2010–2019
Trạng Thái Đầy Phước Lành và Hạnh Phúc của Những Người Tuân Giữ Các Lệnh Truyền của Thượng Đế
Tháng mười 2015


10:19

Trạng Thái Đầy Phước Lành và Hạnh Phúc của Những Người Tuân Giữ Các Lệnh Truyền của Thượng Đế

Những hàng rào do Chúa lập ra và tạo ra cho chúng ta một sự an toàn khỏi những ảnh hưởng xấu xa và có sức hủy diệt.

Cách đây đã lâu trong khi đến thăm nước Úc, tôi đã đi đến một vịnh hình móng ngựa rất đẹp, nổi tiếng với môn lướt sóng ở đó. Trong khi đi dọc trên bãi biển, tôi đã bị mê hoặc trước vẻ đẹp lộng lẫy của những làn sóng vỡ lớn ở ngoài vịnh và những làn sóng nhỏ lăn tăn tràn vào bờ.

Khi tiếp tục đi dạo, tôi gặp một nhóm người Mỹ lướt sóng. Rõ ràng là họ đang khó chịu về một điều gì đó, đang nói chuyện lớn tiếng và chỉ tay về phía biển. Khi tôi hỏi họ có vấn đề gì không thì họ chỉ ra bên ngoài vịnh nơi có những làn sóng lớn đang vỡ ra.

Một người trong số họ giận dữ nói với tôi: “Hãy nhìn ra ngoài đó kìa. Ông có thể thấy hàng rào cản không?” Bây giờ khi nhìn kỹ hơn, quả thật tôi có thể nhìn thấy một hàng rào nằm vắt ngang toàn bộ cửa vịnh, đúng nơi mà những làn sóng lớn đầy hấp dẫn cho người lướt sóng đang vỡ ra. Hàng rào cản dường như được làm bằng loại lưới nặng và nổi trên mặt nước nhờ vào mấy cái phao. Theo những người lướt sóng, màn lưới đó chìm sâu xuống tận đáy đại dương.

Người Mỹ lướt sóng này nói tiếp: “Chúng tôi đến đây trong chuyến nghỉ hè chỉ một lần trong đời để lướt trên những làn sóng lớn này. Chúng tôi có thể lướt trên những làn sóng nhỏ hơn đang vỡ ở chính bên trong vịnh, nhưng hàng rào cản làm cho chúng tôi không thể nào lướt trên những làn sóng lớn. Chúng tôi không hiểu tại sao hàng rào cản lại ở đó. Chúng tôi chỉ biết là điều đó đã hoàn toàn làm hỏng chuyến đi của chúng tôi.”

Khi những người Mỹ lướt sóng trở nên khó chịu hơn, thì tôi chú ý đến một người lướt sóng khác ở gần đó—một người đàn ông lớn tuổi hơn và rõ ràng là dân địa phương. Ông ta dường như càng mất kiên nhẫn hơn khi lắng nghe những lời than phiền càng lúc càng nhiều hơn về cái hàng rào cản.

Cuối cùng ông ta đứng lên và đi về phía nhóm người đó. Không nói gì, ông ta lôi ra một cái ống nhòm từ túi đeo lưng và đưa cho một trong những người lướt sóng đó, chỉ tay về phía hàng rào cản. Mỗi người lướt sóng nhìn qua ống nhòm. Rồi đến lượt tôi, với sự giúp đỡ của thiết bị phóng đại, tôi có thể thấy được một cái gì đó mà tôi đã không thể thấy trước đây: vây trên lưng cá—những con cá mập to lớn đang ăn gần rặng san hô ở phía bên kia hàng rào cản.

Nhóm người đó nhanh chóng trở nên hết giận dữ. Ông lão lướt sóng lấy lại ống nhòm của mình và quay đi. Trong khi làm như vậy, ông nói những lời mà tôi sẽ không bao giờ quên: “Đừng phê phán quá khắt khe cái hàng rào cản. Đó là vật duy nhất giữ cho mấy người khỏi bị ăn thịt đó thôi.”

