Tấm Lòng của một Vị Tiên Tri
Chúng ta có thể vui mừng rằng vị tiên tri của Chúa đã được kêu gọi và rằng công việc của Chúa đang được hoàn thành theo cách mà Ngài đã đặt ra một cách thiêng liêng.
Tôi đã nhiệt thành cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ ở cùng với mỗi chúng ta hôm nay trong dịp thiêng liêng này. Điều chúng ta đã cùng nhau chứng kiến đã gây ấn tượng sâu sắc nhất chính là vị tiên tri thứ 17 của gian kỳ này đã được tán trợ trong cuộc họp trọng thể.
Khi tôi tìm kiếm sự hướng dẫn để biết đề tài Chúa muốn tôi ngỏ lời hôm nay, tôi đã nghĩ đến một cuộc trò chuyện gần đây với Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới vừa được kêu gọi. Trong cuộc thảo luận này, một trong các cố vấn chia sẻ những lời giống như sau: “Tôi thật sự hy vọng rằng các tín hữu của Giáo Hội có thể hiểu tầm quan trọng của điều đã diễn ra với sự kêu gọi của vị tiên tri mới của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, và tầm quan trọng và tính chất thiêng liêng của cuộc họp trọng thể mà sẽ diễn ra tại đại hội trung ương.” Ông nói thêm: “Đã 10 năm trôi qua, và nhiều người, đặc biệt là giới trẻ của Giáo Hội, không nhớ hoặc chưa hề chứng kiến sự kiện này.”
Điều này làm tôi nhớ lại kinh nghiệm của tôi. Vị tiên tri đầu tiên tôi còn nhớ là Chủ Tịch David O. McKay. Ông qua đời khi tôi 14 tuổi. Tôi nhớ đã có cảm giác mất mát trước sự ra đi của ông, những giọt lệ trong mắt của mẹ tôi, và nỗi buồn mà cả gia đình chúng tôi đều cảm thấy. Tôi nhớ đã thốt ra những lời “Xin ban phước cho Chủ Tịch David O. McKay” một cách tự nhiên trong lời cầu nguyện của tôi mà nếu không để ý, thậm chí sau khi ông mất, thì tôi thấy mình vẫn tiếp tục thốt lên những lời đó. Tôi tự hỏi liệu tấm lòng và tâm trí mình sẽ có cùng một cảm giác và sự tin chắc như vậy về các vị tiên tri kế nhiệm ông không. Nhưng gần giống như cha mẹ yêu thương mỗi đứa con của mình, tôi nảy sinh một tình yêu thương, một mối liên hệ, và chứng ngôn về Chủ Tịch Joseph Fielding Smith, người đã kế nhiệm Chủ Tịch McKay, và về mỗi vị tiên tri sau đó: Harold B. Lee, Spencer W. Kimball, Ezra Taft Benson, Howard W. Hunter, Gordon B. Hinckley, Thomas S. Monson, và ngày nay là Chủ Tịch Russell M. Nelson. Tôi hoàn toàn tán trợ mỗi vị tiên tri khi giơ tay biểu quyết—và với một tấm lòng hân hoan.
Khi mỗi vị tiên tri yêu dấu của chúng ta qua đời, thật là hiển nhiên để cảm thấy buồn rầu và mất mát. Nhưng nỗi buồn của chúng ta được xoa dịu nhờ niềm vui và hy vọng mà đến khi chúng ta cảm nhận được một trong các phước lành lớn lao của Sự Phục Hồi: sự kêu gọi và tán trợ một vị tiên tri tại thế trên thế gian.
Vì lý do đó, tôi sẽ nói về tiến trình thiêng liêng này như đã được tuân theo trong 90 ngày vừa qua. Tôi sẽ mô tả tiến trình đó trong bốn phần: thứ nhất, sự qua đời của vị tiên tri của chúng ta và sự giải tán của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn; thứ hai, khoảng thời gian chờ đợi sự tái tổ chức Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới; thứ ba, sự kêu gọi vị tiên tri mới; và thứ tư, sự tán trợ vị tiên tri mới và Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới trong cuộc họp trọng thể.
