2010–2019
“Hãy Nhớ Rằng: Lòng Nhân nên Khởi từ Tôi”
Tháng tư 2011


2:3

“Hãy Nhớ Rằng: Lòng Nhân nên Khởi từ Tôi”

Lòng bác ái có thể mang niềm vui và tình đoàn kết đến cho mái gia đình, lớp học, tiểu giáo khu và trường học của các em.

Cách đây vài tuần, tôi học được một bài học quan trọng từ một em thiếu nữ lớp Laurel khi em ấy nói chuyện trong tiểu giáo khu của tôi. Tôi xúc động khi nghe em ấy giảng dạy và làm chứng một cách tự tin về Chúa Giê Su Ky Tô. Em ấy kết thúc bài nói chuyện của mình với câu này: “Khi tôi đặt Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm của cuộc sống mình, thì tôi có một ngày vui hơn, tôi tử tế hơn với những người thân của mình và lòng tôi tràn đầy niềm vui.”

Tôi đã lặng lẽ quan sát em thiếu nữ này trong vài tháng qua. Em ấy chào hỏi mọi người với một nụ cười và đôi mắt long lanh. Tôi đã thấy em ấy vui mừng với thành công của những người trẻ tuổi khác. Hai em gái trong lớp Mia Maid mới vừa kể cho tôi nghe về quyết định của em thiếu nữ ấy đã bỏ vé đi xem phim của mình khi em ấy biết rằng đó sẽ không phải là một kinh nghiệm “đạo đức, đáng yêu chuộng.” 1 Em ấy rất dễ thương, tử tế và ngoan ngoãn. Em ấy sống trong một gia đình chỉ có người mẹ thôi, và cuộc sống của em không phải là không có thử thách, vậy nên tôi tự hỏi làm thế nào em có thể duy trì tinh thần vui vẻ tử tế của em. Khi em ấy làm chứng rằng: “Tôi đặt Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm của cuộc sống mình,” thì tôi đã có được câu trả lời rồi.

“Chúng tôi tin ở sự lương thiện, chân thành, trinh khiết, bác ái, đạo đức và làm điều thiện cho tất cả mọi người.” Bản liệt kê các thuộc tính tuyệt diệu giống như Đấng Ky Tô này được thấy trong tín điều thứ mười ba, sẽ chuẩn bị cho chúng ta nhận được các phước lành của đền thờ và cuộc sống vĩnh cửu.

Tôi chỉ xin chú trọng vào một từ duy nhất trong số các từ này—bác ái.Bác ái là một từ đáng yêu mà chúng ta thường ít nghe thấy. No translation needed for Viet language.2 Bác ái là nhân từ, có chủ ý tốt và nhân đức. Nhiều em đã biết về ý nghĩa của lòng bác ái khi các em ở trong Hội Thiếu Nhi và thuộc lòng bài hát này:

Lòng nhân nên ban phát đều cho mỗi người,

Này anh, cách đó rất đúng.

Vì vậy tôi luôn tự bảo: “Hãy nhớ rằng:

Lòng nhân nên khởi từ tôi.”23

Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta về việc sống một cuộc sống bác ái và Ngài đã sống một cuộc sống như vậy. Chúa Giê Su yêu thương và phục vụ tất cả mọi người. Việc đặt Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm của cuộc sống mình sẽ giúp chúng ta đạt được thuộc tính bác ái này. Để phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô này, chúng ta cần phải học hỏi về Đấng Cứu Rỗi và “đi theo lối Ngài.”34

Từ câu chuyện ngụ ngôn về Người Sa Ma Ri nhân lành, chúng ta biết được rằng chúng ta phải yêu thương mọi người. Câu chuyện bắt đầu ở chương 10 sách Lu Ca, khi một thầy dạy luật hỏi Đấng Cứu Rỗi: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?”

Câu trả lời là: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình.”

