Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Tràn Đầy Niềm Vui


16:11

Tràn Đầy Niềm Vui

Buổi Phát Sóng Chương Trình Huấn Luyện Thường Niên Các Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo ngày13 Tháng Sáu, 2017

Hai năm trước, ủy viên hội đồng của chúng ta, Anh Cả Kim B. Clark, đã dạy chúng ta từ sách 3 Nê Phi về các thiên sứ và các con trẻ, là những người được bao quanh giữa đám lửa. Ông dạy chúng ta rằng với tư cách là những nhà giáo dục về tôn giáo, chúng ta cũng nên được bao quanh giữa đám lửa thánh đó.1 Như các anh chị em đã biết, có một câu chuyện khác trong Sách Mặc Môn về những người được bao quanh giữa đám lửa từ trời. Lê Hi và Nê Phi bị ném vào ngục, và câu chuyện kể:

“Họ đang đứng giữa đám lửa cháy đỏ. …

“Và này, Đức Thánh Linh của Thượng Đế đã từ trên trời giáng xuống, … khiến họ cảm thấy như được tràn ngập trong lửa.”2

Câu chuyện cũng kể: “Rồi họ tràn đầy niềm vui sướng, một niềm vui sướng khó tả và tràn đầy vinh quang.”3

Thông điệp của tôi hôm nay là điều này: Là những nhà giáo dục về tôn giáo, chúng ta không chỉ nên được bao quanh giữa đám lửa; lòng chúng ta cũng nên tràn đầy niềm vui. Các học viên nên học hỏi trong các lớp học của chúng ta về “kế hoạch hạnh phúc,” nhưng họ cũng nên thấy nơi chúng ta bằng chứng rằng kế hoạch có tác dụng—rằng việc sống theo phúc âm mang đến niềm vui. Trong giấc mơ về cây sự sống, Lê Hi đã khẩn nài gia đình ông để đến và ăn trái cây “hấp dẫn, làm người ta cảm thấy vui sướng.”4 Lời mời gọi của ông có quyền năng và tính xác thực vì ông nói lên từ kinh nghiệm.

Chủ tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Trở nên hạnh phúc trong công việc này là điều rất quan trọng. Chúng ta có rất nhiều người u sầu trong Giáo Hội bởi vì họ không hiểu, tôi đoán vậy, rằng đây là phúc âm hạnh phúc.”5 Chúng ta có thể có được hạnh phúc mà Chủ Tịch Hinckley đã nói tới qua việc tiếp nhận Thánh Linh trong cuộc sống của mình và rồi, như thánh thư nói, sống “trong hạnh phúc.”6

Tôi muốn đưa ra để các anh chị em suy ngẫm vài nguyên tắc mà đã giúp tôi, với tư cách là một nhà giáo dục về tôn giáo, sống “trong hạnh phúc.” Chúng không phải là những ý kiến sâu sắc hay mới mẻ, và tôi nhắc đến chúng với hy vọng giúp đỡ người nào đó sống và giảng dạy với nhiều niềm vui hơn. Tôi không chỉ nói với những người là nhà giáo dục về tôn giáo chuyên nghiệp mà còn với những người, trong một thời gian, sống cuộc sống của nhà giáo dục về tôn giáo mà “được kêu gọi” trong các lớp giáo lý và viện giáo lý.

Nhiều năm trước tôi đọc được một đoạn trích dẫn từ Chủ Tịch Spencer W. Kimball mà đã làm tôi băn khoăn. Ông nói: “Chúng ta hãy nắm lấy hạnh phúc ngày hôm nay; vì biết rằng, nếu các anh chị em không hạnh phúc ngày hôm nay thì có thể các anh chị em sẽ không bao giờ hạnh phúc.”7

