2010–2019
Ngăn Nắp và Biết Cách Tổ Chức Giỏi theo Kiểu Bristol: Xứng Đáng Đi Đền Thờ—trong Lúc Hạnh Phúc lẫn Lúc Khổ Sở
Tháng mười 2015


15:36

Ngăn Nắp và Biết Cách Tổ Chức Giỏi theo Kiểu Bristol: Xứng Đáng Đi Đền Thờ—trong Lúc Hạnh Phúc lẫn Lúc Khổ Sở

Việc tuân thủ các nguyên tắc phúc âm thiêng liêng sẽ cho phép chúng ta được xứng đáng đi đền thờ, tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống này, và dẫn dắt chúng ta trở về căn nhà thiên thượng của mình.

Tiên tri Lê Hi tuyên bố: “Nếu không có sự ngay chính thì làm gì có hạnh phúc.”1

Kẻ nghịch thù đã thành công trong việc khiến nhiều người tin vào một chuyện hoang đường. Nó và các quỷ sứ của nó tuyên bố rằng sự lựa chọn thực sự mà chúng ta có là giữa hạnh phúc và niềm vui bây giờ trong cuộc sống này và hạnh phúc trong cuộc sống mai sau (tức là điều mà kẻ nghịch thù khẳng định có thể không tồn tại). Chuyện hoang đường này là một lựa chọn sai lầm, nhưng đầy sức cám dỗ.2

Mục đích cao quý tột bậc của kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế là cho các môn đồ ngay chính và các gia đình giao ước được kết hợp trong tình yêu thương, hòa thuận và bình an trong cuộc sống này3 và đạt được vinh quang thượng thiên trong thời vĩnh cửu với Thượng Đế Đức Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa của chúng ta; và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.4

Khi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi được chỉ định phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Anh Quốc, khu vực phục vụ đầu tiên của tôi lúc bấy giờ là Chi Bộ Truyền Giáo Bristol. Một trong các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương nhấn mạnh rằng những người truyền giáo phục vụ trong khu vực đó cần phải là người “ngăn nắp và biết cách tổ chức giỏi theo kiểu Bristol.”

Các chiếc tàu ở cảng Bristol

Ban đầu tôi đã không hiểu được ý của ông ấy. Chẳng bao lâu, tôi biết được nguồn gốc và ý nghĩa của cụm từ hàng hải đó “ngăn nắp và biết cách tổ chức giỏi theo kiểu Bristol.” Có thời kỳ Bristol là hải cảng đông đúc thứ hai ở Vương Quốc Anh, có dòng nước thủy triều rất cao là 13 mét, cao thứ hai trên thế giới. Khi thủy triều thấp, nước rút đi, thì các chiếc tàu cũ kỹ sẽ chạm vào đáy biển và nghiêng sang một bên, và nếu những chiếc tàu này không được đóng kỹ, chúng sẽ bị hư hại. Ngoài ra, nếu mọi thứ không được cất cẩn thận hoặc buộc chặt thì sẽ bị quăng lên quăng xuống hỗn loạn và bị hư hại nặng.5 Sau khi tôi đã hiểu ý nghĩa của cụm từ đó thì rõ ràng là vị lãnh đạo này cho chúng tôi biết rằng, là những người truyền giáo, chúng tôi phải sống ngay chính, tuân theo các quy luật, và chuẩn bị cho các tình huống khó khăn.

Thử thách này cũng được áp dụng cho mỗi người chúng ta. Tôi thường mô tả “ngăn nắp và biết cách tổ chức giỏi theo kiểu Bristol” là “xứng đáng đi đền thờ”—trong lúc may mắn lẫn lúc tồi tệ.

