2010–2019
Đừng Nhìn Quanh mà Hãy Nhìn Lên!
Tháng Tư năm 2017


11:31

Đừng Nhìn Quanh mà Hãy Nhìn Lên!

Việc mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô là mục đích của chúng ta, và chúng ta có thể hoàn thành mục đích này bằng cách nhìn lên Chúa Giê Su Ky Tô.

Mục đích của tôi là “mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô.”1 Đây cũng là mục đích của các anh chị em. Chúng ta có thể hoàn thành mục đích này bằng cách nhìn lên Chúa Giê Su Ky Tô.

Gia đình của Anh Cả Choi

Tôi đã chịu phép báp têm cùng với cha mẹ tôi năm tôi 16 tuổi. Em trai của tôi, Kyung-Hwan, 14 tuổi, đã gia nhập Giáo Hội nhờ cậu tôi là Young Jik Lee, và em tôi đã mời chúng tôi tới nhà thờ của nó. Mỗi thành viên trong số 10 người trong gia đình chúng tôi thuộc vào một giáo hội khác nhau, vì vậy chúng tôi rất vui khi tìm thấy được lẽ thật và muốn chia sẻ niềm vui mà chúng tôi đã tìm thấy trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô sau khi chúng tôi chịu phép báp têm.

Cha của Anh Cả Choi với những người khác

Trong số tất cả chúng tôi, cha tôi là người phấn khởi nhất về việc học hỏi và chia sẻ lẽ thật. Ông thường thức dậy sớm vào buổi sáng để nghiên cứu thánh thư hơn hai tiếng mỗi ngày. Sau khi làm việc xong, ông đi với những người truyền giáo đến thăm gia đình, bạn bè, và hàng xóm của chúng tôi hầu như mỗi ngày. Bảy tháng sau, chúng tôi chịu phép báp têm, 23 người trong gia đình và họ hàng của tôi đã trở thành tín hữu của Giáo Hội. Tiếp theo đó là phép lạ để thấy 130 người chịu phép báp têm trong năm sau đó nhờ vào công việc truyền giáo của cha tôi.

Thời gian đầu của công việc truyền giáo
Công việc truyền giáo được mở rộng

Lịch sử gia đình cũng quan trọng đối với ông, và ông đã hoàn tất tám thế hệ tổ tiên của chúng tôi. Từ đó trở đi, kết quả của sự cải đạo của gia đình chúng tôi, bắt đầu từ đứa em trai 14 tuổi của tôi, đã gia tăng theo vô số cách không chỉ trong số những người còn sống mà còn trong số những người đã qua đời nữa. Dựa trên công việc của cha tôi và những người khác, cây gia đình của chúng tôi hiện nay gồm có 32 thế hệ, và chúng tôi hiện đang hoàn tất công việc đền thờ cho nhiều nhánh gia phả. Ngày nay tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và tràn đầy niềm vui khi liên kết các tổ tiên với con cháu của chúng tôi.

Lịch sử gia đình được mở rộng

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã ghi lại một kinh nghiệm tương tự trong Đền Thờ Columbus Ohio:

“Tôi suy ngẫm về cuộc đời của [ông cố, ông nội và cha tôi] trong khi ngồi trong đền thờ, tôi nhìn xuống con gái tôi, cháu ngoại gái của tôi, … và những đứa con của nó, là những đứa chắt. Tôi chợt nhận ra tôi đang ở ngay giữa bảy thế hệ—ba thế hệ trước tôi và ba thế hệ sau tôi.

“Trong ngôi nhà thiêng liêng và thánh thiện đó, một cảm giác chợt nẩy ra trong trí tôi về nghĩa vụ to lớn mà tôi phải truyền lại tất cả những gì tôi đã nhận được như là một di sản từ tổ tiên của tôi cho đến các thế hệ giờ đây tiếp theo sau tôi.”2

Ở ngay giữa các thế hệ của chúng ta

Tất cả chúng ta đều là phần tử của một gia đình vĩnh cửu. Vai trò của chúng ta có thể là một bước ngoặt mà trong đó những thay đổi đáng kể có thể xảy ra theo những cách tích cực hoặc tiêu cực. Chủ Tịch Hinckley nói thêm: “Đừng bao giờ cho phép bản thân trở thành một mối liên kết yếu đuối trong chuỗi các thế hệ của các anh chị em.”3 Lòng trung tín của các anh chị em trong phúc âm sẽ củng cố gia đình các anh chị em. Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng mình sẽ là một mối liên kết vững mạnh trong gia đình vĩnh cửu của chúng ta?

