Trở Lại và Nhận Được
Trở lại nơi hiện diện của Ngài và nhận được các phước lành vĩnh cửu có được từ việc lập và tuân giữ các giao ước là những mục tiêu quan trọng nhất mà chúng ta có thể đặt ra.
Các anh chị em của tôi, giờ đây nhiệm vụ của tôi là nói chuyện cùng các anh chị em và nhiệm vụ của các anh chị em là phải lắng nghe. Mục tiêu của tôi là hoàn tất nhiệm vụ của mình trước khi các anh chị em ngừng lắng nghe. Tôi sẽ cố hết sức mình.
Qua nhiều năm, tôi đã nhận thấy những người nào đạt được nhiều thành tựu nhất trong thế giới này là những người có tầm nhìn xa về cuộc sống của họ, với mục tiêu giữ cho họ tập trung vào tầm nhìn của họ và kế hoạch về chiến thuật của họ để đạt được mục tiêu. Việc biết được mình sẽ đi đâu và cách mình trông mong để đến nơi đó có thể mang lại ý nghĩa, mục đích, và thành tựu cho cuộc sống.
Một số người gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa một mục tiêu với một kế hoạch cho đến khi họ biết được rằng mục tiêu là điểm đến hoặc một kết thúc, trong khi kế hoạch là lộ trình mà nhờ đó anh chị em đến được nơi đó. Ví dụ, chúng ta có thể có mục tiêu để lái xe đến một địa điểm xa lạ nào đó, và như một số các chị em phụ nữ thân mến đều biết, nam giới chúng tôi thường nghĩ rằng chúng tôi biết cách đi đến đó—thường dẫn đến câu nói của chúng tôi, “Tôi biết mà—chỉ gần đây thôi.” Vợ tôi chắc đang mỉm cười đây. Mục tiêu rất rõ ràng, nhưng không có sẵn kế hoạch tốt để đạt tới đích.
Về cơ bản, việc đặt ra mục tiêu là “biết được từ đầu kết quả mà ta mong muốn.” Và hoạch định là phát triển một cách để đạt được kết quả đó. Một bí quyết để đạt được hạnh phúc nằm trong việc hiểu rõ những điểm đến nào là thật sự quan trọng—và sau đó dành thời gian, nỗ lực, và sự chú ý của chúng ta vào những điều mà tạo ra một cách chắc chắn để đến được đó.
Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, đã ban cho chúng ta một tấm gương hoàn hảo về việc đặt ra mục tiêu và hoạch định. Mục tiêu của Ngài là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người,”1 và phương cách của Ngài để đạt được mục tiêu đó là kế hoạch cứu rỗi.
Kế hoạch của Cha Thiên Thượng yêu dấu của chúng ta gồm có việc ban cho chúng ta cuộc sống trần thế này để tăng trưởng, cố gắng, học hỏi, mà qua đó chúng ta có thể trở nên giống như Ngài hơn. Việc khoác vào linh hồn vĩnh cửu của chúng ta với một thể xác, sống theo những lời giảng dạy và lệnh truyền của Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, và thiết lập gia đình vĩnh cửu cho phép chúng ta, qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, làm tròn mục tiêu của Thượng Đế về sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu dành cho con cái của Ngài với Ngài trong vương quốc thượng thiên của Ngài.
Việc đặt ra mục tiêu một cách khôn ngoan gồm có việc hiểu rằng các mục tiêu ngắn hạn chỉ có hiệu quả nếu chúng dẫn đến các mục tiêu lâu dài đã được hiểu rõ. Tôi tin rằng một bí quyết quan trọng để đạt được hạnh phúc là học cách đặt ra mục tiêu của chúng ta và thiết lập kế hoạch của mình trong khuôn khổ kế hoạch vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng. Nếu tập trung vào con đường vĩnh cửu này, chắc chắn chúng ta sẽ hội đủ điều kiện để trở lại nơi hiện diện của Ngài.
