Đức Chúa Giê Su Ngó Người mà Yêu
Bất cứ lúc nào các anh chị em cảm thấy mình được yêu cầu phải làm điều gì đó khó khăn, hãy nghĩ về Chúa đang nhìn các anh chị em, yêu thương các anh chị em, và mời gọi các anh chị em đi theo Ngài.
Cách đây vài năm, tôi được kêu gọi cùng với vợ tôi, Jacqui, để chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Washington Spokane. Chúng tôi đến nơi truyền giáo cảm thấy vừa sợ hãi lẫn phấn khởi trước trách nhiệm phải làm việc với rất nhiều người truyền giáo trẻ tuổi phi thường. Họ đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau và nhanh chóng trở thành giống như các con trai và con gái ruột của chúng tôi.
Mặc dù hầu hết họ đều làm việc một cách tuyệt vời, nhưng một vài người lại đang vật lộn với những kỳ vọng cao về sự kêu gọi của họ. Tôi nhớ một người truyền giáo nói với tôi: “Thưa Chủ Tịch, tôi không thích người khác.” Vài người truyền giáo nói với tôi rằng họ không có ước muốn để tuân theo các luật lệ truyền giáo khá nghiêm ngặt. Tôi lo lắng và tự hỏi chúng tôi có thể làm gì để thay đổi tấm lòng của một vài người truyền giáo đó, là những người chưa học được niềm vui của việc vâng lời.
Một ngày kia, tôi đang nghe một cuốn băng đọc Kinh Tân Ước trong khi lái xe qua các cánh đồng lúa mì nằm thoai thoải trên ngọn đồi ở biên giới Washington-Idaho. Trong khi lắng nghe câu chuyện quen thuộc về chàng trai trẻ giàu có đến với Đấng Cứu Rỗi để hỏi xem anh ta có thể làm gì để có được cuộc sống vĩnh cửu, tôi đã nhận được một sự mặc khải cá nhân bất ngờ nhưng sâu sắc mà bây giờ đã trở thành một ký ức thiêng liêng.
Sau khi nghe Chúa Giê Su đọc lại các giáo lệnh và người thanh niên đó đáp rằng anh ta đã tuân giữ tất cả các giáo lệnh này từ khi còn niên thiếu, tôi đã lắng nghe lời sửa chỉnh dịu dàng của Đấng Cứu Rỗi: “Ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình, …. rồi hãy đến mà theo ta.”1 Nhưng tôi sửng sốt khi nghe tám từ trước phần đó của câu thánh thư mà dường như tôi chưa bao giờ được nghe hay đọc trước đây. Thể như những từ đó đã được thêm vào thánh thư. Tôi lấy làm ngạc nhiên trước sự hiểu biết đầy soi dẫn mà lúc đó đã được biểu lộ.
Tám từ mà có ảnh hưởng sâu sắc như vậy là tám từ nào? Hãy lắng nghe xem các anh chị em có thể nhận ra những từ dường như bình thường này, mà không được tìm thấy trong các sách phúc âm khác nhưng chỉ được tìm thấy trong sách Phúc Âm của Mác:
“Có một người chạy lại, quì trước mặt Ngài, mà hỏi rằng: Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời?
“Đức Chúa Giê Su phán rằng, …
“Ngươi biết các điều răn: Đừng phạm tội tà dâm; đừng giết người; đừng trộm cướp; đừng làm chứng dối; đừng làm gian; hãy hiếu kính cha mẹ.
“Người thưa rằng … , Lạy thầy, tôi đã giữ mọi điều đó từ khi còn nhỏ.
“Đức Chúa Giê Su ngó người mà yêu, nên phán rằng: Nhưng ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình, đem thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo ta.”2
“Đức Chúa Giê Su ngó người mà yêu.”
Khi tôi nghe những lời này, một hình ảnh sống động tràn ngập tâm trí tôi về Chúa chúng ta dừng lại và nhìn người thanh niên này. Nhìn—như nhìn sâu vào và xuyên thấu tâm hồn anh ta, nhận ra sự tốt lành cũng như tiềm năng của anh ta, cũng như phân biệt nhu cầu lớn nhất của anh ta.
Rồi những lời đơn sơ—Chúa Giê Su yêu thương anh ta. Ngài cảm thấy một tình yêu thương và lòng trắc ẩn tràn ngập dành cho người thanh niên này, và vì tình yêu thương này, và với tình yêu thương này, Chúa Giê Su đã hỏi thêm về anh ta. Tôi đã hình dung ra cảm giác sẽ như thế nào đối với người thanh niên này khi được bao bọc bởi tình yêu thương như vậy ngay cả trong khi được yêu cầu phải làm một điều vô cùng khó khăn là bán tất cả những gì anh ta sở hữu và ban phát cho người nghèo.
Trong giây phút đó, tôi biết rằng đây không phải chỉ là tâm hồn của một số người truyền giáo của chúng tôi cần thay đổi. Mà đó cũng là tâm hồn của tôi nữa. Câu hỏi không còn là “Làm sao một vị chủ tịch nản lòng của phái bộ truyền giáo có thể làm cho một người truyền giáo đang gặp khó khăn hành xử tốt hơn?” Thay vì thế, câu hỏi là: “Làm sao lòng tôi có thể tràn ngập tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô, để một người truyền giáo có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế qua tôi và có ước muốn để thay đổi?” Làm thế nào tôi có thể nhìn người ấy cùng một cách mà Chúa nhìn người thanh niên giàu có, thấy họ theo như con người thực sự của họ và con người mà họ có thể trở thành, thay vì chỉ là những gì mà họ đang làm hoặc không làm? Làm sao tôi có thể trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn?
