2010–2019
Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta
Tháng Tư năm 2017


15:21

Đấng Chăn Hiền Lành của Chúng Ta

Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta, thấy vui mừng khi nhìn thấy con chiên đang mắc bệnh của Ngài đang được chữa lành.

Chúng ta hiểu được một chút về đặc tính của Cha Thiên Thượng khi chúng ta nhận ra lòng trắc ẩn bao la Ngài dành cho những người phạm tội và chúng ta biết ơn về sự phân biệt của Ngài giữa tội lỗi với người phạm tội. Sự hiểu biết này giúp chúng ta có được một “sự [hiểu biết] chính xác hơn về đặc tính, sự hoàn hảo và thuộc tính của Ngài”1 và là nền tảng để thực hành đức tin nơi Ngài và nơi Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô. Lòng trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi đối với những điều không hoàn hảo của chúng ta mang chúng ta đến gần Ngài và thúc đẩy chúng ta trong những nỗ lực liên tục của mình để hối cải và sống theo Ngài. Khi trở nên giống như Ngài hơn, chúng ta học cách đối xử với người khác như Ngài đã đối xử, bất chấp bất cứ đặc tính hoặc hành vi bên ngoài nào.

Ảnh hưởng của việc phân biệt giữa các đặc tính bên ngoài của một cá nhân với chính cá nhân đó là trọng tâm của cuốn tiểu thuyết Les Misérables (Những Người Khốn Khổ), của văn hào người Pháp Victor Hugo.2 Trong phần đầu cuốn tiểu thuyết này, người kể chuyện giới thiệu Bienvenu Myriel, vị giám mục ở Digne, và thảo luận về một tình thế khó xử của vị giám mục đó. Liệu ông ta có nên đến thăm một người tự xưng là vô thần và bị khinh miệt trong cộng đồng vì những gì anh ta đã làm trong cuộc Cách Mạng Pháp không?3

Người kể chuyện nói rằng vị giám mục đương nhiên có thể có nhiều ác cảm với người ấy. Sau đó, người kể chuyện đưa ra một câu hỏi đơn giản: “Những vảy trên da của một con chiên mắc bệnh có làm cho một người chăn chiên thoái lui không?”4 Người kể chuyện đưa ra một câu trả lời dứt khoát: “Không!” để trả lời thay cho vị giám mục và sau đó thêm vào một câu nói: “Nhưng con chiên này đã mắc bệnh quá nặng!”5

Trong đoạn này, tác giả Hugo so sánh “sự tà ác” của người này với căn bệnh ghẻ nặng ở chiên và so sánh vị giám mục với một người chăn chiên đã không thoái lui khi đối mặt với một con chiên đang mắc bệnh. Vị giám mục tỏ ra thông cảm và về sau trong cuốn tiểu thuyết này đã cho thấy lòng trắc ẩn tương tự đối với một người đàn ông khác, là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, một cựu tù nhân tồi tệ, Jean Valjean. Lòng thương xót và sự đồng cảm của vị giám mục đã động viên Jean Valjean thay đổi cuộc sống của mình.

Vì Thượng Đế dùng bệnh tật như là một phép ẩn dụ về tội lỗi trong suốt thánh thư, nên thật là hợp lý khi hỏi: “Chúa Giê Su Ky Tô phản ứng như thế nào khi đối mặt với các căn bệnh ẩn dụ—tức là những tội lỗi của chúng ta?” Xét cho cùng, Đấng Cứu Rỗi đã phán rằng Ngài “chẳng nhìn tội lỗi với một mảy may chấp nhận”;6 vậy thì làm thế nào Ngài có thể nhìn chúng ta, những người không hoàn hảo như vậy, mà không thoái lui vì sự ghê tởm?

Câu trả lời rất đơn giản và rõ ràng. Là Đấng Chăn Hiền Lành,7 Chúa Giê Su Ky Tô xem bệnh tật ở chiên của Ngài như là một tình trạng cần có phải được điều trị, chăm sóc và lòng trắc ẩn. Người chăn chiên này, Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta, thấy vui mừng khi nhìn thấy con chiên đang mắc bệnh của Ngài đang được chữa lành.

