2010–2019
Tin Cậy nơi Chúa và Chớ Nương Cậy nơi Sự Hiểu Biết của Mình
Tháng Tư năm 2017


11:47

Tin Cậy nơi Chúa và Chớ Nương Cậy nơi Sự Hiểu Biết của Mình

Chúng ta có thể đặt trọng tâm của cuộc sống nơi Đấng Cứu Rỗi bằng cách tìm biết đến Ngài, và Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của chúng ta.

Trong chuyến hành trình của tôi ở Á Châu, một chị phụ nữ thân thiết đến gần tôi. Chị ấy vòng tay ôm lấy tôi, và hỏi: “Chị có thực sự tin rằng phúc âm này là chân chính không?” Thưa chị, tôi biết phúc âm này là chân chính. Tôi tin cậy nơi Chúa.

Chúng ta đọc lời khuyên dạy này trong Châm Ngôn 3:5–6:

“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con;

“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”

Câu thánh thư này gồm có 2 lời khuyên bảo, 1 lời cảnh báo, và 1 lời hứa vinh quang. Hai lời khuyên bảo: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va” và “phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài.” Lời cảnh báo: “Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.” Và lời hứa vinh quang: “Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”

Trước hết, hãy thảo luận về lời cảnh báo. Hình thị giác này làm cho chúng ta suy ngẫm nhiều. Lời cảnh báo này nằm trong từ “chớ nương cậy”—“chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.” Trong tiếng Anh, từ lean (tức là nương cậy) có nghĩa là dựa vào một bên. Khi nghiêng người về phía bên này hoặc bên kia, thì chúng ta di chuyển ra khỏi chỗ ở chính giữa, chúng ta mất thăng bằng, và chúng ta ngả nghiêng. Khi nghiêng phần thuộc linh dựa vào sự hiểu biết của mình, chúng ta nghiêng xa khỏi Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Nếu nghiêng người, chúng ta không ở chính giữa; chúng ta không có thăng bằng; chúng ta không tập trung vào Đấng Ky Tô.

Thưa các chị em, hãy nhớ rằng trong cuộc sống tiền dương thế của mình, chúng ta ủng hộ Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta tin cậy Ngài. Chúng ta bày tỏ sự ủng hộ, nhiệt tình và niềm vui đối với kế hoạch hạnh phúc do Cha Thiên Thượng đề ra. Chúng ta không tránh xa. Chúng ta chiến đấu bằng chứng ngôn của mình và “cùng gia nhập các lực lượng của Thượng Đế, và các lực lượng đó đã chiến thắng.”1 Cuộc chiến này giữa điều thiện với điều ác đã dời đến thế gian. Một lần nữa chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng để đứng làm nhân chứng và đặt sự tin cậy của mình nơi Chúa.

Mỗi người chúng ta cần phải hỏi: Làm thế nào tôi luôn được ở chính giữa và không nương cậy vào sự hiểu biết của mình? Làm thế nào tôi nhận ra và tuân theo tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi khi những tiếng nói của thế gian thật đầy lôi cuốn? Làm thế nào tôi trau dồi sự tin cậy nơi Đấng Cứu Rỗi?

Tôi xin phép đề nghị ba cách để gia tăng sự hiểu biết và tin cậy của chúng ta nơi Đấng Cứu Rỗi. Các chị em sẽ thấy rằng những nguyên tắc này không phải là mới, nhưng là nền tảng. Những nguyên tắc này được hát lên trong mỗi Hội Thiếu Nhi, được lặp lại trong các bài học của Hội Thiếu Nữ và là những câu trả lời cho nhiều câu hỏi của Hội Phụ Nữ. Đấy là các nguyên tắc tập trung—chứ không phải nghiêng ngả.

Trước hết, chúng ta có thể tiến đến việc biết Chúa và tin cậy Ngài khi chúng ta “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô; vì này, những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm.”2

Cách đây vài tháng, chúng tôi đã học thánh thư chung gia đình. Đứa cháu trai hai tuổi của tôi ngồi trong lòng tôi khi chúng tôi đọc. Tôi thích được làm bà nội, vui hưởng mỗi lần gia đình con trai của tôi đến thăm.

Khi chúng tôi học thánh thư xong, tôi đóng sách của mình lại. Đứa cháu trai của tôi biết rằng sắp đến giờ đi ngủ. Nó nhìn lên với đôi mắt xanh biếc đầy tha thiết và nói lên một lẽ thật vĩnh cửu: “Bà nội ơi, bà đọc thêm thánh thư nữa đi.”

Cháu trai của Chị Cordon

Con trai tôi, một người cha tốt và kiên định, đã cảnh báo tôi: “Mẹ ơi, đừng nhượng bộ nó. Nó đang cố gắng để khỏi phải đi ngủ đó thôi.”

