Kế Hoạch và Bản Tuyên Ngôn
Bản tuyên ngôn về gia đình là sự tái nhấn mạnh của Chúa về các lẽ thật phúc âm mà chúng ta cần để giúp chúng ta có thể vững vàng vượt qua những thử thách hiện tại đến với gia đình.
Trong bản tuyên ngôn về gia đình của chúng ta, thật là hiển nhiên rằng các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được ban phước với giáo lý độc nhất vô nhị và những quan điểm khác nhau về thế giới. Chúng ta tham gia và thậm chí xuất sắc trong nhiều sinh hoạt của thế gian, nhưng lại không tham gia vào một số vấn đề vi chúng ta cố gắng noi theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài, cả thời xưa lẫn hiện đại.
I.
Trong một truyện ngụ ngôn, Chúa Giê Su đã mô tả những “kẻ nghe đạo” nhưng trở nên “không kết quả” khi lời đó là “[bị] nghẹt ngòi” bởi “sự lo lắng về đời này, và sự mê đắm và của cải” (Ma Thi Ơ 13:22). Về sau, Chúa Giê Su đã khiển trách Phi E Rơ vì chẳng nghĩ đến “việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta,” khi Ngài tuyên phán rằng: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” (Ma Thi Ơ 16:23, 26). Trong những lời giảng dạy cuối cùng của Ngài trên trần thế, Ngài phán với Các Sứ Đồ của Ngài: “Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian, … người đời ghét các ngươi” (Giăng 15:19; xin xem thêm Giăng 17:14, 16).
Tương tự như vậy, những văn bản của Các Sứ Đồ thời kỳ đầu của Chúa Giê Su thường xuyên sử dụng hình ảnh “thế gian” để miêu tả sự đối nghịch với việc giảng dạy phúc âm. Sứ Đồ Phao Lô dạy rằng: “Đừng làm theo đời này” (Rô Ma 12:2). “Vì sự khôn ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột.” (1 Cô Rinh Tô 3:19). Và ông đã cảnh báo rằng: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai … theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng [Ky Tô], mà bắt anh em phục chăng” (Cô Lô Se 2:8). Sứ Đồ Gia Cơ dạy rằng “làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao[.] Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Đức Chúa Trời vậy” (Gia Cơ 4:4).
Sách Mặc Môn thường sử dụng hình ảnh về sự đối nghịch này của “thế gian.” Nê Phi đã tiên tri về sự hủy diệt cuối cùng của những kẻ “được dựng lên để nổi tiếng dưới mắt người thế gian, và tất cả những kẻ tìm kiếm … những vật của thế gian” (1 Nê Phi 22:23; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:30). An Ma lên án những kẻ “tràn đầy kiêu ngạo … bởi những điều phù phiếm của thế gian” (An Ma 31:27). Giấc mơ của Lê Hi cho thấy rằng những người nào tìm cách đi theo thanh sắt, là lời của Thượng Đế, thì sẽ gặp phải sự đối nghịch của thế gian. Những người sống trong “tòa nhà rộng lớn vĩ đại” mà Lê Hi trông thấy đang “chế giễu và chỉ trỏ”, “khinh miệt” (1 Nê Phi 8:26–27, 33). Trong khải tượng của ông mà giải thích về giấc mơ này, Nê Phi học được rằng sự chế nhạo và đối nghịch này đến từ “các đám đông dân chúng trên thế gian, … thế gian và sự khôn ngoan của họ; … tính kiêu căng của thế gian” (1 Nê Phi 11:34–36).
