Bánh Hằng Sống từ Trên Trời Xuống
Nếu chúng ta khát khao được ở trong Đấng Ky Tô và để Ngài ở trong chúng ta, thì sự thánh thiện là điều chúng ta tìm kiếm
Một ngày sau khi Chúa Giê Su đã làm phép lạ cho 5.000 người ăn ở xứ Ga Li Lê chỉ với “năm cái bánh mạch nha và hai con cá,”1 Ngài ngỏ lời cùng dân chúng một lần nữa ở Ca Bê Na Um. Đấng Cứu Rỗi nhận thấy rằng có nhiều người không quan tâm nhiều đến những lời dạy và phép lạ của Ngài bằng việc được cho ăn lần nữa.2 Do đó, Ngài đã cố gắng thuyết phục họ về giá trị lớn lao hơn của “đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời, là thứ Con người sẽ ban cho các ngươi.”3 Chúa Giê Su phán:
“Ta là bánh của sự sống.
“Tổ phụ các ngươi đã ăn ma na trong đồng vắng, rồi cũng chết.
“Đây là bánh từ trời xuống, hầu cho ai ăn chẳng hề chết.
“Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt ta.”4
Ý của Đấng Cứu Rỗi đã hoàn toàn bị hiểu lầm vì những người nghe Ngài hiểu lời của Ngài chỉ theo nghĩa đen. Dội ngược trước ý nghĩ đó, họ tự hỏi: “Lẽ nào người nầy lấy thịt mình cho chúng ta ăn sao?”5 Chúa Giê Su giải thích thêm về nguyên tắc này:
“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu.
“Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại.
“Vì thịt ta thật là đồ ăn, huyết ta thật là đồ uống.”6
Sau đó Ngài đã giải thích ý nghĩa sâu xa trong ẩn dụ của Ngài:
“Người nào ăn thịt ta và uống huyết ta, thì ở trong ta, và ta ở trong người.
“Như Cha, là Đấng hằng sống, đã sai ta đến, và ta sống bởi Cha; cũng một thể ấy, người nào ăn ta, sẽ sống bởi ta vậy.”7
Vẫn còn có những người nghe Ngài không hiểu thấu được điều Chúa Giê Su đang nói, và “có nhiều môn đồ nghe Ngài, thì nói rằng: Lời nầy thật khó; ai nghe được? … Từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa.”8
Việc ăn thịt Ngài và uống huyết Ngài là một cách gây ấn tượng của việc bày tỏ cách chúng ta phải mang Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của mình một cách trọn vẹn—vào trong con người của chúng ta—để chúng ta có thể hiệp một. Điều này xảy ra như thế nào?
Trước hết, chúng ta hiểu rằng khi hy sinh thể xác và huyết của Ngài, Chúa Giê Su đã chuộc tội lỗi của chúng ta và khắc phục được cái chết, cả thể xác lẫn linh hồn.9 Vậy thì rõ ràng là chúng ta dự phần thịt của Ngài và uống huyết của Ngài khi nhận được từ Ngài quyền năng và phước lành của Sự Chuộc Tội đó.
Giáo Lý của Đấng Ky Tô diễn tả điều chúng ta cần phải làm để nhận được ân điển chuộc tội. Đó là tin và có đức tin nơi Đấng Ky Tô, hối cải và chịu phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh, “tiếp đó là sự xá miễn các tội lỗi của các người bằng lửa và Đức Thánh Linh.”10 Đây là cánh cổng, cách tiếp cận của chúng ta với ân điển chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi và với con đường chật và hẹp dẫn đến vương quốc của Ngài.
“Vậy nên, nếu các người tiến tới [trên con đường đó], nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.