Tôi đã nghĩ là điều đó không thể đúng được. Còn sự hối cải thì sao? Nếu tôi không hạnh phúc hôm nay, tôi không thể làm gì để thay đổi điều đó sao? Tôi suy nghĩ thêm về điều đó, và tôi tin ý định trong sứ điệp của Chủ Tịch Kimball là như sau: Nếu các anh chị em không hạnh phúc và tin rằng mình có thể hạnh phúc chỉ khi nào những hoàn cảnh của các anh chị em có khác đi, thì các anh chị em có thể không bao giờ hạnh phúc vì hạnh phúc không tùy thuộc vào những hoàn cảnh của các anh chị em. Một tác giả đã bày tỏ điều đó theo cách này:

“Chúng ta thường tin rằng nếu mình ở chỗ nào khác—trong kỳ nghỉ, với một người bạn khác, một nghề nghiệp khác, một ngôi nhà khác, một hoàn cảnh khác—thì bằng cách nào đó chúng ta sẽ hạnh phúc và vừa lòng hơn. Không phải vậy!

Sự thật là, nếu các anh chị em có những thói quen làm hại tinh thần ... hay nếu các anh chị em liên tục mong muốn mọi điều khác đi, thì chính những khuynh hướng này sẽ theo các anh chị em, bất kỳ nơi đâu các anh chị em đi.”8

La Man và Lê Mu Ên tin hạnh phúc của họ tùy thuộc vào những hoàn cảnh—đặc biệt là những hoàn cảnh cản trở họ được thoải mái. Khi kể về cuộc hành trình của họ trong vùng hoang dã, họ đã nói:

“Vợ chúng ta đã làm việc nhọc nhằn trong khi thai nghén; và họ đã sinh con trong vùng hoang dã và chịu đựng tất cả mọi điều, chỉ trừ cái chết. Thà rằng để họ chết trước khi rời khỏi Giê Ru Sa Lem còn hơn là phải chịu đựng những nỗi khổ cực như vầy.

“Này, lẽ ra chúng ta đã được sung sướng hưởng thụ những của cải và đất thừa hưởng của mình; phải, và có thể chúng ta đã hạnh phúc biết bao.”9

Tôi đã học được rằng hạnh phúc của tôi không tùy thuộc vào nơi tôi sống, sự chỉ định tôi có, người làm việc với tôi, những học viên tôi có, hay những cơ hội không đến. Tôi không nghĩ rằng việc có một “thái độ tốt” sẽ làm cho những thử thách của các anh chị em tránh xa và làm ánh nắng ngập tràn cuộc sống. Những hoàn cảnh đôi khi chúng ta thấy mình gặp phải thường trở nên đau đớn và gần như không chịu nổi. Nhưng tôi đưa ra lời chứng của mình rằng ngay cả trong những hoàn cảnh đó, cũng có thể có một tinh thần thuận lợi và tầm nhìn mà có thể làm cuộc sống đầy niềm vui.

Có một câu trong Sách An Ma nói: “Và đây là thiên ký thuật về Am Môn và các anh em ông, về những cuộc hành trình của họ trong xứ Nê Phi, những thống khổ của họ trong xứ ấy, những buồn phiền, của họ, và những nỗi khổ đau, cùng niềm vui khôn tảcủa họ.”10 Nỗi khổ đau và niềm vui không loại trừ lẫn nhau. Là một giảng viên được kêu gọi, các anh chị em có thể mong muốn mình có một chức vụ kêu gọi khác. Là một giảng viên được mướn, các anh chị em có thể mong muốn mình có một sự chỉ định khác. Mong muốn thì cũng được, nhưng xin hãy nhớ hạnh phúc của các anh chị em không tùy thuộc vào việc mong muốn của các anh chị em thành hiện thực. Hạnh phúc không phải là mục tiêu cuối cùng để đạt được, nhưng chúng ta có thể hạnh phúc trong khi vẫn đang cố gắng đạt được mục tiêu của mình. Nếu các anh chị em sống cuộc sống của mình và nghĩ đó là đích đến thì các anh chị em có thể sẽ không bao giờ hạnh phúc.

