2010–2019
Đối Phó với Tương Lai bằng Đức Tin
Tháng tư 2011


2:3

Đối Phó với Tương Lai bằng Đức Tin

Lẽ thật, các giao ước và các giáo lễ của Ngài có thể giúp chúng ta khắc phục nỗi sợ hãi và đối diện tương lai với đức tin!

Các anh chị em thân mến, xin cám ơn về ảnh hưởng tán trợ của các anh chị em, không phải chỉ bằng việc giơ tay mà còn bằng sự phục vụ nâng đỡ ở nhà, trong Giáo Hội và trong cộng đồng của các anh chị em nữa. Chúng tôi rất thích được có mặt với các anh chị em và nhìn thấy các anh chị em ở giữa gia đình và bạn bè của mình. Bất cứ nơi nào các anh chị em đang sống, chúng tôi cũng thấy nỗ lực của các anh chị em để làm cho thế giới này thành một chỗ tốt đẹp hơn. Chúng tôi hỗ trợ các anh chị em! Chúng tôi yêu thương các anh chị em! Như các anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi thì chúng tôi cũng cầu nguyện cho các anh chị em!

Chúng tôi tưởng tượng ra gia đình của các anh chị em quy tụ xung quanh máy truyền hình hoặc trên mạng Internet để xem diễn tiến của đại hội trung ương ở nhà. Hai người cha mẹ đã ân cần gửi cho tôi một tấm hình họ chụp trong lúc đại hội. Họ quan sát phản ứng của đứa con trai của họ lúc đó được 18 tháng khi nó nhận ra những đặc điểm và tiếng nói của người nói chuyện. Đứa bé bắt đầu gửi những cái hôn gió hướng về máy truyền hình. Nó muốn được đến gần hơn. Do đó người chị ân cần của nó nhanh chóng cõng nó lên vai và mang nó đến gần máy truyền hình hơn. Đây là tấm hình.

Vâng, người trên máy truyền hình là tôi đấy và mấy đứa bé đó là cháu ngoại của tôi. Trong một vài năm nữa, thằng bé này sẽ làm một anh cả, được làm lễ thiên ân trong đền thờ và sẵn sàng đi truyền giáo. Về sau, nó sẽ được làm lễ gắn bó với một người bạn đời vĩnh cửu do nó chọn. Các anh chị em có thể tưởng tượng ra một ngày nào đó nó là một người chồng và người cha, với con cái của nó không? Và một ngày nào đó, nó sẽ nói lời tạm biệt với ông nội, ông ngoại của nó, với sự hiểu biết chắc chắn rằng cái chết là một phần của cuộc sống.

Thật là như thế. Chúng ta sống để chết và chúng ta chết để sống lại lần nữa. Từ một viễn cảnh vĩnh cửu, cái chết duy nhất mà thật sự chết non là cái chết của một người chưa sẵn sàng để gặp Thượng Đế.

Là các sứ đồ và các vị tiên tri, chúng tôi không nhữngquan tâm đến con cháu của mình mà còn đến con cháu của các anh chị em nữa—và đến mỗi con cái của Thượng Đế. Tất cả những điều gì xảy ra trong tương lai đối với mỗi người con thiêng liêng của Thượng Đế đều sẽ được cha mẹ, gia đình, bạn bè và giáo viên của họ tạo ra. Do đó, đức tin của chúng ta bây giờ trở thành một phần đức tin của con cháu chúng ta sau này

Mỗi cá nhân sẽ tiến triển trong một thế giới luôn luôn thay đổi—một thế giới đầy dẫy sự tranh chấp ý thức hệ. Các lực lượng tà ác sẽ luôn luôn chống lại các lực lượng tốt lành. Sa Tan cố gắng liên tục ảnh hưởng chúng ta để đi theo con đường của nó và làm cho chúng ta khổ sở, như nó khổ sở vậy.1 Và những nguy hiểm thông thường của cuộc sống như bệnh tật, thương tích và tai nạn sẽ luôn luôn hiện hữu.