Thật là tốt để có mục tiêu và kế hoạch cho nghề nghiệp, cho học vấn, ngay cả cho trò chơi đánh gôn của chúng ta. Cũng là điều quan trọng để có các mục tiêu cho hôn nhân, gia đình, và các hội đồng của Giáo Hội và những chức vụ kêu gọi của chúng ta. Điều này đặc biệt đúng đối với những người truyền giáo. Nhưng các mục tiêu quan trọng và ưu tiên nhất của chúng ta nên phù hợp với kế hoạch vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng. Chúa Giê Su phán: “Trước tiên các ngươi hãy tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế và sự ngay chính của Ngài, rồi tất cả những thứ kia sẽ được ban thêm cho các ngươi.”2
Các chuyên gia về việc đặt mục tiêu cho chúng ta biết rằng một mục tiêu càng đơn giản và dễ hiểu thì sẽ mang đến nhiều hiệu quả hơn. Khi chúng ta có thể tóm lược một mục tiêu bằng cách sử dụng một hình ảnh rõ ràng hay một hoặc hai lời nói hùng hồn và đầy tượng trưng, thì mục tiêu đó có thể trở thành một phần của chúng ta và hướng dẫn hầu hết mọi điều chúng ta nghĩ và làm. Tôi tin rằng có hai từ, trong văn cảnh này, tượng trưng cho các mục tiêu của Thượng Đế dành cho chúng ta và các mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta cho chính bản thân mình. Hai từ đó là trở lại và nhận được.
Trở lại nơi hiện diện của Ngài và nhận được các phước lành vĩnh cửu có được từ việc lập và tuân giữ các giao ước là những mục tiêu quan trọng nhất mà chúng ta có thể đặt ra.
Chúng ta trở lại và nhận được bằng cách có được “một đức tin nơi [Chúa Giê Su Ky Tô], trông cậy hoàn toàn vào những công nghiệp của [Ngài], tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người … , nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng.”3
Lu Xi Phe đã không chấp nhận kế hoạch của Đức Chúa Cha mà cho phép chúng ta trở lại nơi hiện diện của Ngài và nhận được các phước lành của Ngài. Thật ra, Lu Xi Phe đã phản nghịch và cố gắng sửa đổi hoàn toàn kế hoạch của Đức Chúa Cha, muốn chiếm lấy vinh quang, vinh hiển và quyền năng của Thượng Đế cho chính nó. Do đó, nó đã bị đuổi đi với các tay sai của nó khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế và “nó trở thành Sa Tan, phải, tức là quỷ dữ, cha đẻ của mọi lời dối trá, để lừa gạt và làm mù quáng con người, và dẫn dắt họ vào cảnh tù đày theo ý muốn của nó, đó là tất cả những người không muốn nghe theo tiếng nói của [Chúa].”4
Vì những lựa chọn của nó trên tiền dương thế nên Sa Tan không thể trở lại hay nhận được. Điều duy nhất nó có thể làm là chống đối kế hoạch của Đức Chúa Cha bằng cách sử dụng mọi điều dụ dỗ và cám dỗ có thể được để kéo chúng ta xuống và làm cho chúng ta đau khổ giống như nó vậy.5 Kế hoạch của Sa Tan để đạt được mục tiêu quỷ quái của nó áp dụng cho mọi cá nhân, thế hệ, văn hoá và xã hội. Nó sử dụng tiếng nói lớn—tiếng nói mà tìm cách áp đảo tiếng nói êm ái nhỏ nhẹ của Đức Thánh Linh mà có thể cho chúng ta thấy “tất cả mọi việc” chúng ta phải nên làm để trở lại và nhận được.6
Những tiếng nói này thuộc về những người coi thường lẽ thật phúc âm và là những người sử dụng mạng Internet, phương tiện truyền thông xã hội và báo chí, đài phát thanh, truyền hình và phim ảnh để trình bày một cách đầy lôi cuốn sự vô đạo đức, bạo lực, lời lẽ thô tục, sự bẩn thỉu, và ô uế theo một cách mà làm cho chúng ta xao lãng khỏi các mục tiêu của mình và kế hoạch mà chúng ta có cho thời vĩnh cửu.
