Một Cờ Hiệu của Các Dân Tộc
Nếu chúng tôi giảng dạy với Thánh Linh và các anh chị em cũng lắng nghe với Thánh Linh, thì một người nói chuyện nào đó trong chúng tôi sẽ đề cập đến một điều gì đó liên quan đến hoàn cảnh của các anh chị em.
Tôi rất xúc động trước mỗi lời ca và mỗi lời nói đến nỗi tôi cầu nguyện rằng tôi có thể nói chuyện được.
Trước khi rời Nauvoo vào mùa đông năm 1846, Chủ Tịch Brigham Young đã mơ thấy một thiên sứ đứng trên một ngọn đồi hình nón, ở một nơi nào đó ở miền Tây, đang nhìn xuống một thung lũng phía dưới. Khi đi vào Thung Lũng Salt Lake khoảng 18 tháng sau, ông thấy một sườn đồi giống như ông đã thấy trong khải tượng, nằm ngay ở phía trên địa điểm này nơi chúng ta hiện đang quy tụ.
Như thường được cho biết từ bục giảng này, Anh Brigham dẫn vài người lãnh đạo lên đỉnh đồi đó và nói rằng đó là Đỉnh Cờ Hiệu, một cái tên chứa đựng đầy ý nghĩa tôn giáo đối với những người Y Sơ Ra Ên cận đại này. Hai ngàn năm trăm trước, tiên tri Ê Sai đã nói rằng trong những ngày sau cùng “núi của nhà Đức Giê Hô Va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi,” và ở đó “Chúa sẽ dựng một cây cờ cho các nước.”1
Vì thấy rằng giây phút ấy trong lịch sử là một phần ứng nghiệm của lời tiên tri đó, Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương đã mong muốn dựng lên một loại cờ nào đó để làm cho ý tưởng về “một cờ hiệu của các dân tộc” trở thành đúng nghĩa. Anh Cả Heber C. Kimball đưa ra một cái khăn tay màu vàng. Anh Brigham cột cái khăn tay đó vào một cây gậy do Anh Cả Willard Richards cầm và rồi cắm cây cờ tạm thời xuống đất, tuyên bố rằng thung lũng Great Salt Lake và các ngọn núi xung quanh là nơi đã được tiên tri rằng lời của Chúa sẽ phán ra từ đó trong những ngày sau.
Thưa các anh chị em, các đại hội trung ương thường niên và bán niên này tiếp tục với lời tuyên bố từ ban đầu đó cùng thế giới. Tôi làm chứng rằng những diễn tiến của hai ngày qua là một bằng chứng nữa, như lời bài thánh ca của chúng ta: “Lo, Zion’s standard is unfurled (Kìa xem, ngọn cờ Si Ôn đã được phất lên)”2— và chắc chắn ý nghĩa đôi của từ ngọn cờđược đưa ra với chủ ý. Không phải là tình cờ mà các sứ điệp trong đại hội trung ương được in trong ấn bản tiếng Anh của tạp chí có cái tên giản dịEnsign (Cờ Hiệu).
