên.

Các anh chị em có một nguồn tài liệu tuyệt vời—cuốn sách hướng dẫn Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm15—để giúp các anh chị em giảng dạy các học viên của mình học hỏi theo cách thức của Chúa. Vì thế, tôi sẽ đưa ra cho các anh chị em một nhiệm vụ: Tôi muốn các anh chị em đọc và học cuốn sách hướng dẫn theo cách nhìn của sự học hỏi kỹ càng, đặc biệt là giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô, là điều dẫn đến niềm vui. Một khi các anh chị em đã hiểu được sự học hỏi kỹ càng đó, vì niềm vui là mục tiêu của các anh chị em, nó sẽ thay đổi cách thức các anh chị em áp dụng các nguyên tắc đầy quyền năng được triển khai trong sách hướng dẫn. Cho phép tôi nêu ra ba ví dụ đơn giản (còn nhiều ví dụ khác nữa):

  • Các anh chị em sẽ yêu cầu các học viên của mình đến lớp được chuẩn bị để giảng dạy lẫn nhau.

  • Các anh chị em sẽ ưu tiên giúp đỡ các học viên của mình phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô.

  • Các anh chị em sẽ biến niềm vui trở thành một mục đích chung trong lớp học của mình, và học viên sẽ thường xuyên chia sẻ chứng ngôn về niềm vui.

Các anh chị em thân mến, tôi biết các anh chị em đã làm nhiều điều tuyệt vời và kỳ diệu để giúp đỡ các học viên của mình mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vào sâu trong tâm hồn mình và trải qua niềm vui nơi Ngài. Tôi biết về sự hy sinh và sự tận tâm của các anh chị em. Và Chúa cũng biết vậy.

Tôi muốn kết thúc ngày hôm nay với ba lời mời. Tôi biết rằng nếu các anh chị em hành động theo những lời mời gọi này thì các anh chị em sẽ giúp đỡ các học viên của mình học hỏi một cách kỹ càng hơn theo cách thức của Chúa và có được nhiều niềm vui hơn nơi Ngài.

Lời mời 1:

Danh Tính và Mục Đích Vĩnh Cửu Tôi mời gọi các anh chị em giúp đỡ các học viên của mình biết các em thật sự là ai. Hãy giúp các em nhìn nhận và cảm thấy và biết rằng các em quả thật là con cái của Thượng Đế, là những người contrai và con gái yêu quý của Ngài. Hãy giúp các em hiểu được ý nghĩa và ẩn ý của “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” khi nó tuyến bố rằng mỗi người học viên của các anh chị em “có một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng… và [một] gốc tích và mục đích… vĩnh cửu.”16

Xin hãy giúp các em cảm nhận được từ tậy đáy tâm hồn mình rằng các em là những thể linh đang trải qua một kinh nghiệm trần thế. Đức Chúa và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô đã chịu đau đớn và chết cho các em để các em có thể “tiến triển đến sự toàn hảo và cuối cùng ý thức được số mệnh thiêng liêng của mình với tư cách là người thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu”17 Đó là kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho các em. Xin hãy giúp hiện thực hóa kế hoạch của Ngài cho các em.

Hãy giảng dạy các em rằng các em được sinh ra từ Cha Mẹ Thiên Thượng để học hỏi và phát triển và trở nên như các Ngài. Việc học hỏi là trọng tâm của mục đích của cuộc sống tiền dương thế và dương thế và của sự cứu rỗi vĩnh cửu của các em. Các em cần phải học về những sự việc của Thượng Đế và những sự việc của thế gian để các em có thể làm tròn những mục đích của Thượng Đế trong cuộc sống của mình. Hãy giúp các em nhìn ra rằng việc học hỏi là thiết yếu trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế, và, vì thế, cho mục đích vĩnh cửu và gốc tích thiêng liêng của mình.

Lời mời 2:

Cách Thức Học Hỏi Kỹ Càng của Chúa Tôi mời gọi các anh chị em giúp đỡ các học viên của mình học cách học hỏi theo cách thức của Chúa. Các anh chị em làm việc này một phần bằng cách làm gương. Nói theo một cách rất là hùng hồn, cách thức các anh chị em giảng dạy là những gì các anh chị em giảng dạy các học viên của mình về sự học hỏi theo cách thức của Chúa. Nếu các anh chị em tạo cho các em những kinh nghiệm trong việc học hỏi theo cách thức của Chúa, các em sẽ học hỏi theo cách thức của Ngài. Nếu các anh chị em không tạo ra, các em sẽ không học được.

