Được Cải Đạo theo Chúa
Điều thiết yếu của một chứng ngôn là biết rằng phúc âm là chân chính. Điều thiết yếu của sự cải đạo là trung thành với phúc âm một cách kiên định.
Sứ điệp của tôi tập trung vào mối quan hệ giữa việc nhận được một chứng ngôn rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và việc trở nên được cải đạo theo Ngài cũng như phúc âm của Ngài. Thường thường, chúng ta nói về những đề tài về chứng ngôn và sự cải đạo một cách riêng rẽ và độc lập. Tuy nhiên, chúng ta có thể đạt được quan điểm quý báu và lòng tin chắc sâu đậm hơn về phần thuộc linh khi chúng ta cùng nhau suy xét hai đề tài quan trọng này.
Tôi cầu nguyện rằng các lẽ thật chúng ta đang xem lại sẽ có ảnh hưởng sâu đậm đối với mỗi người chúng ta và khiến cho chúng ta suy ngẫm, hối cải và trở nên giống như Đức Thầy hơn. Tôi rất mong muốn và mời Đức Thánh Linh đến chỉ dạy và gây dựng cho mỗi người chúng ta.
Còn Các Ngươi thì Xưng Ta Là Ai?
Chúng ta có thể học được nhiều điều về chứng ngôn và sự cải đạo từ giáo vụ của Sứ Đồ Phi E Rơ.
Khi đi đến bờ biển Sê Sa Rê Phi Líp, Chúa Giê Su đã đưa ra câu hỏi sâu sắc này cho các môn đồ của Ngài: “Các ngươi thì xưng ta là ai?”
Phi E Rơ thưa ngay:
“Chúa là Đấng Ky Tô, con Đức Chúa Trời hằng sống.
“Bấy giờ, Đức Chúa Giê Su phán cùng người rằng: Hỡi Si Môn, con Giô Na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy” (Ma Thi Ơ 16:15–17).
Ví dụ về câu trả lời của Phi E Rơ và lời chỉ dạy của Đấng Cứu Rỗi cho thấy rằng chứng ngôn là một sự hiểu biết của cá nhân về lẽ thật thuộc linh nhận được qua sự mặc khải. Chứng ngôn là một ân tứ từ Thượng Đế và có sẵn cho tất cả con cái của Ngài. Bất cứ người nào chân thành tìm kiếm lẽ thật đều có thể nhận được một chứng ngôn bằng cách sử dụng “một chút ít đức tin” cần thiết nơi Chúa Giê Su Ky Tô để “trắc nghiệm” (An Ma 32:27) và “thử dùng tới hiệu năng của lời Thượng Đế” (An Ma 31:5), để chịu theo “những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh” (Mô Si A 3:19), và thức tỉnh trong Thượng Đế (xin xem An Ma 5:7). Chứng ngôn giúp cá nhân có được trách nhiệm giải trình cũng như là một nguồn mục đích, sự bảo đảm và niềm vui.
Việc tìm kiếm và nhận được một chứng ngôn về lẽ thật thuộc linh đòi hỏi phải hỏi, tìm kiếm và cầu xin (xin xem Ma Thi Ơ 7:7; 3 Nê Phi 14:7) với một tấm lòng chân thành, chủ ý thật sự và đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi (xin xem Mô Rô Ni 10:4). Các yếu tố cơ bản của một chứng ngôn là biết rằng Cha Thiên Thượng hằng sống và yêu thương chúng ta, rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi, và phúc âm trọn vẹn đã được phục hồi trên thế gian trong những ngày sau này.
Vậy, Đến Khi Ngươi đã Hối Cải
Khi Đấng Cứu Rỗi giảng dạy các môn đồ của Ngài tại Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Ngài đã phán cùng Phi E Rơ:
“Hỡi Si Môn, Si Môn, nầy quỉ Sa Tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì.
“Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình” (Lu Ca 22:31–32).
Thú vị thay, Vị Sứ Đồ vững mạnh này đã nói chuyện cùng bước đi với Đức Thầy, đã chứng kiến nhiều phép lạ, và có được chứng ngôn hùng hồn về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi. Tuy nhiên Phi E Rơ còn cần được chỉ dạy thêm từ Chúa Giê Su về quyền năng cải đạo và thánh hóa của Đức Thánh Linh và bổn phận của ông để phục vụ một cách trung tín.