“… Này đây là giáo lý của Đấng Ky Tô, và đây là giáo lý duy nhất và trung thực của Đức Chúa Cha, và của Đức Chúa Con, và của Đức Thánh Linh, và cả ba là một Thượng Đế bất tận.”11
Biểu tượng của Tiệc Thánh về Bữa Ăn Tối của Chúa thật là tuyệt vời để suy ngẫm. Bánh và nước tượng trưng cho thể xác và huyết của Ngài mà chính Ngài là Bánh và Nước Sự Sống,12 nhắc nhở chúng ta một cách sâu sắc về cái giá mà Ngài đã trả để cứu chuộc chúng ta. Khi bánh được bẻ ra, chúng ta tưởng nhớ đến da thịt rách nát của Đấng Cứu Rỗi. Anh Cả Dallin H. Oaks đã từng nhận xét rằng “khi được bẻ ra, mỗi miếng bánh của Tiệc Thánh trở nên độc đáo, cũng như những người ăn miếng bánh đó cũng độc đáo. Chúng ta đều có những tội lỗi khác nhau để hối cải. Chúng ta đều có những nhu cầu khác nhau để được củng cố nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng mà chúng ta tưởng nhớ trong giáo lễ này.”13 Khi uống nước, chúng ta nghĩ đến máu Ngài đã đổ ra trong vườn Ghết Sê Ma Nê, trên thập tự giá và quyền năng thánh hóa của máu đó.14 Vì biết rằng “không một vật gì ô uế có thể vào được vương quốc của Ngài,” nên chúng ta quyết tâm sẽ là trong số những người “tẩy sạch y phục của mình bằng máu của [Đấng Cứu Rỗi], nhờ đức tin, nhờ sự hối cải mọi tội lỗi của mình, và trung kiên cho đến cùng.”15
Tôi đã nói đến việc nhận được ân điển chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi để cất đi những tội lỗi của chúng ta và vết nhơ của những tội lỗi đó trong chúng ta. Nhưng nói theo một cách ẩn dụ thì việc ăn thịt và uống huyết của Ngài có ý nghĩa nhiều hơn thế, đó là tiếp nhận những đức tính và đặc tính của Đấng Ky Tô, cởi bỏ con người thiên nhiên và trở thành Thánh Hữu “nhờ vào sự chuộc tội của Chúa Ky Tô.”16 Khi dự phần bánh và nước mỗi tuần, chúng ta nên xem xét mình phải kết hợp đặc tính và mẫu mực cuộc sống vô tội của Ngài vào cuộc sống và con người của chúng ta một cách trọn vẹn và đầy đủ như thế nào. Chúa Giê Su không thể chuộc tội lỗi của người khác trừ khi chính Ngài là vô tội. Vì công lý không có quyền đòi hỏi nào nơi Ngài, Ngài có thể tự nộp mình thay cho chúng ta để thỏa mãn công lý và sau đó mở rộng lòng thương xót. Khi tưởng nhớ và tôn vinh sự hy sinh chuộc tội của Ngài, chúng ta cũng nên suy ngẫm về cuộc sống vô tội của Ngài.
Điều này cho thấy rằng chúng ta cần phải có một nỗ lực mãnh liệt về phần mình. Chúng ta không thể hài lòng với hiện trạng của mình mà phải liên tục tiến đến “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.”17 Giống như cha của La Mô Ni, chúng ta cũng phải sẵn lòng từ bỏ tất cả tội lỗi của mình18 và tập trung vào những gì mà Chúa kỳ vọng ở chúng ta, từng cá nhân một và tất cả mọi người.
Cách đây không lâu, một người bạn đã kể lại cho tôi nghe một kinh nghiệm của anh trong khi phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo. Anh đã trải qua một cuộc giải phẫu mà cần vài tuần để hồi phục. Trong thời gian hồi phục, anh đã dành ra nhiều thời gian để nghiên cứu thánh thư. Một buổi chiều nọ trong khi suy ngẫm về những lời của Đấng Cứu Rỗi trong chương 27 của sách 3 Nê Phi, thì anh ngủ thiếp đi. Sau đó anh kể lại:
“Tôi đã rơi vào một giấc mơ mà trong đó tôi đã được cho thấy một cái nhìn sống động, bao quát về cuộc đời tôi. Tôi đã được cho thấy tội lỗi, những lựa chọn kém, những thời điểm. … tôi đã đối xử với người khác thiếu kiên nhẫn, cộng với sự thiếu sót của những điều tốt lành mà đáng lẽ tôi đã nói hoặc làm. … [Một cuộc xem xét] … toàn diện về cuộc đời của tôi đã được cho tôi thấy chỉ trong vài phút, nhưng dường như lâu hơn nữa. Tôi thức dậy, giật mình và … ngay lập tức quỳ xuống cạnh giường và bắt đầu cầu nguyện, khẩn cầu sự tha thứ, trút hết những cảm nghĩ của lòng mình như thể tôi chưa từng làm trước đây.
