2010–2019
Hy Vọng
Tháng tư 2011


2:3

Hy Vọng

Hy vọng của chúng ta nơi Sự Chuộc Tội mang đến cho chúng ta quyền năng với viễn cảnh vĩnh cửu.

Gia đình chúng tôi lớn lên ở một vùng sa mạc ở trên độ cao của miền nam Utah. Ở đó rất ít mưa và người ta luôn hy vọng có đủ nước để đối phó với sức nóng của mùa hè. Lúc ấy cũng như bây giờ, chúng tôi luôn hy vọng và cầu nguyện cho trời mưa, thậm chí trong những lúc tuyệt vọng, chúng tôi còn nhịn ăn để có được mưa.

Có một câu chuyện được kể lại về một người ông dẫn đứa cháu nội năm tuổi đi dạo quanh thị trấn. Cuối cùng, họ đi đến một cửa tiệm tạp hóa nhỏ trên con đường chính, và dừng lại ở đó để mua một lon nước ngọt. Một chếc xe mang biển số của tiểu bang khác tiến đến và người lái xe đi đến gần ông lão. Người lái xe chỉ vào một cụm mây nhỏ trên bầu trời và hỏi: “Ông có nghĩ là trời sắp mưa không?”

Ông lão đáp: “Tôi hy vọng là vậy. Tôi đã thấy mưa rồi, nhưng đứa cháu nội thì chưa.”

Hy vọng là cảm xúc làm phong phú cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hy vọng được định nghĩa là “cảm nghĩ rằng mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.” Khi có hy vọng, chúng ta “trông chờ với ước muốn và niềm tin hợp lý” (dictionary.reference.com/browse/hope). Do đó, hy vọng mang đến một ảnh hưởng êm ả nào đó cho cuộc sống chúng ta khi chúng ta mong đợi một cách tự tin vào những sự kiện tương lai.

Đôi khi chúng ta hy vọng về những điều mà chúng ta chỉ kiểm soát được chút ít hoặc không kiểm soát được gì cả. Chúng ta hy vọng về thời tiết tốt, hy vọng một mùa xuân đến sớm, hy vọng đội thể thao ưa thích của mình sẽ thắng giải World Cup, Super Bowl hoặc World Series.

Những hy vọng như vậy làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên thú vị và thường có thể đưa đến hành vi lạ lùng thậm chí là mê tín. Ví dụ, cha vợ tôi mê thể thao vô cùng, nhưng ông tin rằng nếu ông không theo dõi trận đấu của đội bóng rổ yêu thích của mình trên truyền hình thì đội đó có thể thắng. Khi tôi 12 tuổi, tôi cứ nhất định chỉ mặc đúng đôi vớ không giặt đến mỗi trận đấu Little League với hy vọng là sẽ thắng trận đấu. Mẹ tôi bắt tôi phải để đôi vớ lại ở bên ngoài cửa sau.

Những trường hợp khác, hy vọng có thể đưa đến những ước mơ soi dẫn và hướng dẫn chúng ta đến hành động. Nếu chúng ta hy vọng học giỏi hơn trong trường, thì hy vọng đó có thể thực hiện được bằng cách học hành siêng năng và tận tụy hy sinh. Nếu chúng ta hy vọng được chơi trong một đội chiến thắng thì hy vọng đó có thể đưa đến việc tập luyện kiên định, tận tụy, cả đội chung sức và cuối cùng là thành công.

Roger Bannister là một sinh viên y khoa dự bị ở nước Anh và có một tham vọng. Anh ta mong muốn là người đầu tiên chạy một dặm đường trong vòng chưa đầy bốn phút. Trong phần lớn của nửa đầu thế kỷ 20, những người hâm mộ môn điền kinh khao khát chờ đợi cái ngày mà sẽ có một người nào đó có thể chạy được một dặm đường trong vòng chưa đầy bốn phút. Trong nhiều năm, đã có nhiều vận động viên nổi bật đã gần đạt được mức đó, nhưng vẫn chưa có người nào chạy được một dặm đường trong vòng chưa đầy bốn phút. Ông Bannister tận tâm theo đuổi một lịch trình tập luyện đầy tham vọng với hy vọng sẽ đạt được mục tiêu lập kỷ lục thế giới mới của mình. Một số người hâm mộ thể thao đã bắt đầu nghi ngờ rằng sẽ không có một người nào có thể đạt được kỷ lục đó. Một số người được xem là chuyên gia còn cho rằng về mặt sinh lý học, cơ thể con người không thể nào chạy tốc độ ấy trong một quãng đường dài như vậy. Vào một ngày đầy mây u ám, ngày 6 tháng Năm năm 1954, hy vọng lớn lao của Roger Bannister đã trở thành hiện thực! Ông đã chạy đến đích của cuộc đua với kỷ lục thế giới mới là 3:59.4. Hy vọng của ông để chạy một dặm đường trong vòng chưa đầy bốn phút đã trở thành một ước mơ hiện thực bằng sự tập luyện, lao nhọc và tận tụy.

