2010–2019
Không Bao Giờ Là Quá Sớm và Không Bao Giờ Là Quá Muộn
Tháng mười 2015


10:19

Không Bao Giờ Là Quá Sớm và Không Bao Giờ Là Quá Muộn

Không bao giờ là quá sớm và không bao giờ là quá muộn để lãnh đạo, hướng dẫn, và bước đi bên cạnh con cái chúng ta, vì gia đình là vĩnh cửu.

Thưa các anh chị em, chúng ta đang lâm trận với thế gian. Trong quá khứ, thế gian đã cố gắng tranh giành sinh lực và thời gian của con cái chúng ta. Ngày nay thế gian cố gắng nói cho con cái chúng ta biết chúng là ai và điều chúng phải suy nghĩ. Nhiều tiếng nói ồn ào và nổi bật đang cố gắng xác định con cái chúng ta là ai và chúng nên tin vào điều gì. Chúng ta không thể để cho xã hội ảnh hưởng đến gia đình của chúng ta để trở thành giống như thế gian. Chúng ta phải thắng trận chiến này. Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào điều đó.

Trẻ em trong Giáo Hội hát một bài hát dạy cho chúng biết về nguồn gốc thực sự của chúng: “Tôi là con Đức Chúa Cha. … Ngài đã gửi tôi đến đây, cho tôi một nhà cửa ở nơi đây.” Rồi các em khẩn nài chúng ta: “Cầm tay dìu tôi, bước cận kề tôi. … Chúa giúp kiếm lối đi.”1

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy chúng ta trong đại hội vừa qua rằng, từ giờ trở đi, chúng ta phải tham gia vào “việc nuôi dạy con cái một cách thận trọng.”2 Đây là những thời kỳ khó khăn. Nhưng tin vui là Thượng Đế biết sẽ là như vậy, và Ngài đã ban cho lời khuyên dạy trong thánh thư để cho chúng ta biết cách giúp đỡ con cháu của mình.

Đấng Cứu Rỗi với trẻ em trong thời Sách Mặc Môn

Trong Sách Mặc Môn, Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng dân Nê Phi. Ngài quy tụ các trẻ nhỏ của họ lại quanh Ngài. Ngài ban phước cho chúng, cầu nguyện cho chúng, và khóc vì chúng.3 Sau đó, Ngài phán cùng các bậc cha mẹ: “Hãy nhìn xem các con trẻ của các ngươi.”4

Từ nhìn xem có nghĩa là nhìn thấy. Chúa Giê Su đã muốn các bậc cha mẹ nhìn xem điều gì ở các trẻ nhỏ của họ? Có phải Ngài muốn họ nhận ra tiềm năng thiêng liêng của con cái họ không?

Khi chúng ta nhìn vào con cháu của mình ngày nay, thì Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta nhìn thấy điều gì ở chúng? Chúng ta có nhận ra rằng con cái của mình là nhóm người tầm đạo đông nhất trong Giáo Hội không? Chúng ta phải làm gì để mang đến một sự cải đạo lâu dài của chúng?

Trong sách Ma Thi Ơ, Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta về sự cải đạo lâu dài. Một nhóm đông dân chúng đã quy tụ lại gần Biển Ga Li Lê để nghe Ngài giảng dạy.

Vào dịp này, Chúa Giê Su đã kể câu chuyện về việc trồng hạt giống—chuyện ngụ ngôn về người gieo giống.5 Khi giải thích chuyện này cho các môn đồ của Ngài, và cuối cùng là cho chúng ta, Ngài phán: “Khi người nào nghe đạo nước thiên đàng, mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng mình.”6 Sứ điệp cho cha mẹ là rõ ràng: có một sự khác biệt giữa việc nghe và hiểu. Nếu con cái chúng ta chỉ nghe mà không hiểu phúc âm, thì điều đó mang đến cơ hội cho Sa Tan để làm cho chúng không tin vào các lẽ thật này từ lòng chúng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể giúp chúng phát triển chiều sâu của sự cải đạo của chúng, thì trong những lúc khó khăn nhất, khi cuộc sống này trở nên gay go, và cuộc sống sẽ như vậy, thì phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể cung cấp cho chúng một điều gì đó ở bên trong chúng mà không thể bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng các lẽ thật mạnh mẽ này không đi vào tai này rồi ra tai kia? Chỉ nghe nói thôi có thể cũng không đủ.

Chúng ta đều biết rằng những lời nói thay đổi. Đôi khi chúng ta dùng những lời lẽ mà chúng không hiểu. Các anh chị em có thể nói với con cái nhỏ tuổi của mình: “Con nghe như là một cái dĩa cũ lặp đi lặp lại.” Chúng có lẽ trả lời: “Cha ơi, dĩa là cái gì?”

