Nhớ Mình Đã Đặt Lòng Tin Cậy Nơi Ai
Hy vọng của chúng ta để được sống lại một lần nữa với Đức Chúa Cha tùy thuộc vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Khi tôi chín tuổi, bà ngoại tóc bạc trắng, cao 1 mét rưỡi của tôi đến nhà chúng tôi ở một vài tuần. Một buổi trưa nọ, trong khi bà đang ở đó, thì hai người anh trai của tôi và tôi quyết định đi đào một cái hố trong một cánh đồng ở bên kia đường của nhà chúng tôi. Tôi không biết lý do tại sao chúng tôi đã làm điều đó; đôi khi bọn con trai thích đi đào hố. Người chúng tôi có hơi bẩn một chút nhưng điều đó sẽ không làm cho chúng tôi gặp quá nhiều rắc rối. Mấy đứa con trai khác trong xóm thấy việc đào hố thật là thú vị và bắt đầu tham gia. Rồi tất cả chúng tôi lại càng bẩn hơn. Vì đất cứng, nên chúng tôi kéo cái vòi tưới nước của khu vườn đến và xịt một ít nước vào đáy hố để cho đất được mềm. Người chúng tôi vấy đầy bùn trong khi đào, nhưng cái hố thì đã được đào sâu hơn.
Một người nào đó trong nhóm quyết định là chúng tôi nên biến cái hố thành một cái hồ bơi, vậy nên chúng tôi đổ đầy nước vào hố. Vì là nhỏ tuổi nhất và muốn được chấp nhận cho chơi với nhóm nên tôi đã bị thuyết phục để nhảy vào cái hố và thử bơi. Bấy giờ thì tôi đã rất là bẩn. Lúc bắt đầu, tôi đã không dự định là người tôi sẽ dính đầy bùn, nhưng cuối cùng thì người tôi đã dính đầy bùn.
Khi trời bắt đầu lạnh, tôi chạy qua đường, định bước vào nhà. Bà ngoại gặp tôi ở cửa trước và không cho tôi vào. Bà nói với tôi rằng nếu bà cho tôi vào, thì tôi sẽ lê bùn vào nhà mà bà mới vừa lau sạch. Vì vậy, tôi đã làm điều mà bất cứ đứa trẻ chín tuổi nào cũng sẽ làm trong hoàn cảnh đó và chạy tới cửa sau, nhưng bà đã nhanh chân hơn tôi nghĩ. Tôi nổi giận, dậm chân, và đòi được vào nhà, nhưng cánh cửa vẫn đóng chặt.
Người tôi ướt sũng, dính đầy bùn, lạnh cóng, và trong trí tưởng tượng trẻ thơ của mình, tôi nghĩ rằng tôi có thể chết ở sân sau nhà. Cuối cùng, tôi hỏi bà là tôi phải làm gì để được vào nhà. Trong chốc lát, tôi thấy mình đang đứng ở sân sau trong khi bà ngoại cầm vòi nước xịt vào tôi. Sau một lúc rất lâu tưởng chừng như là vô tận, bà ngoại quyết định là tôi đã được sạch rồi và để cho tôi vào nhà. Trong nhà thật là ấm, và tôi đã có thể mặc vào quần áo khô ráo, sạch sẽ.
Khi nghĩ về câu chuyện ngụ ngôn có thực ngoài đời này, xin hãy xem xét những lời sau đây của Chúa Giê Su Ky Tô: “Và không một vật gì ô uế có thể vào được vương quốc của Ngài; vậy nên, không một ai có thể bước vào chốn an nghỉ của Ngài nếu người đó không tẩy sạch y phục của mình bằng máu của ta, nhờ đức tin, nhờ sự hối cải mọi tội lỗi của mình, và trung kiên cho đến cùng.”1
Thật là khó chịu khi phải đứng ở bên ngoài nhà và bị bà ngoại xịt nước vào người. Việc bị từ chối cơ hội để trở lại và ở cùng Cha Thiên Thượng vì chúng ta đã chọn ở lại hay bị vấy bẩn bởi một cái hố bùn của tội lỗi thường sẽ luôn luôn là điều bi thảm. Chúng ta không nên tự lừa dối mình về điều cần phải có để trở về và ở lại nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng. Chúng ta phải được sạch sẽ.