Thầy dạy luật bèn hỏi: “Ai là người lân cận tôi?” Đối với thầy dạy luật, đó là một câu hỏi rất thú vị để đặt ra, vì dân Do Thái có những người lân cận ở phía bắc, là người Sa Ma Ri, là những người mà họ ghét nhiều đến nỗi khi họ đi từ thành Giê Ru Sa Lem đến Ga Li Lê, họ thường lấy con đường dài hơn ngang qua Thung Lũng Giô Đanh thay vì đi ngang qua Sa Ma Ri.

Chúa Giê Su trả lời câu hỏi của thầy dạy luật bằng cách kể câu chuyện ngụ ngôn về Người Sa Ma Ri nhân lành. Theo như câu chuyện ngụ ngôn,

“Có một người từ thành Giê Ru Sa Lem xuống thành Giê Ri Cô, lâm vào kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. …

“Song có một người Sa Ma Ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương;

“bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho.

“Đến bữa sau, lấy hai đơ ni ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả.”45

Khác với thầy tế lễ người Do Thái và người Lê Vi đi ngang qua người bị thương cũng là dân của họ, người Sa Ma Ri thì lại nhân từ bất chấp sự khác biệt. Người Sa Ma Ri này đã cho thấy thuộc tính bác ái giống như Đấng Ky Tô. Chúa Giê Su đã dạy chúng ta qua câu chuyện này rằng mọi người đều là người lân cận của mình.

Một cố vấn trong một giám trợ đoàn mới vừa chia sẻ một kinh nghiệm giảng dạy về việc mỗi người lân cận thì quan trọng như thế nào. Trong khi nhìn xuống giáo đoàn, vị ấy thấy một đứa trẻ có một hộp bút chì màu với rất nhiều màu sắc khác nhau. Khi nhìn vào nhiều tín hữu trong tiểu giáo khu của mình, vị ấy nhớ rằng giống như các cây bút chì màu, họ cũng rất giống nhau nhưng mỗi người thì cũng độc nhất vô nhị.

Vị ấy nhận xét: “Những màu sắc mà họ mang đến cho tiểu giáo khu và thế giới là độc nhất vô nhị. … Họ có ưu điểm và khuyết điểm riêng, khát khao riêng, ước mơ riêng của họ. Nhưng họ hòa lẫn với nhau thành một sự thuần nhất thuộc linh đầy màu sắc.” …

“Sự thuần nhất là một đức tính thuộc linh. Đó là những cảm nghĩ bình an tuyệt vời và mục đích có được từ việc thuộc vào một gia đình. … Sự thuần nhất này là mong muốn điều tốt đẹp nhất cho những người khác giống như các anh chị em muốn điều tốt đẹp nhất cho bản thân mình. … Đó là việc biết được rằng không một ai sẽ làm hại mình. [Điều đó có nghĩa là các em sẽ không bao giờ cô đơn một mình.]”6

Chúng ta xây đắp sự thuần nhất đó và chia sẻ những màu sắc riêng của mình qua lòng bác ái: hành động nhân từ của cá nhân.

Có bao giờ các em cảm thấy cô đơn không? Các em có bao giờ thấy những người cô đơn sống trong một thế giới u buồn ảm đạm không? Các em thiếu nữ thân mến, tôi đã thấy các em mang đến màu sắc riêng của mình vào cuộc sống của những người khác với nụ cười, lời nói tử tế hoặc một lá thư ngắn đầy khích lệ.

Chủ Tịch Thomas S. Monson dạy chúng ta cách giao tiếp với bạn bè của mình và mọi người chúng ta gặp gỡ khi ông nói với các thiếu nữ của Giáo Hội:“Các em thiếu nữ quý báu, tôi van nài các em hãy có lòng can đảm để không phê phán và chỉ trích những người chung quanh mình, cũng như lòng can đảm để chắc chắn rằng mọi người đều được mời tham gia và cảm thấy được thương yêu và quý trọng.”7