Chúng ta sống trong một thời kỳ hỗn loạn. Các trận động đất và sóng thần đầy sức tàn phá, chính quyền sụp đổ, tình trạng kinh tế căng thẳng trầm trọng, gia đình bị đe dọa, và tỷ lệ ly dị gia tăng. Chúng ta có lý do để lo lắng. Nhưng chúng ta không cần phải để cho nỗi sợ hãi thay thế đức tin của mình. Chúng ta có thể chống lại những nỗi sợ hãi đó bằng cách củng cố đức tin của mình.

Hãy bắt đầu với con cái của mình. Các anh chị em là cha mẹ hãy mang lấy trách nhiệm chính yếu để củng cố đức tin của chúng. Hãy để cho chúng cảm thấy được đức tin của các anh chị em, ngay cả khi những thử thách gay go giáng xuống các anh chị em. Hãy để đức tin của mình tập trung vào Cha Thiên Thượng nhân từ và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy giảng dạy đức tin đó với lòng tin chắc. Hãy dạy cho mỗi đứa con trai hoặc con gái yêu quý biết rằng nó là con của Thượng Đế, được tạo ra theo hình ảnh của Ngài, với một mục đích và tiềm năng thiêng liêng. Mỗi đứa trẻ được sinh ra với những thử thách để khắc phục và đức tin để được phát triển.2

Hãy giảng dạy về đức tin nơi kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế. Hãy giảng dạy rằng cuộc hành trình của chúng ta trên trần thế là một thời kỳ thử thách để xem chúng ta có chịu làm theo bất cứ điều gì mà Chúa truyền lệnh cho chúng ta làm không.3

Hãy giảng dạy về đức tin đểtuân giữ tất cả mọi giáo lệnh của Thượng Đế, và biết rằng các giáo lệnh này được ban cho để ban phước cho con cái của Ngài cùng mang đến niềm vui cho họ.4Hãy cảnh giác chúng rằng chúng sẽ gặp những người lựa ra các lệnh truyền nào mà họ sẽ giữ và bác bỏ các lệnh truyền khác mà họ chọn để vi phạm. Tôi gọi điều này là vâng lời một cách tùy thích. Lối thực hành này của việc tùy ý lựa chọn lệnh truyền nào để tuân theo sẽ không hữu hiệu. Nó sẽ đưa đến cảnh khổ sở. Để chuẩn bị gặp Thượng Đế, một người phải tuân giữ tất cả mọi giáo lệnh của Ngài. Để tuân theo các giáo lệnh thì cần phải có đức tin và việc tuân giữ các giáo lệnhcủa Ngài sẽ củng cố đức tin đó.

Sự vâng lời cho phép các phước lành của Thượng Đế tuôn tràn một cách không hạn chế. Ngài sẽ ban phước cho con cái biết vâng lời của Ngài để được tự do khỏi cảnh nô lệ và khổ sở. Và Ngài cũng sẽ ban phước cho họ với thêm ánh sáng. Ví dụ, một người tuân giữ Lời Thông Sáng biết rằng sự vâng lời không những sẽ giúp cho họ khỏi phải bị nghiện ngập, mà còn sẽ thêm vào các phước lành về sự khôn ngoan và những kho tàng hiểu biết.5

Hãy giảng dạy về đức tin để biết rằng việc tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế sẽ mang đến sự bảo vệ về vật chất cũng như tinh thần. Và hãy nhớ rằng các thiên sứ thánh của Thượng Đế sẽ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Chúa đã nói về điều đó như sau: “Ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên tay trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng đỡ các ngươi.”6 Đây thật là một lời hứa lớn lao! Khi chúng ta sống trung tín, Ngài và các thiên sứ của Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta.

Đức tin không nao núng được củng cố qua lời cầu nguyện. Những lời khẩn cầu chân thành của các anh chị em rất quan trọng đối với Ngài. Hãy nghĩ về những lời cầu nguyện mãnh liệt và thiết tha của Tiên Tri Joseph Smith trong những ngày kinh khiếp bị giam giữ trong Ngục Thất Liberty. Chúa đã trả lời bằng cách thay đổi viễn cảnh của Vị Tiên Tri. Ngài phán: “Ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi.”7

Nếu cầu nguyện với một viễn cảnh vĩnh cửu, chúng ta không cần phải tự hỏi xem những lời khẩn cầu đầy nước mắt và chân thành nhất của mình có được Ngài nghe đến không. Lời hứa này từ Chúa đã được ghi lại trong tiết 98 sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Những lời cầu nguyện của các ngươi đã thấu đến tai Chúa …, và được ghi khắc bằng dấu đóng ấn và lời tuyên phán này—Chúa đã thề và ban sắc lệnh rằng những lời cầu nguyện đó sẽ được đáp ứng.