Trong khi đứng trên bãi biển tuyệt đẹp đó, quan điểm của chúng tôi đột nhiên thay đổi. Một hàng rào cản mà dường như cứng nhắc và hạn chế—dường như cướp đi sự thú vị và phấn khởi của việc cưỡi trên những làn sóng thật lớn—đã trở thành một điều gì đó rất khác biệt. Với sự hiểu biết mới của chúng tôi về mối nguy hiểm ẩn núp ngay dưới mặt nước, thì hàng rào cản giờ đây mang đến sự bảo vệ, an toàn và bình an.

Khi các anh chị em và tôi sống cùng theo đuổi những ước mơ của mình, thì những lệnh truyền và tiêu chuẩn của Thượng Đế—giống như hàng rào cản—đôi khi có thể rất khó để hiểu. Những lệnh truyền và tiêu chuẩn đó có vẻ cứng nhắc và không linh động, ngăn chặn một con đường trông thú vị, hứng thú và đang có nhiều người khác đi theo. Khi Sứ Đồ Phao Lô mô tả: “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ,”1 với một quan điểm hạn chế như vậy, nên chúng ta thường không thể hiểu thấu được những mối nguy hiểm lớn ẩn núp khỏi ánh mắt của chúng ta.

Nhưng Đấng mà “hiểu thấu tất cả mọi việc”2 là Đấng biết chính xác nơi nào có những mối nguy hiểm đó. Ngài ban cho chúng ta sự hướng dẫn thiêng liêng, qua các lệnh truyền và sự hướng dẫn đầy yêu thương của Ngài, để chúng ta có thể tránh được những mối nguy hiểm đó—để chúng ta có thể sống một cuộc sống được bảo vệ khỏi các kẻ thù thuộc linh và những mối nguy hiểm của tội lỗi.3

Chúng ta bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Thượng Đế—và đức tin của chúng ta nơi Ngài—bằng cách làm hết sức mình để noi theo hướng đi mà Ngài đã đặt ra cho chúng ta và bằng cách tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho chúng ta. Chúng ta đặc biệt biểu lộ đức tin và tình yêu thương đó trong tình huống mà mình không hoàn toàn hiểu được lý do của lệnh truyền của Thượng Đế hoặc con đường đặc biệt mà Ngài phán bảo chúng ta phải đi theo. Thật là tương đối dễ dàng để theo một hướng đi ở bên trong hàng rào cản một khi chúng ta biết được có bầy động vật ăn thịt với hàm răng nhọn lượn quanh ngay bên ngoài hàng rào cản. Thật là khó khăn hơn để tuân theo hướng đi ở bên trong hàng rào cản khi chúng ta tập trung vào những làn sóng đầy hứng thú và mời mọc ở phía bên kia. Và chính là trong những lần đó—những lần khi chúng ta chọn để thực hành đức tin của mình, đặt niềm tin cậy vào Thượng Đế, và cho thấy tình yêu thương đối với Ngài—để chúng ta phát triển và đạt được nhiều lợi ích nhất.

Trong Kinh Tân Ước, A Na Nia không thể thấu hiểu lệnh truyền của Chúa để tìm kiếm và ban phước cho Sau Lơ—một người thật sự có một giấy phép để bỏ tù các tín đồ của Đấng Ky Tô. Tuy nhiên, vì ông đã tuân theo lệnh truyền của Thượng Đế, nên A Na Nia đóng một vai trò quan trọng trong việc sinh ra phần thuộc linh của Sứ Đồ Phao Lô4

Khi chúng ta tin cậy nơi Chúa, thực hành đức tin của mình, tuân theo các giáo lệnh của Ngài, và tuân theo hướng đi mà Ngài đã đặt ra, chúng ta càng ngày càng trở thành con người mà Chúa muốn chúng ta trở thành. Chính “sự trở thành”—sự thay đổi tấm lòng này—là quan trọng nhất. Như Anh Cả Dallin H. Oaks đã dạy: “Việc chúng ta chỉ làm các hành động một cách máy móc không thôi thì không đủ. Các giáo lệnh, giáo lễ, và giao ước của phúc âm không phải là bản liệt kê những khoản ký thác phải được để vào môt trương mục nào đó trên thiên thượng. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là một kế hoạch chỉ cho chúng ta biết làm cách nào để trở thành những người mà Cha Thiên Thượng mong muốn chúng ta phải trở thành.”5

Do đó, sự vâng lời chân thành là tự dâng hiến mình trọn vẹn lên Ngài và để cho Ngài vạch ra con đường của chúng ta trong thời gian yên tĩnh lẫn thời gian khó khăn, vì hiểu rằng Ngài có thể giúp chúng ta trở thành con người tốt hơn là mình có thể tự trở thành.

