2010–2019
Đấng Lớn Hơn Hết trong Các Ngươi
Tháng Tư năm 2017


20:5

Đấng Lớn Hơn Hết trong Các Ngươi

Thượng Đế ban phần thưởng lớn nhất của Ngài cho những ai phục vụ mà không cầu báo đáp.

Các anh em yêu quý, các bạn thân mến của tôi, tôi biết ơn biết bao được ở cùng với các anh em trong buổi họp chức tư tế toàn cầu đầy soi dẫn này. Thưa Chủ Tịch Monson, xin cảm ơn về sứ điệp và phước lành của chủ tịch. Chúng tôi sẽ luôn ghi sâu trong lòng những lời chỉ dẫn, lời khuyên bảo, và sự thông sáng của chủ tịch. Chúng tôi yêu mến và tán trợ chủ tịch, và chúng tôi luôn cầu nguyện cho chủ tịch. Chủ tịch quả thật là vị tiên tri của Chúa. Chủ Tịch là Chủ Tịch của chúng tôi. Chúng tôi tán trợ và yêu mến Chủ Tịch.

Cách đây gần hai thập niên, Đền Thờ Madrid Spain đã được làm lễ cung hiến và bắt đầu phục vụ với tính cách là ngôi nhà thiêng liêng của Chúa. Harriet và tôi còn nhớ rất rõ sự kiện này bởi vì lúc đó tôi đang phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Châu Âu. Cùng với nhiều người khác, chúng tôi đã dành vô số thời giờ thu xếp các công việc tỉ mỉ hoạch định và tổ chức các sự kiện dẫn đến buổi lễ cung hiến.

Gần đến ngày làm lễ cung hiến, tôi nhận thấy rằng mình chưa nhận được giấy mời tham dự. Điều này hơi bất ngờ một chút. Bởi vì trách nhiệm của tôi với tư cách là Chủ Tịch Giáo Vùng, tôi đã tham gia rất nhiều trong dự án đền thờ này và cảm thấy mình cũng có trách nhiệm phần nào đối với đền thờ này.

Tôi hỏi Harriet xem bà có thấy giấy mời không. Bà cũng không thấy.

Nhiều ngày trôi qua và tôi càng thấy nóng lòng hơn. Tôi tự hỏi không biết giấy mời của chúng tôi có bị thất lạc hay không—có lẽ nó bị vùi lấp giữa những tấm đệm ghế sofa. Có lẽ nó bị lẫn lộn với đống thư từ lặt vặt không quan trọng và bị vứt đi rồi. Nhà hàng xóm có con mèo nghịch ngợm, và tôi thậm chí còn bắt đầu nghi ngờ nó.

Cuối cùng tôi bắt buộc phải chấp nhận sự thật là: tôi không được mời tham dự lễ cung hiến.

Nhưng làm sao điều đó có thể xảy ra chứ? Tôi có làm gì phật lòng ai đâu? Hay có ai đó cho rằng đền thờ đó quá xa đối với chúng tôi? Những người phụ trách đã quên mất tôi rồi sao?

Cuối cùng, tôi nhận thấy rằng nếu cứ tiếp tục lối suy nghĩ như vậy thì tôi sẽ nảy sinh một thái độ mà tôi không muốn có.

Harriet và tôi tự nhắc nhở mình rằng lễ cung hiến đền thờ không phải là về chúng tôi. Buổi lễ này không phải là về ai đáng được mời hoặc không được mời. Và buổi lễ này không phải là về cảm nghĩ của chúng ta hay ý nghĩ rằng chúng ta có quyền tham dự buổi lễ cung hiến.

Buổi lễ này là về việc cung hiến một cấu trúc thiêng liêng, một ngôi đền thờ của Thượng Đế Tối Cao. Đó là một ngày đầy hân hoan đối với các tín hữu Giáo Hội ở Tây Ban Nha.

Nếu tôi được mời, tôi sẽ rất vui mừng được tham dự. Nhưng nếu tôi không được mời, thì niềm vui của tôi cũng không hề ít hơn. Harriet và tôi cũng sẽ hân hoan cùng với các bạn, các anh chị em tín hữu yêu quý của chúng tôi, từ xa. Chúng tôi sẽ ngợi khen Thượng Đế về phước lành tuyệt vời này với lòng đầy phấn khởi từ nhà của chúng tôi ở Frankfurt cũng giống như những gì chúng tôi sẽ cảm thấy nếu chúng tôi ở Madrid vậy.

Các Con Trai của Sấm Sét

Trong số Mười Hai Vị Sứ Đồ mà Chúa Giê Su kêu gọi và sắc phong, có hai anh em Gia Cơ và Giăng. Các anh em có nhớ danh hiệu mà Ngài ban cho họ không?