Trước khi có giấc mơ đó, tôi đã không biết rằng mình cần phải hối cải nhiều như vậy. Những lỗi lầm và yếu kém của tôi đột nhiên trở nên hiển nhiên rõ ràng với tôi đến mức mà khoảng cách giữa con người của tôi và sự thánh thiện và tốt lành của Thượng Đế dường [như] xa hằng triệu cây số. Trong lời cầu nguyện của tôi vào lúc xế chiều đó, tôi đã hết lòng bày tỏ sự biết ơn sâu xa nhất của mình lên Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi về những gì hai Ngài đã làm cho tôi và cho những mối quan hệ mà tôi trân quý với vợ con tôi. Trong khi còn quỳ, tôi cũng đã cảm nhận được tình yêu thương và lòng thương xót của Thượng Đế thật mãnh liệt, bất chấp việc cảm thấy là tôi thật không xứng đáng. …
Tôi có thể nói rằng tôi đã không còn như trước nữa kể từ ngày đó. … Tôi đã thay đổi trong lòng. … Kết quả là tôi đã phát triển thêm sự đồng cảm với người khác, với khả năng yêu thương lớn lao, cùng với ý thức về sự khẩn cấp để thuyết giảng phúc âm. … Tôi có thể hiểu được những sứ điệp về đức tin, hy vọng, và ân tứ hối cải được tìm thấy trong Sách Mặc Môn hơn bao giờ hết.”19
Thật là quan trọng để nhận ra rằng sự mặc khải sống động về những tội lỗi và thiếu sót của người đàn ông tốt bụng đó đã không làm anh nản chí hoặc dẫn anh đến thất vọng. Vâng, anh ấy đã cảm thấy sửng sốt và hối hận. Anh ấy đã cảm thấy mình cần phải hối cải. Anh ấy đã khiêm nhường, và còn cảm thấy lòng biết ơn, sự bình an và hy vọng—hy vọng thực sự—nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô, “bánh hằng sống từ trên trời xuống.”20
Người bạn của tôi đã nói về khoảng cách anh ấy thấy trong giấc mơ của mình giữa cuộc đời của anh và sự thánh thiện của Thượng Đế. Sự thánh thiện là từ đúng. Việc ăn thịt và uống huyết của Đấng Ky Tô có nghĩa là theo đuổi sự thánh thiện. Thượng Đế truyền lệnh: “Hãy nên thánh, vì ta là thánh.”21
Hê Nóc đã khuyên chúng ta: “Hãy giảng dạy điều này cho con cái của ngươi biết rằng tất cả mọi người bất cứ ở đâu cũng phải hối cải, bằng không thì họ không có cách gì được thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế cả, vì không có một vật ô uế nào có thể ở trong đó, hay ở trong chốn hiện diện của Ngài; vì, theo ngôn ngữ của A Đam, Đấng Thánh Thiện là danh Ngài, và danh của Con Độc Sinh của Ngài là Con của Người, tức là Chúa Giê Su Ky Tô, một Phán Quan ngay chính, là Đấng sẽ đến vào thời trung thế.”22 Khi còn nhỏ, tôi đã tự hỏi tại sao trong Kinh Tân Ước Chúa Giê Su thường được nhắc đến (và thậm chí Ngài còn nói đến chính Ngài) là Con của Người khi Ngài thực sự là Con của Thượng Đế, nhưng lời phát biểu của Hê Nóc rõ ràng cho thấy rằng các đoạn tham khảo này thực sự là một sự công nhận về thiên tính và sự thánh thiện của Ngài—Ngài là Con của Đấng Thánh Thiện, Đức Chúa Cha.
Nếu chúng ta khát khao được ở trong Đấng Ky Tô và để Ngài ở trong chúng ta,23 thì sự thánh thiện là điều chúng ta tìm kiếm, về mặt thể xác lẫn thuộc linh.24 Chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện trong đền thờ nơi có chạm hàng chữ “Thánh Cho Chúa.” Chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện trong hôn nhân, gia đình và nhà cửa. Chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện mỗi tuần khi chúng ta vui thích ngày thánh của Chúa.25 Chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện ngay cả trong những chi tiết về cuộc sống hàng ngày: lời lẽ, cách ăn mặc, ý nghĩ của chúng ta. Như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Chúng ta là kết quả của tất cả những gì chúng ta đọc, chúng ta thấy, chúng ta nghe và chúng ta suy nghĩ.”26 Chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện khi chúng ta mang cây thập tự của mình hằng ngày.27
Chị Carol F. McConkie đã nhận xét: “Chúng ta nhận ra vô số những thử thách, cám dỗ và gian truân mà có thể kéo chúng ta ra khỏi mọi điều đạo đức và đáng khen trước mặt Thượng Đế. Nhưng những kinh nghiệm trần thế của chúng ta mang đến cho chúng ta cơ hội để chọn sự thánh thiện. Thường thì đó là những hy sinh của chúng ta để tuân giữ các giao ước mà làm thánh hóa chúng ta cũng như làm cho chúng ta trở nên thánh thiện.”28 Và tôi sẽ thêm sự phục vụ vào cụm từ “những hy sinh của chúng ta.”