Tính chất thiết yếu của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản và thường xuyên về cá tính cơ bản nhất của chúng ta là điều có thể thực hiện được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Sự cải đạo chân thật mang đến một sự thay đổi trong niềm tin, tấm lòng và cuộc sống của một người để chấp nhận và tuân theo ý muốn của Thượng Đế (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19; 3 Nê Phi 9:20) và kể cả phải cam kết có ý thức để trở thành một môn đồ của Đấng Ky Tô.
Sự cải đạo là một nền tảng để củng cố, gia tăng chứng ngôn và làm cho chứng ngôn đó được sâu sắc và rộng lớn hơn. Đó là kết quả của sự mặc khải từ Thượng Đế, kèm theo sự hối cải, vâng lời và chuyên cần cá nhân. Bất cứ người nào chân thành tìm kiếm lẽ thật đều có thể trở nên được cải đạo bằng cách trải qua sự thay đổi lớn lao trong lòng và được sinh lại bởi Thượng Đế về phần thuộc linh (xin xem An Ma 5:12–14). Khi chúng ta tôn trọng các giáo lễ và giao ước của sự mặc khải và tôn cao (xin xem GLGƯ 20:25), “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 31:20), và kiên trì trong đức tin cho đến cùng (xin xem GLGƯ 14:7), thì chúng ta trở thành con người mới trong Đấng Ky Tô (xin xem 2 Cô Rinh Tô 5:17). Sự cải đạo là một của lễ hiến dâng bản thân của chúng ta lên Thượng Đế trong sự biết ơn về ân tứ chứng ngôn.
Sách Mặc Môn Có Nhiều Ví Dụ về Sự Cải Đạo
Sách Mặc Môn đầy dẫy những câu chuyện đầy soi dẫn về sự cải đạo. Một hậu duệ của Gia Cốp là A Ma Lê Ki, đã nói: “Tôi mong rằng các người hãy đến cùng Đấng Ky Tô, là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên, và chia sẻ sự cứu rỗi của Ngài cùng quyền năng cứu chuộc của Ngài. Phải, các người hãy đến cùng Ngài, và hãy dâng tất cả tâm hồn mình như một của lễ hiến dâng lên Ngài” (Ôm Ni 1:26).
Việc biết được qua quyền năng của Đức Thánh Linh rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô thì rất quan trọng và cần thiết. Nhưng việc nghiêm túc đến với Ngài và dâng hết tâm hồn của chúng ta làm của lễ thì đòi hỏi nhiều hơn là chỉ biết Ngài không thôi. Sự cải đạo đòi hỏi tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của chúng ta (xin xem GLGƯ 4:2).
Dân của Vua Bên Gia Min đã đáp ứng lời giảng dạy của ông bằng cách kêu lên rằng: “Vâng, chúng tôi tin mọi lời mà vua đã nói với chúng tôi; và hơn nữa, chúng tôi biết những lời ấy thật vững vàng và chân thật, vì Thánh Linh của Chúa Vạn Năng đã đem lại một sự thay đổi lớn lao trong chúng tôi, hay trong lòng chúng tôi, khiến chúng tôi không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” (Mô Si A 5:2). Việc chấp nhận lời nói của Vua Bên Gia Min, đạt được một chứng ngôn về lẽ trung thực của lời nói đó, và sử dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô đều tạo ra một sự thay đổi lớn lao trong lòng cùng một quyết tâm vững chắc để tiến bộ và trở nên tốt hơn.
Những người dân La Man cải đạo trong sách Hê La Man đã được mô tả là đang đi “trong con đường bổn phận của họ, và họ đã bước đi một cách thận trọng trước mặt Thượng Đế, và họ cố gắng tuân giữ các lệnh truyền, các luật lệ và các mạng lệnh của Ngài. …
“… Và họ đang cố gắng một cách cần mẫn không biết mệt mỏi ngõ hầu họ có thể đem phần đồng bào còn lại của mình đến sự hiểu biết lẽ thật” (Hê La Man 15:5–6).
Giống như các tấm gương này nêu ra, các đặc điểm chính yếu liên kết với sự cải đạo đang trải qua một sự thay đổi lớn lao trong lòng chúng ta, có khuynh hướng luôn luôn làm điều tốt, làm tròn bổn phận của mình, bước đi thận trọng trước Thượng Đế, tuân giữ các lệnh truyền và phục vụ một cách cần mẫn không biết mệt mỏi. Rõ ràng, những người trung tín này đã trở nên tận tâm với Chúa và những lời giảng dạy của Ngài.