Đấng Cứu Rỗi báo trước rằng Ngài sẽ “chăn bầy mình như người chăn chiên,”8 “tìm con nào đã mất, … dắt về con nào đã bị đuổi, … rịt thuốc cho con nào bị gãy, … và  … làm cho con nào đau được mạnh.”9 Mặc dù dân Y Sơ Ra Ên bội giáo đã được mô tả là sẽ bị thiêu hủy với “những vết thương, vít sưng cùng lằn mới”10 đầy tội lỗi, nhưng Đấng Cứu Rỗi đã khuyến khích, khuyên nhủ và hứa chữa lành.11

Giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi quả thật được tiêu biểu bởi tình yêu thương, lòng trắc ẩn, và sự đồng cảm. Ngài đã không bước đi một cách khinh miệt trên các con đường bụi bặm ở Ga Li Lê và Giu Đê, đã không chùn bước khi thấy những người phạm tội. Ngài không lẩn tránh họ bằng nỗi kinh tởm khinh khi. Không, Ngài đã cùng ăn với họ.12 Ngài đã giúp đỡ, ban phước, nâng đỡ, và gây dựng, cùng thay thế nỗi sợ hãi và thất vọng với niềm hy vọng và niềm vui. Giống như một người chăn chiên đích thực, Ngài tìm kiếm và tìm ra chúng ta để cứu giúp và ban cho niềm hy vọng.13 Việc hiểu được lòng trắc ẩn và tình yêu thương của Ngài giúp chúng ta thực hành đức tin nơi Ngài—để hối cải và được chữa lành.

Sách Phúc Âm của Giăng ghi lại kết quả của sự đồng cảm của Đấng Cứu Rỗi đối với người phạm tội. Các thầy thông giáo và người Pha Ri Si dẫn tới Đấng Cứu Rỗi một người đàn bà đã bị bắt quả tang về tội tà dâm. Những kẻ cáo buộc có ý muốn người này phải bị ném đá, đúng theo luật Môi Se. Cuối cùng, để đáp lại câu hỏi dai dẳng đó, Chúa Giê Su phán cùng họ: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người.”

Những kẻ cáo buộc bỏ đi, “Đức Chúa Giê Su ở lại một mình với người đàn bà, người vẫn đang đứng chính giữa đó.

“Đức Chúa Giê Su  … không thấy ai hết, chỉ có người đàn bà, bèn phán rằng: Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao?

“Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Giê Su phán rằng: Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa.”14

Chắc chắn là Đấng Cứu Rỗi đã không tha thứ cho tội tà dâm. Nhưng Ngài cũng không chỉ trích người đàn bà. Ngài đã khuyến khích người ấy nên sửa đổi cuộc sống của mình. Người ấy đã có ước muốn thay đổi bởi vì lòng trắc ẩn và thương xót của Ngài. Bản dịch Kinh Thánh của Joseph Smith làm chứng rằng điều này đưa đến vai trò làm môn đồ của người đàn bà đó: “Và người đàn bà đó đã tôn vinh Thượng Đế từ lúc đó, và tin vào danh Ngài.”15

Mặc dù Thượng Đế có sự đồng cảm, nhưng chúng ta không nên lầm tưởng rằng Ngài chấp nhận và rộng lượng với tội lỗi. Ngài không như thế. Đấng Cứu Rỗi đã đến thế gian để cứu chúng ta khỏi tội lỗi của mình, và quan trọng là sẽ không cứu chúng ta trong tội lỗi của chúng ta.16 Giê Rôm, một người có khả năng chất vấn giỏi, có lần đã cố gắng gài bẫy A Mu Léc bằng cách hỏi: “Phải chăng [Đấng Mê Si sắp đến] sẽ giải cứu dân của Ngài trong tội lỗi của họ? A Mu Léc bèn đáp lời và nói với hắn rằng: Ta nói cho ngươi hay, Ngài sẽ không làm vậy, vì Ngài không thể chối bỏ lời nói của Ngài được. … Ngài không thể cứu họ trong tội lỗi của họ.”17 A Mu Léc nói tới một lẽ thật cơ bản rằng để được cứu khỏi tội lỗi của chúng ta, chúng ta phải chấp nhận “những điều kiện hối cải,” mà cho phép quyền năng của Đấng Cứu Chuộc để giải cứu linh hồn chúng ta.18

