Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Sự cải đạo của Con Cái của Thượng Đế


21:42

Sự cải đạo của Con Cái của Thượng Đế

Buổi Phát Sóng Chương Trình Huấn Luyện Thường Niên Viện Giáo Lý và Lớp Giáo Lý • Ngày 13 tháng Sáu năm 2017

Tôi rất hoan hỷ được tham gia vào buổi phát sóng buổi họp đặc biệt hôm nay với các anh chị em là những người hướng dẫn và giảng dạy của Lớp Giáo Lý và Học Viện Tôn Giáo, và người bạn đời của các anh chị em. Chúng tôi đã gặp nhiều trong các số anh chị em trên khắp thế giới, và anh chị em thật tuyệt vời. Tôi tin rằng có nhiều lý do cho sự tuyệt vời này. Thứ nhất, Giáo Hội chỉ tuyển dụng những cá nhân hội đủ điều kiện, xứng đáng để nắm giữ giấy giới thiệu vào đền thờ, chứng minh được khả năng giảng dạy, được giới thiệu và phê duyệt qua nhiều cấp, bao gồm cả Ban Quản Trị Giáo Dục. Các anh chị em giảng viên được kêu gọi có lẽ không cần phải trải qua sự xem xét kỹ lưỡng giống như những giảng viên được tuyển dụng, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, các lãnh đạo địa phương kêu gọi những giảng viên giỏi nhất để giảng dạy các lớp giáo lý và viện giáo lý. Thứ hai, các anh chị em được đắm mình trong giáo lý của Đấng Ky Tô, là điều mà Nê Phi tuyên bố, “đây là giáo lý duy nhất và trung thực của Đức Chúa Cha, và của Đức Chúa Con, và của Đức Thánh Linh.”1 Việc giảng dạy giáo lý này cung ứng sự động viên liên tục để sống theo giáo lý này, và đó cũng là lý do tại sao anh chị em thật là tuyệt vời. Hãy tiếp tục làm như vậy!

Chúng ta là một gia đình lớp giáo lý! 32 năm trước, tôi được kêu gọi là chủ tịch giáo khu Honolulu Hawaii. Đứa con nhỏ nhất của chúng tôi được 18 tháng, còn đứa lớn nhất trong 4 đứa con được 11 tuổi. Sự nghiệp của tôi đòi hỏi ở tôi rất nhiều, và dường như chúng tôi đã đến cùng cực khả năng của mình rồi. Và rồi, một số người điều phối lớp giáo lý trong giáo khu của chúng tôi đã đến gặp tôi và hỏi, với một sự thiếu tự tin do hoàn cảnh gia đình chúng tôi: “Anh nghĩ, à, có lẽ, à, Chị Hallstrom có thể, à, giảng dạy lớp giáo lý không?” Chúng tôi không quen lắm với việc từ chối những sự kêu gọi, nên chúng tôi đã hít một hơi thật sâu và đáp rằng: “Tất nhiên là được ạ.”

Việc đó bắt đầu một khoảng thời gian đòi hỏi nhiều ở chúng tôi nhưng lại nhiều bổ ích cho gia đình chúng tôi. Vợ tôi, Diane, đã thức dậy lúc 4 giờ 30 mỗi sáng trong tuần để chuẩn bị cho lớp giáo lý lúc 6 giờ sáng. Điều này cũng đòi hỏi tôi phải đánh thức các con dậy, giúp chúng tắm rửa và mặc quần áo, chuẩn bị bữa ăn sáng, và chuẩn bị mọi việc để khi Diane về nhà lúc 7 giờ sáng, tôi có thể đi làm và vợ tôi có thể đưa những đứa nhỏ đủ lớn đến trường.

Lịch trình này kéo dài trong suốt tám năm, cho đến khi Diane được kêu gọi với tư cách là chủ tịch Hội Thiếu Nữ. Năm năm sau, người điều phối lớp giáo lý lại một lần nữa đến gõ cửa và khẩn nài chúng tôi: “Lớp 12 của chúng tôi đang gặp khó khăn, chị Hallstrom có thể nào giảng dạy lớp giáo lý một lần nữa không?” Vì thế, ba năm nữa được thêm vào tám năm trong sự phục vụ này, và phải cần đến một cuộc điện thoại từ Chủ Tịch Hinckley để vợ tôi được giải nhiệm. Tôi được kêu gọi là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, và chúng tôi được chuyển đến Nhật Bản cho sự chỉ định đầu tiên của chúng tôi. Vì thế, thưa anh chị em giảng viên được kêu gọi, hãy cẩn trọng với việc hy vọng được giải nhiệm - các anh chị em không bao giờ biết được mình sẽ đi về đâu đâu!

