2010–2019
Các Ân Tứ Quý Báu từ Thượng Đế
Tháng Tư năm 2018


2:3

Các Ân Tứ Quý Báu từ Thượng Đế

Cuộc sống có thể tràn đầy đức tin, niềm vui, hạnh phúc, hy vọng, và tình yêu thương khi chúng ta thực hành một phần nhỏ nhất của đức tin thực sự nơi Đấng Ky Tô.

Anh chị em thân mến của tôi, chúng ta mới vừa tham dự một cuộc họp trọng thể, một tập quán mà có thể được truy ngược trở lại tới Kinh Thánh khi dân Y Sơ Ra Ên thời xưa tụ họp để cảm nhận sự hiện diện của Thượng Đế và ca tụng các phước lành của Ngài.1 Chúng ta có đặc ân để sống trong một thời kỳ mà tập quán cổ xưa này đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith.2 Tôi khuyến khích anh chị em nên ghi vào nhật ký riêng của mình những gì anh chị em cảm thấy về dịp thiêng liêng nhất này mà mình đã tham dự.

Mới gần đây, chúng ta giã từ người bạn thân thiết và vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson. Mặc dù chúng ta đều nhớ ông, nhưng chúng ta vô cùng biết ơn Chúa đã kêu gọi một vị tiên tri mới, Chủ Tịch Russell M. Nelson, để chủ tọa Giáo Hội của Ngài. Trong một cách thức có trật tự, giờ đây chúng ta đã bắt đầu một chương mới trong lịch sử của Giáo Hội. Đây là một ân tứ quý báu từ Thượng Đế.

Khi mỗi chúng ta giơ tay lên để tán trợ Chủ Tịch Nelson, chúng ta hành động với tư cách là các nhân chứng trước Thượng Đế và công nhận rằng ông là người kế nhiệm chính đáng của Chủ Tịch Monson. Bằng cách giơ tay lên, chúng ta hứa sẽ vâng theo tiếng nói của ông khi ông nhận được sự hướng dẫn từ Chúa.

Chúa đã phán:

“Các ngươi phải chú tâm vào tất cả những lời nói của hắn [có nghĩa là vị Chủ Tịch của Giáo Hội] cùng những giáo lệnh mà hắn sẽ ban ra cho các ngươi khi hắn tiếp nhận được … ;

“Vì vậy các ngươi phải tiếp nhận lời nói của hắn với tất cả lòng kiên nhẫn và đức tin, chẳng khác chi lời nói ấy phát ra từ chính miệng ta.”3

Tôi quen biết vị tiên tri-chủ tịch mới của chúng ta được hơn 60 năm. Tôi đã phục vụ với ông trong Nhóm Túc Số Mười Hai trong 33 năm, và tôi là một nhân chứng rằng bàn tay của Chúa đã chuẩn bị ông trở thành vị sứ đồ chủ tọa và tiên tri của chúng ta để điều hành tất cả các chìa khóa của thánh chức tư tế trên thế gian. Tôi hy vọng rằng mỗi người chúng ta hãy hoàn toàn tán trợ ông và hai cố vấn của ông, cùng tuân theo lời chỉ bảo của họ. Chúng ta cũng nồng nhiệt chào mừng Anh Cả Gong và Anh Cả Soares với tư cách là các thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Sau Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su, một sự kiện mà chúng ta ăn mừng vào ngày cuối tuần lễ Phục Sinh huy hoàng này, Ngài đã hiện ra cùng các môn đồ Ngài và phán: “Bình an cho các ngươi: Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các người thể ấy.”4 Hãy chú ý đến hành động có hai bước—Thượng Đế gửi Con Trai Ngài. Con Trai Ngài sai các tôi tớ của Ngài—những người nam và người nữ trên trần thế—để hoàn thành công việc của Hai Ngài.

Chúng ta không cần phải ngạc nhiên khi biết rằng các cá nhân đó được kêu gọi để làm công việc của Chúa thì không phải là những người hoàn hảo. Các câu chuyện trong thánh thư mô tả tỉ mỉ những tình tiết về những người nam và nữ được Thượng Đế kêu gọi để hoàn thành một công việc lớn lao—những người con trai và con gái ngoan ngoãn của Cha Thiên Thượng, cố gắng làm hết sức mình, tuy nhiên không ai là hoàn hảo cả. Cũng đúng như vậy đối với chúng ta ngày nay.

Với thực tế về những yếu kém và thiếu sót của con người chúng ta, làm thế nào chúng ta tiến bước để hỗ trợ và tán trợ lẫn nhau? Điều đó bắt đầu với đức tin—đức tin thật sự và chân thành nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi là nguyên tắc thứ nhất của giáo lý và phúc âm của Đấng Ky Tô.