Những tiếng nói này cũng có thể gồm có những cá nhân đầy thiện chí nhưng bị lừa gạt bởi những triết lý thế tục của con người và là những người tìm cách hủy diệt đức tin và làm chệch hướng sự tập trung vĩnh cửu của những người đang cố gắng trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế và nhận được “tất cả những gì Cha [chúng ta] có.”7
Tôi đã thấy rằng để luôn tập trung vào việc trở lại và nhận được các phước lành đã được hứa, tôi cần phải thường dành ra thời gian để tự hỏi: “Tôi thế nào rồi?”
Điều đó giống như việc có một cuộc phỏng vấn cá nhân, riêng tư với chính mình. Và nếu điều đó dường như không bình thường, thì hãy nghĩ như sau: người nào trên thế gian này biết các anh chị em rõ hơn chính bản thân của các anh chị em? Các anh chị em biết những ý nghĩ, hành động cá nhân, ước muốn và ước mơ, mục tiêu và kế hoạch của mình. Và các anh chị em biết rõ hơn bất cứ ai về cách các anh chị em đang tiến triển dọc trên con đường để trở lại và nhận được.
Để hướng dẫn cho mình trong cuộc xem xét cá nhân, riêng tư này, tôi muốn đọc và suy ngẫm những từ ngữ sâu sắc trong chương thứ năm của sách An Ma, trong đó An Ma hỏi: “Các người, các người đã được Thượng Đế sinh ra trong thể thuộc linh chưa? Các người đã thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình chưa? Các người đã có nhận thấy sự thay đổi lớn lao này trong lòng mình chưa?”8 Các câu hỏi này của An Ma là một lời nhắc nhở về những mục tiêu và kế hoạch của chúng ta phải gồm có điều gì để trở lại và nhận được.
Hãy nhớ tới lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.
“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.”9
Khi chúng ta gia tăng đức tin của mình nơi quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô để cho linh hồn của chúng ta được yên nghỉ bằng cách tha thứ tội lỗi, bù đắp cho các mối quan hệ không hoàn hảo, chữa lành các vết thương thuộc linh mà kiềm chế sự tăng trưởng, cùng củng cố và cho phép chúng ta phát triển các thuộc tính của Đấng Ky Tô, thì chúng ta sẽ biết ơn sâu xa hơn ý nghĩa của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.10
Trong những tuần tới, hãy tìm ra thời gian để xem xét lại các mục tiêu của cuộc sống các anh chị em, và các kế hoạch của các anh chị em cùng chắc chắn rằng những điều này phù hợp với kế hoạch vĩ đại của Cha Thiên Thượng dành cho hạnh phúc của chúng ta. Nếu các anh chị em cần phải hối cải và thay đổi, thì hãy cân nhắc để làm ngay bây giờ đi. Hãy dành ra thời gian để thành tâm suy nghĩ là cần có những điều cần chỉnh sửa nào nhằm giúp các anh chị em luôn có “con mắt duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế.”11
Chúng ta cần phải giữ cho giáo lý và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô luôn là trọng tâm của các mục tiêu và kế hoạch của chúng ta. Nếu không có Ngài, thì không có mục tiêu vĩnh cửu nào có thể đạt được, và các kế hoạch của chúng ta để đạt được các mục tiêu vĩnh cửu của mình chắc chắn sẽ thất bại.
Một sự giúp đỡ nữa là ấn bản “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,”12 đã được trình bày cho Giáo Hội vào ngày 1 tháng Giêng năm 2000. Hãy đặt một ấn bản đó ở nơi nào mà các anh chị em có thể nhìn thấy, và dành ra thời gian để xem lại từng lời phát biểu trong chứng ngôn đầy soi dẫn này về Đấng Ky Tô bởi các nhân chứng đặc biệt của Ngài là những người đã ký tên vào quyển đó.
