2010–2019
Một Thế Hệ Có Thể Chống Lại Tội Lỗi
Tháng Tư năm 2017


11:23

Một Thế Hệ Có Thể Chống Lại Tội Lỗi

Khi dạy dỗ, hướng dẫn, và yêu thương con cái, các anh chị em có thể nhận được sự mặc khải cá nhân mà sẽ giúp các anh chị em trong việc tạo ra và trang bị cho những đứa trẻ dũng cảm, có thể chống lại tội lỗi.

Cách đây một năm rưỡi, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói về sự cần thiết phải “dạy dỗ và giúp nuôi nấng một thế hệ có thể chống lại tội lỗi.”1 Cụm từ “một thế hệ có thể chống lại tội lỗi” đó đã có một ý nghĩa thuộc linh sâu sắc đối với tôi.

Chúng ta tôn trọng những trẻ em cố gắng sống cuộc sống thanh khiết và vâng lời. Tôi đã chứng kiến ​​sức mạnh của nhiều trẻ em trên khắp thế giới. Các em kiên cường đứng “vững vàng và kiên quyết”2 trong nhiều hoàn cảnh đầy thử thách và những môi trường khác nhau. Những em này hiểu rõ nguồn gốc thiêng liêng của mình, cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho mình và tìm cách tuân theo ý muốn của Ngài.

Tuy nhiên, có những trẻ em đang đấu tranh để đứng “vững vàng và kiên quyết” và tâm trí mềm yếu của các em đang bị tổn thương.3 Các em đang bị “những tên lửa của kẻ thù nghịch”4 tấn công ở mọi phía và cần được củng cố và hỗ trợ. Các em chính là một động lực vô cùng mạnh mẽ cho chúng ta để tham gia và chiến đấu chống lại tội lỗi trong nỗ lực của chúng ta để mang con cái mình đến với Đấng Ky Tô.

Hãy lắng nghe những lời của Anh Cả Bruce R. McConkie cách đây gần 43 năm:

“Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta đang tham gia vào một cuộc xung đột mãnh liệt. Chúng ta đang lâm chiến. Chúng ta gia nhập vào chính nghĩa của Đấng Ky Tô để đánh chống lại Lu Xi Phe. …

“Cuộc đại chiến bùng nổ từ mọi phía và rủi thay dẫn tới nhiều thương vong, một số tử vong, không phải là điều mới mẻ gì cả. …

“Giờ đây, không có hoặc không thể có bất cứ người nào đứng trung lập trong cuộc chiến này cả.”5

Ngày nay cuộc chiến tiếp diễn với cường độ ngày càng gia tăng. Cuộc chiến này ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, và các trẻ em của chúng ta đang ở trên chiến tuyến trực diện với lực lượng đối lập. Vì vậy, chúng ta cần phải gia tăng sức mạnh để củng cố chiến lược thuộc linh của mình.

Củng cố các trẻ em để trở thành những người có thể chống lại tội lỗi là một nhiệm vụ và một phước lành dành cho cha mẹ, ông bà, những người trong gia đình, giảng viên và các vị lãnh đạo. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm để giúp đỡ. Tuy nhiên, Chúa đã đặc biệt chỉ dẫn cho các bậc cha mẹ phải dạy cho con cái họ hiểu “giáo lý về sự hối cải, đức tin nơi Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh” và “bước đi ngay thẳng trước mặt Chúa.”6

Làm thế nào để “nuôi nấng con cái [mình] trong sự sáng và lẽ thật”7 có thể là một câu hỏi đầy thử thách vì điều đó tùy thuộc vào mỗi gia đình và mỗi đứa trẻ, nhưng Cha Thiên Thượng đã đưa ra những hướng dẫn chung mà sẽ giúp đỡ chúng ta. Thánh Linh sẽ soi dẫn chúng ta trong những cách hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể bảo vệ phần thuộc linh cho con cái chúng ta.

Để bắt đầu, việc có được một sự hiểu biết về tầm quan trọng của trách nhiệm này là rất cần thiết. Chúng ta cần phải hiểu nguồn gốc và mục đích của mình—và của con cái mình trước khi chúng ta có thể giúp chúng thấy được chúng là aitại sao chúng lại ở đây. Chúng ta phải giúp chúng biết rõ rằng chúng là các con trai và con gái của Cha Thiên Thượng nhân từ và Ngài có những kỳ vọng thiêng liêng nơi chúng.