Những lời cảnh báo và các lệnh truyền trong thánh thư này là không thuộc vào “thế gian” hoặc lệnh truyền hiện đại là “từ bỏ thế gian” có nghĩa là gì? (GLGƯ 53:2). Chủ Tịch Thomas S. Monson đã tóm lược những lời giảng dạy này: “Chúng ta cần phải thận trọng trong một thế giới đã xoay chuyển ra xa khỏi những sự việc thuộc linh. Chúng ta cần phải khước từ bất cứ điều gì không phù hợp với tiêu chuẩn của mình, từ chối trong tiến trình từ bỏ điều mình mong muốn nhất: cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc của Thượng Đế.”1
Thượng Đế sáng tạo thế gian này theo kế hoạch của Ngài nhằm cung cấp cho con cái linh hồn của Ngài một nơi để trải qua cuộc sống hữu diệt với tính cách là một bước cần thiết để hướng tới các vinh quang mà Ngài mong muốn cho tất cả các con cái của Ngài. Mặc dù có nhiều vương quốc và các vinh quang khác nhau, nhưng mong muốn tột bậc của Cha Thiên Thượng của chúng ta dành cho con cái của Ngài chính là điều mà Chủ Tịch Monson gọi là “cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc của Thượng Đế,” tức là sự tôn cao trong các gia đình. Điều này còn hơn cả sự cứu rỗi. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhắc nhở chúng ta: “Trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế, sự cứu rỗi là một vấn đề cá nhân; [nhưng] sự tôn cao là một vấn đề gia đình.”2
Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và bản tuyên ngôn về gia đình đầy soi dẫn, mà tôi sẽ thảo luận sau, đều là những lời giảng dạy thiết yếu nhằm hướng dẫn và chuẩn bị chúng ta trong cuộc sống hữu diệt này cho sự tôn cao. Mặc dù chúng ta phải sống với các luật pháp hôn nhân và những truyền thống khác của một thế giới ngày càng tà ác, nhưng những người nào đang cố gắng hết sức để hướng tới sự tôn cao cần phải có những lựa chọn cá nhân trong cuộc sống gia đình theo đường lối của Chúa bất cứ lúc nào điều đó khác với đường lối của thế gian.
Trong cuộc sống hữu diệt này, chúng ta không có ký ức gì về những gì đã xảy ra trước khi chúng ta được sinh ra, và giờ đây chúng ta đương đầu với sự đối nghịch. Chúng ta phát triển và trưởng thành về phần thuộc linh bằng cách chọn tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế với một chuỗi những lựa chọn ngay chính. Những điều này bao gồm các giao ước và giáo lễ cùng sự hối cải khi sự lựa chọn của chúng ta là sai. Ngược lại, nếu chúng ta thiếu đức tin nơi kế hoạch của Thượng Đế và không vâng theo hoặc cố ý không làm theo điều được đòi hỏi của kế hoạch đó, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ sự phát triển và trưởng thành đó. Sách Mặc Môn dạy rằng: “Cuộc sống này là thời gian cho loài người chuẩn bị để gặp Thượng Đế” (An Ma 34:32).
II.
Các Thánh Hữu Ngày Sau nào thấu hiểu kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế đều có một thế giới quan độc đáo mà giúp họ thấy được lý do của các giáo lệnh của Thượng Đế, bản chất bất biến của các giáo lễ được đòi hỏi của Ngài, và vai trò thiết yếu của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta cung cấp một con đường cho chúng ta để khắc phục cái chết, và giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi nếu chúng ta hối cải. Với thế giới quan đó, các Thánh Hữu Ngày Sau có những ưu tiên và lối sống đặc biệt và được ban phước với sức mạnh để chịu đựng những nỗi thất vọng và đau đớn của cuộc sống hữu diệt.
Chắc chắn là hành động của những người cố gắng tuân theo kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế có thể dẫn đến sự hiểu lầm hoặc thậm chí xung đột với những người trong gia đình hoặc bạn bè là những người không tin tưởng vào các nguyên tắc của kế hoạch này. Sự xung đột như vậy luôn luôn xảy ra. Mỗi thế hệ mà đã tìm cách tuân theo kế hoạch của Thượng Đế đều gặp phải thử thách. Từ thời xưa, tiên tri Ê Sai đã tiếp sức cho dân Y Sơ Ra Ên, là những người ông gọi là “dân biết điều công nghĩa, ghi luật pháp ta trong lòng.” Ngài phán với họ: “Chớ e người ta chê bai, đừng sợ họ nhiếc móc” (Ê Sai 51:7; xin xem thêm 2 Nê Phi 8:7). Nhưng bất kể nguyên nhân gây ra xung đột với những người không hiểu hoặc không tin vào kế hoạch của Thượng Đế là gì đi nữa, thì những người hiểu đều luôn luôn được truyền lệnh phải chọn đường lối của Chúa thay vì đường lối của thế gian.
III.