Mặc dù sự thay đổi bất thường của thủy triều ở Kênh Bristol có thể dự đoán được phần nào và có thể được chuẩn bị, nhưng các cơn bão và cám dỗ của cuộc sống này thường không thể đoán trước được. Nhưng chúng ta biết được điều này: chúng sẽ đến! Để khắc phục những thử thách và cám dỗ mà mỗi người chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải, chúng ta sẽ cần phải có sự chuẩn bị ngay chính và sử dụng các cách bảo vệ thiêng liêng đã được ban cho. Chúng ta cần phải quyết định để trở thành những người xứng đáng với đền thờ bất chấp điều gì sẽ xảy đến. Nếu có chuẩn bị, thì chúng ta sẽ không sợ hãi.6

Hạnh phúc trong cuộc sống này và hạnh phúc trong cuộc sống mai sau được liên kết với nhau bằng sự ngay chính. Ngay cả trong thời kỳ giữa cái chết và Sự Phục Sinh, “linh hồn của những người ngay chính sẽ được đón nhận vào một trạng thái đầy hạnh phúc được gọi là thiên đàng, một trạng thái an nghỉ, một trạng thái bình an.”7

Khi giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi bắt đầu ở Y Sơ Ra Ên và về sau ở giữa dân Nê Phi, Đấng Cứu Rỗi đã phán về vấn đề hạnh phúc trong cuộc sống này lẫn trong thời vĩnh cửu. Ngài nhấn mạnh đến các giáo lễ, nhưng Ngài cũng đặt trọng tâm nhiều đến hành vi đạo đức. Ví dụ, các môn đồ sẽ được phước nếu họ chịu đói khát sự ngay chính, có lòng thương xót, có tấm lòng thanh khiết, là người giải hòa, và tuân theo các nguyên tắc đạo đức cơ bản khác. Để làm một sứ điệp về giáo lý nền tảng, Chúa Giê Su Ky Tô đã nhấn mạnh một cách rõ ràng đến thái độ và hành vi ngay chính trong cuộc sống hằng ngày. Những lời giảng dạy của Ngài không những thay thế và vượt quá các yếu tố của luật Môi Se8 mà còn bác bỏ các triết lý sai lầm của con người nữa.

Trong nhiều thế kỷ, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã soi dẫn những niềm tin và thiết lập các tiêu chuẩn về cách cư xử liên quan đến điều ngay chính, mong muốn, và đạo đức và đưa đến hạnh phúc, sự an lạc và niềm vui. Tuy nhiên, các nguyên tắc và đạo đức cơ bản mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy đang bị tấn công nghiêm trọng trên thế gian ngày nay. Ky Tô giáo đang bị tấn công. Nhiều người tin rằng đạo đức đã thay đổi về mặt cơ bản.9

Chúng ta đang sống trong những thời kỳ khó khăn. Càng ngày càng có nhiều khuynh hướng để “gọi dữ là lành, và gọi lành là dữ.”10 Một thế giới chú trọng đến tính tự cao tự đại và chủ nghĩa thế tục là nguyên nhân cho mối quan tâm đáng lo ngại. Một nhà văn nổi tiếng, không thuộc tín ngưỡng của chúng ta, đã nói như sau: “Rủi thay, tôi thấy rất ít bằng chứng rằng con người thật sự được hạnh phúc hơn trong gian kỳ chúng ta đang sống đây, hoặc con cái của họ đang tốt hơn, hoặc nguyên nhân của sự công bằng xã hội đã được thực thi hữu hiệu, hoặc tỷ lệ kết hôn đang giảm bớt và gia đình ít con hơn … không hứa hẹn điều gì ngoại trừ đa số là cảnh cô đơn nhiều hơn, và tình trạng trì trệ chung.”11

Với tư cách là môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta được kỳ vọng phải hoạch định và chuẩn bị. Trong kế hoạch hạnh phúc, quyền tự quyết về mặt đạo đức là một nguyên tắc tổ chức chính yếu và những lựa chọn của chúng ta là quan trọng.12 Đấng Cứu Rỗi nhấn mạnh điều này trong suốt giáo vụ của Ngài, kể cả các chuyện ngụ ngôn của Ngài về các nữ đồng trinh dại và các ta lâng.13 Trong mỗi câu chuyện này, Chúa đã khen ngợi sự chuẩn bị và hành động, và lên án sự trì hoãn và tính biếng nhác.