Chúng tôi nhìn lại khoảng thời gian khó khăn, bận rộn, đầy xáo trộn đó với một sự yêu mến và lòng biết ơn. Quả thực, Diane đã yêu mến các học sinh trong lớp giáo lý của cô ấy (và họ cũng yêu mến cô). Cô ấy cũng giảng dạy mỗi đứa con chúng tôi trong lớp giáo lý, và cả những đứa cháu trai và cháu gái, một trong số chúng giờ đây đang là giám đốc của một viện giáo lý, và tôi hy vọng, đứa cháu ấy đang tham gia buổi phát sóng này. Hơn thế nữa, việc giảng dạy cuồng nhiệt này giúp Diane có một sự hiểu biết và chứng ngôn sâu sắc hơn về phúc âm—điều này còn mang đến lợi ích cho tôi và gia đình tôi một cách to lớn. Và, việc giảng dạy này của Diane cũng “cho phép” tôi ở bên bọn trẻ trong một khoảng thời gian cố định duy nhất tôi có thể—những buổi sáng sớm trong tuần. Đây quả thật là một phước lành đầy ý nghĩa đối với tôi và, tôi tin, đối với bọn trẻ nữa. Vì thế, anh chị em thấy đó, một số những gánh nặng lớn lao nhất của chúng ta thật sự trở thành những phước lành lớn lao nhất.

Hôm nay, tôi vui mừng được có mặt cùng với các cộng sự mà tôi rất kính trọng. Với tư cách là một thành viên trong Ban Quản Trị Giáo Dục và Ủy Ban Cấp Cao của Ban Quản Trị, hai lần mỗi tháng, tôi gặp gỡ Anh Cả Kim B. Clark, là Ủy Viên tuyệt vời của chúng ta, và Chad H Webb, người quản trị xuất chúng của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo. Các anh chị em được tuyển dụng hoặc phục vụ trong những lớp giáo lý và viện giáo lý đều được lãnh đạo bởi những người tài ba. Như hầu hết anh chị em đều biết, Ban Quản Trị Giáo Dục của Giáo Hội được chủ tọa bởi Chủ Tịch Thomas S. Monson và gồm có cả Chủ Tịch Henry B. Eyring và Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf. Anh Cả Dallin H. Oaks cũng là một thành viên của Ban Quản Trị và chủ tịch Hội Đồng Chấp Hành. Các thành viên khác của Ban Quản Trị và Hội Đồng Chấp Hành là Anh Cả Jeffrey R. Holland, Chị Jean B. Bingham, và Chị Bonnie L. Oscarson. Tôi liên tục kinh ngạc về những sự ưu tiên và các nguồn lực dành cho việc giáo dục trong Giáo Hội.

Bây giờ, hãy để tôi chia sẻ một vài ý nghĩ với các anh chị em là những người đang đóng một vai trò thiết yếu trong sự giáo dục thuộc linh cho giới trẻ của Giáo Hội. Tôi đã đề cập đến giáo lý sâu sắc của Đấng Ky Tô. Làm thế nào Giáo Hội hỗ trợ những người tín hữu phát triển sự hiểu biết và sống theo giáo lý này? Một cách khác để đặt ra câu hỏi này là, “Những điều ưu tiên nhất của các sứ đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là gì?”