Các Con Trai của Sấm Sét (Bô A Nẹt).1

Một người sẽ không được ban cho danh hiệu như thế mà không có một lý do đặc biệt. Tiếc thay, thánh thư không giải thích nhiều về nguồn gốc của danh hiệu đó. Tuy nhiên, thánh thư có cung cấp một ít thông tin về cá tính của Gia Cơ và Giăng. Đây cũng là các anh em mà đã muốn để cho lửa từ trên trời giáng xuống một ngôi làng ở Sa Ma Ri bởi vì họ không được mời vào làng.2

Gia Cơ và Giăng là những người đánh cá—họ có lẽ không được lịch sự lắm—nhưng tôi đoán rằng họ biết rất rõ mọi điều về thiên nhiên. Chắc hẳn họ là những người đàn ông thích hành động.

Vào một dịp nọ, khi Đấng Cứu Rỗi chuẩn bị cho cuộc hành trình cuối cùng của Ngài đến Giê Ru Sa Lem, Gia Cơ và Giăng tìm đến Ngài với một yêu cầu đặc biệt—một yêu cầu mà có lẽ phù hợp với danh hiệu của họ.

Họ nói: “Chúng tôi muốn thầy làm thành điều chúng tôi sẽ xin.”

Tôi có thể tưởng tượng Chúa Giê Su mỉm cười với họ khi Ngài đáp: “Các ngươi muốn ta làm chi cho?”

“Khi thầy được vinh hiển, xin cho chúng tôi một đứa ngồi bên hữu, một đứa bên tả.”

Đấng Cứu Rỗi giờ đây đã mời họ suy nghĩ kỹ hơn về điều họ đang cầu xin và Ngài phán: “Nhưng chí như ngồi bên hữu và bên tả ta thì không phải tự ta cho được; ấy là thuộc về người nào mà điều đó đã dành cho.”3

Nói một cách khác, một người không thể đạt được danh dự trong vương quốc thượng thiên bằng cách vận động để đạt được danh dự đó. Hoặc một người không thể “hối lộ” để đạt được vinh quang vĩnh cửu.

Khi mười Vị Sứ Đồ kia nghe về yêu cầu này từ Các Con Trai của Sấm Sét, họ không vui lòng cho lắm. Chúa Giê Su biết thời gian của Ngài trên trần thế là có hạn, và việc chứng kiến cảnh tranh chấp giữa những người sẽ gánh vác công việc của Ngài chắc hẳn đã làm Ngài không yên tâm.

Ngài phán với Mười Hai Vị Sứ Đồ về bản chất của quyền năng và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến người tìm kiếm và nắm giữ quyền năng. Ngài phán: “Các ngươi biết những người được tôn làm đầu cai trị các dân ngoại, thì bắt dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế trị dân.”

Tôi gần như có thể thấy Đấng Cứu Rỗi, với tình yêu thương vô hạn, nhìn vào gương mặt của các môn đồ trung tín và đầy tin tưởng. Tôi gần như có thể nghe được giọng nói đầy van nài của Ngài: “Song trong các ngươi không như vậy; trái lại hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ; còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người.”4

Trong vương quốc của Thượng Đế, sự cao trọng và lãnh đạo có nghĩa là hiểu được bản chất thực sự của những người khác—như Thượng Đế hiểu họ—rồi sau đó dang tay giúp đỡ và phục sự họ. Điều đó có nghĩa là vui mừng với những người vui mừng, và khóc than với những người buồn đau, nâng đỡ những người đau khổ, và yêu thương người lân cận như Đấng Ky Tô yêu thương chúng ta. Đấng Cứu Rỗi yêu thương tất cả con cái của Thượng Đế bất chấp hoàn cảnh kinh tế, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm chính trị, quốc tịch, hay thuộc bất cứ tổ chức nào. Và chúng ta cũng nên làm như thế!

Thượng Đế ban phần thưởng lớn nhất của Ngài cho những người phục vụ mà không cầu báo đáp. Ngài ban phần thưởng cho những người phục vụ mà không mong được khen ngợi; những người âm thầm tìm cách phục vụ người khác; những người phục sự người khác chỉ vì họ yêu mến Thượng Đế và con cái của Ngài.5

Đừng Hợm Mình

Không lâu sau khi được kêu gọi với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, tôi đã có được đặc ân đi cùng với Chủ Tịch James E. Faust để tái tổ chức một giáo khu. Khi tôi lái xe đến địa điểm chỉ định của chúng tôi ở Miền Nam Utah tuyệt đẹp, Chủ Tịch Faust đã rất tử tế dành thời gian dạy dỗ và giảng dạy tôi. Một bài học mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Ông nói: “Các tín hữu Giáo Hội đều rất tử tế đối với Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Họ sẽ đối xử với anh rất tốt và nói những lời lẽ tốt đẹp về anh.” Rồi ông ngừng lại một chút và nói: “Dieter à, hãy luôn luôn biết ơn về điều này, nhưng hãy đừng bao giờ hợm mình.”