Lòng trắc ẩn, tình yêu thương và lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi mang chúng ta đến với Ngài.19 Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta không còn hài lòng với hành vi tội lỗi của bản thân.20 Thượng Đế nói rõ về điều gì là đúng và có thể chấp nhận được đối với Ngài và điều gì là sai trái và tội lỗi. Đây không phải là vì Ngài muốn có những tín đồ ngoan ngoãn thiếu suy xét. Không, Cha Thiên Thượng mong muốn rằng con cái của Ngài phải biết và sẵn lòng chọn trở nên giống như Ngài21 và đạt đủ tiêu chuẩn cho cuộc sống mà Ngài yêu thích.22 Khi làm như vậy, con cái của Ngài làm tròn số mệnh thiêng liêng của họ và trở thành người thừa kế tất cả những gì Ngài có.23 Vì lý do này, các vị lãnh đạo Giáo Hội không thể thay đổi các lệnh truyền hoặc giáo lý của Thượng Đế trái với ý muốn của Ngài để cho được thuận tiện hay phổ biến.

Tuy nhiên, trong công cuộc tuân theo Chúa Giê Su, chúng ta nên nhìn vào và học theo tấm gương của Chúa Giê Su trong cách đối xử nhân từ của Ngài đối với những người phạm tội. Chúng ta, những người phạm tội, phải làm giống như Đấng Cứu Rỗi, tìm đến những người khác với lòng trắc ẩn và tình yêu thương. Vai trò của chúng ta cũng là giúp đỡ và ban phước, nâng đỡ và gây dựng, cùng thay thế nỗi sợ hãi và thất vọng với hy vọng và niềm vui.

Đấng Cứu Rỗi đã khiển trách những cá nhân đã thoái lui trước những người mà họ coi là ô uế và tự mãn phê phán những người khác. Chúa phán rằng những người này có tội lỗi lớn hơn những người phạm tội.24 Đó là bài học cụ thể mà Đấng Cứu Rỗi đã nhắm vào những kẻ “tin tưởng mình là họ công bình, và khinh kẻ khác.” Ngài đã đưa ra truyện ngụ ngôn này:

“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha Ri Si và một người thâu thuế.

“Người Pha Ri Si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy.

“Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.

“Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!.”

Sau đó Chúa Giê Su kết luận: “Ta nói cùng các ngươi, người nầy [người thâu thuế] trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia [người Pha Ri Si]; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.”25

Thông điệp dành cho chúng ta thật rõ ràng: một người phạm tội muốn hối cải sẽ đến gần với Thượng Đế hơn là với những người tự cho mình là ngay chính rồi lên án người phạm tội đó.

Khuynh hướng của con người luôn tự cho mình là ngay chính và thích xét đoán người khác cũng không thiếu trong thời kỳ của tiên tri An Ma. Khi người ta “bắt đầu chỉnh đốn lại giáo hội một cách hoàn hảo hơn  …giáo hội bắt đầu trở nên kiêu căng … [và] dân của giáo hội đã bắt đầu dương dương tự đắc trong mắt mìnḥ, … họ lại bắt đầu khinh bỉ lẫn nhau, và họ bắt đầu ngược đãi những ai không biết tin theo ý muốn và sở thích của mình.”26

Sự ngược đãi này đã bị ngăn cấm một cách cụ thể: “Bấy giờ, trong dân của giáo hội có một luật pháp rất nghiêm khắc, đó là không một ai, thuộc giáo hội, được nổi dậy ngược đãi những người ngoài giáo hội, và những người trong giáo hội cũng không được ngược đãi lẫn nhau.”27 Nguyên tắc chỉ dẫn dành cho Các Thánh Hữu Ngày Sau cũng như vậy. Chúng ta không được phạm tội ngược đãi bất cứ ai ở trong hoặc ngoài Giáo Hội.