Làm cách nào một người tìm thấy hạnh phúc, bất kể hoàn cảnh là gì? Tôi không biết hết các câu trả lời, nhưng tôi xin đưa ra một câu trả lời quan trọng: Cuộc sống “trong hạnh phúc” liên quan chặt chẽ đến lòng biết ơn. Chủ tịch Dieter F. Uchtdorf đã nói:

“Tôi đề nghị rằng thay vì biết ơn về mọi sự việc, chúng ta tập trung vào việc biết ơn trong mọi hoàn cảnh của chúng ta”—cho dù hoàn cảnh đó là gì đi nữa. …

“Lòng biết ơn này có thể tồn tại bất kể điều gì đang xảy ra xung quanh chúng ta. .... Lòng biết ơn đó phát triển trong hoàn cảnh khó khăn cũng như trong tình huống dễ chịu. …

“Việc biết ơn trong mọi hoàn cảnh của chúng ta là một hành động của đức tin nơi Thượng Đế. …

“Lòng biết ơn chân thật là một biểu hiện về niềm hy vọng chứng ngôn.”11

Tôi xin đưa ra một nguyên tắc khác mà đã giúp đỡ tôi sống và giảng dạy với nhiều niềm vui hơn. Sau một vài năm trong nghề nghiệp của mình, tôi đã quyết định nghỉ dạy lớp giáo lý và viện giáo lý. Tôi quyết định điều đó bởi vì tôi không nghĩ mình giỏi như những giảng viên xung quanh. Tôi đã thấy nhiều giảng viên duyên dáng, thông thái, hài hước, và tự tin—và tôi thấy mình chỉ có một chút những điều đó. Cuối cùng, tôi không nghỉ dạy lớp giáo lý và viện giáo lý, nhưng tôi tiếp tục không tin chắc trong lòng khi tôi nghĩ liệu cá tính của mình có thể giảng dạy và giúp đỡ giới trẻ một cách hiệu quả hay không.

Về những cá tính độc đáo của chúng ta, Chị Pat Holland, vợ của Anh Cả Jeffrey R. Holland, đã nói:

“Cha Thiên Thượng của chúng ta cần chúng ta như bây giờ, như con người chúng ta đang trở thành. Ngài cố ý làm cho chúng ta khác biệt với người khác nên cho dù với những sự không hoàn hảo của mình, chúng ta cũng có thể làm tròn những mục đích của Ngài. Nỗi đau khổ lớn nhất của tôi đến khi tôi cảm thấy rằng phải làm đúng những gì người khác đang làm, hay những gì tôi nghĩ người khác kỳ vọng mình làm. Tôi hạnh phúc nhất khi khi tôi cảm thấy thoải mái với con người thật của tôi và cố gắng làm những gì Cha Thiên Thượng và tôi kỳ vọng tôi làm.

Trong nhiều năm, tôi thường cố gắng so sánh Pat Holland trầm tính, nội tâm với Jeff Holland tráng kiện, vui tính, hay nói, đầy nghị lực và những người khác có đức tính tương tự. Tôi đã học được qua vài thất bại mệt mỏi rằng các anh chị em không thể có niềm vui trong việc trở nên vui tính nếu các anh chị em không phải là một người vui tính. Không phải là như vậy đâu. Tôi đã bỏ việc nhìn bản thân mình như một người không hoàn thiện. ... Việc bỏ đi ý nghĩ này đã giải thoát tôi để chấp nhận và vui mừng trong cách thức và cá tính của tôi. ...

Ở nơi nào đó, bằng cách nào đó, sứ điệp của Chúa giúp tôi hiểu rằng cá tính của tôi được tạo ra để hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh và những tài năng Ngài đã ban cho tôi. ... Tôi đã thấy rằng mình có những nguồn nghị lực nhiều không kể xiết để sống theo con người thật của mình. Những khoảnh khắc tôi say mê trong việc bắt chước người xung quanh mình, tôi cảm thấy hụt hẫng và mệt mỏi, và thấy bản thân mình bị vất vả mãi mãi. Khi chúng ta làm hỏng kế hoạch của Thượng Đế dành cho mình, chúng ta lấy đi khỏi thế giới này và vương quốc của Thượng Đế những sự đóng góp độc đáo của mình.”12