Hy vọng có thể soi dẫn những ước mơ và khuyến khích chúng ta thực hiện các ước mơ đó. Tuy nhiên, chỉ hy vọng không thôi cũng không đưa chúng ta đến thành công. Nhiều hy vọng cao quý đã không được thực hiện, vì có ý định tốt nhưng tính biếng nhác đã cản trở không cho mơ ước đó thành hiện thực.

Là cha mẹ, ước mơ sâu xa nhất của chúng ta tập trung vào con cái mình. Chúng ta hy vọng chúng sẽ lớn lên để sống một cuộc sống ngay chính và có trách nhiệm. Những hy vọng như vậy có thể dễ bị tiêu tan nếu chúng ta không nêu gương sáng. Chỉ hy vọng không thôi thì không có nghĩa là con cái chúng ta sẽ lớn lên trong sự ngay chính. Chúng ta cần phải dành thời giờ với chúng trong buổi tối họp mặt gia đình và các sinh hoạt gia đình quan trọng. Chúng ta cần phải dạy chúng cầu nguyện. Chúng ta cần phải đọc thánh thư với chúng và dạy chúng các nguyên tắc phúc âm quan trọng. Chỉ như vậy thì các hy vọng sâu xa nhất của chúng ta mới thực hiện được.

Chúng ta đừng bao giờ để cho nỗi thất vọng thay thế niềm hy vọng. Sứ Đồ Phao Lô viết rằng chúng ta “cày ruộng phải trông cậy mình sẽ có phần mà đạp lúa”(1 Cô Rinh Tô 9:10). Việc sử dụng hy vọng làm phong phú hóa cuộc sống chúng ta và giúp chúng ta trông đợi tương lai. Cho dù chúng ta đang cày cấy để trồng trọt hoặc đang lao nhọc trong cuộc sống, thì chúng ta, là Các Thánh Hữu Ngày Sau, vẫn cần phải có hy vọng.

Trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, hy vọng là ước muốn của các tín đồ của Ngài để nhận được sự cứu rỗi vĩnh cửu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Đây thực sự là niềm hy vọng chúng ta đều cần phải có. Hy vọng này làm cho chúng ta khác biệt với thế gian. Phi E Rơ khuyên bảo các tín đồ ban đầu củaĐấng Ky Tô phải “thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em” (1 Phi E Rơ 3:15).

Hy vọng của chúng ta nơi Sự Chuộc Tội mang đến cho chúng ta quyền năng với viễn cảnh vĩnh cửu. Viễn cảnh như vậy cho phép chúng ta có cái nhìn vượt qua khỏi cuộc sống này để nhìn tới cõi vĩnh cửu. Chúng ta không cần phải bị bắt giữ một cách hạn hẹp trong những kỳ vọng luôn thay đổi của xã hội. Chúng ta được tự do để trông đợi vinh quang thượng thiên, được làm lễ gắn bó với gia đình mình và những người thân yêu.

Trong phúc âm, hy vọng hầu như luôn luôn liên quan đến đức tin và lòng bác ái. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy: “Cùng với đức tin và lòng bác ái, hy vọng là một trong ba cái chân của cái ghế đẩu. Ba điều này ổn định cuộc sống của chúng ta cho dù chúng ta có thể gặp phải những gian khổ hay gay go vào lúc đó ” (“Quyền Năng Vô Tận của Niềm Hy Vọng,” Liahona tháng Mười Một năm 2008, 21).

Trong chương cuối cùng của Sách Mặc Môn, Mô Rô Ni viết:

“Vậy nên, phải có đức tin; và nếu phải có đức tin là phải có hy vọng; và nếu phải có hy vọng thì cũng phải có lòng bác ái.

“Và trừ phi các người có lòng bác ái, bằng không thì các người không có cách gì để được cứu vào trong vương quốc của Thượng Đế; các người cũng không thể được cứu vào trong vương quốc của Thượng Đế nếu các người không có hy vọng” (Mô Rô Ni 10:20–21).

Anh Cả Russell M. Nelson đã dạy rằng “đức tin dựa vào Chúa Giê Su Ky Tô. Hy vọng căn cứ vào Sự Chuộc Tội. Lòng bác ái được biểu hiện trong ‘tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô. ’ Ba thuộc tính này gắn bó chặt chẽ với nhau giống như các sợi cáp bện lại với nhau trong dây cáp và có thể không bao giờ được phân biệt một cách chính xác. Ba thuộc tính này cùng nhau trở thành sợi dây dẫn dắt chúng ta đến thượng thiên giới” (“A More Excellent Hope,” Ensign, tháng Hai năm 1997, 61).