Trở Nên Được Cải Đạo
Đối với nhiều người chúng ta, sự cải đạo là một tiến trình tiếp diễn chứ không phải là một sự kiện chỉ xảy ra một lần mà có được từ một kinh nghiệm mạnh mẽ hoặc gây ấn tượng mạnh. Từng hàng chữ một và từng lời chỉ giáo một, dần dần và hầu như không thể nhận thấy được, những động cơ, ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta trở nên phù hợp với ý muốn của Thượng Đế. Sự cải đạo theo Chúa đòi hỏi cả lòng kiên trì lẫn nhẫn nại.
Sa Mu Ên người La Man đã nhận ra năm yếu tố cơ bản để trở nên được cải đạo theo Chúa: (1) tin tưởng vào những lời giảng dạy và lời tiên tri của các thánh tiên tri như được ghi chép trong thánh thư, (2) sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, (3) hối cải, (4) trải qua một sự thay đổi lớn lao trong lòng, và (5) trở nên “rất vững chắc và kiên trì trong đức tin” (xin xem Hê La Man 15:7–8). Đây là khuôn mẫu đưa đến sự cải đạo.
Chứng Ngôn và Sự Cải Đạo
Chứng ngôn là sự khởi đầu và điều tiên quyết để tiếp tục sự cải đạo. Chứng ngôn là điểm khởi hành, chứ không phải là đích tới cuối cùng. Chứng ngôn vững mạnh là nền tảng mà trên đó sự cải đạo được thiết lập.
Chỉ chứng ngôn không thôi thì không và sẽ không đủ để bảo vệ chúng ta trong hoàn cảnh khó khăn và tà ác của những ngày sau nơi chúng ta đang sống. Chứng ngôn rất quan trọng và cần thiết nhưng không đủ để cung ứng sức mạnh và sự bảo vệ thuộc linh chúng ta cần. Một số tín hữu của Giáo Hội có chứng ngôn đã trở nên suy yếu và bỏ đạo. Sự hiểu biết và cam kết thuộc linh của họ không đủ để đối phó với những thử thách họ gặp phải.
Một bài học quan trọng về mối liên hệ giữa chứng ngôn và sự cải đạo được thể hiện rõ trong công việc truyền giáo của các con trai của Mô Si A.
“Nhiều người đã được dẫn dắt tới sự hiểu biết lẽ thật, nhờ sự thuyết giảng của Am Môn và các anh em ông, thể theo tinh thần mặc khải và tiên tri, và quyền năng của Thượng Đế làm nhiều phép lạ trong họ—phải, … như Chúa là Đấng hằng sống, quả thật nhiều người dân La Man sau khi tin theo lời thuyết giáo của các vị này, và đã cải đạo theo Chúa, họ không hề bỏ đạo.
“Vì họ đã trở thành một dân tộc ngay chính; họ đã dẹp bỏ các khí giới phản nghịch của mình để không còn chống lại Thượng Đế nữa. …
“Giờ đây, đây là những người đã được cải đạo theo Chúa” (An Ma 23:6–8).
Hai yếu tố quan trọng được mô tả trong những câu này: (1) sự hiểu biết lẽ thật, mà có thể được hiểu như là một chứng ngôn, và (2) được cải đạo theo Chúa, mà tôi hiểu là sự cải đạo theo Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Do đó, sự kết hợp mạnh mẽ của chứng ngôn lẫn sự cải đạo theo Chúa tạo ra ý chí vững chắc và kiên trì cùng mang đến sự bảo vệ thuộc linh.
Họ không bao giờ bỏ đạo và dẹp bỏ khí giới phản nghịch của họ—để họ không còn chống lại Thượng Đế nữa. Việc dẹp bỏ “các khí giới phản nghịch” yêu quý của họ như tính ích kỷ, kiêu ngạo và bất tuân đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tin và biết. Lòng tin chắc, tính khiêm nhường, sự hối cải, và tuân phục đi trước việc dẹp bỏ các khí giới phản nghịch của chúng ta. Các anh chị em và tôi vẫn còn có các khí giới phản nghịch không cho chúng ta trở nên được cải đạo theo Chúa không? Nếu có, thì chúng ta cần phải hối cải ngay bây giờ.
Hãy lưu ý rằng dân La Man không được cải đạo theo những người truyền giáo đã giảng dạy cho họ hoặc theo các chương trình xuất sắc của Giáo Hội. Họ không được cải đạo theo những cá tính của các vị lãnh đạo của họ hoặc theo việc bảo tồn một di sản văn hóa hay những truyền thống của tổ phụ họ. Họ được cải đạo theo Chúa—theo Ngài là Đấng Cứu Rỗi cũng như theo thiên tính và giáo lý của Ngài—họ cũng không bao giờ bỏ đạo.