Những người đã từng bị ngược đãi vì bất cứ lý do gì đều biết sự bất công và kỳ thị cảm thấy như thế nào. Khi còn là một thiếu niên sống ở châu Âu vào thập niên 1960, tôi đã cảm thấy rằng mình đã bị chỉ trích và bắt nạt vì tôi là người Mỹ và vì tôi là tín hữu của Giáo Hội. Một số bạn học của tôi đã đối xử với tôi như thể cá nhân tôi phải chịu trách nhiệm về các chính sách đối ngoại không được ưa chuộng của Hoa Kỳ. Tôi cũng bị đối xử như thể tôn giáo của tôi là một sự sỉ nhục đối với các quốc gia mà tôi đang sống ở đó vì nó khác biệt với tôn giáo do nhà nước hỗ trợ. Về sau, ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, tôi đã hiểu thêm một chút về những gì một người phải chịu đựng khi bị kỳ thị và bị phân biệt chỉ bởi vì chủng tộc hay tôn giáo của họ.

Có nhiều hình thức ngược đãi: chế giễu, quấy nhiễu, bắt nạt, cô lập, cách ly, hoặc hận thù đối với người khác. Chúng ta phải coi chừng sự kỳ thị đối với những người có quan điểm khác với mình. Sự kỳ thị tự nó thể hiện, một phần, khi không sẵn lòng cho phép quyền tự do ngôn luận bình đẳng.28 Mọi người, kể cả những người có tôn giáo, đều có quyền công khai bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng không một ai có quyền căm thù vì những quan điểm đó ​​đã được bày tỏ.

Lịch sử Giáo Hội chúng ta đã cho thấy đầy đủ bằng chứng về việc các tín hữu của chúng ta bị đối xử bằng lòng hận thù và sự kỳ thị như thế nào. Thật mỉa mai và đáng buồn thay nếu như chúng ta đối xử với người khác giống như chúng ta đã bị đối xử. Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ.”29 Nếu muốn được tôn trọng, thì chúng ta phải bày tỏ sự tôn trọng. Ngoài ra, sự cải đạo chân thành của chúng ta mang lại “sự nhu mì và sự khiêm tốn trong lòng,” và mời “Đức Thánh Linh” [làm cho chúng ta] tràn đầy “tình thương yêu trọn vẹn,”30 một “lòng yêu thương cách thật thà”31 đối với người khác.

Ngày nay, Đấng Chăn hiền lành của chúng ta vẫn không hề thay đổi, và vẫn đối xử với những tội lỗi và những người phạm tội giống như Ngài đối xử khi Ngài sống trên thế gian. Ngài không thoái lui khỏi chúng ta vì chúng ta phạm tội, mặc dù thỉnh thoảng Ngài đã phải nghĩ: “Nhưng con chiên này đã phạm tội quá nặng!” Ngài yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài đã cung cấp cho chúng ta cách để hối cải và trở nên trong sạch để chúng ta có thể trở lại với Ngài và Cha Thiên Thượng.32 Khi làm như vậy, Chúa Giê Su Ky Tô cũng đã nêu gương cho chúng ta để noi theo, để tỏ lòng kính trọng mọi người và không thù hận một ai cả.

Là các môn đồ của Ngài, chúng ta hãy hoàn toàn noi gương yêu thương của Ngài và yêu thương nhau một cách cởi mở và trọn vẹn để không một ai cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn, hoặc tuyệt vọng. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta, Đấng yêu thương và trông nom chúng ta. Ngài biết rõ chúng ta và đã phó mạng sống của Ngài cho chiên của Ngài.33 Ngài cũng sống vì chúng ta và muốn chúng ta biết Ngài và thực hành đức tin nơi Ngài. Tôi yêu mến và khâm phục Ngài, và tôi hết lòng biết ơn Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lectures on Faith (1985), 38.

  2. Cuốn tiểu thuyết Những Người Khốn Khổ, của Victor Hugo (1802–85), kể về câu chuyện của Jean Valjean, đã vi phạm một tội nhỏ vì ăn cắp một ổ bánh mì để cho gia đình chị của mình ăn. Bị kết án 5 năm tù, Valjean đã trải qua 19 năm làm công việc nặng nhọc vì bốn lần cố gắng trốn thoát nhưng không thành công. Anh ta ra khỏi tù là một con người gay gắt và bất cần đạo lý.

