2010–2019
Niềm Vui của Việc Sống một Cuộc Sống Tập Trung vào Đấng Ky Tô
Tháng mười 2015


11:46

Niềm Vui của Việc Sống một Cuộc Sống Tập Trung vào Đấng Ky Tô

Cuộc sống của chúng ta phải tập trung vào Đấng Ky Tô một cách chính xác nếu chúng ta muốn tìm kiếm niềm vui đích thực và sự bình an trong cuộc sống này.

Thế giới nơi chúng ta sống đang gây áp lực rất lớn đến những người tốt ở khắp mọi nơi để làm giảm bớt hoặc thậm chí còn từ bỏ các tiêu chuẩn sống ngay chính của họ nữa. Tuy nhiên, bất kể những điều xấu xa và cám dỗ xung quanh mình mỗi ngày, chúng ta cũng có thể và sẽ tìm thấy niềm vui đích thực ngày nay bằng cách sống một cuộc sống tập trung vào Đấng Ky Tô.

Việc tập trung cuộc sống của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài sẽ mang lại sự ổn định và hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta như các ví dụ minh họa sau đây.

Anh Cả Taiichi Aoba thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi sống trong một ngôi làng nhỏ miền núi ở Shikoku, Nhật Bản, đã được yêu cầu dạy một lớp học tại một đại hội giới trẻ. “Hãy Đứng Vững tại Những Nơi Thánh Thiện” đã được chọn làm chủ đề của đại hội này. Sau khi suy ngẫm về chủ đề này và điều phải giảng dạy, Anh Cả Aoba quyết định sử dụng nghề nghiệp của mình làm một công cụ giảng dạy. Nghề của ông là làm đồ gốm.

Anh Cả Aoba làm đồ gốm với giới trẻ

Anh Cả Aoba nói rằng lớp học của giới trẻ trở nên rất hào hứng khi họ thấy ông đã có thể biến đổi gần như một cách kỳ diệu hình dạng của cục đất sét trong tay ông thành những cái đĩa, bát, và ly. Sau khi đã thao diễn, ông hỏi có ai trong số họ muốn thử nắn đất sét không. Tất cả họ đều giơ tay lên.

Anh Cả Aoba mời vài thanh thiếu niên bước ra để thử sở thích mới của họ. Sau khi xem ông làm, họ nghĩ rằng điều này là khá đơn giản. Tuy nhiên, không ai trong số họ đã thành công trong nỗ lực để làm ra một cái bát khá giản dị. Họ nói: “Tôi không thể làm việc này được!” “Tại sao việc này lại khó như vậy.” Họ nói những lời này trong khi đất sét bay tứ tung khắp phòng.

Ông hỏi các thanh thiếu niên tại sao họ gặp khó khăn như vậy khi làm đồ gốm. Họ đáp lại bằng nhiều câu trả lời khác nhau: “Tôi không có kinh nghiệm nào cả,” “Tôi chưa bao giờ được huấn luyện để làm việc này,” hay “Tôi không có tài năng nào cả.” Dựa vào kết quả, thì điều họ nói đều là sự thật; tuy nhiên, lý do quan trọng nhất cho thất bại của họ là vì đất sét không được tập trung vào cái bàn xoay. Các thanh thiếu niên đó nghĩ rằng họ đã đặt đất sét ở giữa, nhưng từ góc nhìn chuyên nghiệp, thì đất sét không ở ngay chính giữa. Sau đó, ông nói với họ: “Hãy thử lại việc này một lần nữa nhé.”

Anh Cả Aoba làm ra đồ gốm

Lần này, Anh Cả Aoba đặt đất sét ở ngay chính giữa của bàn xoay và sau đó bắt đầu xoay cái bàn xoay, tạo thành một cái lỗ ở giữa số đất sét. Vài thanh thiếu niên thử lại một lần nữa. Lần này mọi người bắt đầu vỗ tay và họ nói: “Chà, nó không run,” “Tôi có thể làm được việc này,” hay “Tôi đã làm được rồi!” Dĩ nhiên, các hình dạng tuy không hoàn hảo, nhưng kết quả thì hoàn toàn khác so với lần trước. Lý do họ đã thành công là vì đất sét đã hoàn toàn được tập trung vào bàn xoay.

Thế giới mà chúng ta đang sống cũng tương tự như cái bàn xoay của người thợ gốm, và tốc độ của bàn xoay đó đang gia tăng. Giống như đất sét trên bàn xoay của người thợ gốm, chúng ta cũng phải tập trung. Cốt lõi của chúng ta, trọng tâm của cuộc sống chúng ta, phải là Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Việc sống một cuộc sống tập trung vào Đấng Ky Tô có nghĩa là chúng ta học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài và sau đó chúng ta noi theo gương của Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài một cách rất chính xác.