Thứ hai, việc hiểu được giáo lý về sự hối cải là cần thiết để trở nên có khả năng chống lại tội lỗi. Chống lại tội lỗi không có nghĩa là vô tội, nhưng ám chỉ việc liên tục hối cải, cảnh giác và dũng cảm. Có lẽ là khả năng chống lại tội lỗi đến như là một phước lành từ việc liên tục chống lại tội lỗi. Như Gia Cơ đã nói: “Hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em.”8

Các chiến sĩ trẻ tuổi “vô cùng dũng cảm về lòng can đảm … ; nhưng này, như vậy chưa phải là hết—họ …; luôn luôn trung thành trong mọi công việc họ được giao phó. Phải, … họ đã được dạy dỗ tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế và bước đi ngay thẳng trước mặt Ngài.”9 Những người trẻ tuổi này đi đánh trận mang theo các đức tính giống như Đấng Ky Tô làm vũ khí chống lại kẻ nghịch thù của họ. Chủ Tịch Thomas S. Monson nhắc nhở chúng ta rằng: “Mỗi chúng ta phải luôn luôn can đảm. Chúng ta cần phải can đảm mỗi ngày trong cuộc sống—không phải chỉ trong những sự kiện quan trọng, mà còn thường xuyên hơn khi chúng ta đưa ra những quyết định hoặc đáp ứng với hoàn cảnh xung quanh.”10

Các trẻ em của chúng ta mặc vào áo giáp thuộc linh khi chúng thiết lập các mẫu mực về vai trò môn đồ hàng ngày. Có lẽ chúng ta đã đánh giá thấp khả năng của con trẻ trong việc thấu hiểu khái niệm về vai trò môn đồ hàng ngày. Chủ tịch Henry B. Eyring đã khuyên chúng ta nên “bắt đầu sớm và kiên định.”11 Vì vậy, chìa khóa thứ ba để giúp con cái trở nên có khả năng chống lại tội lỗi là bắt đầu sớm từ lúc tuổi còn rất nhỏ giảng dạy cho chúng một cách nhân từ các giáo lý và nguyên tắc phúc âm cơ bản—từ thánh thư, Những Tín Điều, quyển sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, các bài hát Thiếu Nhi, các bài thánh ca và chứng ngôn cá nhân của chúng ta—mà sẽ dẫn dắt con cái đến với Đấng Cứu Rỗi.

Việc tạo ra những thói quen đều đặn để cầu nguyện, học thánh thư, tổ chức buổi họp tối gia đình và thờ phượng trong ngày Sa Bát dẫn đến sự trọn vẹn, nhất quán trong nội tâm và những giá trị đạo đức mạnh mẽ—nói cách khác, đó là sức mạnh của phần thuộc linh. Trong thế giới ngày nay, nơi mà tính liêm khiết hầu như đã biến mất, con cái chúng ta xứng đáng để hiểu được tính liêm khiết thật sự là gì và tại sao nó lại quan trọng—nhất là khi chúng ta chuẩn bị cho chúng lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng tại lễ báp têm và trong đền thờ. Như sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta đã dạy: “Việc tuân giữ cam kết chuẩn bị cho mọi người [kể cả những người rất trẻ] lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng.”12

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy: “Khi nói về việc tuân giữ giao ước, chúng ta nói về mục đích thiết yếu của chúng ta trên trần thế.”13 Có một quyền năng khác thường trong việc lập và tuân giữ các giao ước với Cha Thiên Thượng. Kẻ nghịch thù biết điều này, vậy nên nó làm hoang mang quan niệm về việc lập giao ước.14 Việc giúp con cái hiểu, lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng là một bí quyết khác trong việc tạo ra một thế hệ có thể chống lại tội lỗi.

Làm thế nào chúng ta chuẩn bị cho con cái mình lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng khi chúng bước vào và tiến triển dọc trên con đường giao ước? Dạy dỗ con cái tuân giữ những lời hứa đơn giản khi chúng còn nhỏ sẽ làm cho chúng có khả năng tuân giữ các giao ước thiêng liêng khi chúng lớn lên.

Tôi xin chia sẻ một ví dụ đơn giản: Trong một buổi họp tối gia đình, một người cha hỏi: “Chúng ta hòa thuận với nhau như thế nào trong gia đình?” Lizzie, năm tuổi, than phiền rằng anh trai lớn của nó, Kevin, đang trêu chọc nó quá nhiều và làm cho nó tự ái. Kevin miễn cưỡng thừa nhận rằng Lizzie đã nói đúng. Mẹ của Kevin hỏi nó có thể làm gì để hòa thuận hơn với em gái mình. Kevin suy nghĩ và quyết định rằng nó sẽ hứa với Lizzie là nó không trêu chọc em gái mình trong nguyên một ngày.