Một hôm, vài tháng sau khi tôi chịu phép báp têm, tôi nghe một số tín hữu chỉ trích lẫn nhau trong nhà thờ. Tôi cảm thấy rất thất vọng. Tôi về nhà và nói với cha tôi rằng có lẽ tôi không nên đi nhà thờ nữa. Thật khó coi khi các tín hữu chỉ trích người khác như thế. Sau khi nghe xong, cha tôi đã dạy tôi rằng phúc âm đã được phục hồi và rất hoàn hảo nhưng các tín hữu thì chưa hoàn hảo, bản thân ông và tôi cũng vậy. Ông quả quyết nói: “Đừng đánh mất đức tin của con vì những người xung quanh con, mà phải xây đắp một mối liên hệ chặt chẽ với Chúa Giê Su Ky Tô. Đừng nhìn quanh mà hãy nhìn lên!”

Hãy nhìn lên Chúa Giê Su Ky Tô—lời khuyên khôn ngoan của cha tôi củng cố đức tin của tôi bất cứ khi nào tôi gặp phải những thử thách trong cuộc sống. Ông dạy tôi cách áp dụng những lời dạy của Đấng Ky Tô, trong những lời của Ngài: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.”4

Những người truyền giáo tại Đền Thờ Seattle Washington

Khi tôi đang chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo ở Washington Seattle, ở đây trời thường mưa nhiều ngày trong năm. Tuy nhiên, những người truyền giáo của chúng tôi đã được chỉ dẫn để đi ra ngoài và giảng đạo trong mưa. Tôi thường nói với họ: “Hãy đi ra ngoài trong mưa, nhìn lên trời, há miệng ra và uống nước mưa! Khi nhìn lên, các anh chị sẽ được củng cố để mở miệng ra với mọi người mà không sợ hãi.” Đó là một bài học sử dụng biểu tượng để cho họ nhìn lên mỗi khi gặp phải những thử thách ngay cả sau khi họ đi truyền giáo trở về nhà. Xin đừng thử làm điều này trong các khu vực bị ô nhiễm nhé.

Trong khi vẫn còn phục vụ trong phái bộ truyền giáo ở Seattle, tôi đã nhận được điện thoại từ con trai đầu lòng của tôi là Sunbeam, một nghệ sĩ dương cầm. Cháu nói là cháu sẽ có được đặc ân để trình diễn tại Carnegie Hall ở New York vì cháu đã đoạt giải trong một cuộc thi quốc tế. Chúng tôi rất vui mừng và sung sướng cho cháu. Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, trong khi cầu nguyện với lòng biết ơn, vợ tôi đã ghi nhận rằng chúng tôi không thể tham dự buổi trình diễn của cháu và đã thưa với Cha Thiên Thượng như sau: “Thưa Cha Thiên Thượng, con biết ơn về phước lành mà Cha đã ban cho Sunbeam. Tiện thể, con lấy làm tiếc là con không thể đến đó được. Con đã có thể đi được nếu Cha đã ban phước lành này trước hoặc sau công việc truyền giáo này. Con không phàn nàn, nhưng con thấy lấy làm tiếc một chút.”

Ngay khi dâng lên lời cầu nguyện này xong, bà nghe một tiếng nói rõ ràng: “Vì ngươi không thể đi được nên con trai của ngươi mới được ban cho đặc ân này. Ngươi có muốn đổi đặc ân đó không?”

Vợ tôi ngạc nhiên vô cùng. Bà biết rằng con cái sẽ được ban phước qua việc làm trung tín của cha mẹ trong vương quốc của Chúa, nhưng đây là lần đầu tiên bà hiểu rõ ràng vai trò của mình như vậy. Bà đáp lời Ngài ngay lập tức: “Dạ không, con không đi được cũng không sao cả. Xin để cho con của con có được vinh dự đó.”