Cha Thiên Thượng muốn chúng ta thành công vì thực sự, xét cho cùng, chúng là con cái của Ngài trước khi là con cái của chúng ta. Là cha mẹ trong Si Ôn, các anh chị em đã nhận được ân tứ Đức Thánh Linh. Khi các anh chị em cầu nguyện để được hướng dẫn, thì Đức Thánh Linh “sẽ chỉ dẫn cho các [anh chị em] tất cả mọi việc các [anh chị em] phải nên làm”7 trong việc dạy dỗ con cái. Khi các anh chị em phát triển tiến trình học hỏi, thì “quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ truyền những lời ấy vào tâm hồn con cái loài người.”8

Tôi không thể nghĩ ra một ví dụ nào hay hơn về việc giúp một người nào đó đạt được hiểu biết ngoài câu chuyện về Helen Keller. Em ấy bị mù và điếc, sống trong một thế giới tối tăm yên tĩnh. Một giáo viên tên là Anne Sullivan đã đến giúp đỡ em ấy. Làm thế nào ta có thể dạy cho một đứa trẻ không thể thấy hoặc nghe ta?

Helen Keller và Anne Sullivan

Trong một thời gian dài, Anne phải vất vả để tiếp xúc với Helen. Một ngày nọ khoảng giữa trưa, cô giáo Anne dẫn em ấy đến một cái máy bơm nước. Bà đặt một bàn tay của Helen dưới ống máng xối và bắt đầu bơm nước. Sau đó, cô giáo Anne đánh vần từ W-A-T-E-R (NƯỚC) lên trên bàn tay kia của Helen. Không có chuyện gì xảy ra. Vì vậy, cô giáo Anne đã cố gắng một lần nữa. W-A-T-E-R. Helen siết chặt tay cô giáo Anne vì em bắt đầu hiểu. Đến đêm hôm đó, em ấy đã học được 30 từ. Trong vòng một vài tháng, cô ấy đã học được 600 từ và có thể đọc được chữ nổi Braille. Helen Keller tiếp tục học và có được bằng đại học và đã giúp thay đổi thế giới của những người câm và điếc.9 Đó là một phép lạ, và cô giáo ấy là người làm phép lạ, cũng giống như các anh chị em là các bậc cha mẹ.

Tôi đã nhìn thấy các kết quả của một người thầy vĩ đại khác trong khi phục vụ với tư cách là chủ tịch một giáo khu của người thành niên độc thân ở trường BYU-Idaho. Kinh nghiệm đó thay đổi cuộc sống của tôi. Vào một tối thứ Ba đặc biệt, tôi đã phỏng vấn một thanh niên tên là Pablo, từ Mexico City, là người muốn đi phục vụ truyền giáo. Tôi hỏi em ấy về chứng ngôn của em ấy và ước muốn của em ấy để phục vụ. Những câu trả lời của em ấy cho những câu hỏi của tôi thật là hoàn hảo. Sau đó, tôi hỏi về sự xứng đáng của em ấy. Câu trả lời của em ấy rất chính xác. Thực ra, những câu trả lời này rất hay, tôi tự hỏi: “Có lẽ em ấy không hiểu điều tôi đang hỏi.” Vì vậy, tôi hỏi lại và quyết định rằng em ấy biết chính xác những gì tôi có ý muốn hỏi và đã hoàn toàn thành thật.

Tôi rất có ấn tượng với người thanh niên này nên tôi hỏi em ấy: “Pablo, ai đã giúp em đến thời điểm này trong cuộc sống khi em đứng rất ngay thẳng trước mặt Chúa vậy?”

Em ấy nói: “Cha em.”

Tôi nói: “Pablo, hãy kể cho tôi nghe câu chuyện về em.”

Pablo nói tiếp: “Khi em lên chín tuổi, cha em kéo em sang một bên và nói: ‘Pablo, cha cũng lên chín tuổi một lần rồi. Sau đây là một số điều con có thể gặp phải trong đời. Con sẽ thấy có người gian lận trong trường học. Con có thể ở gần những người chửi thề. Có lẽ sẽ có những ngày con không muốn đi nhà thờ. Bây giờ, khi những điều này xảy ra—hoặc bất cứ điều gì khác làm cho con gặp rắc rối—thì cha muốn con đến nói chuyện với cha, và cha sẽ giúp con vượt qua những điều đó. Và sau đó cha sẽ cho con biết điều sẽ xảy ra tiếp theo.’”

“Pablo này, vậy cha em nói gì với em khi em 10 tuổi vậy?”

“Vâng, cha cảnh báo em về hình ảnh sách báo khiêu dâm và những câu chuyện cười không thích hợp.”

Tôi hỏi: “Còn khi em 11 tuổi thì sao?”

“Cha cảnh báo em về những điều mà có thể gây nghiện và nhắc nhở em về việc sử dụng quyền tự quyết của mình.”

Đây là một người cha, hết năm này đến năm khác, “hàng thêm hàng, một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia,”10 đã giúp con trai của mình không những nghe mà còn hiểu được. Cha của Pablo biết là con cái chúng ta học khi chúng sẵn sàng học chứ không chỉ khi chúng ta sẵn sàng dạy cho chúng. Tôi rất hãnh diện về Pablo khi chúng tôi nộp đơn của em ấy để xin đi truyền giáo vào đêm đó, nhưng tôi còn hãnh diện hơn về cha của Pablo.