Ê Sai, vị tiên tri thời xưa, đã nói: “Hỡi Đức Giê Hô Va, dầu vậy, bây giờ Ngài là Cha chúng tôi! Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm chúng tôi; chúng tôi thảy là việc của tay Ngài.”1

Nếu cuộc sống của chúng ta được tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài có thể thành công uốn nắn chúng ta thành con người chúng ta cần phải trở thành để trở lại với Ngài và nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng trong thượng thiên giới. Niềm vui chúng ta trải qua trong cuộc sống này sẽ liên quan trực tiếp đến việc cuộc sống của chúng ta được tập trung hữu hiệu như thế nào vào những lời giảng dạy, tấm gương, và sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Thưa các anh chị em, tôi được sinh ra trong một gia đình Thánh Hữu Ngày Sau nhiều đời nên các phước lành và niềm vui của việc có được phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô làm nền tảng của văn hóa gia đình chúng tôi đã được dệt thành cuộc sống hàng ngày. Mãi cho đến khi đi phục vụ truyền giáo toàn thời gian lúc còn là thanh niên thì tôi mới nhận biết được ảnh hưởng vô cùng tích cực mà phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô đã có đối với những người chưa từng bao giờ có được các phước lành của phúc âm trong cuộc sống của họ. Câu này trong sách Ma Thi Ơ phản ảnh tiến trình mà những người được cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã có: “Nước thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó.”2

Tôi xin chia sẻ với các anh chị em một ví dụ từ Sách Mặc Môn mô tả về những gì mà một người cải đạo sẵn lòng trả để nhận được niềm vui gắn liền với việc tìm kiếm của báu mà Chúa Giê Su đã nói tới trong câu chuyện ngụ ngôn về của báu chôn trong đám ruộng.

Hãy nhớ trong sách An Ma, chương 20, Am Môn và La Mô Ni đã đi đến thành phố Mi Đô Ni vì mục đích tìm kiếm và giải thoát anh trai A Rôn của Am Môn ra khỏi nhà tù. Trong cuộc hành trình của mình, họ gặp cha của La Mô Ni, là vua La Man khắp xứ.

Nhà vua rất giận dữ khi thấy con trai của mình là La Mô Ni đi với Am Môn, một người truyền giáo dân Nê Phi, là người mà ông coi như là kẻ thù. Ông cảm thấy rằng con trai mình nên đi tham dự bữa đại yến mà ông đã thết đãi các con trai và dân của ông. Vua La Man rất tức giận đến nỗi ông ra lệnh cho con trai La Mô Ni của ông giết Am Môn với thanh kiếm của mình. Khi La Mô Ni từ chối, nhà vua rút gươm ra để giết con trai của mình vì sự bất tuân của con trai ông; tuy nhiên, Am Môn đã can thiệp để cứu mạng sống của La Mô Ni. Cuối cùng, ông đã áp đảo nhà vua và đã có thể giết nhà vua.

Đây là điều mà nhà vua đã nói với Am Môn khi thấy mình đang ở trong tình huống một mất một còn này: “Nếu ngươi tha cho ta thì ta sẽ ban cho ngươi bất cứ những điều gì ngươi xin, dù cho đó là một nửa vương quốc của ta cũng được.”3

Như vậy, nhà vua đã sẵn lòng trả giá một nửa vương quốc của mình để được tha cho mạng sống. Nhà vua chắc hẳn đã ngạc nhiên lắm khi Am Môn chỉ yêu cầu ông thả anh trai A Rôn và những người bạn của ông ra khỏi nhà tù và con trai của vua là La Mô Ni vẫn giữ lại vương quốc của mình.

Về sau, do cuộc gặp gỡ này, anh trai A Rôn của Am Môn đã được thả ra khỏi nhà tù Mi Đô Ni. Sau khi được thả ra, ông được soi dẫn để đi đến nơi mà vua La Man cai trị. A Rôn được giới thiệu với nhà vua và đã có đặc ân để dạy cho nhà vua các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, kể cả kế hoạch cứu chuộc vĩ đại. Những lời dạy của A Rôn đã soi dẫn nhà vua một cách sâu đậm.

Phản ứng của nhà vua đối với những lời dạy của A Rôn được tìm thấy trong câu 15 sách An Ma, chương 22: “Và chuyện rằng, sau khi A Rôn thuyết giảng xong những điều này cho vua nghe, vua bèn hỏi: Vậy trẫm phải làm gì để trẫm có thể có được cuộc sống vĩnh cửu như khanh vừa nói đó? Phải, trẫm phải làm gì để trẫm có thể được Thượng Đế sinh ra, để cho ác linh này được nhổ ra khỏi lồng ngực trẫm, và để tiếp nhận Thánh Linh của Ngài ngõ hầu được tràn đầy niềm vui sướng và khỏi bị khai trừ vào ngày sau cùng? Vua nói, này, trẫm sẽ từ bỏ tất cả những gì trẫm có, phải, trẫm sẽ từ bỏ vương quốc của mình để trẫm có thể nhận được niềm vui lớn lao này.”