Một cách để học hỏi về những sự ưu tiên trên là hiểu được “công việc cứu rỗi.” Một định nghĩa ngắn gọn nhất của công việc cứu rỗi nằm trong Sách Hướng Dẫn 2.Hãy nhớ rằng sách hướng dẫn này của Giáo Hội được phê duyệt bởi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Sách đó nêu lên như sau: “Các tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được phái đi để ‘lao nhọc trong vườn nho của Ngài ngõ hầu cứu rỗi linh hồn con người’(GLGƯ 138:56). Công việc cứu rỗi này gồm có công việc truyền giáo của tín hữu, giữ chân người cải đạo, giúp các tín hữu kém tích cực trở lại tích cực, công việc đền thờ và lịch sử gia đình, và việc giảng dạy phúc âm.”2

Một cách nhìn khác về những ưu tiên này là một phát biểu trong sách hướng dẫn của Giáo Hội được viết dưới tiêu đề “Mục đích của Giáo Hội.” Lời phát biểu đọc như sau: “Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được tổ chức với Thượng Đế để hỗ trợ công việc của Ngài để mang đến sự cứu rỗi và tôn cao cho con cái của Ngài. Giáo Hội mời tất cả mọi người “hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài’ (Mô Rô Ni 10:32; xin xem thêmGLGƯ 20:59). Lời mời hãy đến cùng Đấng Ky Tô dành cho tất cả những ai đã sống, hoặc sẽ sống, trên thế gian.”3

Câu trích dẫn trong sách hướng dẫn này tiếp tục ghi rõ, “Trong việc làm tròn mục đích của mình để giúp các cá nhân và gia đình hội đủ điều kiện cho sự tôn cao, Giáo Hội tập trung vào các trách nhiệm thiêng liêng do Chúa chỉ định. Những trách nhiệm này gồm có giúp đỡ các tín hữu sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, quy tụ Y Sơ Ra Ên qua công việc truyền giáo, chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu, và tạo điều kiện cho sự cứu rỗi người chết bằng cách xây cất đền thờ và thực hiện các giáo lễ thay cho người chết.”4

Bởi vậy, “công việc cứu rỗi” và những “trách nhiệm thiêng liêng do Chúa chỉ định” về cơ bản là giống nhau, và nên là kim chỉ nam cho mọi điều chúng ta thực thi trong Giáo Hội, bao gồm (và có lẽ quan trọng nhất) việc giảng dạy cho giới trẻ.

Cuối cùng, tất cả những gì chúng ta làm—cho bản thân chúng ta, cho gia đình chúng ta, và trong vị trí hiện tại của các anh chị em—là để giảng dạy “công việc cứu rỗi” và “những trách nhiệm thiêng liêng do Chúa chỉ định” để phụ giúp cho sự cải đạo của các con trai và con gái của Thượng Đế. Đó là giảng dạy như A Rôn và những người anh em của ông, là Am Môn, Ôm Nê, và Him Ni—để giảng dạy “thể theo tinh thần mặc khải và tiên tri, và quyền năng của Thượng Đế”, để những ai tin “theo lời thuyết giáo của [các anh chị em], và đã cải đạo theo Chúa, họ sẽ không hề bỏ đạo.”5

Như Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã ngỏ lời cùng các bậc cha mẹ và các lãnh đạo của giới trẻ: “Các anh chị em được kêu gọi bởi Chúa để giúp giới trẻ trở nên cải đạo trong Phúc Âm.”6 Bằng cáchbắt chước theo cách Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy, chúng tôi tin rằng giới trẻ của chúng ta sẽ học hỏi trong một cách kỹ càng hơn mà sẽ dẫn đến sự cải đạo.

Bởi thế, việc giáo dục cho giới trẻ của chúng ta không chỉ đơn thuần là giảng dạy các em về lịch sử, mà là giảng dạy các em về giáo lý sẽ soi dẫn các em hành động. Vai trò của chúng ta là “trở thành một công cụ trong tay của Chúa”7 để các em không chỉ có thể nghe được, mà các em còn có thểcảm nhận được, và các em có thểhành động. Vai trò của chúng ta là “dạy dỗ và gây dựng lẫn nhau”8 để chúng ta sẽ “ràng buộc mình để hành động trong mọi sự thánh thiện.”9 Vai trò của chúng ta là giảng dạy “đức tin đưa đến sự hối cải.”10

Vậy làm thế nào để đạt được lối giảng dạy này một cách tốt nhất? Mẫu mực được thiết lập trong Giáo Hội của Ngài là chúng ta phải tham gia một cách hết mình trong sự thờ phượng công khai, thờ phượng trong gia đình, và cả việc thờ phượng cá nhân. Cho phép tôi được giải thích từng phần rõ hơn.