Trước khi đến thế gian này, chúng ta đã tham dự với tư cách là các con trai và con gái linh hồn của Thượng Đế trong một đại hội.2 Mỗi người chúng ta đã chú ý, và không ai trong chúng ta ngủ gục cả. Trong đại hội đó, Cha Thiên Thượng đã trình bày một kế hoạch. Bởi vì kế hoạch bảo vệ quyền tự quyết của chúng ta và yêu cầu chúng ta học hỏi từ kinh nghiệm của chính mình chứ không phải chỉ từ kinh nghiệm của Ngài mà thôi, nên Ngài biết là chúng ta sẽ phạm tội. Ngài cũng biết rằng tội lỗi sẽ làm cho chúng ta trở nên ô uế và không thể trở lại nơi hiện diện của Ngài vì nơi Ngài sống còn sạch hơn sàn nhà do bà ngoại của tôi lau.
Vì Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và có mục đích là để “mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho [chúng ta],”3 nên kế hoạch của Ngài gồm có vai trò của một Đấng Cứu Rỗi—một Đấng nào đó có thể giúp chúng ta trở nên trong sạch cho dù chúng ta đã trở nên nhơ bẩn như thế nào đi nữa. Khi Cha Thiên Thượng công bố sự cần thiết phải có một Đấng Cứu Rỗi, thì tôi tin rằng tất cả chúng ta đều quay lại nhìn vào Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai Đầu Lòng Linh Hồn, là Đấng đã tiến triển đến mức trở thành giống như Đức Chúa Cha.4 Tôi tin rằng tất cả chúng ta biết đó chính là Ngài, chứ không một ai trong số những người còn lại có thể làm điều đó, chỉ Ngài mới có thể và sẽ làm điều đó được.
Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá ở đồi Sọ, Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, run lên vì đau đớn, chảy máu ở mỗi lỗ chân lông, khẩn nài với Cha Ngài để cất đi chén đắng từ Ngài,5 vậy mà Ngài vẫn uống chén đắng đó.6 Tại sao Ngài làm điều đó? Vì theo lời Ngài, Ngài muốn tôn vinh Cha Ngài và “hoàn tất những việc chuẩn bị của [Ngài] cho con cái loài người.”7 Ngài muốn tuân giữ giao ước của Ngài và làm cho chúng ta có thể trở về nhà. Để đáp lại, Ngài đã phán bảo chúng ta phải làm gì? Ngài chỉ khẩn nài chúng ta phải thú nhận tội lỗi và hối cải để chúng ta sẽ không phải đau khổ như Ngài đã đau khổ.8 Ngài mời gọi chúng ta trở nên trong sạch để chúng ta không bị bỏ lại bên ngoài nhà của Đức Chúa Cha.
Mặc dù việc tránh tội lỗi là mẫu mực được ưa thích trong cuộc sống, nhưng đến mức mà hiệu quả của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là một mối quan tâm, thì cho dù các anh chị em có vi phạm tội lỗi nào hoặc bao nhiêu tội lỗi đi nữa thì cũng không quan trọng. Cho dù các anh chị em có cảm thấy xấu hổ hay ngượng ngùng vì những tội lỗi, mà như tiên tri Nê Phi nói: “đã quấy nhiễu [chúng ta] một cách quá dễ dàng” thì cũng không quan trọng.9 Việc chúng ta một lần đổi quyền thừa kế của mình cho một nồi canh phạn đậu thì cũng không quan trọng.10
Điều quan trọng là Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, phải “chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ” để “Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.”11 Điều quan trọng là Ngài sẵn lòng hạ mình,12 xuống thấp hơn “tất cả mọi vật”13 và chịu “mâu thuẫn mạnh mẽ hơn bất cứ người nào”.14 Điều quan trọng là Đấng Ky Tô đang biện hộ cho trường hợp của chúng ta trước mặt Đức Chúa Cha, khi nói rằng: “Thưa Cha, xin hãy nhìn những sự đau khổ và cái chết của người mà không hề phạm tội, người mà Cha rất hài lòng; … Vậy con xin Cha hãy tha cho những người anh em này của con, là những người tin vào danh con, để họ có thể đến cùng con và được cuộc sống vĩnh viễn.”15 Đó mới là điều thật sự quan trọng và nên mang đến cho tất cả chúng ta niềm hy vọng và một quyết tâm mới để cố gắng một lần nữa, vì Ngài không quên chúng ta.16
Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta khi chúng ta khiêm nhường tìm kiếm Ngài để hối cải; Ngài sẽ không bao giờ xem chúng ta là không bao giờ có thể sửa đổi được nữa; Ngài sẽ không bao giờ nói: “Lại là ngươi nữa sao”; Ngài sẽ không bao giờ khước từ chúng ta vì không hiểu rằng việc tránh xa tội lỗi là khó biết bao. Ngài hoàn toàn hiểu điều đó, kể cả cảm giác đau khổ, xấu hổ, và thất vọng, chính là hậu quả tất yếu của tội lỗi.