Khi đại hội của chúng ta sắp kết thúc, trong những ngày tiếp theo sau đại hội này, tôi yêu cầu các anh chị em hãy suy ngẫm không những về các sứ điệp mình đã nghe mà còn về chính đại hội trung ương là một sự kiện phi thường, độc nhất vô nhị—hãy suy ngẫm về việc chúng ta với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau tin rằng các đại hội là như thế cũng như việc chúng ta mời thế giới nghe và quan sát các đại hội. Chúng ta làm chứng cùng mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc rằng Thượng Đế không những hằng sống mà Ngài còn phán bảo lời khuyên dạy mà các anh chị em đã nghe, dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, là “ý muốn của Chúa, … lời nói của Chúa, … tiếng nói của Chúa, và quyền năng của Thượng Đế cho sự cứu rỗi” dành cho thời kỳ và trong thời đại của chúng ta. 3
Có lẽ các anh chị em đã biết (nhưng nếu không thì nên biết) rằng không có người nào nói chuyện ở đây đã được chỉ định cho một đề tài, ngoại trừ những trường hợp rất hiếm. Mỗi người phải nhịn ăn và cầu nguyện, nghiên cứu và tìm kiếm, viết đi viết lại bài nói chuyện của mình cho đến khi họ chắc chắn rằng đề tài của họ là đề tài mà Chúa muốn họ trình bày cho đại hội này, vào lúc này, bất kể ước muốn riêng hoặc sở thích riêng của họ là gì đi nữa. Mỗi người đàn ông và phụ nữ mà các anh chị đã nghe suốt 10 giờ đồng hồ vừa qua trong đại hội trung ương đã cố gắng noi theo thúc giục đó. Mỗi người đã khóc, lo lắng và thiết tha tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa để chỉ dẫn cho họ những ý nghĩ và ấn tượng. Và giống như Brigham Young đã thấy một thiên sứ đứng ở trên chỗ này, quả thật tôi cũng thấy những thiên sứ đứng ở trong đó. Những người anh chị em của tôi trong số các chức sắc trung ương của Giáo Hội sẽ không cảm thấy thoải mái khi được gọi là thiên sứ, nhưng đó chính là cách mà tôi thấy họ như vậy—các sứ giả trên trần thế với những sứ điệp của thiên sứ, những người nam và nữ đều gặp phải những khó khăn về vật chất, tài chính và gia đình như các anh chị em và tôi, nhưng đó là những người với đức tin đã dâng hiến đời mình cho những sự kêu gọi đến với họ, và bổn phận để rao giảng lời của Thượng Đế, chứ không phải lời của họ.
Các anh chị em cũng hãy suy ngẫm về nhiều sứ điệp khác nhau mà mình đã nghe—những sứ điệp đó làm cho đại hội trung ương dường như kỳ diệu hơn vì các đề tài nói chuyện không hề có sự phối hợp sắp xếp nào cả ngoại trừ được soi dẫn từ thiên thượng. Dĩ nhiên, các sứ điệp các anh chị em nghe đều khác nhau. Đa số giáo đoàn của chúng ta, đang có mặt ở đây hoặc ở những nơi khác, đều là các tín hữu của Giáo Hội. Tuy nhiên, với hệ thống truyền thông mới mẻ tân tiến, càng ngày càng có nhiều người hơn—chưa phải là tín hữu của Giáo Hội tham dự các đại hội của chúng ta. Vậy nên chúng tôi cần phải nói chuyện với những người biết rõ chúng tôi lẫn những người không hề biết chúng tôi. Chỉ trong vòng Giáo Hội thôi, chúng tôi phải nói chuyện với các trẻ em, giới trẻ và các thành niên trẻ tuổi, những người trung niên và cao niên. Chúng tôi phải nói chuyện với các gia đình, cha mẹ và con cái ở nhà, chúng tôi còn nói chuyện với những người độc thân, không có con cái và có lẽ ở rất xa nhà. Trong một đại hội trung ương, chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh đến các lẽ thật vĩnh cửu về đức tin, hy vọng và lòng bác ái,4và về Đấng Ky Tô bị đóng đinh5 chúng tôi còn nói thẳng về những vấn đề đạo đức rất cụ thể của thời kỳ này. Chúng tôi được truyền lệnh từ thánh thư “chớ nói điều gì ngoại trừ sự hối cải đối với thế hệ này” 6 đồng thời chúng tôi phải rao giảng “tin lành cho kẻ khiêm nhường [và] rịt những kẻ vỡ lòng.” Dù dưới bất cứ hình thức nào, các sứ điệp đại hội này “rao cho kẻ phu tù được tự do” 7và“rao truyền sự giàu có không dò được của Đấng Ky Tô.”8 Chúng tôi cho rằng vì có rất nhiều sứ điệp khác nhau được đưa ra trong đại hội nên mọi người sẽ nghe được một điều gì đó dành cho họ. Về phương diện này, tôi đoán là Chủ Tịch Harold B. Lee đã nói rất đúng về ý nghĩ này cách đây nhiều năm khi ông nói rằng phúc âm là “nhằm an ủi người khổ sở và làm khổ sở người [yên tâm].”9