Buổi tối hôm đó, khi lái xe về nhà, tôi đã tự hỏi: “Pablo sẽ trở thành một người cha như thế nào?” Và câu trả lời thì thật là rõ ràng: em ấy sẽ giống y như cha của mình. Chúa Giê Su phán: “Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm.”11 Đây là mẫu mực về cách Cha Thiên Thượng ban phước cho con cái của Ngài từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong khi tiếp tục suy nghĩ về kinh nghiệm của mình với Pablo, tôi cảm thấy buồn vì bốn đứa con gái của tôi đã trưởng thành và chín đứa cháu của tôi lúc ấy đã không sống gần bên. Sau đó tôi nghĩ: “Bằng cách nào tôi có thể giúp chúng giống như cha Pablo đã giúp em ấy? Đã có quá nhiều thời gian trôi qua rồi chăng?” Trong khi tôi dâng lên một lời cầu nguyện trong lòng, thì Thánh Linh mách bảo lẽ thật sâu sắc này: “Không bao giờ là quá sớm và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tiến trình quan trọng này.” Tôi biết ngay ý nghĩa của câu đó. Tôi nôn nóng trở về nhà. Tôi yêu cầu vợ tôi, Sharol, gọi điện thoại cho tất cả các con của chúng tôi và cho chúng biết rằng chúng tôi cần đi thăm chúng; tôi đã có một điều rất quan trọng để nói cho chúng biết. Việc tôi vội vã như thế làm các con tôi lo lắng một chút.

Chúng tôi bắt đầu với vợ chồng đứa con gái lớn nhất và tôi nói: “Cha mẹ muốn hai con biết rằng cha mẹ từng ở độ tuổi này giống như hai con rồi. Cha mẹ đã từng 31 tuổi, với một gia đình có con nhỏ. Cha mẹ biết điều mà hai con có thể trải qua. Có thể đó là một khó khăn về tài chính hoặc sức khỏe. Có thể đó là lúc hai con nghi ngờ về đức tin của mình. Hai con có thể bị quá sức chịu đựng với cuộc sống. Khi những sự việc này xảy ra, cha mẹ muốn hai con đến nói chuyện với cha mẹ. Cha mẹ sẽ giúp hai con vượt qua. Này, cha mẹ không muốn luôn luôn can thiệp vào cuộc sống của hai con, nhưng cha mẹ muốn hai con biết rằng cha mẹ luôn luôn giúp đỡ hai con. Và trong khi chúng ta ở bên nhau, cha muốn kể cho hai con nghe về một cuộc phỏng vấn cha mới có với một thanh niên tên là Pablo.”

Sau khi kể xong câu chuyện, tôi nói: “Cha mẹ không muốn hai con bỏ lỡ cơ hội giúp con cái của mình và các cháu nội ngoại của cha mẹ đều hiểu được những lẽ thật quan trọng này.”

Thưa các anh chị em, bây giờ tôi nhận biết trong một cách có ý nghĩa hơn điều Chúa kỳ vọng ở tôi trong vai trò của một người cha và người ông, trong việc thiết lập một tiến trình để giúp đỡ gia đình tôi không những nghe mà còn hiểu nữa.

Khi tôi lớn lên, tôi thấy mình suy ngẫm những lời này:

Ôi thời gian, Ôi thời gian, hãy quay ngược lại,

Và để cho chúng làm những đứa con bé bỏng của tôi chỉ một đêm nữa thôi!12

Tôi biết tôi không thể quay ngược lại thời gian, nhưng bây giờ tôi biết được điều này—rằng không bao giờ là quá sớm và không bao giờ là quá muộn—để lãnh đạo, hướng dẫn, và bước đi bên cạnh con cái chúng ta, vì gia đình là vĩnh cửu.

Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài đã gửi Con Trai Độc Sinh của Ngài đến sống cuộc sống của một người trần thế để Chúa Giê Su có thể phán với chúng ta: “Ta đã từng ở nơi các ngươi đang ở, ta biết điều gì sẽ tiếp theo sau, và ta sẽ giúp các ngươi vượt qua.” Tôi biết là Ngài sẽ làm như vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58.

  2. Xin xem Russell M. Nelson, “Ngày Sa Bát Là Ngày Vui Thích,” Liahona, tháng Năm năm 2015, 131.

  3. Xin xem 3 Nê Phi 17:21.

  4. 3 Nê Phi 17:23.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 13:1–13.

  6. Ma Thi Ơ 13:19; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  7. 2 Nê Phi 32:5.

  8. 2 Nê Phi 33:1.

  9. Xin xem “Anne Sullivan,” biography.com/people/anne-sullivan-9498826; “Helen Keller,” biography.com/people/helen-keller-9361967.

  10. Ê Sai 28:10.

  11. Giăng 5:19.

  12. Phỏng theo bài thơ của Elizabeth Akers Allen “Rock Me to Sleep,” trong William Cullen Bryant, xuất bản, The Family Library of Poetry andSong (1870), 222–23.