Tại Sao Giáo Hội Là Cần Thiết
Thật là đáng bõ công để tạm dừng lại và ngẫm nghĩ xem tại sao Ngài chọn sử dụng một giáo hội, Giáo Hội của Ngài, để thực hiện công việc của Ngài và của Cha Ngài.
Trong suốt đời tôi, đại hội trung ương của Giáo Hội luôn là những buổi họp thuộc linh đầy phấn khởi, và chính Giáo Hội là một nơi để đến và nhận được chứng ngôn về Chúa. Tôi nhận biết rằng có những người tự coi mình là sùng đạo hay thánh thiện vậy mà từ chối tham gia vào một giáo hội hay ngay cả sự cần thiết để có một tổ chức như vậy. Việc thực hành tôn giáo là chỉ cho cá nhân của họ mà thôi. Tuy nhiên, Giáo Hội là sự sáng tạo của Ngài, là Đấng mà nếp sống thuộc linh của chúng ta tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Thật là đáng bõ công để tạm dừng lại và ngẫm nghĩ xem tại sao Ngài chọn sử dụng một giáo hội, Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô để thực hiện công việc của Ngài và của Cha Ngài “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”1
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được thuyết giảng bắt đầu với A Đam, và các giáo lễ cứu rỗi thiết yếu, chẳng hạn như phép báp têm, được thực hiện qua một thánh ban chức tư tế dựa trên gia đình.2 Khi các xã hội phát triển để gồm có nhiều hơn là gia đình thân quyến, thì Thượng Đế cũng kêu gọi các vị tiên tri, các thiên sứ, và các thầy giảng khác. Trong thời Môi Se, chúng ta đọc về một cấu trúc trang trọng hơn bao gồm các anh cả, các thầy tư tế và các phán quan. Trong lịch sử Sách Mặc Môn, An Ma thành lập một giáo hội với các thầy tư tế và thầy giảng.
Sau đó, trong thời trung thế, Chúa Giê Su đã tổ chức công việc của Ngài theo một cách để phúc âm có thể được thiết lập cùng lúc ở nhiều quốc gia và giữa nhiều dân tộc khác nhau. Tổ chức đó, Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được lập trên nền tảng “của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà.”3 Giáo Hội này gồm có thêm các chức sắc như các thầy bảy mươi, các anh cả, các vị giám trợ, các thầy tư tế, thấy giảng và thầy trợ tế. Chúa Giê Su cũng thiết lập Giáo Hội tại Tây Bán Cầu sau khi Ngài phục sinh.
Sau sự bội giáo và sự tan rã của Giáo Hội, Ngài đã thiết lập trong khi ở trên thế gian, Chúa đã tái lập Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô một lần nữa qua Tiên Tri Joseph Smith. Mục đích thời xưa vẫn còn; đó là để thuyết giảng tin lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và thực hiện các giáo lễ của sự cứu rỗi—nói cách khác, để mang mọi người đến với Đấng Ky Tô.4 Và bây giờ, qua Giáo Hội phục hồi này, lời hứa cứu chuộc có thể đạt được cho chính linh hồn những người chết mà trong cuộc đời trên trần thế đã biết rất ít hoặc không biết gì về ân điển của Đấng Cứu Rỗi.