Cách đây vài năm, tôi đang đi tham quan Đất Thánh. Trong khi chúng tôi lái xe ngang qua một cây cải, vị giám đốc Trung Tâm BYU Giê Ru Sa Lem hỏi xem tôi đã bao giờ trông thấy một hột cải chưa. Tôi chưa từng thấy, vì thế chúng tôi đã dừng xe lại. Ông cho tôi xem những cái hột từ cây cải. Thật ngạc nhiên, những cái hột đó rất là nhỏ.

Rồi tôi nhớ đến những lời giảng dạy của Ngài: “Vì ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được.”5

Nếu chúng ta có đức tin nhỏ như một hột cải, thì Chúa có thể giúp chúng ta cất bỏ những thử thách khó khăn của sự chán nản và nghi ngờ trong những nhiệm vụ trước mắt khi chúng ta phục vụ cùng với con cái của Thượng Đế, kể cả những người trong gia đình, các tín hữu Giáo Hội, và những người chưa phải là tín hữu của Giáo Hội.

Thưa các anh chị em, cuộc sống có thể tràn đầy đức tin, niềm vui, hạnh phúc, hy vọng, và tình yêu thương khi chúng ta thực hành một phần nhỏ nhất của đức tin thực sự nơi Đấng Ky Tô—thậm chí chỉ một chút ít đức tin.

Anh Cả George A. Smith nhớ lại một số lời khuyên bảo mà Tiên Tri Joseph Smith đưa ra cho ông: “Ông bảo tôi hãy đừng bao giờ chán nản, dù tôi có thể gặp phải những khó khăn nào. Nếu tôi có bị lún xuống dưới hố sâu nhất ở Nova Scotia và cả dãy núi Rocky Mountains chồng chất lên người tôi, thì tôi cũng không nên nản chí mà phải kiên trì chịu đựng, thực hành đức tin, và tiếp tục can đảm rồi tôi sẽ vượt qua mọi thử thách.”6

Chúng ta cần phải ghi nhớ lời tuyên bố của Phao Lô: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.”7 Việc biết được điều này là một ân tứ khác từ Thượng Đế.

Ngoài các ân tứ tôi đã đề cập đến, còn có nhiều, nhiều ân tứ khác nữa. Giờ đây tôi chỉ nói về một vài ân tứ—ân tứ về ngày Sa Bát, Tiệc Thánh, sự phục vụ người khác, và ân tứ vô song từ Thượng Đế rằng Ngài đã gửi Đấng Cứu Rỗi đến cho chúng ta.

Quyền năng của ngày Sa Bát là để cảm nhận ở nhà thờ và ở nhà niềm hân hoan, niềm vui, và cảm giác ấm áp của Thánh Linh của Chúa mà không có bất cứ hình thức xao lãng nào.

Quá nhiều người cho phép mình gần như sống trực tuyến với các thiết bị thông minh của họ—màn hình chiếu sáng khuôn mặt của họ cả ngày lẫn đêm và tai nghe gắn vào tai họ ngăn cản tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái của Thánh Linh. Nếu chúng ta không tìm ra thời gian để rời xa thiết bị của mình, thì chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội để lắng nghe tiếng nói của Ngài, là Đấng đã phán: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời.”8 Giờ đây, không có gì là sai trái trong việc tận dụng những tiến bộ trong các công nghệ mà Chúa đã soi dẫn, nhưng chúng ta phải sáng suốt trong việc sử dụng chúng. Hãy ghi nhớ ân tứ về ngày Sa Bát.

Phước lành của việc tiếp nhận Tiệc Thánh trong buổi lễ Tiệc Thánh không bao giờ nên trở thành thói quen hoặc chỉ đơn thuần là điều gì đó chúng ta làm. Buổi lễ này chỉ có 70 phút trong cả tuần là khi chúng ta có thể nghỉ ngơi và tìm thấy sự bình an, niềm vui, và hạnh phúc nhiều hơn trong cuộc sống của mình.

Việc dự phần Tiệc Thánh và tái lập các giao ước của chúng ta là một dấu hiệu mà chúng ta đưa ra cho Chúa rằng chúng ta luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài. Sự Chuộc Tội của Ngài là một ân tứ quý báu từ Thượng Đế.

Đặc ân để phục vụ con cái của Cha Thiên Thượng là một cơ hội khác để noi theo tấm gương của Con Trai Yêu Dấu của Ngài bằng cách phục vụ lẫn nhau.

Một số cơ hội phục vụ là chính thức—trong gia đình chúng ta, trong các chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội, và sự tham gia của chúng ta trong các tổ chức phục vụ của cộng đồng.