    Vì đã từng có tiền án, nên Valjean không thể tìm được việc làm, thức ăn, hay chỗ ở. Đầy mệt mỏi và nản lòng, cuối cùng anh ta đã được giám mục Digne, là người đã cho thấy sự tử tế và lòng trắc ẩn, cho một nơi nương náu. Giữa đêm, Valjean bị chi phối bởi một ý nghĩ vô vọng và đã ăn cắp mấy đồ vật bằng bạc của vị giám mục và chạy trốn.

    Valjean bị bắt và đưa trở lại vị giám mục. Ngoài sức tưởng tượng và trái ngược với dự đoán của Valjean, vị giám mục nói với cảnh sát là Valjean đã được tặng mấy đồ vật bằng bạc đó và khăng khăng rằng Valjean cũng cầm hai cây đựng nến bằng bạc. (Xin xem Hugo, Les Misérables [1987], tập 2, các chương 10–12.)

  3. Xin xem Hugo, Les Misérables, tập 1, chương 10.

  4. Người dẫn chuyện hỏi, Toutefois, la gale de la brebis doit-elle faire reculer le pasteur? (Hugo, Les Misérables [1985], tập 1, chương 10, trang 67). Gale, trong bệnh lý thú y, ám chỉ bất cứ loại bệnh da liễu nào gây ra bởi những con bọ ký và có biểu hiện là rụng tóc và đóng vảy (“mange” trong tiếng Anh). Cụm từ này đã được dịch sang tiếng Anh bằng một vài cách.

  5. Lời bình luận chủ bút của người dẫn chuyện về người tham gia hiệp ước Mais quelle brebis! Nó đã thỉnh thoảng được dịch là “Nhưng con chiên này đã phạm tội quá nặng.”

  6. Giáo Lý và Giao Ước 1:31.

  7. Xin xemXin xem Giăng 10:11, 14; An Ma 5:38; Giáo Lý và Giao Ước 50:44.

  8. Ê Sai 40:11.

  9. Ê Xê Chi Ên 34:16.

  10. Ê Sai 1:6.

  11. Xin xem Ê Sai 1:18.

  12. Xin xem Lu Ca 15:1–2.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 18:11.

  14. Xin xem Giăng 8:3–11.

  15. Joseph Smith Translation, Giăng 8:11 (trong Giăng 8:11, chú thích ở cuối trang c).

  16. Xin xem D. Todd Christofferson, “Ở trong Sự Yêu Thương Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, 48.

  17. An Ma 11:34, 37.

  18. Xin xem Hê La Man 5:10–11.

  19. Xin xem 3 Nê Phi 27:14–15.

  20. Trong thời kỳ hiện đại, Đấng Cứu Rỗi phán rõ ràng: “Bất cứ điều gì vi phạm luật pháp và không tuân theo luật pháp mà lại tìm cách tự tạo nên luật pháp, và muốn tiếp tục ở trong tội lỗi, và hoàn toàn tiếp tục ở trong tội lỗi, thì không thể được thánh hóa bởi luật pháp hay bởi lòng thương xót, công lý, hay sự phán xét được. Vậy nên, chúng phải tiếp tục ô uế.” (Giáo Lý và Giao Ước 88:35).

  21. Xin xem 2 Nê Phi 2:26–27.

  22. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 14:7; 132:19–20, 24, 55.

  23. Xin xem Rô Ma 8:16–17; Giáo Lý và Giao Ước 84:38.

  24. Xin xem Ma Thi Ơ 23:13.

  25. Lu Ca 18:9–14.

  26. An Ma 4:4, 6, 8.

  27. An Ma 1:21.

  28. Xin xem Oxford English Dictionary, “bigotry” và “intolerance,” oed.com.

  29. Ma Thi Ơ 7:12.

  30. Mô Rô Ni 8:26.

  31. 1 Phi E Rơ 1:22.

  32. Xin xem Các Tín Điều 1:3.

  33. Xin xem Giăng 10:11–15.