Làm thế nào Giáo Hội của Ngài hoàn thành các mục đích của Chúa? Là điều quan trọng để nhận ra rằng mục đích tối quan trọng của Thượng Đế là sự tiến triển của chúng ta. Ước muốn của Ngài là chúng ta tiếp tục “từ ân điển này đến ân điển khác, cho đến khi [chúng ta] nhận được sự trọn vẹn”5 của tất cả những gì Ngài có thể ban cho. Điều đó đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tử tế hoặc cảm thấy thánh thiện. Điều đó đòi hỏi phải có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm bằng nước và bằng Thánh Linh, và kiên trì đến cùng trong đức tin.6 Một người tự mình không thể hoàn toàn đạt được điều này, vì thế một lý do chủ yếu tại sao có một giáo hội là tạo ra một cộng đồng Các Thánh Hữu mà sẽ hỗ trợ lẫn nhau trên “con đường chật và hẹp ấy, tức là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.”7
“Ấy chính [Đấng Ky Tô] đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư,
… Để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Ky Tô,
Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.”8
Chúa Giê Su Ky Tô là “Đấng tạo nên và hoàn tất đức tin của [chúng ta].”9 Việc kết hợp bản thân chúng ta với thân thể của Đấng Ky Tô—tức là Giáo Hội—là một phần quan trọng của việc mang danh Ngài.10 Chúng ta được cho biết rằng Giáo Hội thời xưa “thường nhóm họp, để nhịn ăn và cầu nguyện, và để nói với nhau về sự an lạc của tâm hồn mình”11 “và nghe lời của Chúa.”12 Điều đó cũng như vậy trong Giáo Hội ngày nay. Khi kết hợp trong đức tin, chúng ta giảng dạy và gây dựng lẫn nhau và cố gắng sống theo các tiêu chuẩn cao nhất của vai trò môn đồ, “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.” Chúng ta nỗ lực giúp đỡ nhau để đạt được sự hiểu biết về Vị Nam Tử của Thượng Đế,”13 cho đến cái ngày khi “chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình, … mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê Hô Va! Vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Giê Hô Va phán.”14
Trong Giáo Hội, chúng ta không những học hỏi giáo lý thiêng liêng của Thượng Đế; mà còn trải qua sự áp dụng của giáo lý đó. Là thân thể của Đấng Ky Tô, các tín hữu của Giáo Hội phục sự lẫn nhau trong thực tế của cuộc sống hàng ngày. Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo; chúng ta có thể xúc phạm và bị xúc phạm. Chúng ta thường thử nhau với đức tính của mình. Trong thân thể của Đấng Ky Tô, chúng ta phải đi xa hơn những khái niệm và những lời cao quý và có được một kinh nghiệm trực tiếp khi chúng ta học cách “sống với nhau trong tình thương.”15
Tôn giáo này không phải chỉ để quan tâm đến mình mà thay vì thế chúng ta đều được kêu gọi để phục vụ. Chúng ta là mắt, tay, đầu, chân, và các bộ phận khác của thân thể của Đấng Ky Tô, và còn là “các chi thể … xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng.”16 Chúng ta cần những chức vụ kêu gọi này, và chúng ta cần phải phục vụ.
Một trong những người đàn ông trong tiểu giáo khu của tôi lớn lên không những không được cha mẹ hỗ trợ mà còn bị cha mẹ phản đối sinh hoạt của anh ấy trong Giáo Hội. Anh ấy đã nói về điều này trong một buổi họp Tiệc Thánh: “Cha tôi không thể hiểu tại sao mọi người đi nhà thờ trong khi họ có thể đi trượt tuyết, nhưng tôi thực sự thích đi nhà thờ. Trong Giáo Hội, chúng ta đều cùng ở trên một cuộc hành trình giống nhau, và tôi được giới trẻ vững mạnh, trẻ em thanh khiết soi dẫn trong cuộc hành trình đó, cũng như điều tôi thấy và học được từ những người lớn khác. Tôi được củng cố nhờ mối kết giao đó và phấn khởi với niềm vui được sống theo phúc âm.”