Sự hối cải là có thật và hữu hiệu. Sự hối cải không phải là một kinh nghiệm hư cấu hoặc kết quả của “một trí óc điên loạn.”17 Sự hối cải có khả năng để nhấc lên gánh nặng và thay thế bằng hy vọng. Sự hối cải có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn lao trong lòng mà dẫn đến việc chúng ta “không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện.”18 Việc cần hối cải không phải là dễ dàng. Những điều có ý nghĩa vĩnh cửu hiếm khi là dễ dàng. Nhưng kết quả thì thật đáng bõ công. Như Chủ Tịch Boyd K. Packer đã làm chứng trong bài nói chuyện cuối cùng với Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội: “Tôi nghĩ rằng: Sự Chuộc Tội không để lại dấu vết. Điều gì đã sửa rồi thì là cố định. … Sự Chuộc Tội không để lại dấu vết, mà chỉ chữa lành, và điều gì đã được chữa lành thì đã lành lặn.”19
Và như vậy hy vọng của chúng ta để được sống lại một lần nữa với Đức Chúa Cha tùy thuộc vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, với sự sẵn lòng của một Đấng vô tội để mang lấy sức nặng của tội lỗi chung của tất cả nhân loại, là điều hoàn toàn trái ngược với những đòi hỏi của công lý, bao gồm cả những tội lỗi mà một số con trai và con gái của Thượng Đế không cần phải chọn để tự mình chịu đau khổ.
Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta cho rằng quyền năng lớn lao thuộc vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi hơn là hầu hết những người khác bởi vì chúng ta biết rằng nếu chúng ta lập giao ước, tiếp tục hối cải, và kiên trì đến cùng, thì Ngài sẽ làm cho chúng ta thành những người đồng kế tự với Ngài20 và giống như Ngài, chúng ta sẽ nhận được tất cả những gì Đức Chúa Cha có.21 Đó là một giáo lý vô cùng quan trọng và chân chính. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn”22 hoàn toàn có thể thực hiện được thay vì ngoài tầm tay với do nản lòng.
Thánh thư dạy rằng mỗi cá nhân phải “bị xét xử theo sự phán xét thánh thiện của Thượng Đế.”23 Vào ngày đó, sẽ không có cơ hội để che giấu trong một nhóm đông người hơn hoặc đổi lỗi cho những người khác như là một sự biện hộ cho việc chúng ta bị ô uế. May thay, thánh thư cũng dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta, là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha, là Đấng gọi chúng ta là bạn của Ngài, là Đấng yêu thương chúng ta cho đến cùng, cuối cùng Ngài sẽ là Đấng phán xét chúng ta. Một trong các phước lành thường bị bỏ qua của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là “Cha … đã giao trọn quyền phán xét cho Con.”24
Thưa các anh chị em, nếu các anh chị em cảm thấy chán nản hoặc tự hỏi xem có bao giờ mình có thể được tha thứ tất cả mọi tội lỗi không thì xin hãy nhớ tới Đấng đứng “trung gian giữa chúng ta và công lý,” là Đấng “tràn đầy những nỗi lòng thương hại đối với con cái loài người” và là Đấng đã chịu gánh về phần mình những điều bất chính và phạm giới của chúng ta và “đáp ứng những đòi hỏi của công lý.”25 Nói một cách khác, như Nê Phi đã làm trong lúc ông thiếu tự tin, chỉ cần nhớ “[các anh chị em] đã đặt lòng tin cậy nơi ai rồi,”26 chính là Chúa Giê Su Ky Tô, và sau đó hối cải cùng cảm nhận một lần nữa “một niềm hy vọng hết sức sán lạn.”27 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.