2010–2019
Phải Chăng Thời của Những Phép Lạ đã Chấm Dứt?
Tháng Mười năm 2017


2:3

Phải Chăng Thời của Những Phép Lạ đã Chấm Dứt?

Sự tập trung quan trọng nhất của chúng ta phải là vào những phép lạ thuộc linh được dành sẵn cho tất cả con cái của Thượng Đế.

Cách đây một năm, khi đang công tác ở tiểu bang California, tôi đã đi cùng với một vị chủ tịch giáo khu đến thăm Clark và Holly Fales và gia đình họ tại nhà của họ. Tôi được cho biết là họ vừa trải qua một phép lạ. Khi chúng tôi đến nơi, Clark cố gắng đứng lên một cách khó khăn để chào đón chúng tôi vì anh đang đeo nẹp ở lưng, cổ và đôi cánh tay của anh.

Chỉ hơn hai tháng trước, Clark, con trai Ty của anh, và khoảng 30 thiếu niên cùng những người lãnh đạo khác đã bắt đầu một sinh hoạt phiêu lưu mạo hiểm, leo lên đỉnh núi Mount Shasta cao 4,322 mét, một trong những đỉnh núi cao nhất ở California. Vào ngày thứ hai của cuộc leo núi đầy gian nan đó, hầu hết những người leo núi đều đến được đỉnh núi—một thành tích ly kỳ có thể thực hiện được nhờ vào nhiều tháng chuẩn bị.

Clark là một trong những người đầu tiên leo tới đỉnh núi vào ngày hôm đó. Sau khi nghỉ chân một thời gian ngắn ở cạnh mép đỉnh núi, anh ấy đứng lên và bắt đầu bước đi. Trong khi đi thì anh trượt chân và ngã ngược về phía vách đá, rơi nhanh xuống khoảng 12 mét và sau đó không kiểm soát được lộn nhào xuống dốc băng thêm 91 mét nữa. Phi thường thay, Clark sống sót nhưng anh bị thương nặng và không thể di chuyển được.

Những phép lạ mà Clark đã trải qua trong sự kiện chấn thương này mới chỉ bắt đầu. Một số người đầu tiên tìm tới anh “ngẫu nhiên” lại là một nhóm người đi bộ đường dài gồm có những người hướng dẫn giải cứu ở vùng núi non và các chuyên gia y tế khẩn cấp. Ngay lập tức họ điều trị chấn thương cho Clark và cung cấp dụng cụ để giữ ấm cho anh. Nhóm này cũng “ngẫu nhiên” đang thử nghiệm một thiết bị truyền thông mới và gửi một yêu cầu khẩn cấp xin được giúp đỡ từ một khu vực mà điện thoại di động không thể bắt được tín hiệu. Một chiếc trực thăng nhỏ đã được gửi ngay đến Mount Shasta từ cách đó một giờ bay. Sau hai lần cố gắng hạ cánh một cách nguy hiểm nhưng không thành công ở độ cao đến mức giới hạn của máy bay, và vật lộn với điều kiện gió ngặt nghèo, người phi công đã bắt đầu thử lần thứ ba cũng là lần cuối cùng. Khi chiếc trực thăng đến gần từ một góc độ khác, thì ngọn gió đã “ngẫu nhiên” đổi hướng và chiếc máy bay hạ cánh chỉ đủ lâu để nhóm người này nhanh chóng và chật vật chèn Clark vào khoang phía sau ghế phi công.

Khi Clark được chẩn đoán tại một trung tâm chấn thương, các cuộc xét nghiệm cho biết anh đã bị gãy xương ở cổ, lưng, xương sườn và cổ tay; một phổi bị thủng; và nhiều vết cắt và trầy xước. Một bác sĩ phẫu thuật về chấn thương thần kinh nổi tiếng đã “ngẫu nhiên” trực vào ngày hôm đó; vị ấy chỉ đến bệnh viện này một vài lần một năm. Về sau, vị bác sĩ này nói rằng ông chưa bao giờ thấy ai bị thương trầm trọng như vậy ở dây cột sống và động mạch cảnh mà còn sống. Clark không chỉ được kỳ vọng sẽ sống mà còn phục hồi lại chức năng đầy đủ nữa. Khi tự mô tả mình là người theo thuyết bất khả tri, vị bác sĩ phẫu thuật nói là trường hợp của Clark đã đi ngược lại tất cả sự hiểu biết khoa học của ông về thương tích ở hệ thần kinh và chỉ có thể được mô tả đó là một phép lạ.

Khi Clark và Holly kể xong câu chuyện dễ sợ này, tôi cảm thấy khó nói lên lời. Không phải chỉ vì những phép lạ hiển nhiên—mà còn vì một phép lạ nhiệm mầu hơn nữa. Tôi đã có một ấn tượng sâu sắc—một sự làm chứng thuộc linh—rằng Holly và mỗi đứa con mỹ miều của họ đang ngồi trong phòng khách quanh cha mẹ chúng đã có đức tin đến mức họ có thể chấp nhận bất cứ điều gì có thể xảy ra trong ngày hôm đó và họ vẫn sẽ tăng trưởng về phần thuộc linh. Clark và Holly cùng hai đứa con lớn nhất của họ, là Ty và Porter, hiện đang có mặt với chúng ta hôm nay tại Trung Tâm Đại Hội.

Trong khi suy ngẫm về kinh nghiệm của gia đình Fales, tôi đã nghĩ nhiều tới hoàn cảnh của rất nhiều người khác. Còn về vô số Thánh Hữu Ngày Sau đầy đức tin, đã nhận được phước lành chức tư tế, cầu nguyện liên tục, tuân giữ giao ước, và lòng đầy hy vọng mà phép lạ chưa bao giờ đến thì sao? Ít nhất theo cách mà họ hiểu một phép lạ. Ít nhất là theo cách mà những người khác dường như nhận được phép lạ.