Trong việc sống theo con người thật của mình, tôi xin đưa ra hai cảnh báo. Đầu tiên, tôi không nghĩ rằng chúng ta sống với một thái độ mà nói: “ Con người tôi là như vậy đó.” Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói, “Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô phúc âm về sự thay đổi.”13 Tôi nên hăm hở tìm kiếm sự phản hồi từ các vị lãnh đạo của mình về việc làm thế nào tôi có thể thay đổi và điều chỉnh cá tính và những nỗ lực của mình được phù hợp hơn trong việc đạt được mục tiêu của chúng ta. Quan trọng hơn, tôi có một lệnh truyền do chính Đấng Ky Tô đưa ra rằng tôi phải trở nên giống như Ngài. Chứ tôi không cần phải trở nên giống như các giảng viên khác. Tư cách của tôi, được gia tăng bởi các ân tứ của Thánh Linh, có thể tạo một sự đóng góp độc đáo cho công việc của các lớp giáo lý và viện giáo lý.

Cảnh báo thứ hai: Khi tôi đến Văn Phòng Trung Tâm lần đầu tiên để nhận một sự chỉ định mới, người điều hành của chúng tôi vào lúc đó, Anh Cả Paul V. Johnson, đã mời tôi đến văn phòng của ông để được hướng dẫn và khuyên bảo. Cùng với những điều khác, ông nói: “Đừng định rõ bản thân anh. Tôi hiểu điều đó có nghĩa là nếu tôi từng định rõ cho Chúa cách Ngài sử dụng tôi tốt nhất để hoàn thành công việc của Ngài, thì tôi có thể giới hạn những cơ hội của mình để tiến triển và phục vụ.

Rủi thay, tôi đã làm chính điều ông đã cảnh báo tôi. Tôi đã cố để làm hết sức trong sự chỉ định điều hành mà ông đã yêu cầu tôi làm tròn, nhưng tôi ta thán trong lòng. Tôi tự nhủ: “Mình không phải là một người điều hành.” “Mình là một giảng viên. Mình nên có mặt trong phòng học, không phải ngồi trong những buổi họp.” Đó là một tiến trình dài và đau đớn trước khi tôi học được rằng ước muốn công khai của tôi để giảng dạy chỉ là một điều ngụy trang để che giấu ước muốn hoàn thành những nhu cầu cá nhân của mình. Việc dành thời gian của mình với những học viên và thánh thư là một điều đáng làm. Việc dành ngày của mình trong các buổi họp thảo luận về những chính sách, thì không phải là một điều đáng làm lắm. Nhưng điều đó không liên quan. Tôi làm công việc này vì phần thưởng và sự mãn nguyện cá nhân, hay tôi làm với con mắt duy nhất hướng về vinh quang và các mục đích của Thượng Đế?

Tôi hy vọng các anh chị em sẽ khôn ngoan hơn tôi và sẽ không định rõ bản thân các anh chị em và cách mà các anh chị em nên được sử dụng. Có một niềm hạnh phúc đơn độc đến qua việc phục tùng ý muốn của Đức Chúa Cha, như Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy và giải thích nhiều lần.

Vấn đề tuân phục này dẫn tôi đến một gợi ý khác mà có thể giúp chúng ta sống “trong hạnh phúc” với tư cách là những nhà giáo dục về tôn giáo. Tôi chắc chắn rằng hầu hết chúng ta thành thật muốn phục tùng ý muốn của Cha Thiên Thượng. Sẽ trở nên khó khăn hơn khi chúng ta được yêu cầu để phục tùng những con người hữu diệt ở đây trên thế gian mà Chúa dùng để hướng dẫn công việc của Ngài, có thể là trong một tiểu giáo khu, giáo khu, hay các lớp giáo lý và viện giáo lý. Tôi biết những giảng viên rất có khả năng trong nghề nghiệp của mình, là những người phật lòng trước hành động của một vị lãnh đạo hoặc với một chính sách mà họ không đồng ý. Cho dù những bất công là thật hay chỉ qua sự cảm nhận, thì những giảng viên này đã che chở và nuôi dưỡng nỗi đau của họ—tất cả những điều này phải trả bằng cái giá là hạnh phúc của chính họ. Nỗi đau của họ thường chuyển thành sự cay đắng, là điều dẫn đến sự tranh chấp với người khác, đặc biệt là đối với những người giám sát họ.

