Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Hãy Nhìn Mỗi Cá Nhân


17:31

Hãy Nhìn Mỗi Cá Nhân

Buổi Phát Sóng Chương Trình Huấn Luyện Thường Niên của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo• Ngày 13 Tháng Sáu, 2017

Tôi biết ơn cho cơ hội được ở đây với các anh chị em và chia sẻ tình yêu thương của tôi dành cho Đấng Cứu Rỗi, cho các anh chị em, và cho giới trẻ và những thành niên trẻ tuổi của chúng ta có đặc quyền để phục vụ.

Tôi nhớ sự làm chứng mạnh mẽ mà tôi nhận được từ Đức Thánh Linh khi lần đầu tiên tôi đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer: “Tôi tin rằng mức độ các anh chị em thực hiện, theo thử thách và nhiệm vụ mà mình có, hình ảnh của Đấng Ky Tô thật sự đã được thụ nhận trong sắc mặt của mình. Và vì tất cả những mục đích thiết thực, trong lớp học đó vào lúc đó và trong lối diễn tả đó cùng với sự soi dẫn đó, các anh chị em là Ngài và Ngài là các anh chị em.” 1 Ý nghĩ rằng tôi có đặc ân được đại diện cho Đấng Cứu Rỗi trong những trách nhiệm của tôi đã là ước muốn thúc đẩy và lẽ thực thống trị trong suốt sự nghiệp của tôi trong Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý.

Anh Cả Gong đã giảng dạy chúng ta trong Một Buổi Họp Tối với một Vị Thẩm Quyền Trung Ương gần đây nhất rằng một trong những điều làm cho Đấng Cứu Rỗi là thầy giảng hoàn hảo là khả năng của Ngài giảng dạy 5.000 người, và đồng thời từng người một. Ông đã phát biểu rằng, “Đây là một phép lạ mà chúng ta là giảng viên tìm kiếm—để giảng dạy cho cả lớp học và mỗi một người trong lớp. Điều này đòi hỏi sự chăm sóc cho 5.000 người và cho mỗi một người. Điều này mời gọi việc giải quyết các mối quan tâm chung và những nhu cầu cá nhân.”2 Các anh chị em có bao giờ tự hỏi làm cách nào mà Đấng Cứu Rỗi có thể làm điều đó không?

Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm tôi có được trong năm thứ hai của công việc giảng dạy khi mà Chúa đã giảng dạy riêng cho tôi bằng cách giúp tôi hiểu được việc đại diện Ngài trong lớp học có nghĩa là như thế nào. Tôi có một thiếu niên, khoảng 15 tuổi, ở trong một trong những lớp học của tôi. Tôi biết rằng trong vòng vài buổi học đầu tiên thôi rằng tôi không có sự kiên nhẫn cho cá tính khó chịu của em ấy và cảm nhận được rằng đây sẽ là một học kỳ dài với việc cố gắng thực hành một ân tứ mà tôi không có được. Tôi đã cầu nguyện cho khả năng để có thể yêu thương em ấy và tất cả học sinh của tôi.

Trong tuần thứ hai của lớp học, khi người thiếu niên này đứng dậy chia sẻ sứ điệp thuộc linh và chia sẻ một ít thông tin về cuộc đời của em ấy, tôi đã được ban cho ân tứ để nhìn em ấy theo cách mà Chúa nhìn em ấy và ngay lập tức cảm thấy một tình yêu thương gia tăng dành cho em ấy. Em ấy đã chia sẻ rằng ba mẹ mình đang làm thủ tục ly dị và mẹ của em ấy không chỉ rời khỏi Giáo Hội mà còn chống đối lại Giáo Hội nữa. Tôi có thể thấy trên gương mặt của em ấy nỗi đau lòng và sự hoang mang mà em ấy đang cảm nhận khi em ấy chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi thực sự không nhớ ý kiến thuộc linh mà em ấy đã chia sẻ, nhưng tôi nhớ điều mà Đức Thánh Linh đã giảng dạy tôi. Một ý nghĩ đến với tâm trí tôi rằng: “Hãy cởi giày ra vì ta chuẩn bị cho ngươi phép và khả năng để ảnh hưởng sâu xa đến một người. Ta tin tưởng chị sẽ là một người nữ trung tín có ảnh hưởng nơi cuộc đời của người thiếu niên này, và ta cần ngươi yêu thương em ấy như ta yêu thương em ấy.” Từ thời điểm đó tôi đã thay đổi. Tấm lòng của tôi đã thay đổi. Tôi đã thấy em ấy – thực sự thấy em ấy- với tư cách là một người con trai của Thượng Đế, với tiềm năng thiêng liêng, với những ân tứ thuộc linh và với nhiều điều có thể đóng góp cho lớp học của chúng tôi. Không có sự thay đổi nhiều trong cách cư xử của em ấy trong học kỳ đó, nhưng tôi đã thay đổi. Và trong quá trình thay đổi đó chúng tôi đã có một vài kinh nghiệm tuyệt vời với nhau. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn cho người thiếu niên này và cơ hội Chúa đã cho tôi để có sự thay đổi trong tấm lòng và cách nhìn.