Sự Thờ Phượng Công Khai

Sự thờ phượng công khai là khi chúng ta tụ họp với tư cách là những con cái của Thượng Đế, là những anh chị em của nhau, với tính cách là một cộng đồng các Thánh Hữu. Những buổi họp như vậy đôi khi có quy mô lớn, như đại hội giáo khu hoặc ngay cả đại hội trung ương, hay thỉnh thoảng có thể nhỏ như buổi họp của một nhóm túc số hoặc Hội Thiếu Nữ, Hội Phụ Nữ hoặc một lớp giáo lý hay viện giáo lý. Buổi họp devotional hôm nay của chúng ta cũng là một hình thức của sự thờ phượng công khai. Trong mỗi buổi họp này, chúng ta cầu nguyện, giảng dạy, làm chứng, và gây dựng—tất cả với mục đích tăng trưởng sự hiểu biết về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và Đức Thánh Linh. Và rồi chúng ta có trách nhiệm chuyển hóa kiến thức luôn tăng trưởng đó thành sự thông sáng—để liên tục giảm bớt khoảng cách giữa những gì chúng ta biết và cách chúng ta sống.

Sự thờ phượng trong đền thờ là một hình thức thiêng liêng của sự thờ phượng công khai bởi lẽ điều này trực tiếp liên quan đến các giáo lễ và giao ước kết nối chúng ta với Thượng Đế. Các anh chị em gắn bó như thế nào với đền thờ và các giao ước của mình? Các anh chị em có thường xuyên sử dụng hình thức thờ phượng thiêng liêng công khai này để củng cố sự hiểu biết và sự thông sáng của mình không? Các anh chị em có đang giúp đỡ những người mình giảng dạy gắn bó với đền thờ không? Các anh chị em có đang khuyến khích giới trẻ sống xứng đáng và nắm giữ giấy giới thiệu có giới hạn vào đền thờ và sử dụng nó khi điều kiện địa lý cho phép không? Việc tham gia vào công việc cứu rỗi qua việc tìm kiếm họ tên trong gia đình và đến đền thờ để được làm phép báp têm và lễ xác nhận cho tổ tiên của các em sẽ cung ứng những cơ hội để tiếp nhận những sự chỉ dẫn thuộc linh.

Buổi họp quan trọng nhất trong những buổi họp thờ phượng công khai, ít nhất là bên ngoài đền thờ, là các buổi tiệc thánh. Ngoài những sinh hoạt thờ phượng là một phần của hầu hết các buổi họp trong Giáo Hội, sinh hoạt này tập trung vào giáo lễ cứu rỗi là lễ tiệc thánh. Khi mở đầu và kết thúc buổi lễ này, và cụ thể trong việc chuẩn bị dự phần tiệc thánh, chúng ta hát thánh ca và cầu nguyện. Chúng ta có tham gia hết mình không? Tâm trí và tấm lòng của chúng ta ở đó cùng chúng ta hay đang ở nơi khác? Điện thoại thông minh của chúng ta được tắt chưa, hay chúng ta đang nhắn tin (hoặc, đối với những người lớn tuổi hơn là email) trong suốt giáo lễ đó hoặc một phần nào đó của buổi lễ không? Khi người nói chuyện phát biểu, đặc biệt là nếu như họ không phải là những nhà diễn thuyết tài tình, chúng ta có ngưng để ý trong sự tự cao và nghĩ rằng “Tôi đã nghe tất cả những điều này rồi” không?

Nếu chúng ta đang mắc một trong những lỗi lầm trên, điều chúng ta đang làm là giảm đi—có thể là loại bỏ đi—khả năng để Thánh Linh có thể giao tiếp với chúng ta. Và rồi, chúng sẽ tự hỏi rằng tại sao chúng ta không được gây dựng qua lễ tiệc thánh và các buổi lễ khác trong Giáo Hội?

Sự thờ phượng công khai là một cơ hội lớn lao để giúp đỡ tất cả chúng ta, bao gồm cả giới trẻ, tiếp tục trên con đường cải đạo.