Sự Qua Đời của một Vị Tiên Tri
Vào ngày 2 tháng Một, năm 2018, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta Thomas S. Monson qua đời. Ông sẽ mãi mãi ở trong trái tim chúng ta. Chủ Tịch Henry B. Eyring đã chia sẻ cảm nghĩ vào lúc Chủ Tịch Monson qua đời mà mô tả chính xác cảm nghĩ của chúng ta: “Đặc tính nổi bật của cuộc đời ông, giống như Đấng Cứu Rỗi, là mối quan tâm lo lắng của cá nhân ông trong việc tìm đến người nghèo khó, người bệnh—thậm chí tất cả các cá nhân—trên khắp thế giới.”1
Chủ Tịch Spencer W. Kimball giải thích:
“Khi một ngôi sao lặn xuống dưới đường chân trời, thì một ngôi sao khác sẽ hiện ra trong quang cảnh đó, và cái chết sinh ra sự sống.
“Công việc của Chúa là vô tận. Thậm chí khi một vị lãnh đạo đầy quyền năng qua đời, không có một khoảnh khắc nào mà Giáo Hội không có người lãnh đạo, vì Thượng Đế nhân từ đã làm cho vương quốc của Ngài được liên tục và vĩnh cửu. Trong cùng cách thức đã diễn ra … từ trước trong gian kỳ này, người ta nghiêm trang giã từ vị tiên tri của mình, lau khô nước mắt, và hướng tới tương lai.”2
Thời Kỳ Do Các Vị Sứ Đồ Chủ Tọa
Khoảng thời gian giữa sự qua đời của một vị tiên tri và sự tái tổ chức của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn được gọi là “thời kỳ do các vị sứ đồ chủ tọa.” Trong thời gian này, Nhóm Túc Số Mười Hai, dưới sự lãnh đạo của vị chủ tịch nhóm túc số, cùng nhau nắm giữ các chìa khóa để điều hành công việc lãnh đạo của Giáo Hội. Chủ Tịch Joseph F. Smith đã dạy: “Trong Giáo Hội luôn có một người đứng đầu, và nếu Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội bị tan rã vì cái chết hoặc lý do khác, thì người tiếp theo đứng đầu Giáo Hội là Các Vị Sứ Đồ, cho đến khi một chủ tịch đoàn được tổ chức lại.”3
Khoảng thời gian như vậy gần đây nhất bắt đầu vào lúc Chủ Tịch Monson qua đời vào ngày 2 tháng Một và chấm dứt 12 ngày sau đó, vào Chủ Nhật, ngày 14 tháng Một. Vào sáng ngày Sa Bát đó, Nhóm Túc Số Mười Hai họp tại căn phòng trên lầu của Đền Thờ Salt Lake trong một tinh thần nhịn ăn và cầu nguyện, dưới sự hướng dẫn chủ tọa của Chủ Tịch Russell M. Nelson, Sứ Đồ trưởng và Chủ Tịch của Nhóm Túc Số Mười Hai.
Sự Kêu Gọi một Vị Tiên Tri Mới
Tại buổi họp thiêng liêng và đáng nhớ này, tuân theo một mẫu mực đã có từ lâu trong tinh thần đoàn kết và nhất trí, Các Anh Em thẩm quyền, ngồi theo cấp bậc thâm niên trong hình bán nguyệt trên 13 chiếc ghế, đã giơ tay lên để trước hết tán trợ sự tổ chức của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn rồi sau đó tán trợ Chủ Tịch Russell Marion Nelson với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tiếp theo sự tán trợ này, Nhóm Túc Số Mười Hai quy tụ thành một vòng tròn và đặt tay lên đầu của Chủ Tịch Nelson để sắc phong và phong nhiệm ông, với vị sứ đồ kế tiếp trong mức độ thâm niên là người đại diện để thực hiện giáo lễ.
Chủ Tịch Nelson cho biết tên của hai cố vấn của ông, Chủ Tịch Dallin Harris Oaks, Chủ Tịch Henry Bennion Eyring, với Chủ Tịch Oaks là Chủ Tịch của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và Chủ Tịch Melvin Russell Ballard là Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Tiếp theo những sự biểu quyết tán trợ tương tự, mỗi Anh Em Thẩm Quyền này đã được Chủ Tịch Nelson phong nhiệm cho các chức vụ tương ứng của mình. Đây là một kinh nghiệm vô cùng thiêng liêng, tràn đầy Thánh Linh. Tôi đưa ra cho anh chị em lời chứng tuyệt đối của tôi rằng ý muốn của Chúa, điều mà chúng tôi đã nhiệt thành cầu xin, đã biểu hiện mạnh mẽ trong những sinh hoạt và sự kiện của ngày hôm đó.