Bài học quan trọng này về sự phục vụ trong Giáo Hội áp dụng cho tất cả mọi người nắm giữ chức tư tế trong mọi nhóm túc số của Giáo Hội. Bài học này áp dụng cho tất cả chúng ta trong Giáo Hội này.

Khi Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr. khuyên bảo những người được kêu gọi vào các chức vụ có thẩm quyền trong Giáo Hội, ông bảo họ đừng quên nguyên tắc số sáu.

Chắn chắn người đó sẽ hỏi: “Nguyên tắc số sáu là gì?”

Ông sẽ nói: “Đừng quá lo về điều người khác sẽ nghĩ về mình.”

Dĩ nhiên, điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo: “Còn năm nguyên tắc khác là gì?”

Với một vẻ mặt khôi hài, Chủ Tịch Clark nói, “Không có nguyên tắc nào khác.”6

Để trở thành những người lãnh đạo hữu hiệu trong Giáo Hội, chúng ta cần phải học bài học vô cùng quan trọng này: công việc lãnh đạo trong Giáo Hội không phải là để hướng dẫn những người khác mà là để cho Thượng Đế dẫn dắt.

Các Chức Vụ Kêu Gọi là Các Cơ Hội để Phục Vụ

Là Các Thánh Hữu của Thượng Đế Tối Cao, chúng ta “trong mọi điều phải nhớ tới những kẻ nghèo khó và những kẻ túng thiếu, những người bệnh tật và những người đau buồn, vì kẻ nào không làm những điều này thì không phải là môn đồ của ta.”7 Các cơ hội để đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước để phục vụ người khác là vô hạn. Chúng ta có thể tìm thấy các cơ hội phục vụ trong các cộng đồng nơi mình sống, trong các tiểu giáo khu và chi nhánh của mình, và dĩ nhiên là trong gia đình mình.

Ngoài ra, mọi tín hữu Giáo Hội đều được ban cho các cơ hội chính thức cụ thể để phục vụ. Chúng ta gọi các cơ hội này là “các chức vụ kêu gọi”—một từ mà cần nhắc nhở chúng ta ai là Đấng kêu gọi chúng ta phục vụ. Nếu chúng ta coi các chức vụ kêu gọi của mình là cơ hội phục vụ Thượng Đế và phục sự người khác với đức tin và lòng khiêm nhường, thì mọi hành động phục vụ sẽ là một bước trong con đường trở thành môn đồ. Theo cách này, Thượng Đế không chỉ xây đắp Giáo Hội của Ngài mà Ngài còn xây đắp các tôi tớ của Ngài. Giáo Hội được thiết kế nhằm giúp chúng ta trở thành các môn đồ chân thật và trung tín của Đấng Ky Tô, các con trai và con gái ngoan ngoãn và xuất sắc của Thượng Đế. Điều này xảy ra không chỉ khi chúng ta tham dự các buổi họp và lắng nghe các bài nói chuyện, mà còn khi chúng ta nghĩ đến những người khác và phục vụ. Đây là cách chúng ta trở nên “lớn” trong vương quốc của Thượng Đế.

Chúng ta chấp nhận những sự kêu gọi với lòng tự trọng, khiêm nhường, và biết ơn. Khi chúng ta được giải nhiệm khỏi các chức vụ kêu gọi này, chúng ta chấp nhận sự thay đổi đó cũng với lòng tự trọng, khiêm nhường, và biết ơn như vậy.

Trong mắt của Thượng Đế, không có chức vụ kêu gọi nào trong vương quốc của Ngài quan trọng hơn chức vụ kêu gọi nào cả. Sự phục vụ của chúng ta—dù lớn hay nhỏ—đều thanh lọc tinh thần chúng ta, mở các cửa sổ trên trời, và đổ xuống các phước lành của Thượng Đế không chỉ cho những người chúng ta phục vụ mà còn cho cả chúng ta nữa. Khi chúng ta dang tay giúp đỡ người khác, chúng ta có thể biết với lòng tin tưởng đầy khiêm nhường rằng Thượng Đế công nhận sự phục vụ của mình với sự chấp thuận và hài lòng. Ngài mỉm cười nhìn xuống chúng ta khi chúng ta làm những hành động bác ái chân thành này, đặc biệt là các hành động mà những người khác không trông thấy và không nhận ra.8

 Mỗi lần chúng ta dâng hiến bản thân mình cho người khác, chúng ta bước một bước gần hơn đến việc trở thành các môn đồ ngay chính và chân chính của Đấng đã ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có: Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Từ Việc Chủ Tọa đến Cuộc Diễu Hành

Trong thời gian kỷ niệm 150 năm ngày những người tiền phong đặt chân đến Thung Lũng Salt Lake, Anh Myron Richins đang phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu ở Henefer, Utah. Buổi lễ kỷ niệm gồm có một cuộc tái diễn chặng đường của người tiền phong đi qua thị trấn của ông.