Chúng ta có thể noi theo gương của Người Sa Ma Ri nhân lành và “thay đổi thế giới” của chỉ một người qua lòng bác ái.8 Tôi xin mời mỗi em hãy làm ít nhất một hành động giống như người Sa Ma Ri trong tuần tới. Điều đó có thể đòi hỏi các em phải tìm đến những người khác hơn là những người bạn thường ngày của mình, hoặc khắc phục tính nhút nhát của mình. Các em có thể can đảm chọn phục vụ một người nào đó không đối xử tốt với mình. Tôi hứa rằng nếu các em chịu tự mình vượt lên trên những điều dễ làm, thì các em sẽ cảm thấy vui trong lòng đến nỗi lòng nhân từ đó sẽ trở thành một phần cuộc sống hằng ngày của các em. Các em sẽ thấy rằng lòng bác ái có thể mang niềm vui và tình đoàn kết đến cho mái gia đình, lớp học, tiểu giáo khu và trường học của các em. “Hãy nhớ rằng: lòng nhân nên khởi từ tôi.”

Đấng Cứu Rỗi không những yêu thương tất cả mọi người mà Ngài còn phục vụ tất cả mọi người. Hãy ban phát lòng nhân từ của các em cho nhiều người. Những người già cả và trẻ tuổi đều có thể được ban phước nhờ sự phục vụ nhân từ của các em. Từ khi còn trẻ, Chủ Tịch Monson đã luôn luôn dành ra một chỗ đặc biệt trong tim ông cho những người già cả. Ông nhận biết giá trị của một cuộc viếng thăm ngắn, một nụ cười luôn nở trên môi hoặc một cái xiết nhẹ bàn tay gầy gò, nhăn nheo. Những cử chỉ bác ái giản dị như vậy mang màu sắc vào một cuộc sống mà đôi khi chỉ có những ngày dài cô đơn ảm đạm. Tôi xin mời mỗi em hãy quan tâm đến ông bà của mình và những người già cả. Hãy nhìn quanh nhà thờ ngày mai và nhận ra một người nào đó già cả mà có thể dùng màu sắc của em để thêm vào cuộc sống của họ. Các em không cần phải làm gì nhiều: chỉ cần chào hỏi họ bằng tên của họ, hỏi han họ vài câu, sẵn sàng phụ giúp họ. Các em có thể mở cửa cho họ hoặc đề nghị giúp dọn dẹp nhà cửa hay làm vườn cho họ không? Chỉ một công việc giản dị đối với các em đang ở độ tuổi tuổi thanh xuân có thể là một dự án nặng nhọc đối với một người lớn tuổi hơn. “Hãy nhớ rằng: lòng nhân nên khởi từ tôi.”

Đôi khi, việc sống bác ái là điều khó khăn nhất trong gia đình của chúng ta. Cần phải có nỗ lực để có một gia đình vững mạnh. “Hãy vui vẻ, giúp ích và ân cần đối với những người khác. Nhiều vấn đề trong gia đình xảy ra vì những người trong gia đình nói và hành động một cách ích kỷ hay không tử tế. Hãy biết quan tâm đến các nhu cầu của những người khác trong gia đình. Hãy cố gắng làm một người hòa giải hơn là chọc ghẹo, gây gổ và cãi lộn.”9“Hãy nhớ rằng: lòng nhân nên khởi từ tôi.”

Chúa Giê Su yêu thương trẻ em, ôm chúng vào lòng Ngài và ban phước cho chúng.10 Giống như Đấng Cứu Rỗi,các em cũng có thể ban phước cho tất cả mọi trẻ em với lòng nhân từ của mình, chứ không chỉ đối với các trẻ em trong nhà mình mà thôi.