Còn những người bị tổn thương nặng nề—về mặt thể xác, tinh thần, tình cảm—trong nhiều năm hay thập niên hoặc suốt đời họ thì sao? Còn những người chết rất trẻ thì sao?

Mới chỉ hai tháng trước, hai cặp vợ chồng có giấy giới thiệu đi đền thờ, cùng ba đứa con đi truyền giáo toàn thời gian và năm đứa con khác của họ, đã cất cánh trên một chiếc máy bay nhỏ trong một chuyến bay ngắn. Tôi tin rằng họ đã cầu nguyện để được an toàn trước khi bay và khẩn thiết cầu nguyện khi chiếc máy bay của họ gặp phải các trục trặc máy móc nghiêm trọng trước khi rơi xuống. Không ai sống sót cả. Còn họ thì sao?

Những người tốt và những người thân của họ có lý do để hỏi câu hỏi như Mặc Môn: “Phải chăng thời của những phép lạ đã chấm dứt?”1

Sự hiểu biết hạn hẹp của tôi không thể giải thích tại sao đôi khi có sự can thiệp của Thượng Đế vào một thời điểm và vào những thời điểm khác thì không. Nhưng có lẽ chúng ta thiếu hiểu biết về một phép lạ là gì.

Chúng ta thường mô tả một phép lạ là được chữa lành mà không có một lời giải thích trọn vẹn của khoa học y khoa hoặc là tránh được mối nguy hiểm thảm khốc bằng cách lưu ý đến một sự thúc giục rõ ràng. Tuy nhiên, việc định nghĩa một phép lạ là “một sự kiện có lợi nhận được qua quyền năng thiêng liêng mà con người không hiểu được”2 đưa ra một quan điểm mở rộng về những vấn đề có tính chất vĩnh cửu hơn. Định nghĩa này cũng cho phép chúng ta suy ngẫm về vai trò thiết yếu của đức tin trong việc tiếp nhận một phép lạ.

Mô Rô Ni đã dạy: “Bất cứ thời nào loài người cũng chỉ làm được những phép lạ sau khi họ có đức tin mà thôi.”3 Am Môn đã nói: “Thượng Đế đã cung ứng một phương tiện để loài người, qua đức tin, có thể làm được những phép lạ vĩ đại.”4 Chúa đã mặc khải cho Joseph Smith: “Vì ta là Thượng Đế, … và ta sẽ cho những ai tin ở danh ta được thấy những phép lạ.”5

Vua Nê Bu Cát Nết Sa đòi Sa Đơ Rắc, Mê Sác và A Bết Nê Gô phải quỳ lạy pho tượng vàng mà vua dựng làm thần và đe dọa: “Nếu các ngươi không quì lạy, thì … các ngươi sẽ phải quăng vào giữa lò lửa hực.” Rồi nhà vua châm chọc họ: “Thần nào có thể giải cứu các ngươi khỏi tay ta?”6

Ba môn đồ sùng đạo này nói: “Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. … Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua.”7

Họ tin tưởng trọn vẹn rằng Thượng Đế có thể cứu họ, “dầu chẳng vậy,” họ cũng đã có đức tin hoàn toàn nơi kế hoạch của Ngài.

Tương tự như vậy, Anh Cả David A. Bednar đã từng hỏi một thanh niên đến xin một phước lành của chức tư tế: “Nếu ý muốn của Cha Thiên Thượng là cái chết chuyển em trong tuổi thanh xuân đến thế giới linh hồn để tiếp tục giáo vụ của em, thì em có đức tin để tuân phục ý muốn của Ngài và không được chữa lành không?”8Chúng ta có đức tin dù “không được chữa lành” khỏi những phiền não của mình trên trần thế để ta có thể được chữa lành trong thời vĩnh cửu không?

Một câu hỏi thiết yếu để suy ngẫm là “Chúng ta đặt đức tin của mình ở đâu?” Đức tin của chúng ta chỉ tập trung vào việc muốn được giảm bớt đau đớn và đau khổ, hay là tập trung vững vàng nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha và kế hoạch thiêng liêng của Ngài và nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài? Đức tin nơi Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử cho phép chúng ta hiểu và chấp nhận ý muốn của hai Ngài khi chúng ta chuẩn bị cho thời vĩnh cửu.

Ngày hôm nay tôi làm chứng về các phép lạ. Việc là một người con của Thượng Đế là một phép lạ.9 Việc nhận được một thể xác theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài là một phép lạ.10 Sự ban cho một Đấng Cứu Rỗi là một phép lạ.11 Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là một phép lạ.12 Tiềm năng có được cuộc sống vĩnh cửu là một phép lạ.13

Mặc dù việc cầu nguyện và cố gắng có được sự bảo vệ vật chất và chữa lành trong cuộc sống của chúng ta là một điều hay, nhưng sự tập trung quan trọng nhất của chúng ta phải là vào những phép lạ thuộc linh được dành sẵn cho tất cả con cái của Thượng Đế. Bất kể sắc tộc, quốc tịch của chúng ta là gì, cho dù chúng ta đã làm gì đi nữa, nếu chúng ta hối cải, cho dù có điều gì có thể đã xảy ra cho chúng ta đi chăng nữa—thì tất cả chúng ta đều có quyền nhận được như nhau các phép lạ này. Chúng ta đang sống với một phép lạ, và những phép lạ khác nữa đang ở phía trước mặt. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.