2010–2019
Trở Thành một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô
Tháng Tư năm 2017


11:7

Trở Thành một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô

Nhiều đặc tính khác nhau mà có được từ đức tin nơi Đấng Ky Tô đều cần thiết cho chúng ta để đứng vững vàng trong những ngày sau cùng này.

Làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì? Một môn đồ là người đã chịu phép báp têm và sẵn lòng mang danh của Đấng Cứu Rỗi và noi theo Ngài. Một môn đồ cố gắng để trở thành giống như Ngài bằng cách tuân giữ các lệnh truyền của Ngài trên trần thế, cũng giống như một người học việc tìm cách trở thành giống như người thầy của mình.

Nhiều người nghe đến từ môn đồ và nghĩ rằng từ đó chỉ có nghĩa là “tín đồ.” Nhưng môn đồ thật sự là một hiện trạng. Từ này gợi ý nhiều hơn so với việc chỉ học tập và áp dụng một bản liệt kê các thuộc tính cá nhân. Môn đồ phải sống sao cho các đặc tính của Đấng Ky Tô trở thành một phần mạnh mẽ trong cá tính của họ.

Hãy lắng nghe lời mời gọi của Sứ Đồ Phi E Rơ để trở thành một môn đồ của Đấng Cứu Rỗi:

“Về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức,

“Thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính,

“Thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.”1

Như các anh chị em có thể thấy, việc trở thành môn đồ vững mạnh đòi hỏi nhiều hơn một điều kiện. Trong thời của Đấng Cứu Rỗi, đã có nhiều người tự cho là ngay chính trong một khía cạnh này hoặc khía cạnh khác của cuộc sống của họ. Họ đã thực hành điều tôi gọi là sự vâng lời có chọn lựa. Ví dụ, họ tuân giữ giáo lệnh không làm việc trong ngày Sa Bát, nhưng lại chỉ trích Đấng Cứu Rỗi vì đã chữa lành vào ngày thánh đó.2 Họ bố thí cho người nghèo, nhưng chỉ ban bố tiền của dư dã của họ mà thôi—thứ mà họ không cần cho mình.3 Họ nhịn ăn nhưng ra vẻ buồn bã.4 Họ cầu nguyện, nhưng chỉ để cho người khác thấy.5 Chúa Giê Su đã phán: “Chúng gần ta bằng môi lưỡi, nhưng lòng dạ chúng xa cách ta.”6 Những người như vậy có thể tập trung vào việc chi phối một thuộc tính hay hành động cụ thể nhưng trong lòng họ không nhất thiết là trở nên như Ngài.

Chúa đã phán về những người này:

“Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?

“Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!”7

Các thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi, như chúng ta nhận thấy, không phải là một kịch bản để làm theo hoặc bản liệt kê các nhiệm vụ phải hoàn thành. Các thuộc tính này là các đặc tính liên kết chặt chẽ, đặc tính này thêm vào đặc tính khác, mà phát triển trong chúng ta theo những cách thức ảnh hưởng lẫn nhau. Nói cách khác, chúng ta không thể có được một đặc tính giống như Đấng Ky Tô mà không ảnh hưởng đến những đặc tính khác. Khi một đặc tính trở nên mạnh mẽ, thì nhiều đặc tính khác cũng trở nên mạnh mẽ theo.

Trong 2 Phi E Rơ và trong Giáo Lý và Giao Ước tiết 4, chúng ta học được rằng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là nền tảng. Chúng ta đo lường đức tin của mình qua điều mà đức tin dẫn dắt chúng ta phải làm—bằng sự vâng lời của chúng ta. Chúa hứa: “Nếu có đức tin nơi ta, các ngươi sẽ có quyền năng để làm tất cả những điều gì thích đáng đối với ta.”8 Đức tin là một chất xúc tác. Nếu không có việc làm, không có cuộc sống đạo đức, thì đức tin của chúng ta không có quyền năng để kích hoạt vai trò môn đồ. Thật vậy, đức tin đã chết.9

Và như vậy, Phi E Rơ giải thích: “thêm cho đức tin mình sự nhân đức.” Đức hạnh này còn có ý nghĩa hơn là sự thanh sạch về mặt tình dục. Đó là sự trong sạch và thánh thiện trong tâm trí và thân thể. Đức hạnh cũng là khả năng. Khi trung thành sống theo phúc âm, chúng ta sẽ có khả năng để có đạo đức trong mọi ý nghĩ, cảm nghĩ và hành động. Tâm trí chúng ta trở nên dễ tiếp thu hơn đối với những thúc giục của Đức Thánh Linh và Ánh Sáng của Đấng Ky Tô.10 Chúng ta là hiện thân của Đấng Ky Tô không chỉ trong điều chúng ta nói và làm mà còn trong chính con người của chúng ta nữa.

Phi E Rơ nói tiếp: “Thêm cho nhân đức [của các anh chị em] sự học thức.” Khi sống một cuộc sống đạo đức, chúng ta tiến đến việc biết đến Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài một cách đặc biệt. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của [Đức Chúa Cha] thì sẽ biết đạo lý ta.”11 Sự hiểu biết này là chứng ngôn cá nhân có được từ kinh nghiệm cá nhân. Chính sự hiểu biết sẽ biến đổi chúng ta, để “ánh sáng [của chúng ta] gắn bó với ánh sáng [của Ngài]” và “đức hạnh yêu thương đức hạnh [của Ngài].”12 Bằng cuộc sống đức hạnh của mình, chúng ta tiến triển từ việc chỉ tin nơi Đấng Ky Tô để có thể nói là chúng ta có một sự hiểu biết vững vàng về Đấng Ky Tô.