Với sự sắc phong của Chủ Tịch Nelson và việc tái tổ chức của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, thời kỳ do các vị sứ đồ chủ tọa đã chấm dứt, và Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới được thiết lập đã bắt đầu làm việc, đáng chú ý là không hề có một giây phút gián đoạn nào trong việc cai quản vương quốc của Chúa trên thế gian.
Cuộc Họp Trọng Thể
Buổi sáng hôm nay, tiến trình thiêng liêng này đã kết thúc theo như chỉ thị được vạch ra trong sách Giáo Lý và Giao Ước: “Vì tất cả mọi sự việc đều phải được làm theo thứ tự và bằng sự ưng thuận chung trong giáo hội, bằng sự cầu nguyện bởi đức tin,”4 và “ba Thầy Tư Tế Thượng Phẩm Chủ Tọa, … qua sự tín nhiệm, đức tin, cùng lời cầu nguyện của giáo hội, họp thành một nhóm túc số Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội.”5
Anh Cả David B. Haight đã mô tả một sự kiện đã xảy ra trước đây về cuộc họp mà chúng ta tham dự hôm nay:
“Chúng ta là các nhân chứng và người tham dự vào một dịp thiêng liêng—một cuộc họp trọng thể để hành động theo những sự việc thiêng liêng. Giống như trong thời xưa, Các Thánh Hữu trên khắp thế giới đã nhịn ăn và cầu nguyện rất nhiều để họ có thể được tràn đầy Thánh Linh của Chúa, mà đã biểu hiện rất hiển nhiên … vào dịp này buổi sáng hôm nay.
“Một cuộc họp trọng thể, như chính ý nghĩa của cái tên đó, chỉ rõ một dịp thiêng liêng, nghiêm túc, và trang trọng mà Các Thánh Hữu nhóm họp dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.”6
Thưa các anh chị em, chúng ta có thể vui mừng—thậm chí reo lên “Hô Sa Na!”—rằng người phát ngôn của Chúa, vị tiên tri của Thượng Đế, đã được kêu gọi và rằng Chúa rất hài lòng rằng công việc của Ngài đang được hoàn thành theo cách thiêng liêng mà Ngài đã đặt ra.
Chủ Tịch Russell M. Nelson
Tiến trình đã được Thượng Đế quy định này dẫn đến một vị tiên tri khác được Thượng Đế kêu gọi. Giống như Chủ Tịch Monson là một trong những người phi thường nhất đã từng sống trên thế gian này, Chủ Tịch Nelson cũng vậy. Ông đã được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng và được Chúa đặc biệt chỉ bảo để lãnh đạo chúng ta vào lúc này. Thật là một phước lành lớn lao bây giờ để có Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri yêu dấu và tận tụy của chúng ta—Chủ Tịch thứ 17 của Giáo Hội trong gian kỳ cuối cùng này.
Chủ Tịch Nelson thật sự là một người phi thường. Tôi có đặc ân phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai với ông là chủ tịch nhóm túc số của tôi trong hơn hai năm. Tôi đã hành trình cùng ông và ngạc nhiên trước sức lực của ông, bởi vì một người cần phải đi rất nhanh mới theo kịp ông! Tổng cộng, ông đã đến thăm 133 quốc gia trong cuộc đời ông.
Ông tìm đến tất cả mọi người, cả người trẻ tuổi lẫn lớn tuổi. Dường như ông biết hết mọi người và đặc biệt có tài nhớ tên. Tất cả những ai quen biết ông đều cảm thấy được ông yêu mến. Và cũng như vậy với mỗi chúng ta—bởi vì tình yêu thương thuần túy và sự quan tâm của ông dành cho mọi người.