Các tiểu giáo khu và chi nhánh của Giáo Hội cung cấp một buổi nhóm họp hàng tuần để nghỉ ngơi và đổi mới, một thời gian và địa điểm để bỏ lại những mối bận tâm và sinh hoạt của thế gian—đó là ngày Sa Bát. Đó là một ngày để “lấy Đức Giê Hô Va làm vui thích,”17 để cảm nhận được sự chữa lành thuộc linh đến với lễ Tiệc Thánh, và để nhận được lời hứa được tái lập của Thánh Linh của Ngài là ở cùng với chúng ta.18
Một trong các phước lành lớn nhất là thuộc vào một phần thân thể của Đấng Ky Tô, mặc dù có thể không có vẻ như là một phước lành trong lúc này, khi đang bị quở trách về tội lỗi và sai lầm. Chúng ta có khuynh hướng bào chữa và hợp lý hóa lỗi lầm của mình, và đôi khi thường là chúng ta không biết được mình cần phải cải thiện về mặt nào hoặc làm điều đó như thế nào. Nếu không có những người có thể khiển trách chúng ta “kịp thời một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động,”19 thì chúng ta có thể thiếu can đảm để thay đổi và noi theo Đức Thầy một cách hoàn hảo hơn. Sự hối cải là thuộc vào cá nhân, nhưng trên con đường đôi khi là đau đớn đó, tình bạn hữu nằm ở trong Giáo Hội.20
Trong việc thảo luận này về Giáo Hội là thân thể của Đấng Ky Tô, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ hai điều. Thứ nhất, chúng ta không cố gắng để cải đạo theo Giáo Hội mà là theo Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài, là một sự cải đạo được Giáo Hội hỗ trợ.21 Sách Mặc Môn cố gắng hết sức để bày tỏ điều đó khi sách viết rằng dân chúng “được cải đạo theo Chúa, và được thu nhận vào giáo hội của Đấng Ky Tô.”22 Thứ hai, chúng ta phải nhớ rằng lúc đầu, Giáo Hội là gia đình, và ngay cả ngày nay cũng là các tổ chức riêng biệt, gia đình và Giáo Hội phục vụ cùng củng cố lẫn nhau. Không tổ chức nào thay thế cho tổ chức kia, và chắc chắn là Giáo Hội, ngay cả trong điều kiện tốt nhất, cũng không thể thay thế cho cha mẹ. Mục đích của việc giảng dạy phúc âm và các giáo lễ chức tư tế được Giáo Hội thực hiện là để gia đình có thể hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu.
Một lý do quan trọng thứ hai mà Đấng Cứu Rỗi làm việc qua một giáo hội, Giáo Hội của Ngài, là để đạt được những điều cần thiết mà không thể được hoàn tất bởi các cá nhân hoặc các nhóm nhỏ hơn. Một ví dụ rõ ràng là đối phó với cảnh nghèo khó. Đúng là với tư cách là cá nhân và gia đình, chúng ta chăm lo các nhu cầu vật chất của người khác “san sẻ cho nhau về vật chất lẫn tinh thần, tùy theo sự cần thiết và nhu cầu của họ.”23 Nhưng cùng với nhau trong Giáo Hội, khả năng chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu gia tăng để đáp ứng nhu cầu lớn hơn và hy vọng rằng rất nhiều người sẽ sẵn sàng tự lực cánh sinh.24 Ngoài ra, Giáo Hội, Hội Phụ Nữ của Giáo Hội, và các nhóm túc số chức tư tế có khả năng cứu trợ nhiều người ở nhiều nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, chiến tranh, và sự ngược đãi.
Nếu không có sẵn khả năng của Giáo Hội của Ngài, lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi để mang phúc âm đến tất cả thế gian có thể không được thực hiện.25 Sẽ không có các chìa khóa của các Sứ Đồ, cấu trúc, các phương tiện tài chính, và sự dâng hiến và hy sinh của hàng ngàn người truyền giáo cần đến để gánh vác công việc này. Hãy nhớ rằng: “Phúc Âm này về Vương Quốc [cần phải] được rao giảng ra khắp thế gian, để làm chứng cho muôn dân, và lúc bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.”26
Giáo Hội có thể xây cất và điều hành các đền thờ, nhà của Chúa, nơi mà các giáo lễ thiết yếu và các giao ước có thể được thực hiện. Joseph Smith nói rằng mục tiêu của Thượng Đế trong việc quy tụ dân của Ngài trong mọi thời đại là “xây cất một ngôi nhà cho Chúa mà nhờ đó Ngài [có thể] mặc khải cho dân Ngài các giáo lễ của ngôi nhà Ngài và những vinh quang của vương quốc Ngài, và dạy mọi người con đường của sự cứu rỗi; vì có một số giáo lễ và nguyên tắc mà khi được giảng dạy và thực hành, cần phải được thực hiện trong một nơi hoặc một ngôi nhà được xây cất vì mục đích đó.”27
Nếu một người tin rằng tất cả mọi con đường đều dẫn đến thiên thượng hoặc không có những điều kiện cụ thể về sự cứu rỗi, thì người ấy sẽ thấy không cần thiết để rao giảng phúc âm hoặc các giáo lễ và các giao ước trong việc cứu chuộc người sống hoặc người chết. Nhưng chúng ta không chỉ nói về sự bất diệt không thôi mà còn về cuộc sống vĩnh cửu, và về con đường phúc âm và các giao ước phúc âm là thiết yếu. Và Đấng Cứu Rỗi cần một giáo hội để làm cho các điều này có sẵn cho tất cả con cái của Thượng Đế—cả người sống lẫn người chết.