Các em có thể không biết cuộc sống và tấm gương của mình có thể có ảnh hưởng như thế nào đối với một trẻ nhỏ. Tôi mới vừa nhận được một lá thư ngắn từ một người bạn đang trông coi một trung tâm giữ trẻ trong một trường trung học địa phương. Một số thanh niên và thiếu nữ tín hữu của Giáo Hội theo học ở đó. Chị chia sẻ với tôi kinh nghiệm này: “Khi tôi cùng các em nhỏ đi ngang qua hành lang thì thật là dễ chịu khi thấy bên trong các cánh cửa tủ riêng đựng đồ của học sinh có dán hình của Chúa Giê Su hoặc hình đền thờ. Một trong số những đứa trẻ đó thấy hình Chúa Giê Su ở bên trong cánh cửa đang mở của tủ đựng đồ học sinh của một [thiếu nữ] và nói:‘Kìa, Chúa Giê Su ở trường học của chúng ta!’ Em học sinh đó đã cảm động rơi nước mắt khi em ấy cúi xuống và ôm hôn đứa trẻ đó. Tôi cám ơn em thiếu nữ đó về tấm gương tốt của em đối với những người xung quanh. Thật là nâng cao tinh thần khi biết được rằng có rất nhiều người trẻ tuổi đang cố gắng đứng lên bênh vực cho lẽ thật và sự ngay chính cũng như làm phần vụ của họ trong việc mời gọi Thánh Linh vào cuộc sống của họ, mặc dù đôi khi rất khó để làm với tất cả những tiếng ồn ào và điều thô bỉ trong thế giới quanh họ. Chúng ta có một số thanh thiếu niên tuyệt diệu trong Giáo Hội.”

Tôi hoàn toàn đồng ý! Các em thiếu nữ thân mến, các em đang thay đổi thế giới bằng cách đặt Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm của cuộc sống mình và các em đang “trở thành con người mà Ngài muốn các em trở thành.”11

Cám ơn các em về cuộc sống bác ái của các em; vì đã mời gọi những người có thể khác biệt với mình cùng tham gia với các em; vì lòng nhân từ của các em đối với bạn bè, người già cả, gia đình các em, và các trẻ nhỏ; vì đã làm người lân cận với những người cô đơn, những người gặp thử thách và đau khổ. Qua lòng bác ái của mình, các em đang “chỉ đường [cho những người khác] đến cùng ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi.”12 Cám ơn các em đã nhớ rằng “lòng nhân nên khởi từ tôi.”

Tôi biết rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri của Thượng Đế với cuộc sống của ông là mẫu mực về lòng bác ái mà chúng ta có thể học hỏi. Hãy tuân theo vị tiên tri. Hãy học từ tấm gương của ông và lắng nghe lời ông. Tôi tin nơi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, và tôi biết rằng chức tư tế đã được phục hồi cho thế gian qua Joseph Smith.

Tôi biết rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta hằng sống và yêu thương mỗi người chúng ta. Ngài đã phó mạng sống Ngài cho tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ đặt Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm cuộc sống của mình và “đi theo lối Ngài” bằng cách yêu thương và phục vụ lẫn nhau.13 Khi làm như vậy, tôi biết rằng chúng ta có thể làm cho thế giới thành một nơi tốt hơn, vì “chúng [ta] tin ở sự bác ái.”14 Tôi làm chứng như vậy, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Xin xem Những Tín Điều 1:13.

  2. Xin xemOxford English Dictionary Online, xuất bản lần thứ nhì (1989), “benevolent,” oed.com.

  3. “Lòng Nhân Nên Khởi từ Tôi,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi,trang 145.

  4. “Guardians of Virtue,” Strength of Youth Media 2011: We Believe (DVD, 2010); cũng có sẵn tại lds.org/youth/video/youth-theme-2011-we-believe.

  5. Lu Ca 10:25, 27, 29, 30, 33–35.

  6. Jerry Earl Johnston, “The Unity in a Ward’s Uniqueness,”Mormon Times, tháng Hai 9, 2011, M1, M12.

  7. Thomas S. Monson, “Cầu Xin cho Các Em Có Can Đảm,” Liahona, tháng Năm năm 2009, 125.

  8. “Những Người Bảo Vệ Đức Hạnh.”

  9. Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ (quyển sách nhỏ, 2001), 10.

  10. Xin xem Mác 10:16.

  11. “Những Người Bảo Vệ Đức Hạnh.”

  12. “Những Người Bảo Vệ Đức Hạnh.”

  13. “Những Người Bảo Vệ Đức Hạnh.”

  14. Những Tín Điều 1:13.