Thật là ngạc nhiên, trái ngược với việc từ bỏ một nửa vương quốc của mình để cứu mạng sống mình, thì bây giờ vua La Man còn sẵn sàng từ bỏ cả vương quốc của mình để ông có thể nhận được niềm vui có được từ việc hiểu biết, chấp nhận, và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Vợ tôi Nancy cũng là một người cải đạo theo Giáo Hội. Bà đã nhiều lần nói với tôi trong những năm qua về niềm vui bà đã cảm thấy trong đời kể từ khi tìm thấy, chấp nhận, và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đây là lời nhận xét của Chị Maynes về kinh nghiệm của mình:

“Là một thiếu nữ mới 20 tuổi, ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống của mình khi tôi biết là mình cần thay đổi một điều gì đó để được là một người hạnh phúc hơn. Tôi cảm thấy như mình sống một cuộc sống không có mục đích và phương hướng thực sự, và tôi không biết phải đi đâu để tìm thấy mục đích và phương hướng đó. Tôi đã luôn luôn biết rằng Cha Thiên Thượng hiện hữu và thỉnh thoảng trong suốt cuộc sống của mình tôi đã dâng lên lời cầu nguyện, cảm thấy rằng Ngài đã lắng nghe.

“Khi bắt đầu tìm kiếm, tôi đã tham dự một vài giáo hội khác nhau nhưng cuối cùng cũng thường trải qua cùng những cảm nghĩ và chán nản như trước. Tôi cảm thấy được phước vì lời cầu nguyện của mình để có được phương hướng và mục đích trong cuộc sống cuối cùng đã được đáp ứng, và phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô đã được mang vào cuộc sống của tôi. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình đã có một mục đích, và kế hoạch hạnh phúc mang lại niềm vui thực sự vào cuộc sống của tôi.”

Một kinh nghiệm khác từ Sách Mặc Môn rõ ràng cho thấy việc sống một cuộc sống tập trung vào Đấng Ky Tô có thể làm cho chúng ta tràn đầy hạnh phúc tuyệt vời ngay cả khi bị bao quanh bởi những khó khăn thử thách.

Sau khi tiên tri Lê Hi và gia đình ông rời Giê Ru Sa Lem vào năm 600 trước Công Nguyên, họ lang thang khoảng tám năm trong vùng hoang dã cho đến khi cuối cùng họ đã đến được một xứ mà họ gọi là Phong Phú, ở gần bờ biển. Nê Phi mô tả cuộc sống khổ cực của họ trong vùng hoang dã như sau: “[Chúng tôi] đã trải qua nhiều khổ cực và gian truân, … nhiều đến đỗi chúng tôi không thể nào viết hết ra đây được.”4

Trong khi sống ở xứ Phong Phú, Nê Phi được Chúa giao cho trách nhiệm đóng một chiếc tàu mà sẽ đưa họ vượt biển đến vùng đất hứa. Sau khi đến vùng đất hứa, các cuộc xung đột lớn vẫn tiếp tục nổi lên giữa những người tập trung cuộc sống của họ vào Đấng Ky Tô và những người không tin đã noi theo gương của La Man và Lê Mu Ên. Cuối cùng, nguy cơ sẽ xảy ra bạo động giữa hai nhóm người này quá lớn đến nỗi Nê Phi và những người tuân theo lời dạy của Chúa đã tự tách ra và trốn vào vùng hoang dã để được an toàn. Vào thời điểm này, khoảng 30 năm sau khi Lê Hi và gia đình ông rời bỏ Giê Ru Sa Lem, Nê Phi đưa ra một lời tuyên bố có dẫn chứng tài liệu và có phần nào gây ngạc nhiên, nhất là sau khi ghi lại trong thánh thư nhiều nỗi hoạn nạn và thống khổ mà họ đã đối phó rất lâu. Đây là lời của ông: “Và chuyện rằng, chúng tôi [đã] được sống trong hạnh phúc.”5 Bất chấp những nỗi gian khổ của mình, họ vẫn có thể sống trong hạnh phúc vì họ đã tập trung vào Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Thưa các anh chị em, giống như đất sét trên bàn xoay của người thợ gốm, cuộc sống của chúng ta phải tập trung vào Đấng Ky Tô một cách chính xác nếu chúng ta muốn tìm kiếm niềm vui đích thực và sự bình an trong cuộc sống này. Các tấm gương của vua La Man; vợ tôi Nancy; và những người dân Nê Phi đều hỗ trợ nguyên tắc chân chính này.

Ngày hôm nay, tôi chia sẻ chứng ngôn của mình rằng chúng ta cũng có thể tìm thấy sự bình an, hạnh phúc, niềm vui đích thực đó nếu chúng ta chọn sống cuộc sống tập trung vào Đấng Ky Tô, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.