Tôi xin khuyên nhủ các anh chị em nghiên cứu ấn bản đó cùng với “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Chúng ta thường nói về bản tuyên ngôn về gia đình, nhưng xin hãy nhớ đọc bản tuyên ngôn đó theo quan điểm về quyền năng cứu rỗi của Đấng Ky Tô hằng sống. Nếu không có Đấng Ky Tô hằng sống, thì những kỳ vọng của chúng ta sẽ không được hoàn thành. Như bản tuyên ngôn ghi rõ: “Kế hoạch hạnh phúc thiêng liêng giúp mối liên hệ gia đình có thể được tồn tại sau cái chết. Những giáo lễ và giao ước thiêng liêng có sẵn trong các đền thờ thánh giúp cho những cá nhân có thể trở về chốn hiện diện của Thượng Đế và cho gia đình được kết hợp mãi mãi.”13
Điều này chỉ có thể xảy ra nhờ vào Đấng Ky Tô hằng sống là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian.
Về khía cạnh này, các anh chị em cũng có thể cân nhắc việc tra cứu thánh thư để mở rộng sự hiểu biết của mình về các lẽ thật cụ thể được tìm thấy trong “Đấng Ky Tô Hằng Sống.”
Việc thành tâm đọc “Đấng Ky Tô Hằng Sống” cũng giống như đọc chứng ngôn của Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca, Giăng và các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn. Việc này sẽ làm gia tăng đức tin của các anh chị em nơi Đấng Cứu Rỗi và giúp các anh chị em luôn tập trung vào Ngài khi làm theo các kế hoạch của mình để đạt được các mục tiêu vĩnh cửu của mình.
Bất kể những lỗi lầm, thiếu sót, lạc lối và tội lỗi của chúng ta, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su cho phép chúng ta hối cải, chuẩn bị để trở lại và nhận được những phước lành vô song mà Thượng Đế đã hứa—để sống vĩnh viễn với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trong đẳng cấp cao nhất của thượng thiên giới.14
Bây giờ như tất cả các anh chị em đều biết, không một ai thoát khỏi cái chết cả; do đó, mục tiêu dài hạn và kế hoạch của chúng ta phải là khi trở lại với Cha Thiên Thượng, thì chúng ta sẽ nhận được “tất cả những gì Ngài” đã dự trù cho mỗi người chúng ta. 15
Tôi làm chứng rằng không có mục tiêu nào trên trần thế lớn hơn việc sống vĩnh viễn với Cha Mẹ Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Nhưng còn có nhiều điều hơn chỉ là mục tiêu của chúng ta—đó cũng là mục tiêu của hai Ngài. Hai Ngài có một tình yêu thương trọn vẹn dành cho chúng ta, còn nồng nàn hơn chúng ta có thể bắt đầu thấu hiểu được. Hai Ngài hòa hợp hoàn toàn, trọn vẹn, và vĩnh viễn với chúng ta. Chúng ta là công việc của hai Ngài. Vinh quang của chúng ta là vinh quang của hai Ngài. Hơn bất cứ điều gì khác, hai Ngài muốn chúng ta trở về nhà—để trở lại và nhận được hạnh phúc vĩnh cửu nơi hiện diện của hai Ngài.
Các anh chị em thân mến, trong một tuần nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm Ngày Chủ Nhật Lễ Lá—tưởng niệm sự kiện Đấng Ky Tô vào thành Giê Ru Sa Lem đầy đắc thắng. Trong hai tuần nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm Ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh—để tưởng niệm sự chiến thắng cái chết của Đấng Cứu Rỗi.
Khi tập trung sự chú ý vào Đấng Cứu Rỗi trong hai ngày Chủ Nhật đặc biệt này, thì chúng ta hãy nhớ đến Ngài và tái lập sự cam kết suốt đời của mình để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Chúng ta hãy xem xét kỹ cuộc sống của chúng ta, đặt ra các mục tiêu của mình và tập trung các kế hoạch của chúng ta sao cho phù hợp với các kế hoạch của Thượng Đế theo một cách mà cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến đặc ân quý báu của mình để được trở lại và nhận được, đó chính là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.