Tôi sẽ đề cập đến lý do cuối cùng của việc Chúa thiết lập Giáo Hội của Ngài là độc đáo nhất—xét cho cùng Giáo Hội là vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.
Khi Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã được thành lập vào thập niên 1830, Chúa đã phán với Tiên Tri Joseph Smith: “Hãy nức lòng và hoan hỷ, vì vương quốc, hay nói cách khác, những chìa khóa của giáo hội đã được ban cho các ngươi.”28 Trong thẩm quyền của các chìa khóa này, các chức sắc chức tư tế của Giáo Hội bảo tồn sự trong sáng của giáo lý của Đấng Cứu Rỗi và sự toàn vẹn của các giáo lễ cứu rỗi của Ngài.29 Họ giúp chuẩn bị cho những người muốn tiếp nhận các giáo lễ đó, xét đoán khả năng và sự xứng đáng của những người thỉnh cầu, và sau đó thực hiện các giáo lễ đó.
Với các chìa khóa của vương quốc, các tôi tớ của Chúa có thể nhận ra cả lẽ thật lẫn sự dối trá, và một lần nữa nói với thẩm quyền rằng: “Chúa có phán như vầy.” Đáng tiếc thay, một số người bực bội với Giáo Hội vì họ muốn xác định lẽ thật của họ, nhưng trong thực tế đó thật là một phước lành vượt trội để nhận được một “sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái [thực sự] của chúng đang có, đã có, và sẽ có”30 đến mức giống như ý muốn của Chúa để mặc khải lẽ thật đó. Giáo Hội bảo vệ và xuất bản những điều mặc khải của Thượng Đế—thánh thư được chính thức công nhận.
Khi Đa Ni Ên giải thích giấc mơ của Vua Nê Bu Cát Nết Sa ở Ba Bi Lôn, để cho nhà vua biết “những ngày sau rốt,”31 thì ông tuyên bố rằng “Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời.”32 Là vương quốc đã được tiên tri trong ngày sau, Giáo Hội không phải do con người tạo ra, mà do Thượng Đế của thiên thượng thiết lập và lăn đi trên khắp thế gian như một hòn đá “đục ra từ núi, chứ chẳng phải bởi tay con người mà ra.33
Số mệnh của Giáo Hội là thiết lập Si Ôn để chuẩn bị cho sự trở lại và trị vì ngàn năm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trước ngày đó, Giáo Hội sẽ không phải là một vương quốc theo như bất cứ ý nghĩa chính trị nào—như Đấng Cứu Rỗi phán: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy.”34 Thay vì thế, đó là nguồn thẩm quyền của Ngài trên thế gian, người thực hiện các giao ước thánh của Ngài, người trông nom các đền thờ của Ngài, người bảo vệ và rao giảng lẽ thật của Ngài, nơi quy tụ của dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán, và là một chỗ “phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian.”35
Tôi kết thúc với lời khẩn nài và cầu nguyện của Vị Tiên Tri:
“Hãy cầu khẩn Chúa, để cho vương quốc của Ngài có thể bành trướng trên thế gian, hầu cho dân cư trên trái đất có thể nhận được nó, và hãy chuẩn bị cho ngày sắp tới, là ngày mà Con của Người sẽ từ trên trời xuống, khoác trên mình vẻ sáng chói của vinh quang của Ngài, để gặp gỡ vương quốc của Thượng Đế được thiết lập trên thế gian.
“Vậy nên, cầu mong sao cho vương quốc của Thượng Đế bành trướng để cho vương quốc thiên thượng có thể đến, để Cha, hỡi Thượng Đế, được vinh hiển cả trên trời lẫn dưới đất, để cho những kẻ thù của Cha có thể bị khuất phục; vì vinh hiển, quyền năng và vinh quang là của Cha mãi mãi và đời đời.”36
Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.