Tôi nhận ra rằng, mặc dù hạnh phúc tràn ngập nằm trong kế hoạch thiêng liêng của Thượng Đế nhưng đôi khi hạnh phúc đó có thể cảm thấy như rất xa xôi và bị gián đoạn trong hoàn cảnh hiện nay của chúng ta. Là các môn đồ đang gặp khó khăn, chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc đó vượt quá tầm tay của mình. Từ quan điểm hạn chế của chúng ta, những cám dỗ và xao lãng hiện tại có thể dường như hấp dẫn. Ngược lại, các phần thưởng của việc chống cự được những cám dỗ này có thể cảm thấy như rất xa xôi và không thể đạt được. Nhưng một sự hiểu biết đúng đắn về kế hoạch của Đức Chúa Cha cho thấy rằng những phần thưởng có được vì sống ngay chính là có sẵn ngay bây giờ. Sự tà ác, chẳng hạn như hành vi vô đạo đức, không bao giờ mang đến cho chúng ta hạnh phúc. An Ma đã nói rõ điều đó với con trai Cô Ri An Tôn của mình: “Này, cha nói cho con hay, sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.”14

Giáo lý của chúng ta đã được A Mu Léc nói rõ trong An Ma 34:32: “Vì này, cuộc sống này là thời gian cho loài người chuẩn bị để gặp Thượng Đế; phải, này, thời gian của cuộc sống này là thời gian cho loài người thực thi những công việc lao nhọc của mình.”

Vậy thì, làm thế nào chúng ta chuẩn bị trong một thời kỳ khó khăn như vậy? Ngoài việc được xứng đáng với đền thờ ra, còn có rất nhiều nguyên tắc đóng góp cho sự ngay chính. Tôi sẽ nhấn mạnh đến ba nguyên tắc.

Trước hết: Sự Tự Chủ và Hành Vi Ngay Chính

Tôi tin rằng đôi khi Cha Thiên Thượng nhân từ chắc hẳn đang thích thú quan sát chúng ta giống như cảm giác của chúng ta khi quan sát con cái của mình học hỏi và tăng trưởng. Chúng ta đều vấp và ngã khi thu được kinh nghiệm.

Cuộc thí nghiệm kẹo dẻo Marshmallow

Tôi biết ơn bài nói chuyện tại đại hội do Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đưa ra vào năm 201015 về cuộc thí nghiệm kẹo dẻo marshmallow nổi tiếng do Đại Học Stanford thực hiện vào thập niên 1960. Các anh chị em sẽ nhớ rằng mấy đứa bé bốn tuổi được đưa cho một cục kẹo dẻo marshmallow. Nếu chúng có thể chờ 15 hoặc 20 phút mà không ăn cục kẹo đó, thì chúng sẽ nhận được một cục kẹo dẻo marshmallow thứ hai. Người ta đã thu lại video cho thấy nhiều em đã vặn vẹo mình mẩy để kiềm chế không ăn cục kẹo dẻo marshmallow. Một số không thành công.16

Năm ngoái, vị giáo sư này đã thực hiện cuộc thí nghiệm đầu tiên, Tiến Sĩ. Walter Mischel, đã viết một cuốn sách trong đó ông nói là một phần lý do của cuộc nghiên cứu này là mối quan tâm của ông về khả năng tự chủ và thói nghiện hút thuốc của riêng ông. Ông đặc biệt lo lắng sau khi bản báo cáo của bộ y tế Hoa Kỳ trong năm 1964 kết luận rằng việc hút thuốc gây ra ung thư phổi.17 Dựa trên nhiều năm nghiên cứu, một trong những đồng nghiệp chuyên môn của ông đã báo cáo rằng “khả năng tự chủ giống như là cơ bắp: ta càng sử dụng nó nhiều thì nó càng mạnh mẽ hơn. Việc tránh một điều cám dỗ một lần sẽ giúp ta phát triển khả năng chống lại những cám dỗ khác trong tương lai.”18

Một nguyên tắc của sự tiến triển vĩnh cửu là tập có được tính tự chủ và sống ngay chính sẽ củng cố khả năng của chúng ta để chống lại cám dỗ. Điều này đúng cả trong những vấn đề thuộc linh lẫn trong các vấn đề vật chất.

