2021
Hãy Viết Xuống
Tháng Bảy năm 2021


“Hãy Viết Xuống,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, tháng Bảy năm 2021, trang 18–19.

Hãy Viết Xuống

Việc viết ra những suy nghĩ khi các em học thánh thư thực sự có thể giúp các em học hỏi.

Một người truyền giáo nói với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình: “Mỗi khi con bắt đầu đọc thánh thư, con ngủ quên mất!” “Giống như thánh thư là một viên thuốc ngủ vậy!”

Chủ tịch của anh ấy trả lời: “Con có bao giờ ghi chép khi con đọc không?”

Người truyền giáo nói: “Không ạ.”

Vị chủ tịch nói: “Rất dễ để ngủ quên hoặc để tâm trí xao lãng khi con chỉ đọc thôi, nhưng điều đó là không thể khi con viết xuống!”

Lời khuyên mà vị chủ tịch phái bộ truyền giáo này dành cho người truyền giáo đang gặp khó khăn của ông đã tạo nên một sự khác biệt lớn. Vì vậy, nếu các em đang tìm kiếm một cách thức mới để củng cố việc học thánh thư của mình, hãy thử nó. Khi các em viết về những gì mình đang đọc, các em có thể sẽ thấy đang học hỏi tích cực hơn và hiệu quả hơn.

Dưới đây là một số phương pháp mà chúng tôi thấy thực sự hữu ích.

Anh Steven Lund:

Hình Ảnh
Steven Lund

Tôi luôn để sẵn giấy khi đọc. Khi Thánh Linh thúc giục tôi trong quá trình học tập, tôi viết những lời thúc giục đó ra giấy.

Tôi có được ý tưởng này từ Anh Cả Richard G. Scott (1928–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ khi ông nói: “Hãy viết xuống ở một nơi an toàn những điều quan trọng các anh chị em học được từ Thánh Linh. Anh chị em sẽ thấy rằng khi anh chị em viết xuống những ấn tượng quý báu, thì thường thường sẽ có thêm nhiều ấn tượng nữa. Ngoài ra, sự hiểu biết mà anh chị em nhận được sẽ có sẵn trong suốt cuộc sống của anh chị em” (“To Acquire Knowledge and the Strength to Use It Wisely,” Ensign, tháng Sáu năm 2002, trang 32).

Tôi biết những lời đó là đúng. Khi chuẩn bị các bài nói chuyện và bài học, tôi không chỉ tìm đến thánh thư mà còn xem những gì tôi đã viết ra trong khi đọc chúng.

Anh Ahmad Corbitt:

Hình Ảnh
Ahmad Corbitt

Tôi thích học tập theo chủ đề. Tôi đọc thánh thư từ đầu đến cuối, nhưng tôi cũng thích đọc và nghiên cứu theo chủ đề. Ví dụ, tôi sẽ sử dụng Sách Hướng Dẫn theo Đề Tài để tìm các câu thánh thư về đức tin hoặc sự quy tụ Y Sơ Ra Ên. Sau đó, tôi không chỉ ghi chú mà còn viết ra những gì tôi đang học để đảm bảo rằng tôi thực sự hiểu nó. Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy mình hiểu mọi thứ tốt hơn khi làm điều này. Tôi cũng chọn một số câu thánh thư để học thuộc lòng.

Anh Bradley Wilcox:

Hình Ảnh
Bradley Wilcox

Tôi giữ một cuốn nhật ký học tập, nơi tôi chép thánh thư bằng lời riêng của mình. Ví dụ, “Vì con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế,” (Mô Si A 3:19) trở thành “Vì người kiêu ngạo và không hối cải chọn làm kẻ thù của Thượng Đế, nhưng Thượng Đế không phải là kẻ thù của người đó. Thượng Đế là người bạn tốt nhất của người ấy.”

Tôi cũng viết ra những câu hỏi. Chúng có thể là những câu hỏi tôi đang suy nghĩ trước khi đọc, hoặc chúng có thể là những câu hỏi nảy ra bởi những gì tôi đọc. Dù là cách nào thì nó cũng giúp tôi tập trung.

Sức Mạnh của Việc Viết Ra Suy Nghĩ Của Các Em

Mỗi người trong chủ tịch đoàn của chúng tôi học hỏi thánh thư theo những cách khác nhau, nhưng tất cả chúng tôi đều viết ra khi chúng tôi học hỏi!

Việc đọc giúp chúng ta tiếp thu những suy nghĩ và cảm xúc. Điều đó rất quan trọng. Và khi chúng ta nói hoặc viết, chúng ta khám phá và thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc ở bên trong ra bên ngoài. Chúng tôi cảm thấy điều đó giúp chúng tôi cá nhân hóa các lẽ thật phúc âm tốt hơn.

Một em thiếu niên đã tự mình khám phá ra lẽ thật này khi em ấy được mời nói chuyện trong buổi Tiệc Thánh. Em đã nghe nhiều người khác nói chuyện nhưng không thể nhớ chi tiết. Lần này thì khác. Khi em ấy viết dàn ý cho bài nói chuyện của chính mình, nó không chỉ giúp em ấy có một bài nói chuyện có tổ chức mà còn giúp em ấy nhớ rất lâu.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra trong việc học tập thánh thư của các em. Nếu các em ngủ gật khi mở thánh thư của mình, thì đã đến lúc phải thức dậy. Hãy lấy bút chì, bút bi, điện thoại hoặc máy tính ra và viết xuống. Các em sẽ ngạc nhiên về sự khác biệt mà điều đó có thể tạo ra!

In