Tôi liên tục kinh ngạc trước khả năng của Cha Trên Trời không chỉ biết được mà còn đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân. Tôi biết rằng Ngài nhìn thấy, thấu hiểu, và biết tôi một cách hoàn hảo. Và hơn thế nữa, Ngài yêu thương tôi một cách hoàn hảo. Tôi cũng biết rằng Ngài nhìn thấy tôi là một người với tiềm năng thiêng liêng và Ngài biết rằng với sự giúp đỡ của Ngài, tôi sẽ trở nên giống như Ngài. Tôi biết Ngài có cùng một lòng tin tưởng như nhau cho mỗi anh chị em và mỗi thanh niên và thiếu nữ đến với chúng ta. Ngài nhìn thấy họ một cách hoàn hảo và Ngài muốn cứu rỗi từng người một. Ngài nhìn vượt qua bề ngoài và cách ứng xử của họ và chọn để tập trung vào những đức tính thiêng liêng và ưu điểm của họ. Và với tư cách là những người giảng viên, Ngài kỳ vọng rằng chúng ta có thể làm giống như vậy.

Năm nay chúng tôi giới thiệu một cuốn sách mới có tựa đề “See The One” (Hãy Nhìn Mỗi Cá Nhân). Trọng tâm của ưu tiên này là để cho mỗi chúng ta có thể phát triển khả năng giống như Đấng Ky Tô để thấy được nhu cầu, sức mạnh, và tiềm năng thiêng liêng của từng cá nhân học sinh. Hy vọng của chúng tôi là mỗi chúng ta sẽ phát triển hoặc gia tăng khả năng giống như Đấng Ky Tô để nhìn vượt qua khỏi những danh hiệu và vẻ bề ngoài và học cách nhìn mỗi người học sinh với tư cách là một cá thể độc đáo với tiềm năng thiêng liêng và đối xử với cô ấy hoặc anh ấy theo đúng như vậy.

Mỗi học sinh bước vào lớp học của chúng ta với những hoàn cảnh, nhu cầu, và thử thách mà ảnh hưởng đến kinh nghiệm học tập của họ. Là điều quan trọng để nhớ rằng lớp giáo lý hoặc viện giáo lý chỉ là một phần của cuộc đời của mỗi học sinh—một phần thiết yếu, nhưng cũng chỉ là một phần thôi. Những cách học, sự khác biệt văn hoá, sự tàn tật, sự nghiện ngập, và sự mất mát và đau khổ là một vài những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh nghiệp học tập của một học sinh. Những hoàn cảnh và nhãn hiệu không định nghĩa nên học sinh của chúng ta nhưng cho chúng ta cơ hội để nhìn thấy và yêu thương họ như cách Đấng Cứu Rỗi nhìn thấy và yêu thương. Đặc ân và trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta là làm nhiều hơn để giúp đỡ những ai mà gánh của họ đang nặng trĩu và những ai đến lớp tìm kiếm một cách tuyệt vọng niềm hy vọng mà Đấng Cứu Rỗi của cả loài người ban cho.

Trong khi suy ngẫm trách nhiệm thiêng liêng này để nhìn mỗi cá nhân, tôi đã học hỏi nhiều từ những lời giảng dạy của vị sứ đồ Phao Lô trong 1 Cô Rinh Tô 12. Tôi muốn chia sẻ ba bài học tôi đã học được từ việc nghiên cứu chương này.