Những người truyền giáo của chúng ta là một ví dụ tuyệt vời. Họ phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô và chú trọng đến sự vâng lời và nếp sống thuộc linh. Họ được kỳ vọng sẽ tuân thủ một lịch trình nghiêm ngặt và dành ra những ngày tháng của họ trong việc phục vụ người khác. Họ có một diện mạo khiêm tốn, trân trọng, thay vì theo cách ăn mặc tùy tiện hoặc khiếm nhã rất thịnh hành hiện nay. Hành vi và diện mạo của họ truyền đạt một sứ điệp mang tính đạo đức, nghiêm trang.19

Chúng ta có khoảng 230.000 người trẻ tuổi hiện đang phục vụ với tư cách là người truyền giáo hoặc những người đã trở về từ công việc phục vụ truyền giáo trong năm năm qua. Họ đã phát triển sức mạnh thuộc linh và kỷ luật tự giác mà cần phải được thực hành liên tục, hoặc những đức tính này sẽ bị suy yếu giống như cơ bắp không được sử dụng. Tất cả chúng ta cần phải phát triển cùng cho thấy hành vi và diện mạo chứng tỏ rằng chúng ta là tín đồ chân chính của Đấng Ky Tô. Những người nào từ bỏ hành vi ngay chính hoặc một diện mạo lành mạnh, khiêm tốn thì tự đặt mình vào lối sống mà không mang lại niềm vui lẫn hạnh phúc.

Phúc âm phục hồi mang đến cho chúng ta kim chỉ nam của kế hoạch hạnh phúc và một động cơ để hiểu và thực hành tính tự chủ và tránh sự cám dỗ. Phúc âm cũng dạy chúng ta cách hối cải khi vi phạm một điều gì.

Thứ hai: Việc Tôn Trọng Ngày Sa Bát Sẽ Gia Tăng Sự Ngay Chính và Là một Sự Bảo Vệ cho Gia Đình

Giáo Hội Ky Tô Giáo ban đầu đã thay đổi việc tuân thủ ngày Sa Bát từ ngày thứ Bảy đến ngày Chủ Nhật để tưởng niệm Sự Phục Sinh của Chúa. Các mục đích thiêng liêng cơ bản khác của ngày Sa Bát vẫn không thay đổi. Đối với người Do Thái và Ky Tô hữu, ngày Sa Bát tượng trưng cho những công trình vĩ đại của Thượng Đế.20

Vợ chồng tôi và vợ chồng hai người đồng nghiệp của tôi mới vừa tham dự một ngày Sa Bát Do Thái theo lời mời của một người bạn thân là Robert Abrams và vợ của ông là Diane, trong nhà của họ ở New York.21 Ngày Sa Bát của người Do Thái bắt đầu vào buổi tối thứ Sáu. Trọng tâm là nhằm tôn vinh Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa. Ngày này bắt đầu bằng cách ban phước cho gia đình và một bài thánh ca của ngày Sa Bát.22 Chúng tôi cùng tham gia vào nghi lễ rửa tay, ban phước bánh, cầu nguyện, bữa ăn với thức ăn của người Do Thái, đọc thuộc lòng thánh thư, và hát những bài ca về ngày Sa Bát trong một tinh thần tôn vinh. Chúng tôi lắng nghe tiếng Hê Bơ Rơ, dò theo với bản dịch tiếng Anh. Các thánh thư làm cảm động nhất đọc ra từ Kinh Cựu Ước là từ sách Ê Sai, mà chúng tôi cũng rất yêu mến, tuyên bố rằng ngày Sa Bát là ngày vui thích,23 và từ Ê Xê Chi Ên, rằng ngày Sa Bát “sẽ làm dấu giữa ta và các ngươi, hầu cho các ngươi biết rằng ta là Giê Hô Va Đức Chúa Trời các ngươi.”24