“Đức Chúa Giê Su ngó ngườimà yêu.”
Từ lúc đó trở đi, khi tôi ngồi đối diện với một người truyền giáo trẻ đang vật lộn với một số khía cạnh của sự vâng lời, trong lòng tôi bây giờ thấy một thanh niên hoặc thiếu nữ trung thành đã hành động theo ước muốn để đi truyền giáo. Sau đó, tôi có thể nói với tất cả cảm nghĩ như của một người cha hay mẹ dịu dàng:3 “Anh Cả [hoặc Chị Truyền Giáo] này, nếu tôi không yêu mến anh/chị thì tôi sẽ không quan tâm đến những gì đang xảy ra trong công việc truyền giáo của anh/chị đâu. Nhưng tôi thật sự yêu mến anh/chị và vì tôi yêu mến anh/chị nên tôi quan tâm đến con người mà anh/chị sẽ trở thành. Vì vậy, tôi mời anh/chị hãy thay đổi những gì khó khăn đối với anh/chị và trở thành con người mà Chúa muốn anh/chị trở thành.”
Mỗi lần tôi đi phỏng vấn những người truyền giáo, trước hết tôi cầu nguyện để có được ân tứ về lòng bác ái và để tôi có thể thấy mỗi anh cả và chị truyền giáo như Chúa thấy họ.
Trước các đại hội khu bộ truyền giáo, khi Chị Palmer và tôi chào đón từng người truyền giáo một, tôi thường dừng lại và nhìn sâu vào mắt họ, nhìn họ—một cuộc phỏng vấn không lời—và rồi một cách chắc chắn, lòng tôi tràn đầy tình yêu thương bao la dành cho những người con trai và con gái quý báu này của Thượng Đế.
Tôi đã học được nhiều bài học thay đổi cuộc sống từ kinh nghiệm cá nhân sâu sắc này với sách Mác chương 10. Dưới đây là bốn trong số những bài học mà tôi tin rằng sẽ giúp đỡ mỗi người chúng ta:
-
Khi chúng ta học cách nhìn những người khác như Chúa nhìn họ thay vì bằng đôi mắt trần tục của mình, tình yêu thương của chúng ta dành cho họ sẽ gia tăng cũng như ước muốn của chúng ta để giúp họ cũng gia tăng. Chúng ta sẽ thấy được tiềm năng ở bên trong những người khác mà họ có thể không nhìn thấy nơi bản thân họ. Với tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô, chúng ta sẽ không sợ phải mạnh dạn nói chuyện, vì “sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi.”4 Và chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc và nhớ rằng những ai khó ưa nhất cần tình yêu thương nhiều nhất.
-
Không có sự giảng dạy hoặc học hỏi chân chính nào có thể xảy ra khi được thực hiện trong cơn thất vọng hoặc tức giận, và tấm lòng sẽ không thay đổi ở nơi nào không có tình yêu thương. Cho dù chúng ta hành động trong vai trò của mình là cha mẹ, giảng viên hoặc người lãnh đạo thì việc giảng dạy thật sự sẽ chỉ xảy ra trong một bầu không khí tin cậy hơn là lên án. Nhà của chúng ta nên luôn luôn là nơi ẩn náu an toàn cho con cái của chúng ta—chứ không phải là môi trường không thân thiện.
-
Tình yêu thương không bao giờ nên bị rút lại khi một đứa con, một người bạn, hoặc một người trong gia đình không đáp ứng được với những kỳ vọng của chúng ta. Chúng ta không biết chuyện gì đã xảy ra với người thanh niên giàu có sau khi anh ta buồn bã bỏ đi, nhưng tôi tin rằng Chúa Giê Su vẫn yêu thương anh ta trọn vẹn cho dù anh ta đã chọn con đường dễ đi hơn. Có lẽ sau này khi về già, khi thấy tài sản lớn lao của mình không còn ý nghĩa gì nữa thì anh ta nhớ lại và hành động theo kinh nghiệm đặc biệt khi mà Chúa nhìn anh ta, yêu mến anh ta và mời anh ta đi theo Ngài.
-
Vì Ngài yêu thương chúng ta nên Chúa kỳ vọng nhiều nơi chúng ta. Nếu khiêm nhường, chúng ta sẽ sẵn lòng chấp nhận những lời mời gọi của Chúa để hối cải, hy sinh, và phục vụ như là bằng chứng về tình yêu thương trọn vẹn của Ngài dành cho chúng ta. Xét cho cùng, một lời mời gọi để hối cải cũng là một lời mời gọi để tiếp nhận ân tứ tuyệt vời về sự tha thứ và bình an. Do đó, “Chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa, Và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu.”5
Thưa các anh chị em thân mến của tôi, giờ đây bất cứ lúc nào các anh chị em được yêu cầu phải làm một điều khó khăn nào đó—hãy từ bỏ một thói quen xấu hoặc thói nghiện ngập, bỏ qua những theo đuổi của cải vật chất thế gian, hy sinh một sinh hoạt ưa thích vì đó là ngày Sa Bát, tha thứ cho một người nào đó đã sai trái với các anh chị em—hãy nghĩ tới Chúa đang nhìn các anh chị em, yêu thương các anh chị em, và mời các anh chị em hãy bỏ điều đó để đi theo Ngài. Và hãy cảm ơn Ngài đã yêu thương các anh chị em đến mức mời gọi các anh chị em làm nhiều hơn.
Tôi làm chứng về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và mong đợi cái ngày mà Ngài sẽ dang tay ôm mỗi người chúng ta, nhìn chúng ta và bao bọc chúng ta với tình yêu thương trọn vẹn của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.