Bài học 1: Phao Lô bắt đầu những bài giảng của mình về thể xác của Đấng Ky Tô và giá trị của mỗi tín hữu bằng việc giảng dạy về những ân tứ thuộc linh. Khi tôi nghiên cứu câu 1–11, tôi đã không khỏi tự hỏi hỏi rằng liệu có phải một trong những chìa khoá để nhìn mỗi cá nhân giống như cách Đấng Cứu Rỗi nhìn họ là đầu tiên nhận ra rằng họ có những ân tứ và điểm mạnh mà cần được phát hiện và tận dụng. Khi chúng ta nhìn những học sinh theo cách này, chúng ta sẽ nhận ra và tận dụng những ưu điểm của họ hơn là tập trung vào những yếu kém hay những cách ứng xử không được ưa chuộng của họ. Đôi lúc cách ứng xử của một người học sinh không phản ánh đúng phẩm cách của họ. Một kỹ năng đơn giản mà một giảng viên có thể phát triển là tạm ngừng trước khi đáp ứng một bình luận hay một cách cư xử của một học sinh và rồi xem xét hai hay ba lý do “tại sao” một học sinh lại đáp ứng hoặc hành động như vậy. Điều này sẽ giúp giảng viên tránh được hành động nhất thời và nhận ra rõ hơn những ân tứ thuộc linh.

Trong khi phấn đấu để nhớ được tiềm năng thiêng liêng của mỗi học sinh, chúng ta cũng phải nhận ra rằng những hoàn cảnh hay sự tàn tật có thể cản trở ước muốn hoặc khả năng học tập của họ. Điều này đòi hỏi rằng chúng ta cẩn thận khéo léo triển khai những kinh nghiệm học tập mà mời gọi và soi dẫn các cá nhân thực hành quyền tự quyết để sử dụng những ân tứ thuộc linh của họ trong quá trình học tập. Tiến trình này không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta biết làm thế nào để có thể đến được với con cái của Ngài.

Một kinh nghiệm tôi có mà giúp tôi học được giá trị của việc nhận ra những ân tứ thuộc linh ở những học sinh của tôi là thông qua một trong những học sinh của tôi mà không hào hứng lắm với việc đọc sách trong hoặc ngoài lớp. Em ấy có tài năng chơi nhạc, và khi tôi cầu nguyện về cách có thể đến được với em ấy, Chúa đã trả lời với một điều mà tôi chưa bao giờ thử trước đây. Tôi đã đưa cho em ấy thời khoá biểu của các bài học và nhờ em ấy tìm một bản nhạc cho mỗi bài học mà có thể chơi trong lớp học mà sẽ giúp giảng dạy lẽ thật trong đoạn thánh thư đó. Điều này đòi hỏi em ấy phải đọc sách ở ngoài lớp học để có thể xác định được những lẽ thật để em ấy có thể tìm được một bản nhạc. Điều này cũng cho phép em ấy có cơ hội làm chứng trong lớp về những điều em ấy học được từ sự chuẩn bị của mình. Chỉ trong vòng một vài tuần, tôi đã chứng kiến tình yêu thương của người học sinh này cho Đấng Cứu Rỗi gia tăng và sự tham gia của em ấy trong lớp học được cải thiện. Em ấy hiện tại đang phục vụ với tư cách là một người truyền giáo trọn thời gian và không chỉ đọc mà còn giảng dạy thánh thư và chia sẻ ân tứ về chứng ngôn của cô ấy thông qua âm nhạc.

Bài học 2: Phao Lô nhấn mạnh rằng mỗi chi thể của cơ thể đều có giá trị. Trong câu 14–18, ông dạy chúng ta rằng:

“Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể.

Nếu chơn rằng: vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chơn không có phần trong thân.

Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân.

Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?

Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định.”

Tôi thích hình ảnh của những chi thể của thân hoàn thành những vai trò khác nhau nhưng cần thiết. Tay không thể thay thế chân. Tai không thể thay thế mắt. Mỗi chi thể đều có một vai trò riêng biệt và quan trọng, và mỗi chi thể đóng góp một cách khác nhau. Mỗi chi thể đều cần thiết cho thân thể để có thể hoạt động trọn vẹn.

Anh Cả Holland đã sử dụng một phép loại suy khác để giảng dạy cùng một lẽ thật rằng: “chính là qua kế hoạch thiêng liêng mà không phải tất cả các giọng hát trong dàn hợp xướng của Thượng Đế đều giống nhau. Để tạo ra được âm nhạc phong phú, phải có nhiều giọng ca khác nhau—giọng nữ cao và giọng nữ trầm, giọng nam cao và giọng nam trầm. … Khi chúng ta chê bai những điều khác biệt nơi bản thân mình hoặc cố gắng tuân theo khuôn mẫu giả tưởng … chúng ta sẽ mất đi sự đa dạng và phong phú mà Thượng Đế đã dự định khi Ngài sáng tạo ra thế giới.”3

Để giúp mỗi học sinh trở nên “được cải đạo … khi họ ở cùng với chúng ta,”4 chúng ta phải tin tưởng rằng mỗi học sinh có giá trị và hành động theo đúng như vậy. Với quan điểm lẽ thật này, tôi mời mỗi anh chị em tự hỏi bản thân mình hai câu hỏi này: Thứ nhất, “Tôi có thành thật tin tưởng rằng mỗi một học sinh của tôi có giá trị và có thể trở thành một tín hữu luôn góp phần vào không?” Thứ hai, “Những hành động của tôi có phản ánh được niềm tin đó không?”