“Vậy nên, Ngài ban cho các ngươi lời hứa này, với một giao ước không lay chuyển được, rằng những lời cầu nguyện đó sẽ được thực hiện; và tất cả những gì đã làm cho các ngươi phải đau khổ sẽ hiệp lại làm lợi ích cho các ngươi và cho vinh quang của danh ta, Chúa phán vậy.”8

Chúa đã chọn những lời mạnh mẽ nhất của Ngài để trấn an chúng ta! Dấu đóng ấn! Lời tuyên phán! Đã thề! Ban sắc lệnh! Giao ước không lay chuyển!Thưa các anh chị em, hãy tin Ngài! Thượng Đế sẽ lưu ý đến những lời cầu nguyện chân thật và chân thành của các anh chị em, cũng như đức tin của các anh chị em sẽ được củng cố.

Để phát triển đức tin bền bỉ, cần phải cam kết bền bỉ để đóng tiền thập phân đầy đủ. Trước tiên, cần phải có đức tin để đóng tiền thập phân. Rồi người đóng tiền thập phân phát triển thêm đức tin nhiều đến mức mà tiền thập phân trở thành một đặc ân quý báu. Luật thập phân là một luật pháp xưa của Thượng Đế.9 Ngài đã hứa với các con cái của Ngài rằng Ngài sẽ mở “các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống …đến nỗi không chỗ chứa.”10 Không những vậy thôi mà thập phân còn sẽ giữ cho tên của các anh chị em được tính vào với dân của Thượng Đế và bảo vệ các anh chị em trong “ngày trả thù và thiêu đốt.”11

Tại sao chúng ta cần đức tin vững mạnh như vậy? Bởi vì những ngày khó khăn đang chờ đợi trước mắt. Rất hiếm khi việc làm một Thánh Hữu Ngày Sau trung tín sẽ được dễ dàng hay được mọi người ưa thích trong tương lai. Mỗi người chúng ta sẽ bị thử thách. Sứ Đồ Phao Phao Lô đã báo trước rằng trong những ngày sau, những người siêng năng noi theo Chúa “thì sẽ bị bắt bớ.”12 Chính sự bắt bớ ngược đãi đó có thể nghiền nát các anh chị em vào tình trạng yếu đuối âm thầm, hoặc có thể thúc đẩy các anh chị em trở thành một tấm gương sáng và quả cảm hơn trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Cách các anh chị em đối phó với những thử thách của cuộc đời là một phần phát triển đức tin của mình. Sức mạnh có được khi các anh chị em nhớ rằng mình có một thiên tính và thừa hưởng một giá trị vô hạn. Chúa đã nhắc nhở các anh chị em, con cháu của các anh chị em, rằng các anh chị em là những người thừa kế hợp pháp, đã được gìn giữ trên thiên thượng cho thời điểm và nơi chốn riêng biệt của mình để được sinh ra, tăng trưởng cùng trở thành người đại diện và dân giao ước của Ngài. Khi bước đi trong lối ngay chính của Chúa, các anh chị em sẽ được ban phước để tiếp tục trong lòng nhân từ của Ngài và làm một ánh sáng và cứu tinh cho dân Ngài.13

Các phước lành nhận được qua quyền năng của thánh Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được dành sẵn cho mỗi anh chị em. Các phước lành này có thể thay đổi hoàn cảnh sống của các anh chị em, trong những vấn đề như sức khỏe, sự đồng hành của Đức Thánh Linh, mối quan hệ cá nhân, và cơ hội cho tương lai. Quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế này nắm giữ các chìa khóa cho tất cả mọi phước lành thuộc linh của Giáo Hội.14 Đáng kể hơn hết, Chúa đã phán rằng Ngài sẽ hỗ trợ các phước lành đó theo ý muốn của Ngài.15