Chúng tôi luôn luôn muốn lời giảng dạy của mình trong đại hội trung ương phải rộng mở và mời mọc như Đấng Ky Tô đã giảng dạy lúc ban đầu, và khi giảng dạy, chúng tôi nhớ đến kỷ luật luôn luôn chứa đựng trong các sứ điệp của Ngài. Trong bài giảng nổi tiếng nhất của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô bắt đầu bằng cách đưa ra những lời chúc phước tuyệt diệu mà mỗi một người trong chúng ta đều muốn nhận được—các phước lành được hứa ban cho những kẻ có lòng khó khăn, những kẻ có lòng trong sạch, những kẻ làm cho người hòa thuận, và những kẻ nhu mì.10 Những Lời Chúc Phúc đó đã nâng cao tinh thần và an ủi tâm hồn biết bao. Những Lời Chúc Phúc đó thật đúng. Nhưng cũng trong cùng bài giảng đó, Đấng Cứu Rỗi tiếp tục cho thấy con đường của người hòa giải và người có lòng trong sạch thì sẽ càng ngày càng khó khăn như thế nào. Ngài phán: “Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; “Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán.”11
Và tương tự như vậy,
“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết:
“Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.”12
Hiển nhiên, khi chúng ta trở thành các môn đồ tốt hơn, thì chúng ta được kỳ vọng nhiều điều hơn cho đến khi chúng ta chạm trán với điều đòi hỏi cao đáng sợ được nói đến trong bài giảng Anh Cả Christofferson mới vừa đưa ra: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”13 Việc làm môn đồ thì dễ dàng hơn khi chúng ta mới học hỏi phúc âm, nhưng vai trò môn đồ trở nên khó khăn và đòi hỏi khắt khe hơn khi chúng ta đạt đến mức cao nhất của vai trò môn đồ chân chính. Rõ ràng là bất cứ người nào nghĩ là Chúa Giê Su đã dạy rằng con người ta không chịu trách nhiệm đối với tội lỗi của mình, thì họ đã không đọc kỹ thánh thư! Không đâu, khi nói về vai trò môn đồ, thì Giáo Hội không phải giống như một nhà hàng bán đồ ăn nhanh mà chúng ta có thể đặt mua bất cứ thứ gì mình muốn. Một ngày nào đó, mọi đầu gối sẽ phải quỳ xuống và mọi lưỡi sẽ phải thú nhận rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và sự cứu rỗi chỉ có thể từ đường lối của Ngài mà đến thôi.14
Mặc dù chúng tôi muốn rao giảng một cách thích hợp về các lẽ thật phúc âm nghiêm khắc lẫn nhẹ nhàng trong đại hội trung ương, nhưng xin hãy yên tâm rằng khi nói về những đề tài khó thì chúng tôi hiểu rằng không phải là mọi người đều đang xem hình ảnh sách báo khiêu dâm, hoặc tránh kết hôn hay có những mối quan hệ tình dục vô luân. Chúng tôi biết rằng không phải mọi người đều vi phạm ngày Sa Bát hoặc làm chứng dối hay ngược đãi người phối ngẫu. Chúng tôi biết rằng đa số những người đang lắng nghe không phạm những tội như vậy nhưng chúng tôi được lệnh phải cảnh cáo những người nào phạm tội lỗi đó—cho dù họ có thể đang ở đâu trên thế giới. Vậy nên, nếu các anh chị em đang cố gắng hết sức mình—giống như, các anh chị em đôi khi vẫn cố gắng tổ chức buổi họp tối gia đình ngay cả trong cảnh hỗn loạn của căn nhà đầy trẻ con ồn ào—thì các anh chị em hãy hài lòng rằng mình đang làm đúng theo đề tài chúng tôi đang nói đến, và lắng nghe một người khác đưa ra một đề tài mà các anh chị em có lẽ cần phải cải tiến. Nếu chúng tôi giảng dạy với Thánh Linh và các anh chị em cũng lắng nghe với Thánh Linh, thì một người nói chuyện nào đó trong chúng tôi sẽ đề cập đến một điều gì đó liên quan đến hoàn cảnh của các anh chị em, gửi riêng đến các anh chị em một lá thư tiên tri.