Sự Thờ Phượng cùng Gia Đình

Sự thờ phượng công khai cần cổ vũ sự thờ phượng cùng gia đình. Vào năm 1999, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã khuyên nhủ các bậc cha mẹ và con cái “hãy dành ưu tiên cao nhất cho việc cầu nguyện chung gia đình, các buổi họp tối gia đình, việc học và dạy phúc âm, và các sinh hoạt lành mạnh khác của gia đình. Dù những nhu cầu hay sinh hoạt khác dường như chính đáng và thích hợp như thế nào đi nữa thì chúng cũng không được phép thay thế những trách nhiệm do Chúa chỉ định mà chỉ có các bậc cha me và gia đình mới thực hiện được một cách đầy đủ.”11 Tất nhiên, những nguyên tắc này được giảng dạy lặp đi lặp lại vô số lần bởi nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội bằng nhiều cách và qua nhiều năm.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bận rộn. Khi đi khắp nơi trong Giáo Hội, thỉnh thoảng tôi hỏi riêng những vị lãnh đạo địa phương—và họ là những người Thánh Hữu Ngày Sau tốt lành—các anh chị em có tổ chức những buổi họp tối gia đình và cầu nguyện chung gia đình thường xuyên không? Các anh chị em có học hỏi phúc âm cùng với gia đình mình không? Thường xuyên tôi nhận được một cái nhìn ngượng ngùng kèm lời giải thích: “Chúng tôi rất bận. Trường lớp, sinh hoạt ngoại khóa, âm nhạc, các khóa học khác, lịch trình giao lưu, và các sinh hoạt của Giáo Hội hầu như đã chiếm hết thời gian của con cái chúng tôi. Còn vợ chồng tôi thì bận rộn với công việc làm, Giáo Hội, và những cam kết khác. Rất hiếm khi thấy gia đình chúng tôi đầy đủ mọi người trong gia đình.” Tinh thần của những lời khuyên bảo của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn là nếu chúng ta quá bận rộn làm việc tốt mà không có đủ thời gian cho những việc cần thiết thì chúng ta cần phải tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Khi con cái được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ được cải đạo mà đã thiết lập một mẫu mực cho việc thờ phượng cùng gia đình, chúng sẽ có nhiều khả năng cảm nhận được Thánh Linh hơn trong khi chúng còn nhỏ và sẽ tiếp tục noi theo tấm gương ngay chính đó mãi mãi. Rồi những lời giảng dạy của chúng ta trong môi trường Giáo Hội sẽ đóng vai trò đúng là hệ thống hỗ trợ cho những lời giảng dạy trong gia đình.

Ngoài sự thờ phượng liên tục và hiệu quả ngay trong gia đình của chúng ta, những giảng viên của giới trẻ cần khuyến khích một cách phù hợp và nhạy cảm sự thờ phượng trong gia đình của những học sinh của chúng ta. Một vài học sinh xuất thân từ những gia đình đã có những thói quen thực hành này, nên các anh chị em có thể âm thầm đứng bên lề và lặng lẽ động viên.Đối với những học sinh khác, sự thờ phượng này không diễn ra vì nhiều lý do—từ việc các em là những tín hữu Giáo Hội duy nhất trong gia đình (hoặc ngay cả là những tín hữu tích cực duy nhất trong gia đình) cho đến việc các em đến từ những gia đình đều đặn tham gia các buổi lễ trong Giáo Hội nhưng chưa nhận thấy được tầm quan trọng của sự thờ phượng cùng gia đình. Bằng một cách không lấy đi thẩm quyền và trách nhiệm của các vị lãnh đạo và các bậc cha mẹ, hãy làm mẫu và giảng dạy những mẫu mực ngay chính và giúp đỡ giới trẻ khám phá những cách thức các em có thể là một nguồn soi dẫn cho gia đình mình trong việc phát triển những thói quen của việc thờ phượng liên tục cùng gia đình.