Phước lành lớn nhất trong số tất cả mọi phước lành của chức tư tế được ban cho trong các đền thờ thánh của Chúa. Sự trung thành với các giao ước lập ở đó sẽ làm cho các anh chị em và gia đình mình hội đủ điều kiện để nhận được các phước lành về cuộc sống vĩnh cửu.16

Phần thưởng của các anh chị em không chỉ đến trong cuộc sống mai sau. Nhiều phước lành sẽ thuộc về các anh chị em trong cuộc sống này, ở giữa con cháu của mình. Các anh chị em là Các Thánh Hữu trung tín không cần phải chiến đấu một mình trong các trận đánh của cuộc đời. Hãy suy nghĩ về điều đó! Chúa phán: “Ta sẽ chống cự kẻ đối địch ngươi, và chính ta sẽ giải cứu con cái ngươi.”17 Sau đó là lời hứa này với dân trung tín của Ngài: “Ta, là Chúa, sẽ đánh những trận chiến của họ, cùng những trận chiến của con cái và con cháu họ…cho đến thế hệ thứ ba và thứ tư.”18

Chủ Tịch Thomas S. Monson yêu dấu của chúng ta đã đưa ra cho chúng ta lời chứng của vị tiên tri. Ông nói: “Tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng các phước lành đã được hứa của chúng ta thì không thể nào đo lường được. Mặc dù chúng ta đang sống trong tình trạng có thể dường như đầy đe dọa và những thử thách dồn dập xảy đến trong cuộc sống, nhưng sự hiểu biết về phúc âm và tình yêu mến của chúng ta đối với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi sẽ an ủi cùng hỗ trợ chúng ta cũng như mang đến niềm vui cho tâm hồn chúng ta khi sống ngay chính và tuân giữ các giáo lệnh.”

Chủ Tịch Monson tiếp tục: “Thưa các anh chị em, chớ sợ. Hãy vui lên. Tương lai cũng rực rỡ như đức tin của các anh chị em.”19

Tôi xin thêm vào lời tuyên bố hùng hồn của Chủ Tịch Monson. Tôi làm chứng rằng Thượng Đế là Đức Chúa Cha. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi trên thế gian. Lẽ thật, các giao ước và các giáo lễ của Ngài có thể giúp chúng ta khắc phục nỗi sợ hãi và đối diện tương lai bằng đức tin! Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Xin xem 2 Nê Phi 2:27.

  2. Phi E Rơ dạy khái niệm này khi ông hy vọng rằng “anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bản tánh Đức Chúa Trời” (2 Phi E Rơ 1:4).

  3. Xin xem Áp Ra Ham 3:25.

  4. Xin xem 2 Nê Phi 2:25.

  5. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 89:19; xin xem thêm Ê Sai 45:3.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 84:88.

  7. Giáo Lý và Giao Ước 122:7. Môt ví dụ khác về sự thay đổi viễn cảnh được chép trong sách Thi Thiên: “Xin bảo hộ linh hồn tôi, Đức Chúa Trời tôi ôi! xin hãy cứu kẻ tôi tớ Chúa vẫn nhờ cậy nơi Chúa. Chúa ôi! xin thương xót tôi; Vì hằng ngày tôi kêu cầu Chúa. … Hỡi Chúa, là Đức Chúa Trời tôi, tôi hết lòng ngợi khen Chúa, Tôn vinh danh Chúa đến mãi mãi” (Thi Thiên 86:2–3, 12).

  8. Giáo Lý và Giao Ước 98:2–3.

  9. Thập phân được đề cập đến trong tám sách của Kinh Cựu Ước: Sáng Thế Ký, Lê Vi Ký, Dân Số Ký, Phục Truyền Luật Lệ Ký, 2 Sử Ký, Nê Hê Mi, A Mốt, và Ma La Chi.

  10. Ma La Chi 3:10.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 85:3.

  12. 2 Ti Mô Thê 3:12.

  13. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 86:8–11.

  14. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:18.

  15. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:47, 59.

  16. Xin xem Áp Ra Ham 2:11.

  17. Ê Sai 49:25; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 105:14.

  18. Giáo Lý và Giao Ước 98:37.

  19. Thomas S. Monson, “Hãy Vui Lên,” Liahona,tháng Năm 2009, 92.