Thưa các anh chị em, trong đại hội trung ương, chúng tôi sẽ thêm chứng ngôn của mình vào với chứng ngôn của những người khác là các chứng ngôn sẽ được nói ra, vì bằng cách này hay bằng cách khác, Thượng Đế cũng sẽ pháncho chúng ta nghe. Chúa đã phán cùng các vị tiên tri của Ngài: “Này, ta phái các ngươi đi làm chứng và cảnh cáo dân chúng.”15
“[Và] sau lời chứng của các ngươi sẽ có lời chứng của những trận động đất, … của tiếng sấm, và tiếng chớp, và tiếng bão tố cùng tiếng sóng ngoài biển dâng lên quá mức bình thường. …
“Và các thiên sứ sẽ… lớn tiếng kêu lên cùng thổi vang tiếng kèn đồng của Thượng Đế.”16
Giờ đây, các thiên sứ trên trần thế này tới bục giảng này, theo cách thức riêng của họ, đã “thổi vang tiếng kèn đồng của Thượng Đế.” Mỗi bài giảng đưa ra đều luôn luôn có ý nghĩa là một chứng ngôn về tình yêu thương lẫn một lời cảnh cáo, giống như thiên nhiên sẽ làm chứng với tình yêu thương lẫn lời cảnh cáo trong những ngày sau cùng.
Trong một vài phút nữa, Chủ Tịch Thomas S. Monson sẽ tới bục giảng này để bế mạc đại hội hôm nay. Tôi xin được nói một điều về người đàn ông yêu quý này, Vị Sứ Đồ trưởng và vị tiên tri của thời kỳ chúng ta hiện đang sống. Khi suy ngẫm về các trách nhiệm tôi đã kể ra và tất cả các anh chị em đã nghe trong đại hội này, thì thật hiển nhiên là cuộc sống của các vị tiên tri không phải là dễ dàng, và cuộc sống của Chủ Tịch Monson thì cũng không dễ dàng. Ông đã đặc biệt nói đến điều đó tối hôm qua trong buổi họp chức tư tế. Ông được kêu gọi làm sứ đồ vào năm 36 tuổi, con cái của ông lúc đó được 12 tuổi, 9 tuổi và 4 tuổi. Chị Monson cùng mấy đứa trẻ đó đã dâng hiến người chồng và người cha của họ cho Giáo Hội cũng như các bổn phận trong Giáo Hội đã hơn 50 năm. Họ đã chịu đựng nhiều bệnh tật và đòi hỏi, những vấn đề lặt vặt trong cuộc sống trần thế mà mọi người đều phải trải qua, chắc chắn trong tương lai họ cũng sẽ trải qua một số vấn đề nữa. Nhưng Chủ Tịch Monson vẫn luôn luôn vui vẻ chịu đựng tất cả những điều đó. Không có điều gì làm cho ông cảm thấy thất vọng cả. Ông có một đức tin và sức chịu đựng phi thường.
Thưa Chủ Tịch, thay cho toàn thể giáo đoàn này, đang ở đây hoặc không có mặt ở đây, tôi xin nói là chúng tôi yêu mến và kính trọng chủ tịch. Lòng tận tụy của chủ tịch là một tấm gương cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi cám ơn về sự lãnh đạo của chủ tịch. Mười bốn người khác đang nắm giữ chức phẩm sứ đồ cộng thêm những người khác hiện diện trên bục chủ tọa này, những người ngồi trong giáo đoàn cùng vô số những người khác đang quy tụ trên khắp thế giới, đều yêu mến, tán trợ và sát cánh với chủ tịch trong công việc này. Chúng tôi sẽ làm nhẹ bớt gánh của chủ tịch trong bất cứ phương diện nào chúng tôi có thể làm được. Chủ tịch là một trong số các thiên sứ được kêu gọi từ lúc thế gian mới tạo dựng để vẫy cờ hiệu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho tất cả thế gian. Chủ tịch đang làm điều này một cách tuyệt diệu. Tôi làm chứng về phúc âm đang được rao giảng và sự cứu rỗi do phúc âm đó mà có, và về Ngài là Đấng ban cho phúc âm đó, trong tôn danh đầy vinh quang của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.