Ấn tượng tràn ngập từ buổi tối tuyệt vời này là về tình yêu thương trong gia đình, lòng tận tụy và trách nhiệm với Thượng Đế. Khi tôi nghĩ về sự kiện này, tôi nghĩ về cảnh ngược đãi khắc nghiệt những người Do Thái đã trải qua suốt nhiều thế kỷ. Hiển nhiên, việc tôn trọng ngày Sa Bát là “một giao ước đời đời,” bảo tồn và ban phước cho dân Do Thái để làm ứng nghiệm thánh thư.25 Điều này cũng đã góp phần vào cuộc sống và hạnh phúc gia đình phi thường, là điều hiển nhiên trong cuộc sống của nhiều người dân Do Thái.26

Đối với các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, việc tôn trọng ngày Sa Bát là một hình thức của sự ngay chính mà sẽ ban phước và củng cố gia đình, kết nối chúng ta với Đấng Tạo Hóa của mình, và gia tăng hạnh phúc. Ngày Sa Bát có thể giúp tách rời chúng ta khỏi điều phù phiếm, không thích hợp, hoặc vô đạo đức. Ngày Sa Bát cho phép chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian.

Trong sáu tháng vừa qua, một sự thay đổi đáng kể nhất đã xảy ra trong Giáo Hội. Đây là sự đáp ứng của các tín hữu đối với việc nhấn mạnh một lần nữa vào ngày Sa Bát của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai và đối với lời yêu cầu của Chủ Tịch Russell M. Nelson để làm cho ngày Sa Bát thành một ngày vui thích.27 Nhiều tín hữu hiểu rằng việc thật sự giữ ngày Sa Bát được thánh là một nơi trú ẩn khỏi những cơn bão tố của cuộc đời này. Đó cũng là một dấu hiệu của sự tận tâm của chúng ta đối với Cha Thiên Thượng và hiểu rõ hơn về tính thiêng liêng của lễ Tiệc Thánh. Chúng ta vẫn còn cần phải cải thiện thêm nhưng chúng ta đã có một bước khởi đầu tuyệt vời. Tôi yêu cầu tất cả chúng ta hãy tiếp tục chấp nhận lời khuyên bảo này và cải thiện việc thờ phượng trong ngày Sa Bát.

Thứ Ba: Những Bảo Vệ Thiêng Liêng Được Ban Cho Khi Chúng Ta Sống Ngay Chính

Là một phần kế hoạch thiêng liêng của Thượng Đế, chúng ta được ban phước với ân tứ Đức Thánh Linh. Ân tứ này “là quyền có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh, bất cứ khi nào một người sống xứng đáng.”28 Đấng này trong Thiên Chủ Đoàn phục vụ với tư cách là một tác nhân thanh tẩy nếu phúc âm là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta. Ngài cũng là một tiếng nói cảnh cáo chống lại điều ác và một tiếng nói bảo vệ chống lại nguy hiểm. Khi chúng ta đi trong biển đời, thì việc tuân theo những ấn tượng của Đức Thánh Linh là điều cần thiết. Thánh Linh sẽ giúp chúng ta tránh những cám dỗ và nguy hiểm, cùng an ủi và hướng dẫn chúng ta qua những thử thách. “Trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín.”29

Việc tuân thủ các nguyên tắc phúc âm thiêng liêng sẽ cho phép chúng ta được xứng đáng đi đền thờ, tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống này, và dẫn dắt chúng ta trở về căn nhà thiên thượng của mình.