Tôi cầu nguyện Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta sẽ được ảnh hưởng nhiều hơn bởi niềm tin này.

Bài học 3: Phao Lô giảng dạy rằng chúng ta thể hiện sự quan tâm như nhau cho mỗi tín hữu. Ông tuyên bố rằng, “hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.”5

Đây là một câu nói hùng hồn mà thúc đẩy tôi để suy nghĩ về hành động của mình: Tôi có “đồng lo tưởng” đối với mỗi học sinh không? Tôi có tập trung nhiều hơn vào những học sinh mà có vẻ như đóng góp theo những cách rõ ràng hơn không? Nó có dễ dàng hơn cho tôi để yêu thương những học sinh giơ tay và luôn có thánh thư ở ngoài sẵn sàng chia sẻ chứng ngôn và những bình luận đầy ý nghĩa không? Nó có dễ dàng hơn cho tôi để cho đi tình yêu thương và sự chú tâm đến những học sinh yêu thương tôi, yêu lớp học, đến lớp học đúng giờ và chỉ vắng mặt vì bệnh tật đe doạ đến tính mạng? Những học sinh khác có để ý khi tôi không “đồng lo tưởng” đối với mỗi học sinh không? Và điều đó ảnh hưởng đến môi trường yêu thương, tôn trọng, và mục đích trong lớp học của tôi như thế nào? Các học sinh thường sẽ nhìn và đối xử với nhau như cách Đấng Cứu Rỗi nhìn và đối xử khi mỗi người trong chúng ta làm gương điều này cho họ.

Khi chúng ta cố gắng để đại diện Đấng Cứu Rỗi trong công việc giảng dạy và triển khai khả năng để nhìn như cách Ngài nhìn, chúng ta phải nhớ (1) tất cả đều có những ân tứ thuộc linh để đóng góp, (2) mỗi tín hữu đều có giá trị, và (3) chúng ta cần phải “đồng lo tưởng” đối với mỗi tín hữu.

Tôi muốn chia sẻ thêm một bài học tôi học được khi tôi suy ngẫm nhu cầu cho sự ưu tiên này. Trong thời kỳ của chúng ta kẻ nghịch thù, “như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.”6 Là kẻ trộm tài tình nên nó liên tục tìm kiếm để chiếm đoạt của mỗi người danh tính thiêng liêng và mối liên kết với thiên thượng. Chúng ta phải phát triển khả năng để nhìn như Đấng Cứu Rỗi nhìn để chúng ta có thể giúp những người khác hiểu được tiềm năng thiêng liêng của họ và thành thật với Chúa trong một thế gian đầy hoang mang mà gọi “dữ là lành, lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối.”7

Một trong những nữ anh hùng vĩ đại trong thánh thư của tôi là người đã làm gương cho khả năng này một cách tuyệt vời là A Bi Ga In. Bà được miêu tả trong Kinh Cựu Ước là “thông minh tốt đẹp.” 8 Bà kết hôn với Na Banh, một người đàn ông “hung ác.”9 Sau khi Na Banh xúc phạm và từ chối giúp đỡ Đa Vít, Đa Vít tụ họp lính của ông lại với chủ ý rằng sẽ giết Na Banh và gia đình của hắn. Khi người đầy tớ của Na Banh báo cho A Bi Ga In biết về mối nguy hiểm cận kề, bà lập tức thu xếp và khởi hành đi gặp Đa Vít.

Tại cuộc gặp gỡ với Đa Vít, A Bi Ga In sấp mình xuống đất tại trước mặt ông mà lạy và, là một biểu tượng của Đấng Ky Tô, nhận lấy trách nhiệm cho sự xúc phạm mà bà đã không gây nên và bà van nài cho sự tha thứ.10 A Bi Ga In đã thấy được gì ở Na Banh mà đã thúc đẩy bà để làm người biện hộ cho hắn?