Phi E Rơ khuyên nhủ chúng ta nên “thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục.” Là các môn đồ tiết độ ôn hòa, chúng ta sống theo phúc âm theo một cách cân bằng và kiên định. Chúng ta không “chạy mau hơn sức mình có thể chạy được.”13 Mỗi ngày, chúng ta tiến bước mà không bị cản trở bởi những thử thách tinh vi của trần thế.

Khi trở nên ôn hòa theo cách này, chúng ta phát triển lòng kiên nhẫn và tin cậy nơi Chúa. Chúng ta có thể trông cậy vào kế hoạch của Ngài dành cho cuộc sống của chúng ta, mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy kế hoạch đó bằng đôi mắt thiên nhiên của riêng mình.14 Do đó, chúng ta có thể “yên tâm và hiểu rằng [Ngài] là Thượng Đế.”15 Khi đối mặt với những cơn bão hoạn nạn, chúng ta hỏi: “Ngài muốn con học hỏi điều gì từ kinh nghiệm này?” Với kế hoạch và mục đích của Ngài trong lòng mình, chúng ta tiến bước không những chịu đựng được tất cả mọi điều mà còn chịu đựng giỏi và kiên nhẫn nữa.16

Phi E Rơ dạy rằng lòng kiên nhẫn này dẫn dắt chúng ta đến sự tin kính. Như Đức Chúa Cha đang kiên nhẫn với chúng ta, các con cái của Ngài, thì chúng ta cũng kiên nhẫn với nhau và với chính mình. Chúng ta vui mừng trước quyền tự quyết của người khác và cơ hội mà quyền này mang đến cho họ để tăng trưởng theo “từng hàng chữ một,”17 “càng lúc càng sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn.”18

Từ sự tiết độ đến lòng kiên nhẫn, và từ lòng kiên nhẫn đến sự tin kính, thì bản chất của chúng ta thay đổi. Chúng ta đạt được tình huynh đệ, đó là dấu hiệu tiêu chuẩn của tất cả các môn đồ chân chính. Giống như người Sa Ma Ri Nhân Lành, chúng ta băng qua đường để phục sự bất cứ người nào đang gặp hoạn nạn, cho dù họ không phải trong nhóm bạn bè của chúng ta.19 Chúng ta ban phước cho những người nguyền rủa mình. Chúng ta làm điều thiện cho những người lợi dụng chúng ta một cách ác ý.20 Còn có bất cứ thuộc tính nào thiện lành hoặc giống Đấng Ky Tô hơn không?

Tôi làm chứng rằng các nỗ lực mà chúng ta làm để trở thành môn đồ của Đấng Cứu Rỗi thật sự được thêm vào cho tới khi chúng ta “có được” tình yêu thương của Ngài.21 Tình yêu thương này là đặc tính xác định của một môn đồ của Đấng Ky Tô:

“Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng.

“Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì.”22

Chính đức tin, hy vọng, và lòng bác ái mới làm cho chúng ta hội đủ điều kiện để làm công việc của Thượng Đế.23 “Nên bây giờ … có ba điều nầy; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương [lòng bác ái].”24

Thưa các anh chị em, giờ đây hơn bao giờ hết, chúng ta không thể là “môn đồ nửa vời” được! Chúng ta không thể là một môn đồ chỉ theo một điểm của giáo lý này hay giáo lý khác. Nhiều đặc tính khác nhau mà có được từ đức tin nơi Đấng Ky Tô—kể cả những đặc tính chúng ta đã nói tới ngày hôm nay—đều cần thiết cho chúng ta để đứng vững vàng trong những ngày sau cùng này.

Khi chúng ta tha thiết cố gắng để làm môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô, thì những đặc tính này sẽ được liên kết chặt chẽ, được thêm vào, và củng cố nơi chúng ta theo cách thức ảnh hưởng lẫn nhau. Sẽ không có sự khác biệt giữa lòng nhân từ mà chúng ta cho kẻ thù của mình thấy và lòng nhân từ mà chúng ta có đối với bạn bè của mình. Chúng ta sẽ thành thật khi không một ai nhìn cũng như khi những người khác đang nhìn. Chúng ta cũng tận tâm với Thượng Đế trước công chúng cũng như khi chúng ta đang ở nơi phòng kín.

Tôi làm chứng rằng tất cả mọi người đều có thể là môn đồ của Đấng Cứu Rỗi. Vai trò môn đồ không bị giới hạn bởi tuổi tác, giới tính, nguồn gốc dân tộc, hoặc chức vụ kêu gọi. Qua vai trò môn đồ của chính mình, chúng ta, với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau, xây đắp sức mạnh chung để ban phước cho các anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới. Bây giờ là lúc tự tái cam kết để trở thành môn đồ của Ngài với tất cả sự siêng năng.

Thưa các anh chị em, chúng ta đều được kêu gọi để làm môn đồ của Đấng Cứu Rỗi. Hãy để cho đại hội này là cơ hội của các anh chị em để “bắt đầu lại như lúc xưa, đến cùng [Ngài] với tất cả tấm lòng thành.”25 Đây là Giáo Hội của Ngài. Tôi đưa ra lời chứng đặc biệt rằng Ngài hằng sống. Cầu xin Ngài ban phước cho chúng ta trong công cuộc tìm kiếm sự vĩnh cửu để trở thành các môn đồ tận tụy và can đảm. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.