Kế hoạch phúc âm mà mỗi gia đình nên tuân theo để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao được vạch rõ trong bản tuyên ngôn của Giáo Hội vào năm 1995: “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.”3 Dĩ nhiên, những lời tuyên bố trong bản tuyên ngôn rõ ràng là khác biệt với một số luật pháp, lối sống, và sự tán thành của thế gian nơi chúng ta sinh sống. Trong thời của chúng ta, những sự khác biệt hiển nhiên nhất là việc sống chung như vợ chồng mà không kết hôn, hôn nhân đồng tính, và nuôi dạy con cái trong những mối quan hệ như thế. Những người không tin vào hoặc không mong muốn có được sự tôn cao và dễ bị thuyết phục nhất bởi những đường lối của thế gian xem bản tuyên ngôn về gia đình này chỉ là một chính sách cần được thay đổi. Trái lại, các Thánh Hữu Ngày Sau khẳng định rằng bản tuyên ngôn về gia đình vạch rõ kiểu mối quan hệ gia đình mà trong đó phần quan trọng nhất của sự phát triển vĩnh cửu của chúng ta có thể xảy ra.
Chúng ta đã chứng kiến sự chấp nhận công khai một cách nhanh chóng và càng ngày càng gia tăng của việc sống chung như vợ chồng mà không kết hôn và hôn nhân đồng tính. Tương ứng theo đó, sự tán thành của phương tiện truyền thông đại chúng, giáo dục, và thậm chí những đòi hỏi về nghề nghiệp đã gây ra những khó khăn thử thách cho Các Thánh Hữu Ngày Sau. Chúng ta cần phải cố gắng cân bằng những nhu cầu cạnh tranh của việc tuân theo luật phát của phúc âm trong cuộc sống cá nhân của mình và những lời giảng dạy, thậm chí khi chúng ta tìm cách bày tỏ tình yêu thương cho tất cả mọi người.4 Khi làm như vậy, đôi khi chúng ta đương đầu nhưng không cần phải sợ hãi điều mà Ê Sai gọi là việc “người ta chê bai.”
Các Thánh Hữu Ngày Sau đã được cải đạo tin tưởng rằng bản tuyên ngôn về gia đình, được đưa ra cách đây gần một phần tư thế kỷ và hiện đã được phiên dịch ra rất nhiều ngôn ngữ, là sự tái nhấn mạnh của Chúa về các lẽ thật phúc âm mà chúng ta cần để giúp chúng ta có thể vững vàng vượt qua những thử thách hiện tại đến với gia đình. Hai ví dụ là hôn nhân đồng tính và việc sống chung như vợ chồng mà không kết hôn. Chỉ 20 năm sau khi bản tuyên ngôn về gia đình được đưa ra, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã cho phép hôn nhân đồng tính, làm đảo ngược hôn nhân mà hàng ngàn năm qua được giới hạn giữa một người nam và một người nữ. Tỷ số phần trăm đầy sửng sốt của trẻ em Hoa Kỳ sinh ra với một người mẹ không kết hôn với người cha hiện đang tăng dần: 5 phần trăm vào năm 1960,5 32 phần trăm vào năm 1995,6 và bây giờ thì 40 phần trăm.7
IV.
Bản tuyên ngôn về gia đình mở đầu bằng cách tuyên bố rằng “hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài.″ Nó cũng khẳng định rằng “phái tính là một đặc điểm cơ bản của từng người cho riêng nguồn gốc và mục đích về trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu.” Nó tuyên bố thêm rằng “Thượng Đế đã truyền lệnh rằng những khả năng thiêng liêng về sự sinh sản chỉ được sử dụng giữa người nam và người nữ đã cưới hỏi hợp pháp là chồng và vợ mà thôi.”
Bản tuyên ngôn khẳng định bổn phận không ngừng của người chồng và người vợ là sinh sản và làm cho dẫy đầy đất và “bổn phận trọng đại [của họ] là yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và con cái của mình”: “Con cái phải được sinh ra trong vòng ràng buộc hôn nhân và được nuôi nấng bởi một người cha và một người mẹ biết tôn trọng những lời thệ ước hôn nhân với lòng chung thủy trọn vẹn.” Bản tuyên ngôn long trọng khuyến cáo việc ngược đãi người hôn phối hoặc con cái, và khẳng định rằng “Hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hầu như có thể đạt được khi được đặt trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.” Cuối cùng, bản tuyên ngôn kêu gọi sự đẩy mạnh chính thức “các biện pháp nhằm duy trì và củng cố gia đình như là một đơn vị cơ bản của xã hội.”