Bà đã thấy điều gì ở Đa Vít mà làm cho bà nói rằng, “Xin hãy tha lỗi cho con đòi chúa! Đức Giê Hô Va quả hẳn sẽ lập nhà chúa được bền lâu, vì Chúa đánh giặc cho Đức Giê Hô Va, và trọn đời Chúa sẽ chẳng tìm thấy một sự ác nơi Chúa?”11

Tại sao bà lại chọn, trong thời điểm quan trọng như vậy, để nhắc Đa Vít nhớ ông là ai và những lời hứa của Chúa đã lập? Việc hành động theo đức tin của bà có ảnh hưởng là gì?

Tôi yêu thích cách ứng trả của Đa Vít cho bà khi ông ấy nói:

“Đáng ngợi khen Giê Hô Va Đức Chúa Trời của Y Sơ Ra Ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay:

“Đáng khen sự khôn ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết và ngăn ta dùng chính tay mình mà báo thù cho mình.”12

Tôi tin rằng vào thời điểm đó, nhớ lại lời hứa của Chủ Tịch Parker, A Bi Ga In đã có “hình ảnh của Đấng Ky Tô … ghi khắc trên [vẻ mặt của bà]. Và vì tất cả những mục đích thiết thực, trong lớp học đó tại thời điểm đó và trong lối diễn đạt đó với sự soi dẫn đó, [bà ấy đã là Ngài và Ngài đã là bà ấy].”13

Tôi làm chứng rằng chúng ta có cơ hội để nhìn những người khác như Ngài nhìn họ và giúp đỡ họ nhìn thấy thiên tính trong họ.

Không có từ nào có thể diễn tả tình yêu thương và lòng biết ơn của tôi cho những ai cho thấy thuộc tính giống như Đấng Ky Tô trong cuộc sống của tôi. Trước tiên, người mẹ thánh thiện của tôi đã luôn nhìn tôi với tiềm năng thiêng liêng và những ân tứ thuộc linh. Bà luôn nhìn tôi như một người đóng góp—kể cả khi tôi không làm được như vậy—và đã làm việc không mệt mỏi để giúp tôi phát triển tiềm năng đó. Tôi có những lãnh đạo chức tư tế là những người đã mang niềm hy vọng đến cho cuộc sống của tôi bằng cách truyền tải tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho tôi và nhắc nhở tôi về giá trị của mình. Những giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý của tôi—nhiều giảng viên đó đang xem buổi phát sóng này hôm nay—đã thấy ở tôi điều mà tôi không tự thấy được ở bản thân mình. Sự nghiệp của tôi đã được làm phong phú dồi dào bởi những người nam và người nữ đã nâng đỡ tôi và dắt tôi đến Đấng Cứu Rỗi thông qua tấm gương của họ về việc nhìn mỗi cá nhân.

Tôi vĩnh viễn biết ơn cho những cách thức mà Chúa đã tiếp tục cho tôi thấy rằng Ngài nhìn thấy tôi là một người xứng đáng và có giá trị. Ngài đã ban phước lành cho tôi với những ân tứ và cho tôi cơ hội để sử dụng những ân tứ đó để giúp những người khác trở nên như Ngài. Và tôi biết rằng Ngài cũng làm điều đó cho mỗi anh chị em và cho mỗi học sinh của chúng ta.

Những tháng vừa qua, tôi đã có những kinh nghiệm tuyệt vời học tập thánh thư với trọng tâm vào cách Đấng Cứu Rỗi nhìn mỗi người và giảng dạy theo cách nhìn đó. Học tập từ Ngài một cách trực tiếp đã thay đổi tôi. Tôi mời gọi các anh chị em đón lấy cơ hội giống như vậy. Ngài là một tấm gương hoàn hảo. Có vô số những ví dụ về cách Ngài sử dụng khéo léo những kinh nghiệm học tập và những bài học để đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân và giúp những người Ngài giảng dạy hiểu về tiềm năng thiêng liêng của họ rõ hơn.

Những người bạn thân mến của tôi, tôi cầu nguyện rằng Cha Trên Trời sẽ tiếp tục gia tăng khả năng của cá nhân chúng ta để có thể nhìn như Ngài nhìn, yêu thương như Ngài yêu thương, và hành động như Ngài hành động. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tìm kiếm ân tứ này và tìm những cách thức để đạt được và đào sâu vào nó. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng để có được hình ảnh của Đấng Cứu Rỗi trong sắc mặt của chúng ta khi chúng ta đứng trước các học sinh của mình mỗi ngày. Tôi biết rằng chúng ta có thể phát triển ân tứ này khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài. Tôi làm chứng như vậy, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A men.