Các tín hữu Giáo Hội—cả nam lẫn nữ—không nên ngần ngại, nếu họ muốn, hãy tranh cử cho chức vụ trong chính phủ ở bất cứ cấp chính quyền nào ở nơi nào họ đang sống. Ngày nay, tiếng nói của chúng ta rất cần thiết và quan trọng trong trường học, thành phố, và quốc gia của chúng ta. Ở đâu có dân chủ, thì đó là bổn phận của chúng ta với tư cách là tín hữu phải bầu cử cho những người nam và người nữ đáng kính sẵn sàng phục vụ.

Nhiều cơ hội phục vụ thì không chính thức—không được chỉ định—và xuất hiện khi mà chúng ta tìm đến giúp đỡ những người khác mà chúng ta gặp trên đường đời. Hãy nhớ rằng Chúa Giê Su đã dạy người thầy dạy luật rằng chúng ta cần phải yêu mến Thượng Đế và người lân cận như mình, sử dụng tấm gương của người Sa Ma Ri nhân lành.9

Sự phục vụ mang đến cơ hội mà qua đó chúng ta thấu hiểu cuộc đời và giáo vụ của Đấng Ky Tô. Ngài đến để phục vụ, như thánh thư dạy: “Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.”10

Phi E Rơ có thể đã mô tả rõ nhất về giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi bằng chín từ khi ông nhắc đến Chúa Giê Su, “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước.”11

Chúa Giê Su Ky Tô là ân tứ quý báu nhất của chúng ta trong tất cả mọi ân tứ từ Thượng Đế. Chúa Giê Su phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”12

Nê Phi bày tỏ tầm quan trọng của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta khi ông tuyên bố: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”13 Chúng ta cần phải làm cho Đấng Ky Tô là trọng tâm của cuộc sống của mình vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.

Chúng ta cần nhớ rằng danh Ngài có ở trên những nơi thờ phượng của chúng ta; chúng ta chịu phép báp têm trong danh Ngài; và chúng ta được làm lễ xác nhận, được sắc phong, làm lễ thiên ân, và làm lễ gắn bó hôn nhân trong danh Ngài. Chúng ta dự phần Tiệc Thánh và hứa tự mang lấy danh Ngài—và trở thành các Ky Tô hữu chân chính. Cuối cùng, chúng ta được yêu cầu trong lời cầu nguyện Tiệc Thánh để “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.”14

Trong khi chúng ta chuẩn bị cho Chủ Nhật lễ Phục Sinh ngày mai, chúng ta cần nhớ rằng Đấng Ky Tô là Đấng Tối Cao. Ngài là Quan Án Công Bình, Đấng Biện Hộ trung thành của chúng ta, Đấng Cứu Chuộc đầy ân phước của chúng ta, Đấng Chăn hiền lành, Đấng Mê Si đã được hứa, một người Bạn trung thành, và còn nhiều nữa. Ngài quả thật là một ân tứ vô cùng quý báu mà Đức Chúa Cha ban cho chúng ta.

Trong vai trò môn đồ của chúng ta, chúng ta có nhiều điều được đòi hỏi, nỗi lo lắng, và công việc được chỉ định. Tuy nhiên, một số sinh hoạt luôn luôn phải là trọng tâm của vai trò tín hữu của chúng ta trong Giáo Hội. Chúa truyền lệnh: “Vậy nên, hãy trung thành; hãy đứng vững trong chức vụ mà ta đã chỉ định cho ngươi; hãy cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”15

Đây là công việc của Giáo Hội! Đây là tôn giáo thanh khiết! Đây là ý nghĩa thực sự của phúc âm khi chúng ta trợ giúp, nâng đỡ, và củng cố những người có nhu cầu về phần thuộc linh và vật chất! Việc làm như vậy đòi hỏi chúng ta phải thăm viếng họ và hỗ trợ họ,16 để chứng ngôn của họ về đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài sẽ ghi sâu vào lòng họ.

Cầu xin Chúa giúp đỡ và ban phước chúng ta để chúng ta trân quý nhiều ân tứ quý báu của mình từ Thượng Đế, kể cả vai trò tín hữu của mình trong Giáo Hội phục hồi của Ngài. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ được tràn đầy tình yêu thương dành cho con cái của Cha Thiên Thượng và có thể thấy được nhu cầu của họ và sẵn lòng trả lời những thắc mắc và mối lo âu của họ về phúc âm trong những cách thức rõ ràng và tử tế mà sẽ gia tăng sự hiểu biết và lòng biết ơn đối với nhau.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Những gì chúng ta sẽ được giảng dạy tại đại hội trung ương này sẽ đến với chúng ta qua sự soi dẫn từ các vị sứ đồ và tiên tri, từ Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, và các chị em lãnh đạo là Các Chức Sắc Trung Ương của Giáo Hội. Cầu xin niềm vui và sự bình an của Chúa ở cùng với mỗi anh chị em, là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.