Vào cuối ngày hôm sau khi cả nhà quy tụ lại để cầu nguyện chung gia đình, cha của Kevin đã hỏi Kevin là nó đã làm việc đó ra sao. Kevin đáp: “Thưa cha, con đã giữ lời hứa của con!” Lizzie vui vẻ đồng ý và gia đình đã khen ngợi Kevin.

Sau đó, mẹ của Kevin đề nghị rằng nếu nó có thể giữ lời hứa của nó cho một ngày, tại sao nó không thể làm điều đó cho hai ngày được? Kevin đã đồng ý cố gắng lại lần nữa. Hai ngày trôi qua, Kevin đã giữ được lời hứa của nó, và Lizzie còn biết ơn thêm nữa! Khi cha nó hỏi tại sao nó đã giữ đúng lời hứa như vậy thì Kevin nói: “Con đã giữ lời hứa của con vì con đã nói là con sẽ làm.”

Một loạt các lời hứa giản dị, khi được giữ đúng, đều dẫn đến tính liêm khiết. Việc kiên định giữ lời hứa là sự chuẩn bị về phần thuộc linh cho con cái để nhận được giao ước đầu tiên của chúng về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh, trong đó chúng giao ước sẽ phục vụ Thượng Đế và tuân giữ các giáo lệnh.15 Các lời hứa và giao ước không thể tách rời nhau được.

Trong sách Đa Ni Ên, chúng ta học về việc Sa Đơ Rắc, Mê Sác và A Bết Nê Gô đã từ chối thờ phượng thần tượng của Vua Nê Bu Cát Nết Sa.16  Nhà vua cảnh cáo họ rằng họ sẽ bị ném vào lò lửa hực nếu họ không tuân theo. Họ từ chối và nói:

“Nầy, hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực …

“Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua.”17

“Dầu chẳng vậy.” Hãy xem xét ý nghĩa của ba từ này và chúng liên quan như thế nào đến việc giữ các giao ước. Ba thanh niên này không dựa vào sự vâng phục của họ để được giải cứu. Dù có không được giải cứu, họ cũng vẫn giữ lời hứa của họ với Chúa vì họ nói là họ sẽ làm như vậy. Việc giữ các giao ước của chúng ta luôn luôn độc lập với hoàn cảnh của chúng ta. Ba thanh niên này, cũng giống như các chiến sĩ trẻ tuổi, là những tấm gương sáng cho con cái chúng ta về việc chống lại tội lỗi.

Những tấm gương này áp dụng như thế nào trong nhà và trong gia đình chúng ta? “Từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một,”18 chúng ta giúp con cái đạt được thành công từng chút một. Khi giữ những lời hứa của mình, chúng sẽ cảm thấy Thánh Linh trong cuộc sống của chúng. Anh Cả Joseph B. Wirthlin đã dạy rằng: “Phần thưởng cao nhất của tính liêm khiết là sự đồng hành thường xuyên của Đức Thánh Linh.”19 Sau đó, “niềm tin của [con cái chúng ta] sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế.”20 Từ nguồn của sự liêm khiết sẽ nảy sinh một thế hệ vững mạnh có thể chống lại tội lỗi.

Thưa các anh chị em, hãy giữ những đứa con nhỏ của các anh chị em ở gần bên cạnh—gần đến nỗi chúng thấy được hành vi tôn giáo hàng ngày của các anh chị em và xem các anh chị em giữ lời hứa và giao ước của mình. “Trẻ em bắt chước rất hay, vì vậy hãy cho chúng một cái gì đó tuyệt vời để bắt chước.”21 Chúng ta quả thật đang giúp dạy dỗ và nuôi lớn một thế hệ có thể chống lại tội lỗi cho Chúa hứa bằng từng lời hứa một và bằng từng giao ước một.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô hướng dẫn Giáo Hội này. Khi dạy dỗ, hướng dẫn, và yêu thương con cái theo cách của Đấng Cứu Rỗi, các anh chị em có thể nhận được sự mặc khải cá nhân mà sẽ giúp các anh chị em trong việc tạo ra và trang bị cho những đứa trẻ dũng cảm, có thể chống lại tội lỗi. Tôi cầu nguyện rằng con cái chúng ta sẽ lặp lại những lời của Nê Phi: “Ngài sẽ làm cho con biết run sợ trước sự xuất hiện của tội lỗi chăng?”22 Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã chuộc lấy tội lỗi của thế gian23—vì Ngài đã phán rằng Ngài sẽ làm như vậy, và rằng Ngài yêu thương chúng ta nhiều hơn chúng ta, chỉ là những con người trần thế, có thể hiểu thấu được24—vì Ngài đã nói Ngài sẽ làm như vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.