Anh cả Neal A. Maxwell có lần viết: “Cuộc sống trong Giáo Hội [và tôi sẽ thêm vào, cuộc sống trong các lớp giáo lý và viện giáo lý] có nghĩa là trải qua sự đa dạng của các lãnh đạo mà không phải ai cũng luôn sáng suốt, chín chắn, và khéo léo. Thực sự, một số người trong chúng ta yếu kém và vụng về. Một số điều tốt lành mà chúng ta gặp thật sự là kết quả của việc xung đột với với những người khác. Sự kiên nhẫn và tình yêu thương mềm mỏng thật thiết yếu làm sao trong những hoàn cảnh như vậy.”14

Tôi không thể nhấn mạnh đủ “sự kiên nhẫn và tình yêu thương mềm mỏng” quan trọng như thế nào cho một nhà giáo dục về tôn giáo. Chúng thiết yếu trong việc tìm kiếm hạnh phúc và giảng dạy với Thánh Linh.

Chủ tịch Boyd K. Packer đã nói: “Một người nói anh ấy sẽ tán trợ Chủ Tịch của Giáo Hội hay Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương nhưng không thể tán trợ vị giám trợ của anh ấy là tự dối bản thân mình. Người nào không tán trợ vị giám trợ trong tiểu giáo khu và vị chủ tịch trong giáo khu của anh ấy thì sẽ không tán trợ Chủ Tịch của Giáo Hội.”15

Thời gian không cho phép bình luận sâu hơn, nhưng có một nguyên tắc trong lời phát biểu đó mà tôi tin là áp dụng cho các nhà giáo dục về tôn giáo và mối quan hệ của họ với những người đã được chỉ định để dẫn dắt họ. Nếu bất kỳ ai trong số các anh chị em không có thiện cảm với cách điều hành, với một người lãnh đạo hay chính sách cụ thể, hoặc bị coi thường hay bị để ý thái quá, thì tôi khẩn nài các anh chị em hãy bỏ qua, cho chính lợi ích của mình. Hạnh phúc sẽ vĩnh viễn không đến với người không chịu tha thứ, người lây lan sự không vừa lòng của họ sang những người khác, hay người nuôi dưỡng sự tranh chấp.

Bây giờ là ý kiến cuối cùng của tôi. Chỉ mấy tiếng trước khi Đấng Cứu Rỗi chết, Ngài đã rửa chân cho Các Sứ Đồ và nói:

“Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. …

“Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo.”16

Phần lớn hạnh phúc chúng ta có thể trải qua trong cuộc sống sẽ tới khi chúng ta quên bản thân mình và tập trung những suy nghĩ và sự phục vụ của mình vào người khác. Đối với nhà giáo dục về tôn giáo, có một niềm hạnh phúc lớn lao được tìm thấy khi chúng ta tập trung những suy nghĩ, ước muốn, và nỗ lực vào việc ban phước cho các học viên của mình. Khi nói chuyện với các nhà giáo dục về tôn giáo, chủ tịch Spencer W. Kimball có lần nói rằng “sự tiến triển và phát triển” của những người trẻ tuổi nên là “sự nhiệt tình vĩ đại và to lớn” của chúng ta.”17 Nếu chúng ta không tập trung vào học viên của mình mà bắt đầu tập trung vào những nhu cầu, sự thoải mái, sự thỏa mãn, hay sự công nhận của mình, thì sẽ có một mất mát lớn trong khả năng của chúng ta để giảng dạy hiệu quả, chưa kể đến sự mất mát lớn hạnh phúc của chính chúng ta.