Các anh chị em thân mến, chúng ta không dễ dàng nhận ra tình yêu thương của Cha Thiên Thượng khi chúng ta nhìn xung quanh bằng đôi mắt trần của mình vì trước hết chúng ta thấy sự bất tiện, mất mát, gánh nặng, hoặc nỗi cô đơn. Mặt khác, chúng ta có thể nhận thấy mình được ban phước như thế nào khi chúng ta nhìn lên Chúa. Chúa đã mặc khải: “Khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào từ Thượng Đế, đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó.”5 Đối với tất cả những người nào bắt tay vào bất cứ công việc phục vụ nào cho Thượng Đế, hãy biết rằng các anh chị em là phương tiện vững chắc cho các phước lành mạnh mẽ đối với những người sống trước các anh chị em và các thế hệ theo sau các anh chị em.

Hôm nay tôi biết ơn khi thấy rằng nhiều người trong gia đình của chúng tôi trung thành bước đi trên con đường giao ước nhưng lòng tôi buồn bã khi tưởng tượng ra có người nào đó trong gia đình chúng tôi không ở trên con đường này. Anh Cả M. Russell Ballard nói: “Nếu các anh chị em chọn trở nên kém tích cực hoặc rời bỏ Giáo Hội phục hồi của Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, thì các anh chị em sẽ đi đâu? Các anh chị em sẽ làm gì? Quyết định ‘không đi nữa’ với các tín hữu Giáo Hội và các vị lãnh đạo chọn lọc của Chúa sẽ có ảnh hưởng lâu dài mà không thể luôn luôn được hiểu ngay bây giờ.”6 Chủ Tịch Thomas S. Monson khuyến khích chúng ta: “Cầu xin cho chúng ta luôn luôn chọn điều đúng dù có khó khăn thay vì điều dễ dàng hơn nhưng sai lầm.”7

Không bao giờ là quá muộn để nhìn lên Chúa Giê Su Ky Tô. Đôi tay của Ngài luôn mở rộng cho các anh chị em. Các thế hệ trước chúng ta và sau chúng ta tùy thuộc vào chúng ta để đi theo Đấng Ky Tô để cho chúng ta có thể là một gia đình vĩnh cửu của Thượng Đế.

Khi tôi được giải nhiệm khỏi chức vụ kêu gọi của mình với tư cách là chủ tịch giáo khu, các con trai của tôi rất phấn khởi vì được có thêm thời gian với tôi. Ba tuần sau đó, tôi được kêu gọi với tư cách là Thầy Bảy Mươi. Lúc đầu, tôi đã nghĩ rằng các con tôi có thể thất vọng, nhưng phản ứng khiêm nhường của đứa con trai út là: “Cha ơi, đừng lo. Chúng ta là một gia đình vĩnh cửu mà.” Thật là một lẽ thật đơn giản và rõ ràng! Tôi đã lo lắng một chút vì đã nhìn xung quanh cuộc sống trần thế này đầu tiên, nhưng con trai tôi rất vui mừng vì nó đã không nhìn xung quanh mà lại nhìn lên với đôi mắt hướng tới sự vĩnh cửu và các mục đích của Chúa.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng để nhìn lên khi cha mẹ của các anh chị em phản đối phúc âm, khi các anh chị em là tín hữu của một đơn vị nhỏ trong Giáo Hội, khi người phối ngẫu của các anh chị em không phải là tín hữu, khi các anh chị em vẫn còn độc thân mặc dù đã cố gắng hết sức mình để kết hôn, khi con cái đi lạc đường, khi các anh chị em thấy mình là người cha hay người mẹ độc thân, khi các anh chị em gặp khó khăn về thể chất hoặc tình cảm, khi các anh chị em là nạn nhân trong một thảm hoạ, vân vân. Hãy giữ vững đức tin của mình trong những thời gian khó khăn đó. Hãy nhìn lên Đấng Ky Tô để có được sức mạnh, sự cân bằng và chữa lành. Nhờ vào quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, “mọi việc sẽ hiệp lại làm lợi ích cho [các anh chị em].”8

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Khi noi theo vị tiên tri tại thế của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, chúng ta nhìn lên Chúa Giê Su Ky Tô. Khi chúng ta cầu nguyện và học thánh thư mỗi ngày, và thành tâm dự phần Tiệc Thánh hàng tuần, chúng ta nhận được sức mạnh để luôn luôn nhìn lên Ngài. Tôi rất vui mừng được làm tín hữu của Giáo Hội này và là một phần tử của một gia đình vĩnh cửu. Tôi thích chia sẻ phúc âm tuyệt vời này với người khác. Việc mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô là mục đích của chúng ta, và chúng ta có thể hoàn thành mục đích này bằng cách nhìn lên Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi khiêm nhường làm chứng về những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.