2010–2019
Cùng Những Người Bạn và Người Tầm Đạo của Giáo Hội
Tháng Tư năm 2017


10:3

Cùng Những Người Bạn và Những Người Tầm Đạo của Giáo Hội

Nếu bạn làm theo điều được đòi hỏi phải làm để nhận được sự mặc khải, thì hãy hạ mình, đọc, cầu nguyện và hối cải, rồi các tầng trời sẽ mở ra và bạn sẽ biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.

Vào chiều Thứ sáu, ngày 16 tháng Chín năm 1988, tại nhà hội của Tiểu Giáo Khu Vicente López ở Buenos Aires, Argentina, tôi đã chịu phép báp têm làm tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Một người bạn rất tốt, Alin Spannaus, đã làm phép báp têm cho tôi ngày hôm đó, và tôi cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm hơn, háo hức để học hỏi thêm.

Lễ báp têm của Anh Cả Costa

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một số bài học tôi đã học được trên con đường báp têm của mình—các bài học mà tôi hy vọng có thể giúp đỡ những người trong số các bạn đang lắng nghe mà chưa phải là tín hữu của Giáo Hội. Tôi cầu nguyện rằng tâm hồn bạn có thể được Thánh Linh làm cảm động, giống như tôi.

Trước hết, Gặp Gỡ Những Người Truyền Giáo

Tại sao một người không có những thử thách, nhu cầu, hoặc thắc mắc thôi thúc lại thích gặp gỡ những người truyền giáo và lắng nghe các bài học của họ? Vâng, trong trường hợp của tôi, đó là tình yêu—tình yêu dành cho một cô gái, một cô gái tên là Renee. Tôi đã yêu cô ấy, và tôi muốn kết hôn với cô ấy. Cô ấy khác biệt và có những tiêu chuẩn khác biệt với hầu hết các thiếu nữ mà tôi biết. Nhưng tôi đã yêu cô ấy và cầu hôn với cô ấy—và cô ấy nói không!

Anh Cả và Chị Costa

Tôi cảm thấy bối rối. Tôi nghĩ rằng mình là một người khá hấp dẫn! Tôi đẹp trai, 24 tuổi, và tốt nghiệp đại học với một việc làm tốt. Cô ấy nói về những mục tiêu của mình—chỉ kết hôn với người nào có thể làm lễ hôn phối với cô ấy trong đền thờ, có được một gia đình vĩnh cửu—và cô ấy từ chối lời cầu hôn của tôi. Tôi muốn tiếp tục mối quan hệ, nên đã đồng ý lắng nghe những người truyền giáo. Đây có phải là một lý do chính đáng để gặp gỡ những người truyền giáo không? Vâng, đối với tôi thì đúng.

Khi mới gặp những người truyền giáo, tôi không hiểu nhiều về điều họ nói, và thật tình mà nói, tôi có thể không để tâm nhiều đến họ. Tôi không quan tâm đến việc tìm hiểu một tôn giáo mới. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng họ sai và có thời gian để thuyết phục Renee kết hôn với tôi như thường.

Ngày nay các con tôi đã và đang phục vụ truyền giáo, và tôi hiểu những hy sinh của các thanh niên và thiếu nữ này để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Bây giờ tôi ước gì tôi đã chú ý nhiều hơn đến Anh Cả Richardson, Anh Cả Farrell, và Anh Cả Hyland, là những người truyền giáo tuyệt vời đã giảng dạy cho tôi.

Vậy thì từ bài học đầu tiên của tôi, tôi nói với các bạn là những người bạn và người tầm đạo của Giáo Hội: một khi bạn gặp những người truyền giáo, xin hãy nghiêm túc đối với họ; họ đang bỏ ra những năm quan trọng trong cuộc đời của họ chỉ vì bạn đấy.

Thứ hai, Đi Nhà Thờ

Lần đầu tiên tôi tham dự một buổi họp trong Giáo Hội, tôi đã nghe nhiều từ mà tôi không hiểu. Ai là Beehives? Chức Tư Tế A Rôn là gì? Hội Phụ Nữ là gì?