Tôi hy vọng các anh chị em sẽ giảng dạy các học viên của mình về cách thức học hỏi của Chúa bằng chính tấm gương bản thân mình. Nhưng tôi cũng hy vọng các anh chị em sẽ giảng dạy các học viên của mình cách thức của Ngài một cách trực tiếp và có ý thức, và ý định. Một cơ hội tuyệt vời để làm việc này là thông qua chương trình Thông Thạo Giáo Lý, qua đó các nguyên tắc về “Đạt được sự Hiểu Biết Thuộc Linh” giảng dạy chính cách thức học hỏi của Chúa. Khi các anh chị em giảng dạy những nguyên tắc đó suốt cả năm, các anh chị em sẽ giảng dạy các em về cách học hỏi theo cách của Chúa. Điều đó cũng có thể được giảng dạy trong các lớp học ở viện giáo lý của các anh chị em.

Xin hãy giúp các học viên của các anh chị em nhận ra rằng cách thức của Chúa áp dụng cho tất cả mọi thứ các em học tập. Các phương pháp đặc thù các em gặp phải trong các lớp học giáo dục phổ thông và hậu phổ thông tùy thuộc vào từng thầy cô. Nhưng các học viên của các anh chị em có thể luôn luôn tích cực tham gia, siêng năng học tập, và được ban phước với sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Xin hãy mời gọi các học viên của các anh chị em đưa Đức Thánh Linh cùng các em đến trường.

Lời mời 3:

Sự Hối Cải và Sự Học Hỏi Tôi mời gọi các anh chị em giảng dạy các học viên của mình rằng sự hối cải là trọng tâm của sự học hỏi kỹ càng. Sự hối cải là tiến trình của Chúa cho sự học hỏi cá nhân, sự phát triển thuộc linh, và trở nên ngày càng giống như Ngài. Các học viên của các anh chị em học hỏi theo đường lối của Chúa qua quyền năng cứu chuộc và củng cố của Chúa Giê Su Ky Tô ảnh hưởng lên cuộc sống của các em, mở ra cho các em lòng nhân từ của Ngài và ân điển của Ngài.

Xin hãy giúp đỡ các học viên của các anh chị em hiểu được rằng sự hối cải là tiến trình thiêng liêng mà qua đó các em bất cứ lúc nào cũng có thể trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi. Đôi lúc sự hối cải của các em là về một việc gì đó các em cần phải ngưng làm. Đôi khi đó là một việc gì đó các em cần phải bắt đầu thực hiện. Xin hãy giúp các em biết rằng sự hối cải không chỉ có nghĩa là nói với Chúa và giám trợ của các em những gì các em đã làm sai. Phạm tội là xa lánh Chúa. Hối cải là quay lại với Ngài. Sự hối cải đòi hỏi một sự thay đổi trong lòng và tâm trí, một sự thay đổi cuộc sống phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của từng học viên.

Nhưng cũng xin hãy giảng dạy các em rằng sự hối cải có thể liên tục ban phước cho các em. Đây là cách Chúa giúp các em làm tốt hơn và trở nên tốt hơn trong suốt cuộc sống của mình. Điều đó đòi hỏi các em thay đổi và lớn lên, và điều đó có nghĩa rằng các em cần phải hối cải, đến với Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn, luôn luôn dâng lên Ngài tấm lòng trọn vẹn hơn. Tiến trình quay về đó và tiến trình dâng hiến đó diễn ra trong suốt cuộc đời các em. Điều này là tối quan trọng cho sự học hỏi kỹ càng.

Chứng Ngôn

Tôi đưa ra cho các anh chị em lời hứa này: Nếu các anh chị em giảng dạy các học viên của mình biết các em thật sự là ai, cách thức để học hỏi một cách kỹ càng theo cách thức của Chúa, và nguyên tắc thiêng liêng về sự hối cải, các em sẽ học hỏi một cách kỹ càng về giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô, đức tin của các em nơi Ngài và tình yêu thương của các em dành cho Ngài sẽ lớn dần, và các em sẽ có được niềm vui nơi Chúa. Các anh chị em lẫn các học viên của các anh chị em sẽ có được lời hứa phi thường này của Chúa: “Thật vậy, thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, ta sẽ truyền cho ngươi Thánh Linh của ta, là Đấng sẽ soi sáng tâm trí của ngươi, là Đấng sẽ làm cho tâm hồn ngươi tràn đầy niềm vui.”18

Tôi biết lời hứa này là chân thật. Tôi đưa các anh chị em lời chứng rằng Thượng Đế Đức Cha của chúng ta hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Ngài hằng sống! Đây là công việc thánh của các Ngài. Tôi làm chứng như vậy và để lại cho các anh chị em tình thương yêu của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A men.

In