Harry Emerson Fosdick, một mục sư tin lành của thế kỷ trước, đã viết: “Một số Ky Tô Hữu cõng tôn giáo của họ trên lưng. Đó là một gánh nặng những tín ngưỡng và những điều thực hành mà họ phải mang. Có những lúc nó trở nên nặng nề và họ sẵn lòng bỏ xuống, nhưng điều đó có nghĩa là từ bỏ những truyền thống cũ, nên họ mang nó lên lần nữa. Nhưng những Ky Tô Hữu thật sự không cõng tôn giáo của họ, tôn giáo của họ cõng họ. Tôn giáo không phải là gánh nặng cho chúng ta; mà là sự nâng đỡ cho chúng ta. Tôn giáo nâng đỡ họ, giúp đỡ họ chịu đựng những thử thách, làm cho vũ trụ thân thiện hơn, làm cho cuộc sống có mục đích, biến hy vọng thành hiện thực, làm cho sự hy sinh đáng được bõ công. Tôn giáo làm cho họ thoát khỏi sợ hãi, sự vô ích, sự thất vọng và tội lỗi—là những điều nô lệ hóa tâm hồn loài người. Anh chị em có thể biết một người Ky Tô Hữu thực sự, khi nhìn anh ấy, qua tính vui vẻ của anh ấy.”18

Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng cho mỗi anh chị em rằng thật sự phúc âm không phải là một gánh nặng cho chúng ta, mà là sự nâng đỡ của chúng ta, rằng các anh chị em được bao quanh giữa đám lửa và ngập tràn niềm vui, và rằng hạnh phúc của chính các anh chị em sẽ mời gọi những người khác tìm kiếm và noi theo nguồn gốc hạnh phúc của các anh chị em, là Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Ngài là người hạnh phúc nhất đã từng sống trên thế gian này và Ngài mời gọi chúng ta noi theo Ngài trong việc “sống trong hạnh phúc.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Kim B. Clark, “Encircled About with Fire” (Seminaries and Institutes of Religion Satellite Broadcast, Aug. 4, 2015), lds.org.

  2. Hê La Man 5:44–45.

  3. Hê La Man 5:44.

  4. 1 Nê Phi 8:10.

  5. Gordon B. Hinckley, Teachings of Gordon B. Hinckley (1997), 256.

  6. 2 Nê Phi 5:27.

  7. Spencer W. Kimball, The Teachings of Spencer W. Kimball, ed. Edward L. Kimball (1982), 173.

  8. Richard Carlson, Don’t Sweat the Small Stuff … and It’s All Small Stuff (1997), 133.

  9. 1 Nê Phi 17:20–21.

  10. An Ma 28:8; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  11. Dieter F. Uchtdorf, “Biết Ơn trong Mọi Hoàn Cảnh,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 75–76.

  12. Patricia T. Holland, “Portraits of Eve: God’s Promises of Personal Identity,” trong LDS Women’s Treasury: Insights and Inspirations for Today’s Woman (1997), 97–98.

  13. Russell M. Nelson, “Những Quyết Định cho Thời Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, 108.

  14. Neal A. Maxwell, If Thou Endure It Well (1996), 99.

  15. Boyd K. Packer, Follow the Brethren, Brigham Young University Speeches of the Year ( 23 tháng Ba năm 1965), 4–5; cũng có trong Liahona, tháng Chín năm 1979, lds.org.

  16. Giăng 13:14, 17.

  17. Spencer W. Kimball, Men of Example (bài nói chuyện với những nhà giáo dục tôn giáo của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 12 tháng Chín năm 1975; booklet), 7; cũng có trong Teaching Seminary: Preservice Readings (sách Church Educational System, 2004), 26.

  18. Harry Emerson Fosdick, Twelve Tests of Character (1923), 87–88; được trích dẫn trong L. Tom Perry, “A Year of Jubilee,“ Ensign, tháng Mười Một năm 1999, 77.