Nếu đây là lần đầu tiên bạn tham dự một buổi họp của Giáo Hội và bạn cảm thấy bối rối bởi những điều nào đó mà bạn không hiểu, thì đừng lo lắng! Tôi cũng không hiểu gì. Nhưng tôi vẫn còn nhớ những ấn tượng, những cảm nghĩ bình an, vui vẻ và mới mẻ mà tôi đã cảm nhận. Lúc đó tôi không biết, nhưng Đức Thánh Linh đã mách bảo vào tai tôi và vào tâm hồn tôi: “Điều này là đúng đấy.”

Vì vậy, xin cho tôi tóm lược bài học này thành một câu: nếu bạn bối rối thì đừng lo lắng—hãy nhớ tới những cảm nghĩ bạn đã cảm nhận được; những cảm nghĩ này đến từ Thượng Đế.

Thứ ba, Đọc Sách Mặc Môn

Sau vài lần gặp gỡ với những người truyền giáo, tôi không có nhiều tiến bộ lắm. Tôi cảm thấy mình đã không nhận được một sự xác nhận về lẽ trung thực của phúc âm.

Một hôm, Renee hỏi tôi: “Anh có đang đọc Sách Mặc Môn không?”

Tôi đáp: “Không.” Tôi đang lắng nghe những người truyền giáo giảng dạy—vậy vẫn chưa đủ sao?

Với đôi mắt ngấn lệ, Renee bảo đảm với tôi rằng cô ấy biết Sách Mặc Môn là chân chính và giải thích rằng nếu tôi muốn biết xem sách đó có chân chính không, thì cách duy nhất là—hãy đoán xem là gì—phải đọc sách đó! Và rồi cầu vấn!

Hãy đọc, suy ngẫm trong lòng của bạn, và “cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô…với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 10:4) để xem Sách Mặc Môn có chân chính không, đây có phải là Giáo Hội chân chính không.

Vậy thì bài học thứ ba, tóm lược trong một câu: khi nào bạn nhận được những điều này—Sách Mặc Môn—và bạn được khuyên nhủ hãy đọc và cầu vấn Thượng Đế xem những điều này có thật không, thì xin hãy làm theo nhé!

Cuối cùng, Hối Cải

Kinh nghiệm cuối cùng tôi muốn chia sẻ là về sự hối cải. Sau khi đã học xong tất cả các bài học của người truyền giáo, tôi vẫn không tin chắc là mình cần phải thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống của mình. Một hôm, chính Anh Cả Cutler, một người truyền giáo trẻ nói tiếng Tây Ban Nha rất ít, đã nói: “Joaquin, chúng ta hãy cùng đọc An Ma 42, và trong khi đọc chúng ta sẽ để tên của anh vào nhé.”

Tôi nghĩ đó thật là điều ngớ ngẩn, nhưng tôi cũng làm theo như lời yêu cầu của Anh Cả Cutler và đọc trong câu 1: “Và giờ đây, hỡi [Joaquin], con trai của cha, cha nhận thấy rằng có một vài điều nữa vẫn còn làm bận tâm trí của con, là điều mà con không hiểu được.” Ồ! Đoạn sách này đang nói chuyện với tôi đây.

Và chúng tôi đọc trong câu 2: “Giờ đây này, hỡi [Joaquin], con trai của cha, cha sẽ giải thích điều này cho con được biết,” và rồi Sự Sa Ngã của A Đam đã được mô tả.

Và sau đó trong câu 4: “Và do đó mà chúng ta thấy được rằng, [Joaquin] đã được ban cho một thời gian để hối cải.”