Vào năm 1995, Vị Chủ Tịch Giáo Hội và 14 Sứ Đồ khác của Chúa đã đưa ra những lời phát biểu quan trọng về giáo lý này. Là một trong số bảy Sứ Đồ còn sống trong số đó, tôi cảm thấy cần thiết phải chia sẻ thông tin về những gì đã dẫn đến bản tuyên ngôn về gia đình cho tất cả những ai quan tâm.
Giới lãnh đạo của Giáo Hội đã nhận được sự soi dẫn xác định việc cần thiết phải có một bản tuyên ngôn về gia đình cách đây hơn 23 năm. Điều này làm một số người ngạc nhiên vì họ cho rằng các lẽ thật giáo lý về hôn nhân và gia đình đều đã được hiểu rõ rồi và không cần nhắc lại nữa.8 Tuy vậy, chúng tôi cảm thấy được sự xác nhận và chúng tôi bắt tay làm việc. Các đề tài được các thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai chỉ ra và thảo luận trong gần một năm. Các từ ngữ được đề xuất, cân nhắc, và duyệt lại. Chúng tôi thành tâm tiếp tục khẩn nài với Chúa để được soi dẫn để biết chúng tôi nên nói về điều gì và nói như thế nào. Chúng tôi đều học “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một,” như Chúa đã hứa (GLGƯ 98:12).
Trong tiến trình mặc khải này, một bản thảo đã được đệ trình lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, là các vị trông coi và công bố những lời giảng dạy và giáo lý của Giáo Hội. Sau khi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã sửa chỉnh thêm, bản tuyên ngôn về gia đình đã được Chủ Tịch của Giáo Hội là Gordon B. Hinckley loan báo. Tại buổi họp hội phụ nữ vào ngày 23 tháng Chín năm 1995, ông đã giới thiệu bản tuyên ngôn với những lời sau: “Vì có quá nhiều ý nghĩ sai lầm mà được coi là lẽ thật, vì có quá nhiều sự lừa dối về những tiêu chuẩn đạo đức, vì có quá nhiều sự lôi cuốn và cám dỗ dần dần làm ô uế những sự việc của thế gian, nên chúng tôi cảm thấy cần phải cảnh giác và báo trước.”9
Tôi làm chứng rằng bản tuyên ngôn về gia đình là một lời phát biểu về lẽ thật vĩnh cửu, ý muốn của Chúa dành cho các con cái của Ngài đang tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu. Bản tuyên ngôn này đã là nền tảng của sự giảng dạy và thực hành của Giáo Hội trong 22 năm qua và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Hãy xem nó là như vậy, hãy giảng dạy, sống theo bản tuyên ngôn đó, và anh chị em sẽ được phước khi anh chị em dấn bước tiến đến cuộc sống vĩnh cửu.
Cách đây bốn mươi năm, Chủ Tịch Ezra Taft Benson dạy rằng “mỗi thế hệ đều có những thử thách và cơ hội riêng để đứng lên và tự chứng tỏ mình.”10 Tôi tin rằng thái độ của chúng ta về bản tuyên ngôn về gia đình và việc sử dụng nó là một trong những thử thách đối với thế hệ này. Tôi cầu nguyện cho tất cả các Thánh Hữu Ngày Sau hãy đứng vững vàng trong thử thách đó.
Tôi kết thúc với những lời giảng dạy của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã được đưa ra hai năm sau khi công bố bản tuyên ngôn về gia đình. Ông nói: “Tôi thấy một tương lai tuyệt vời trong một thế giới đầy bấp bênh. Nếu chịu bám chặt vào các giá trị của mình, nếu chịu dựa vào di sản của chúng ta, nếu chịu bước đi trong sự vâng lời trước mặt Chúa, nếu chỉ sống theo phúc âm, thì chúng ta sẽ được ban phước một cách kỳ diệu và tuyệt vời. Chúng ta sẽ được thấy là một dân tộc độc đáo đã tìm ra bí quyết cho một hạnh phúc độc đáo.”11
Tôi làm chứng về lẽ thật và tầm quan trọng vĩnh cửu của bản tuyên ngôn về gia đình, đã được Chúa Giê Su Ky Tô mặc khải cho Các Sứ Đồ của Ngài cho sự tôn cao của con cái của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4), trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.