Khi Nê Phi tiên tri về Chúa Giê Su Ky Tô vào lúc kết thúc biên sử của mình, ông đã viết: “Vậy nên, các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sáng lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người” (2 Nê Phi 31:20).

“Niềm hy vọng hết sức sáng lạn” này mà Nê Phi nói đến là niềm hy vọng nơi Sự Chuộc Tội, sự cứu rỗi vĩnh cửu đã có thể có được nhờ sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi. Niềm hy vọng này đã dẫn dắt những người nam và người nữ trong suốt lịch sử để làm những điều phi thường. Các sứ đồ thời xưa đi khắp nơi trên thế gian để làm chứng về Ngài và cuối cùng hy sinh mạng sống của họ trong sự phục vụ Ngài.

Trong gian kỳ này, có nhiều tín hữu ban đầu của Giáo Hội đã rời bỏ nhà cửa của họ, lòng họ tràn đầy hy vọng và đức tin khi họ đi về miền tây ngang qua Các Cánh Đồng Lớn đến Thung Lũng Salt Lake.

Năm 1851, Mary Murray Murdoch gia nhập Giáo Hội ở Scotland khi bà là một góa phụ 67 tuổi. Bà là một người phụ nữ nhỏ nhắn cao một mét hai và nặng chưa tới 41 kilôgram, bà sinh ra tám người con, sáu người con sống cho đến khi trưởng thành. Vì vóc dáng nhỏ nhắn của bà, nên con cháu của bà trìu mến gọi bà là “ Bà Ngoại/NộiBé Nhỏ.”

Con trai của bà là John Murdoch và vợ cũng gia nhập Giáo Hội rồi đi đến Utah vào năm 1852 cùng với hai đứa con nhỏ của họ. Mặc dù nỗi gian khổ của gia đình mình, bốn năm sau, John gửi cho mẹ mình số tiền cần thiết để bà có thể đến đoàn tụ với gia đình ở Salt Lake City. Với niềm hy vọng lớn lao hơn vóc dáng nhỏ nhắn của mình, Mary bắt đầu cuộc hành trình gian khổ về miền tây đến Utah vào lúc 73 tuổi.

Sau đoạn đường an toàn vượt qua Đại Tây Dương, cuối cùng bà gia nhập Nhóm Martin Handcartbất hạnh. Vào ngày 28 tháng Bảy, những người tiền phong kéo xe tay này bắt đầu cuộc hành trình về miền tây. Nỗi khổ sở của toán người này đã được mọi người biết rõ. Trong số 576 người trong nhóm này, gần một phần tư nhóm đã chết trước khi họ đến Utah. Đáng lẽ còn có thêm nhiều người nữa đã chết nếu không nhờ vào nỗ lực giải cứu do Chủ Tịch Brigham Young tổ chức, ông đã gửi những toa xe và đồ tiếp liệu đi tìm Các Thánh Hữu bị lâm nạn trong bão tuyết.

Mary Murdoch qua đời vào ngày 2 tháng Mười năm 1856 gần Chimney Rock, Nebraska. Nơi đây, bà đã kiệt sức vì dãi nắng dầm sương dưới thời tiết khắc nghiệt và nỗi gian khổ của cuộc hành trình. Tấm thân yếu đuối của bà hoàn toàn không chịu đựng nổi cảnh lao nhọc của thể chất mà Các Thánh Hữu gặp phải. Khi hấp hối, bà đã nghĩ về gia đình của mình ở Utah. Lời nói cuối cùng của người phụ nữ tiền phong trung tín này là: “Xin hãy nói cho John biết là tôi chết nhưng vẫn mong muốn được là một phần tử của Si Ôn.” (Xin xem Kenneth W. Merrell, Scottish Shepherd: The Life and Times of John Murray Murdoch, Utah Pioneer [2006], 34, 39, 54, 77, 94–97, 103, 112–13, 115.)

Mary Murray Murdoch nêu tấm gương hy vọng và đức tin của rất nhiều người tiền phong lúc ban đầu đã can đảm thực hiện một chuyến đi về miền tây. Cuộc hành trình thuộc linh của ngày hôm nay cũng đòi hỏi hy vọng hoặc đức tin như cuộc hành trình của những người tiền phong lúc ban đầu. Thử thách của chúng ta có lẽ khác, nhưng nỗi vất vả thì cũng gian nan như vậy.

Tôi cầu nguyện rằng những hy vọng của chúng ta sẽ đưa đến việc đạt được các ước mơ ngay chính của mình. Đặc biệt, tôi cầu nguyện rằng niềm hy vọng của chúng ta nơi Sự Chuộc Tội sẽ củng cố đức tin và lòng bác ái của chúng ta cũng như mang đến cho chúng ta một viễn cảnh vĩnh cửu về tương lai của mình. Cầu xin cho tất cả chúng ta đều có được niềm hy vọng hết sức sáng lạn này, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.