Các anh chị em thân mến, cuộc sống không hề dễ dàng, cũng không được dự định là phải dễ dàng. Đó là một thời gian thử thách và khó khăn. Cũng giống như các chiếc tàu cũ kỹ ở Cảng Bristol, sẽ có những lúc khi thủy triều rút xuống và dường như mọi thứ trên thế gian này nhằm giữ cho chúng ta nổi lên đều biến mất. Chúng ta có thể chạm vào đáy biển và thậm chí còn bị lật sang một bên nữa. Trong thời gian thử thách như vậy, tôi hứa với các anh chị em rằng việc sống và duy trì cuộc sống xứng đáng với đền thờ sẽ giữ lại tất cả những gì thực sự quan trọng. Các phước lành tuyệt vời của sự bình an, hạnh phúc, và niềm vui, cùng với các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu và vinh quang thượng thiên với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ được làm tròn. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. 2 Nê Phi 2:13. Câu thánh thư này là một phần của sự song hành trong Sách Mặc Môn. Điều thú vị là nhiều vị tiên tri mà có các bài viết và bài giảng được gồm vào trong Sách Mặc Môn đã sử dụng cách tiếp cận văn học này để nhấn mạnh các khái niệm giáo lý quan trọng. Để có ví dụ, xin xem 2 Nê Phi 9:25 (Gia Cốp); 2 Nê Phi 11:7 (Nê Phi).

  2. Xin xem 2 Nê Phi 28.

  3. Xin xem 4 Nê Phi 1:15–17.

  4. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:23.

  5. Xin xem Wiktionary, “shipshape and Bristol fashion,” wiktionary.org.

  6. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:30.

  7. An Ma 40:12; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  8. Xin xem Ma Thi Ơ 5, phần tóm lược chương.

  9. Xin xem Carl Cederstrom, “The Dangers of Happiness,” New York Times, ngày 19 tháng Bảy năm 2015, phần Sunday Review, 8.

  10. 2 Nê Phi 15:20.

  11. Ross Douthat, “Gay Conservatism and Straight Liberation,” New York Times, ngày 28 tháng Sáu năm 2015 phần Sunday Review, 11.

  12. Xin xem 2 Nê Phi 2.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 25:1–30.

  14. An Ma 41:10.

  15. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Tiếp Tục Kiên Nhẫn,” Liahona, tháng Năm năm 2010, 56.

  16. Xin xem Walter Mischel, The Marshmallow Test: Mastering Self-Control (2014); xin xem thêm Jacoba Urist, “What the Marshmallow Test Really Teaches about Self-Control,” Atlantic, ngày 24 tháng Chín năm 2014, theatlantic.com.

  17. Xin xem Mischel, The Marshmallow Test, 136–38.

  18. Maria Konnikova, “The Struggles of a Psychologist Studying Self-Control,” New Yorker, ngày 9 tháng Mười năm 2014, trích dẫn Roy Baumeister, một giáo sư khoa tâm lý học tại trường Florida State University, là người nghiên cứu về ý chí và sự tự chủ.

  19. Xin xem Malia Wollan, “How to Proselytize,” New York Times Magazine, ngày 19 tháng Bảy năm 2015, 21. Bà trích dẫn Mario Dias thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo São Paulo Brazil.

  20. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ngày Sa Bát.”

  21. Anh Cả Von G. Keetch và vợ ông là Bernice, cùng John Taylor và vợ của ông là Jan, cùng với vợ chồng tôi tham dự một ngày Sa Bát đầy thú vị với Robert Abrams và vợ của ông là Diane, vào ngày 8 tháng Năm năm 2015. Ông Abrams đã phục vụ bốn nhiệm kỳ với tư cách là bộ trưởng tư pháp của tiểu bang New York và là bạn của Giáo Hội trong nhiều năm. Ông Abrams cũng có mời hai đồng nghiệp Do Thái cùng những người vợ của họ.

  22. Hát bài thánh ca bàn Sa Bát Shalom Aleichem (“Peace upon You”).

  23. Xin xem Ê Sai 58:13–14.

  24. Ê Xê Chi Ên 20:20.

  25. Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 31:16–17.

  26. Xin xem Joe Lieberman, The Gift of Rest: Rediscovering the Beauty of the Sabbath (2011). Quyển sách thú vị của Thượng Nghị Sĩ Lieberman mô tả ngày Sa Bát của Do Thái và cung cấp sự hiểu biết đầy soi dẫn.

  27. Xin xem Ê Sai 58:13–14; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Ngày Sa Bát Là Ngày Vui Thích,” Liahona, tháng Năm năm 2015, 129–32.

  28. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư “Đức Thánh Linh.”

  29. Ga La Ti 5:22.