Chúng ta biết rằng “khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy.”29 Và Chúa nhắc nhở chúng ta rằng sự phục vụ như vậy là thiết yếu cho cuộc đời và đặc tính của Ngài: “Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.”30 Chủ Tịch Marion G. Romney đã giải thích một cách khôn ngoan rằng: “Sự phục vụ không phải là điều chúng ta phải chịu đựng trên thế gian này để chúng ta có thể giành được quyền sống trong thượng thiên giới. Sự phục vụ chính là yếu tố cơ bản mà từ đó một cuộc sống tôn cao trong thượng thiên giới được tạo ra.”31
Xa Cha Ri đã tiên tri rằng trong thời kỳ trị vì ngàn năm của Chúa, ngay cả những cái lục lạc của ngựa cũng sẽ chạm hàng chữ “Thánh cho Chúa.”32 Theo tinh thần đó, các Thánh Hữu tiền phong trong những thung lũng này đã chạm lời nhắc nhở “Thánh cho Chúa” lên những vật dường như thông thường hoặc trần tục cũng như những vật liên quan trực tiếp hơn với sự thực hành tôn giáo. Hàng chữ này được chạm trên các chén và dĩa Tiệc Thánh, và in trên giấy chứng nhận lễ sắc phong của Các Thầy Bảy Mươi, và trên một biểu ngữ của Hội Phụ Nữ. Hàng chữ “Thánh cho Chúa” cũng được thấy ở các cửa kính trưng bày của Zion’s Cooperative Mercantile Institution, cửa hàng bách hóa ZCMI. Hàng chữ này được tìm thấy trên đầu của một cây búa và một cái trống. Hàng chữ “Thánh cho Chúa” đã được chạm trên các núm cửa bằng kim loại của ngôi nhà của Chủ Tịch Brigham Young. Những hàng chữ này về sự thánh thiện trong những nơi dường như bất thường hoặc bất ngờ trông có vẻ lạ lùng, nhưng chúng cho thấy sự tập trung của chúng ta vào sự thánh thiện cần phải được trọn vẹn và liên tục như thế nào.
Việc dự phần thịt của Đấng Cứu Rỗi và uống huyết của Ngài có nghĩa là loại bỏ ra khỏi cuộc sống của chúng ta bất cứ điều gì không phù hợp với một đặc tính giống như Đấng Ky Tô và làm cho những thuộc tính của Ngài trở thành của chúng ta. Đây là ý nghĩa quan trọng hơn của sự hối cải: không phải là chỉ từ bỏ tội lỗi trong quá khứ mà còn là “thay đổi tấm lòng và ý muốn theo Thượng Đế”33 kể từ bây giờ. Như điều đã được xảy ra với bạn tôi trong giấc mơ nhận được mặc khải của anh, Thượng Đế sẽ cho chúng ta thấy những thiếu sót và khuyết điểm của chúng ta, Ngài cũng sẽ giúp chúng ta biến sự yếu kém thành sức mạnh.34 Nếu chúng ta chân thành hỏi: “còn thiếu chi cho tôi nữa?”35 Ngài sẽ không để cho chúng ta phải đoán, mà trong tình yêu thương Ngài sẽ trả lời vì hạnh phúc của chúng ta. Và Ngài sẽ ban cho chúng ta niềm hy vọng.
Đó là một nỗ lực rất nặng nề, và thật là đáng sợ nếu chúng ta chỉ có một mình trong nỗ lực để đạt được sự thánh thiện. Lẽ thật vinh quang là chúng ta không cô đơn một mình. Chúng ta có tình yêu thương của Thượng Đế, ân điển của Đấng Ky Tô, sự an ủi và hướng dẫn của Đức Thánh Linh, và tình bằng hữu cùng sự khích lệ của những người cùng là Thánh Hữu trong thân của Đấng Ky Tô. Chúng ta không nên hài lòng với hiện trạng của mình cũng như chúng ta cũng không nên nản chí. Như bài thánh ca giản dị nhưng sâu sắc thôi thúc chúng ta hãy:
Dành thời gian để được thánh thiện, trong dòng đời hối hả;
dành ra thời gian riêng với Chúa Giê Su.
Bằng cách tìm đến Chúa Giê Su, anh chị em sẽ trở nên giống Ngài;
mọi người sẽ nhận thấy Ngài trong những điều anh chị em làm.36
Tôi làm chứng Chúa Giê Su Ky Tô chính là “bánh hằng sống từ trên trời xuống,”37 và rằng “Ai ăn thịt và uống huyết [Ngài] thì được sự sống đời đời,”38 trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.