Sự Thờ Phượng Cá Nhân

Cuối cùng, sự cải đạo là một vấn đề cá nhân. Sự thờ phượng công khai dẫn đến sự thờ phượng cùng gia đình, và dẫn đến sự thờ phượng cá nhân. Điều này bao gồm những lời cầu nguyện cá nhân, việc học tập phúc âm cá nhân, và việc suy ngẫm về mối quan hệ của mình với Thượng Đế. “Vì làm sao một người có thể nhận biết được chủ . . . là một người xa lạ đối với mình, xa lạ cả trong ý tưởng lẫn ý muốn trong tâm hồn mình?”12

Anh Cả D. Todd Christofferson đã từng nói: “Tầm quan trọng để có một sự hiểu biết về sự thiêng liêng đơn giản là điều này—nếu một người không trân trọng những điều thiêng liêng, thì anh ta sẽ mất nó. Nếu thiếu vắng cảm giác trang nghiêm, người đó sẽ trở nên tùy tiện trong thái độ và không đúng đắn trong cách cư xử. Người đó sẽ trôi giạt khỏi những nơi an toàn mà các giao ước của người ấy với Thượng Đế mang cho. Cảm giác về trách nhiệm cá nhân của người đó đối với Thượng Đế sẽ giảm đi và dần dần bị quên đi. Sau đó, anh ấy chỉ quan tâm về sự thoải mái của cá nhân mình và làm thỏa mãn những ham muốn không thể kiểm soát được của mình. Cuối cùng, đến lúc anh ta sẽ coi thường những điều thiêng liêng, ngay cả Thượng Đế, và sẽ tự xem thường mình.”13

Chúng ta hiểu rằng yếu tố dự đoán tốt nhất cho sự thành công thuộc linh (được đo lường bởi sự sắc phong cho Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, tiếp nhận lễ thiên ân, phục vụ truyền giáo, kết hôn trong đền thờ, và nuôi dạy một gia đình ngay chính) là một thanh niên hoặc thiếu nữ có được những kinh nghiệm thuộc linh cho cá nhân mình—để các emcảm nhậnđược sự ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Điều này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tích cực trong Giáo Hội; nó đòi hỏi phải tích cực trong phúc âm nữa!

Mục tiêu của mỗi lớp học các anh chị em giảng dạy, mỗi cuộc thảo luận các anh chị em hướng dẫn, mỗi cuộc trò chuyện ở hành lang mà các anh chị em có là để cho Thánh Linh trở thành giảng viên thật sự. Như Đấng Cứu Rỗi đã từng dạy, “Nhưng Đấng Yên Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy cho các người mọi sự, nhắc lại cho các người nhớ mọi điều ta đã phán cùng các người.”14 Đức Thánh Linh có khả năng cá nhân hóa sứ điệp cho từng người để “được Thánh Linh của lẽ thật soi sáng.”15 Do đó, khi chúng ta giảng dạy về công việc cứu rỗi và những trách nhiệm thiêng liêng do Chúa chỉ định, chúng ta nên giảng dạy theo cách thức để gây dựng, nâng đỡ, soi dẫn, và dẫn dắt những ai nghe chúng ta giảng dạy đến đức tin được củng cố nơi Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Đối với các anh chị em là những giảng viên tôn giáo tuyệt vời, chúng tôi nói: “Xin cảm ơn các anh chị em! Thay mặt cho lãnh đạo của Giáo Hội, xin cảm ơn các anh chị em! Hãy sống một cuộc sống với sự xứng đáng cá nhân, hãy chăm sóc gia đình của anh chị em, và hãy phục vụ Chúa—đặc biệt là hãy quan tâm đến thế hệ quý báu đang vươn lên. Việc tham gia vào công việc cứu rỗi và những trách nhiệm thiêng liêng do Chúa chỉ định, dưới sự hướng dẫn và chìa khóa của các vị sứ đồ, sẽ giúp nâng cao và thúc đẩy chúng ta.

Tôi tuyên bố sự uy nghiêm của di sản thiên thượng của chúng ta và khả năng của chúng ta để tiếp nhận “cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.”16 Tôi làm chứng về Đấng Giê Hô Va vĩ đại, tức là Chúa Giê Su, danh hiệu là Chúa Giê Su Đấng Ky Tô, đấng “đã được xức dầu.”17 Tôi làm chứng về Sự Chuộc Tội không thể so sánh được đã tạo điều kiện cho mỗi chúng ta và mỗi người chúng ta giảng dạy để khắc phục thế gian—để vượt qua những hoàn cảnh trần thế khó khăn nhất với “một niềm hy vọng hết sức sáng lạn.” 18 Với những phước lành của phúc âm phục hồi và một giáo hội phục hồi, chúng ta có tất cả phương tiện cần thiết để giúp đỡ chúng ta nghe được, cảm nhận được, và hành động. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.