Nhưng khi cháu của tôi xin đọc thêm thánh thư, thì chúng tôi đọc thêm nhiều câu thánh thư nữa! Việc đọc thêm nhiều thánh thư soi dẫn tâm trí chúng ta, nuôi dưỡng phần thuộc linh của chúng ta, trả lời cho các câu hỏi của chúng ta, gia tăng sự tin cậy của chúng ta nơi Chúa, và giúp chúng ta tập trung cuộc sống của mình vào Ngài. “Nên nhớ tìm tòi những điều đó một cách cần mẫn, để các con có thể nhờ đó mà được lợi ích.”3

Thứ hai, chúng ta có thể tiến đến việc biết Chúa và tin cậy Ngài qua lời cầu nguyện. Thật là một phước lành để có thể cầu nguyện lên Thượng Đế của chúng ta! “Hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình.”4

Tôi có một kỷ niệm tuyệt vời về một lời cầu nguyện mà tôi trân quý. Trong một kỳ nghỉ hè khi học đại học, tôi đã nhận được một việc làm ở bang Texas. Tôi đã phải lái xe hàng trăm cây số từ bang Idaho đến bang Texas trong chiếc xe hơi cũ của mình, một chiếc xe mà tôi đã trìu mến đặt tên là Vern. Đồ đạc chất lên Vern cao đến tận nóc, và tôi đã sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu mới.

Lúc ra khỏi cửa, tôi đã ôm người mẹ thân yêu và mẹ tôi nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện trước khi con đi nhé.”

Chúng tôi quỳ xuống và mẹ tôi bắt đầu cầu nguyện. Bà cầu khẩn Cha Thiên Thượng cho sự an toàn của tôi. Bà đã cầu nguyện cho chiếc xe không có máy điều hòa nhiệt độ của tôi, và cầu xin cho chiếc xe sẽ vận hành theo như tôi cần. Bà cầu xin các thiên thần ở cùng tôi suốt mùa hè. Bà đã cầu nguyện rất nhiều.

Sự bình an đến từ lời cầu nguyện đó đã cho tôi lòng can đảm để tin cậy nơi Chúa và không nương cậy vào sự hiểu biết của tôi. Chúa đã hướng dẫn lối đi của tôi trong nhiều quyết định mà tôi đã đưa ra vào mùa hè đó.

Nếu có thói quen đến gần Cha Thiên Thượng bằng lời cầu nguyện, chúng ta sẽ tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta sẽ tiến đến việc tin cậy Ngài. Ước muốn của chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài hơn. Chúng ta sẽ có thể bảo đảm cho chính mình và cho những người khác các phước lành mà Cha Thiên Thượng đã sẵn sàng ban cho nếu chúng ta chịu lấy đức tin mà cầu xin.5

Thứ ba, chúng ta có thể tiến đến việc biết Chúa và tin cậy Ngài khi chúng ta phục vụ những người khác. Tôi chia sẻ câu chuyện sau đây với sự cho phép của Amy Wright, là người đã tiến đến việc hiểu nguyên tắc phục vụ ngay cả khi đang chống chọi với một căn bệnh đáng sợ và đe dọa đến tính mạng. Amy viết:

“Vào ngày 29 tháng Mười năm 2015, tôi phát hiện ra là mình mắc bệnh ung thư. Căn bệnh ung thư của tôi có tỉ lệ sống sót là 17%. Vì có rất ít cơ may phục hồi, tôi biết rằng tôi sẽ phải chiến đấu vì mạng sống của mình. Tôi quyết tâm chiến đấu với hết khả năng của mình không chỉ vì bản thân tôi mà còn quan trọng hơn nữa là vì gia đình tôi. Vào tháng Mười Hai, tôi bắt đầu hóa học trị liệu. Tôi đã quen thuộc với nhiều phản ứng phụ của thuốc chống ung thư, nhưng tôi không biết rằng một người có thể bị bệnh nặng như thế nhưng vẫn còn sống.

“Có lúc, tôi đã nói rằng hóa học trị liệu là vi phạm nhân quyền. Tôi nói với chồng tôi rằng tôi đã quá mệt rồi. Tôi bỏ cuộc! Tôi sẽ không trở lại bệnh viện nữa. Người chồng yêu quý rất khôn ngoan của tôi đã kiên nhẫn lắng nghe rồi trả lời: ‘Vậy thì chúng ta cần tìm một người nào đó để phục vụ.’”

Cái gì vậy? Anh ấy đã không hiểu rằng vợ của anh mắc bệnh ung thư và còn không thể chịu đựng nổi một cơn buồn nôn hay một giây phút đau đớn nữa hay sao?

Amy giải thích tiếp: “Các triệu chứng của tôi càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn đến mức một tháng tôi thường có một hoặc hai ngày chịu đựng được khi tôi có thể sinh hoạt như một người đang sống và thở. Đó là những ngày mà gia đình chúng tôi tìm cách phục vụ.”