Khi tự mình tuân phục theo ý muốn của Ngài, chúng ta gia tăng trong sự bình an và hạnh phúc. Vua Bên Gia Min dạy rằng những người nào tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế đều được “đầy phước lành và hạnh phúc trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần.”6 Thượng Đế muốn chúng ta có được niềm vui. Ngài muốn chúng ta có được bình an. Ngài muốn chúng ta thành công. Ngài muốn chúng ta được an toàn và được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng của thế giới xung quanh.

Nói cách khác, các lệnh truyền của Chúa không phải là một số các hạn chế khó khăn mà chúng ta phải học cách chịu đựng trong cuộc sống này để có thể được tôn cao trong cuộc sống mai sau. Thay vì thế, những hàng rào do Chúa lập ra và tạo ra cho chúng ta một sự an toàn khỏi những ảnh hưởng xấu xa và có sức hủy diệt mà nếu không thì sự an toàn đó sẽ lôi kéo chúng ta xuống vực sâu của nỗi tuyệt vọng. Các lệnh truyền của Chúa đã được ban cho vì tình yêu thương và sự quan tâm; các lệnh truyền này là nhằm mang đến niềm vui cho chúng ta trong cuộc sống này7 cũng như các lệnh truyền này là nhằm mang đến niềm vui và sự tôn cao trong cuộc sống mai sau. Các lệnh truyền này đánh dấu cách chúng ta nên hành động—và quan trọng hơn nữa, các lệnh truyền này giúp chúng ta hiểu con người mà mình phải trở thành.

Như trong tất cả những điều tốt đẹp và chân chính, Chúa Giê Su Ky Tô đứng làm tấm gương sáng nhất. Hành động vâng lời vĩ đại nhất trong suốt vĩnh cửu đã xảy ra khi Vị Nam Tử tuân phục theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Khi cầu xin từ tận đáy sâu của lòng khiêm nhường để khỏi phải uống chén đắng—để Ngài có thể đi theo một con đường nào khác hơn con đường đã được đánh dấu cho Ngài—Đấng Ky Tô đã tuân phục và đi theo con đường mà Đức Chúa Cha đã muốn Ngài phải đi. Đó là một con đường xuyên qua Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ, nơi Ngài chịu đựng nỗi thống khổ và đau đớn không thể tưởng tượng nổi và nơi Ngài đã hoàn toàn bị bỏ rơi khi Thánh Linh của Cha Ngài rút lui. Nhưng cũng con đường đó đưa đến một ngôi mộ trống vào ngày thứ ba, với những tiếng kêu lên “Ngài sống lại rồi!”8 được những người yêu mến Ngài nghe thấy. Con đường đó gồm có niềm vui không thể tưởng tượng được và sự an ủi xoay quanh Sự Chuộc Tội của Ngài dành cho tất cả con cái của Thượng Đế trong suốt vĩnh cửu. Bằng cách để cho ý muốn của Ngài lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha, Đấng Ky Tô ban cho chúng ta triển vọng có được sự bình an vĩnh cửu, niềm vui vĩnh cửu, và cuộc sống vĩnh cửu.

Tôi làm chứng rằng chúng ta là con cái của một Thượng Đế nhân từ. Tôi làm chứng rằng Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc, an toàn và được phước. Vì mục đích đó, Ngài đã hoạch định một con đường cho chúng ta để trở lại với Ngài và Ngài đã lập ra hàng rào cản mà sẽ bảo vệ chúng ta dọc con đường. Khi chúng ta làm hết sức mình để theo con đường đó, chúng ta tìm thấy sự an toàn, hạnh phúc và bình an thật sự. Và khi chúng ta tuân phục theo ý muốn của Ngài, thì chúng ta trở thành con người mà Ngài muốn chúng ta trở thành. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.