Chủ tịch Richins bỏ hết tâm trí vào các kế hoạch cho buổi lễ kỷ niệm, và ông tham dự nhiều buổi họp với Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương và những người khác để thảo luận về các sự kiện. Ông đã tham gia hết lòng.

Không lâu trước khi diễn ra buổi lễ kỷ niệm, giáo khu của Chủ Tịch Richin đã được tái tổ chức, và ông được giải nhiệm với tư cách là chủ tịch. Vào một ngày Chủ Nhật không lâu sau đó, khi ông đang tham dự buổi họp chức tư tế trong tiểu giáo khu của ông, thì những người lãnh đạo chức tư tế hỏi xem có ai có thể tình nguyện giúp đỡ cho buổi lễ kỷ niệm. Chủ tịch Richins, cùng với những người khác, đã giơ tay lên và được cho biết là phải mặc quần áo lao động và mang theo xe tải và xẻng.

Cuối cùng thì buổi sáng của sự kiện trọng đại này đã đến, và Chủ Tịch Richins đã có mặt để tình nguyện.

Chỉ vài tuần trước đó, ông đã là một người có thế lực đóng góp vào việc hoạch định và giám sát sự kiện trọng đại này. Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, công việc của ông là đi sau những con ngựa trong đoàn diễu hành và hốt sạch phân ngựa mà chúng đã để lại.

Chủ tịch Richins đã sẵn lòng và vui vẻ làm như vậy.

Ông hiểu rằng không có một cách phục vụ nào quan trọng hơn một cách phục vụ khác.

Ông biết và áp dụng vào thực tiễn những lời của Đấng Cứu Rỗi: “Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.”9

Làm Đúng Vai Trò Môn Đồ

Đôi khi, giống như Các Con Trai của Sấm Sét, chúng ta mong muốn được đóng vai trò nổi bật. Chúng ta tìm cách để được công nhận. Chúng ta tìm cách để được dẫn đầu và được mọi người nhớ đến.

Không có gì sai trái trong việc muốn phục vụ Chúa, nhưng khi chúng ta tìm cách để có được ảnh hưởng trong Giáo Hội vì lợi ích cho bản thân mình—để có thể được mọi người khen ngợi hoặc khâm phục—thì chúng ta đã được phần thưởng của mình rồi. Khi chúng ta “hợm mình” vì lời tán dương của người khác, thì lời tán dương đó sẽ là phần thưởng của chúng ta.

Chức vụ kêu gọi quan trọng nhất trong Giáo Hội là gì? Chính là chức vụ kêu gọi mà các anh em đang có. Dù đó là chức vụ kêu gọi nổi bật hay có vẻ như tầm thường, thì chức vụ kêu gọi mà các anh em đang nắm giữ sẽ không những cho phép các anh em nâng đỡ những người khác mà còn trở thành người của Thượng Đế mà các anh em đã được sáng tạo ra để trở thành.

Các bạn và các anh em thân mến của tôi trong chức tư tế, hãy nâng đỡ ngay tại chỗ mình đang đứng!

Phao Lô giảng dạy cho dân Phi Líp: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.”10

Phục Vụ trong Danh Dự

Việc tìm kiếm danh dự và sự tán dương trong Giáo Hội thay vì mang đến sự phục vụ chân thành và khiêm nhường đối với người khác là sự trao đổi của Ê Sau.11 Chúng ta có thể nhận được phần thưởng của thế gian, nhưng phải trả với một cái giá rất đắt—là để mất sự chấp thuận của Thượng Đế.

Chúng ta hãy noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, là Đấng nhu mì và khiêm tốn, là Đấng không tìm kiếm sự tán dương của loài người nhưng làm theo ý Đức Chúa Cha.12

Chúng ta hãy khiêm nhường phục vụ người khác—với nghị lực, lòng biết ơn, và vinh dự. Mặc dù các hành động phục vụ của chúng ta có thể dường như không quan trọng, tầm thường, hoặc ít giá trị, nhưng những người dang tay giúp đỡ người khác với lòng tử tế và bác ái sẽ một ngày nào đó biết được giá trị của sự phục vụ của mình nhờ ân điển vĩnh cửu và được phước của Thượng Đế Toàn Năng.13

Các anh em yêu quý, các bạn thân mến của tôi, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ suy ngẫm, thấu hiểu, và sống theo bài học vô cùng quan trọng này về giới lãnh đạo trong Giáo Hội và cách cai quản của chức tư tế: “Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.” Đây là lời cầu nguyện và phước lành của tôi, trong thánh danh của Đấng Thầy, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.