Vào một trong những ngày đó, gia đình của Amy đã phân phối các bộ dụng cụ hóa học trị liệu an ủi cho các bệnh nhân khác, các bộ dụng cụ chứa đầy các món đồ để khuyến khích và giúp làm giảm bớt các triệu chứng bệnh. Khi Amy không thể ngủ được, thì chị nghĩ đến những cách để làm cho người khác có một ngày vui vẻ. Một số cách thì rất quy mô, nhưng nhiều cách khác chỉ là những bức thư ngắn hoặc những lời nhắn trên điện thoại đầy khích lệ và yêu thương. Vào những đêm mà khi cơn đau của chị quá mãnh liệt đến mức không ngủ được, thì chị nằm trên giường với cái iPad của mình và tìm kiếm các giáo lễ cần được hoàn tất thay cho tổ tiên đã qua đời của chị. Kỳ diệu thay, cơn đau dịu xuống, và chị đã có thể chịu đựng được.

Amy làm chứng: “Sự phục vụ đã cứu mạng sống tôi. Cuối cùng tôi đã tìm thấy sức mạnh của mình để tiếp tục tiến bước, đó là niềm hạnh phúc mà tôi đã khám phá ra trong khi cố gắng làm giảm bớt nỗi đau khổ của những người xung quanh. Tôi trông chờ các dự án phục vụ của chúng tôi với nhiều niềm vui và mong đợi. Cho đến ngày nay, điều này dường như là một nghịch lý lạ lùng. Ta thường nghĩ rằng một người nào đó bị hói đầu, ngộ độc, và đang chiến đấu cho mạng sống của mình thì có lý do để nghĩ rằng ‘ngay bây giờ tôi phải lo cho thân tôi.’ Tuy nhiên, khi tôi nghĩ về bản thân, hoàn cảnh, nỗi đau khổ và đau đớn của mình, thì tôi cảm thấy thế giới của mình rất tối tăm và buồn nản. Khi tôi tập trung vào người khác, thì tôi thấy có ánh sáng, hy vọng, sức mạnh, can đảm và niềm vui. Tôi biết rằng điều này có thể có được nhờ vào quyền năng hỗ trợ, chữa lành, và cho phép của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Amy tiến đến việc tin cậy nơi Chúa khi chị tiến đến việc biết Ngài. Nếu chị đã nương cậy vào sự hiểu biết của riêng chị thậm chí chỉ một chút thôi, thì chị đã có thể bác bỏ ý nghĩ rằng chị phục vụ. Sự phục vụ đã cho phép chị chịu đựng nỗi đau đớn và hoạn nạn của mình cùng sống theo câu thánh thư này: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình.”6

Chúa Giê Su Ky Tô đã thắng thế gian. Và nhờ vào Ngài, vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, nên chúng ta đều có lý do chính đáng để tin cậy, biết rằng cuối cùng rồi tất cả đều sẽ tốt đẹp.

Thưa các chị em, mỗi người chúng ta đều có thể tin cậy nơi Chúa và không nương cậy vào sự hiểu biết của mình. Chúng ta có thể tập trung cuộc sống của mình vào Đấng Cứu Rỗi bằng cách tiến đến việc biết Ngài, và Ngài sẽ chỉ đường lối cho chúng ta.

Chúng ta ở trên thế gian để chứng tỏ cùng sự tin cậy nơi Ngài mà cho phép chúng ta ủng hộ Chúa Giê Su Ky Tô khi Ngài phán: “Tôi đây, xin phái tôi đi.”7

Đấng Ky Tô và Sự Sáng Tạo

Các chị em thân mến, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã làm chứng rằng “các phước lành đã được hứa của chúng ta thì không thể nào đo lường được. Mặc dù tình trạng mà chúng ta đang sống có thể dường như đầy đe dọa và thử thách, nhưng sự hiểu biết của chúng ta về phúc âm và tình yêu mến của chúng ta đối với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi sẽ an ủi và hỗ trợ chúng ta ... khi chúng ta bước đi ngay thẳng. ... Sẽ không có gì trong thế giới này có thể đánh bại chúng ta.”8

Tôi thêm chứng ngôn của mình vào chứng ngôn của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta. Nếu chúng ta tin cậy nơi Cha Thiên Thượng và nơi Đấng Cứu Rỗi cùng không nương cậy vào sự hiểu biết của mình, thì hai Ngài sẽ chỉ đường lối của chúng ta và sẽ mở rộng cánh tay thương xót cho chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú: Vào ngày 1 tháng Tư năm 2017, Chị Cordon đã được giải nhiệm với tư cách là Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi và được kêu gọi làm Đệ Nhất Cố Vấn.