Chúng tôi tiếp tục đọc chậm, từng câu một, cho đến khi chúng tôi đọc đến ba câu cuối cùng. Sau đó, tôi đã nhận được một sự ảnh hưởng mạnh mẽ. Sách này đã nói thẳng với tôi, và tôi bắt đầu khóc khi đọc: “Và giờ đây, hỡi [Joaquin,] con trai của cha, cha mong rằng con không nên để những điều này làm băn khoăn con nữa, mà chỉ nên để cho những tội lỗi của mình làm băn khoăn mình, với sự băn khoăn mà sẽ đưa con đến sự hối cải.” (câu 29).

Giờ đây tôi nhận biết được rằng tôi đã mong đợi nhận được sự mặc khải mà không bỏ ra nỗ lực nào cả. Mãi cho đến lúc ấy, tôi chưa bao giờ thực sự nói chuyện với Thượng Đế, và ý nghĩ nói chuyện với một ai đó không hiện diện thì dường như là điều thật rồ dại. Tôi đã phải hạ mình và làm theo điều tôi đã được yêu cầu phải làm cho dù, trong tâm trí của con người trần thế của tôi, dường như điều đó là ngớ ngẩn.

Ngày hôm đó tôi đã mở rộng lòng mình cho Thánh Linh, mong muốn hối cải, và muốn được báp têm! Trước thời điểm đó, tôi đã nghĩ đến sự hối cải như là một điều gì đó tiêu cực, chỉ liên quan đến tội lỗi và hành động sai trái, nhưng đột nhiên tôi hiểu điều đó với một quan điểm khác— như là một điều gì đó tích cực mà vượt qua các chướng ngại vật để tiến đến sự tăng trưởng và hạnh phúc.

Anh Cả Cutler có mặt ở đây hôm nay, và tôi muốn cám ơn anh ấy đã giúp tôi hiểu được. Mỗi quyết định tôi đưa ra trong cuộc đời tôi kể từ lúc đó đều được ảnh hưởng bởi giây phút đó khi tôi hạ mình, cầu nguyện để được tha thứ, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô thay cho tôi đã trở thành một phần của cuộc sống của tôi.

Vì vậy, bài học cuối cùng được tóm lược trong một câu: hãy trải qua sự hối cải; không có điều gì đưa bạn đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn là một ước muốn để thay đổi.

Người tầm đạo thân mến của tôi, người bạn của Giáo Hội, nếu bạn đang lắng nghe hôm nay, thì bạn đang ở rất gần với việc đạt được niềm vui lớn nhất. Bạn đang ở rất gần đấy!

Với tất cả mãnh lực của tâm hồn tôi và từ đáy lòng mình, tôi xin được mời bạn: hãy đi và chịu phép báp têm! Đó là điều tốt nhất bạn sẽ từng làm. Điều đó sẽ thay đổi không những cuộc sống của bạn mà còn cả cuộc sống của con cháu bạn nữa.

Ngày cưới của Anh Cả và Chị Costa

Chúa đã ban phước cho tôi với một gia đình. Tôi kết hôn với Renee, và chúng tôi có bốn đứa con xinh đẹp. Và nhờ vào phép báp têm của mình, tôi có thể, giống như tiên tri Lê Hi thời xưa, mời họ dự phần vào trái của cây sự sống, tức là tình yêu thương của Thượng Đế (xin xem 1 Nê Phi 8:15; 11:25). Tôi có thể giúp họ đến với Đấng Ky Tô.

Vậy hãy suy ngẫm về những kinh nghiệm của tôi, và (1) hãy nghiêm túc với bài học của những người truyền giáo, (2) hãy đi nhà thờ và ghi nhớ những cảm nghĩ thuộc linh, (3) hãy đọc Sách Mặc Môn và cầu vấn Chúa xem sách đó có chân chính không, và (4) hãy hối cải và chịu phép báp têm.

Tôi làm chứng với bạn rằng nếu bạn làm theo điều được đòi hỏi phải làm để nhận được sự mặc khải, thì hãy hạ mình, đọc, cầu nguyện và hối cải, rồi các tầng trời sẽ mở ra và bạn sẽ biết, như tôi biết, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Ngài là Đấng Cứu Rỗi của tôi và của bạn. Trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.