Một chứng ngôn là sự hiểu biết thuộc linh về lẽ thật nhận được qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Việc tiếp tục cải đạo là liên tục tận tâm đối với lẽ thật đã được mặc khải mà chúng ta nhận được—với một tấm lòng sẵn sàng và vì những lý do ngay chính. Điều thiết yếu của một chứng ngôn là biết rằng phúc âm là chân chính. Điều thiết yếu của sự cải đạo là trung thành với phúc âm một cách kiên định. Chúng ta nên biết rằng phúc âm là chân chính và phải trung thành với phúc âm.
Chứng Ngôn, Sự Cải Đạo, và Chuyện Ngụ Ngôn về Mười Người Nữ Đồng Trinh
Giờ đây, tôi muốn sử dụng một trong nhiều cách để có thể giải thích câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh nhằm nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa chứng ngôn và sự cải đạo. Mười người nữ đồng trinh, năm người khôn và năm người dại, mang đèn của họ đi rước chàng rể. Hãy nghĩ về các cây đèn được những người nữ đồng trinh sử dụng như đèn của chứng ngôn. Những người nữ đồng trinh dại mang theo đèn của chứng ngôn nhưng không mang theo dầu. Hãy suy nghĩ về dầu được mô tả ở đây, tức là dầu của sự cải đạo.
“Song người khôn khi cầm đèn đi thì đem dầu [của sự cải đạo] theo trong bình mình.
“Vì chàng rể đến trễ, nên các nàng thảy đều buồn ngủ và ngủ gục.
“Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người!
“Các nữ đồng trinh bèn thức dậy cả, sửa soạn đèn [của chứng ngôn] mình.
“Các người dại nói với các người khôn rằng: Xin bớt dầu [chính là dầu của sự cải đạo] của các chị cho chúng tôi, vì đèn chúng tôi gần tắt.
“Nhưng các người khôn trả lời rằng: Không, e chẳng đủ cho chúng tôi và các chị; thà các chị hãy đi đến người bán dầu mà mua” (Ma Thi Ơ 25:4–9).
Có phải năm người nữ đồng trinh ích kỷ và không sẵn lòng chia sẻ, hoặc họ đã nói đúng rằng dầu của sự cải đạo không thể nào cho mượn được chăng? Sức mạnh thuộc linh có được từ việc kiên định tuân theo các lệnh truyền có thể đưa cho người khác được không? Sự hiểu biết đạt được qua việc học hỏi cần mẫn và suy ngẫm thánh thư có thể đưa cho một người đang cần được không? Cảm giác bình an do phúc âm mang lại cho một Thánh Hữu Ngày Sau trung tín có thể được chuyển giao cho một người đang trải qua nghịch cảnh hay thử thách lớn lao không? Câu trả lời rõ ràng cho mỗi câu hỏi này là không.
Như những người nữ đồng trinh khôn ngoan đã nói đúng, mỗi người chúng ta cần phải “đi… mà mua.” Những người phụ nữ đầy soi dẫn này đã không mô tả cách giao dịch thương mại; thay vì thế, họ đang nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân của chúng ta để giữ cho đèn của chứng ngôn tiếp tục cháy và nhận được đầy đủ dầu của sự cải đạo. Số dầu quý báu này kiếm được từng giọt một—“từng hàng chữ một [và] từng lời chỉ giáo một” (2 Nê Phi 28:30), một cách nhẫn nại và kiên trì. Không có cách nào nhanh hơn mà lại đòi hỏi ít nỗ lực hơn đâu; không thể nào có nỗ lực chuẩn bị bất ngờ vào phút chót đâu.
“Vậy nên, hãy trung thành, cầu nguyện luôn luôn, hãy khêu đèn cho sáng tỏ và mang dầu theo với các ngươi để các ngươi có thể sẵn sàng đợi Chàng Rể đến” (GLGƯ 33:17).
Chứng Ngôn
Tôi hứa rằng khi bắt đầu hiểu biết lẽ thật và được cải đạo theo Chúa, thì chúng ta sẽ luôn luôn được vững chắc và kiên trì và không bao giờ bỏ đạo. Chúng ta sẽ hăm hở dẹp bỏ các khí giới phản nghịch của mình. Chúng ta sẽ được ban phước với sức mạnh thuộc linh từ đèn của chứng ngôn mình và số dầu đầy đủ của sự cải đạo. Và trong khi mỗi người chúng ta trở nên được cải đạo trọn vẹn hơn, thì chúng ta sẽ củng cố gia đình, bạn bè và bạn đồng sự của mình. Tôi làm chứng về các lẽ thật này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.