Mối quan hệ của tôi với Chủ Tịch Nelson chủ yếu là trong các vai trò trong Giáo Hội, tôi cũng trở nên quen thuộc với cuộc sống nghề nghiệp của Chủ Tịch Nelson trước khi ông được kêu gọi với tư cách là Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Như nhiều anh chị em biết, Chủ Tịch Nelson là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thế giới và vào thời kỳ đầu trong nghề y của ông, ông là một trong những người giúp sáng tạo ra máy tim phổi. Chủ Tịch Nelson ở trong đội nghiên cứu mà đã hỗ trợ ca phẫu thuật tim hở đầu tiên trên con người vào năm 1951, sử dụng máy tim phổi nhân tạo. Chủ Tịch Nelson đã thực hiện ca phẫu thuật tim cho Chủ Tịch Spencer W. Kimball không lâu trước khi Chủ Tịch Kimball trở thành vị tiên tri.
Thật là thú vị, tuy sự kêu gọi của Chủ Tịch Nelson vào Nhóm Túc Số Mười Hai cách đây 34 năm đã kết thúc một sự nghiệp y khoa chuyên tăng cường và chữa bệnh tim mạch, nhưng nó đã bắt đầu một giáo vụ với tư cách là một Sứ Đồ tận tụy hết mình để củng cố và chữa lành tấm lòng của vô số ngàn người trên khắp thế giới, mỗi người đã được nâng đỡ và chữa lành bởi lời nói và hành động thông sáng, sự phục vụ, và tình yêu thương của ông.
Một Tấm Lòng Giống như Đấng Ky Tô
Khi tôi hình dung ra một tấm lòng giống như Đấng Ky Tô trong những việc làm hằng ngày, thì tôi thấy hình ảnh của Chủ Tịch Nelson. Tôi chưa bao giờ gặp một người nào nêu gương về đặc tính này ở một mức độ cao hơn ông. Thật là một sự giảng dạy đặc biệt đối với tôi để được ở trong vị trí đích thân quan sát sự thể hiện của tấm lòng giống như Đấng Ky Tô của Chủ Tịch Nelson.
Trong vòng vài tuần khi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai vào tháng Mười năm 2015, tôi có được cơ hội để có một cái nhìn khái quát về sự nghiệp trước đây của Chủ Tịch Nelson. Tôi được mời tham dự một sự kiện trong đó ông được vinh danh với tư cách là một bác sĩ tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật tim. Khi bước vào phòng họp, tôi đã kinh ngạc thấy rất nhiều nhà chuyên môn đã đến để vinh danh và ghi nhận công việc mà Chủ Tịch Nelson đã làm trong nhiều năm trước với tư cách là bác sĩ y khoa và bác sĩ giải phẫu.
Buổi tối hôm đó, nhiều nhà chuyên môn đã đứng lên và bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ đối với đóng góp xuất sắc của Chủ Tịch Nelson trong chuyên ngành y khoa của ông. Như mỗi người thuyết trình đã rất cảm động trong khi mô tả nhiều thành tích của Chủ Tịch Nelson, tôi thậm chí còn cuốn hút hơn bởi cuộc trò chuyện với người đàn ông ngồi cạnh mà tôi đã bắt chuyện. Ông ta không biết tôi là ai, nhưng ông ta biết Chủ Tịch Nelson là Bác Sĩ Nelson, là giám đốc chương trình nội trú phẫu thuật lồng ngực tại một trường y khoa vào năm 1955.
Người đàn ông này là cựu sinh viên của Chủ Tịch Nelson. Ông ta đã chia sẻ nhiều kỷ niệm. Thú vị nhất là ông ta mô tả phong cách giảng dạy của Chủ Tịch Nelson, mà ông ta nói là được nhiều người biết đến. Ông ta giải thích rằng hầu hết việc giảng dạy cho các sinh viên nội trú phẫu thuật tim được tiến hành trong phòng phẫu thuật. Ở đó, các sinh viên nội trú quan sát và thực tập giải phẫu dưới sự giám sát của giảng viên, giống như là một phòng học thí nghiệm. Ông ta chia sẻ rằng môi trường của phòng phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của một vài giảng viên phẫu thuật thì thật hỗn loạn, đua tranh, đầy áp lực, và thậm chí ích kỷ. Người này mô tả đó là một môi trường rất khó khăn, đôi khi thậm chí còn hạ thấp phẩm giá. Kết quả là, các sinh viên nội trú giải phẫu thậm chí còn cảm thấy sự nghiệp của họ rất mập mờ.
Sau đó ông ta giải thích môi trường mà chỉ được tìm thấy trong phòng giải phẫu của Chủ Tịch Nelson. Nó bình an, điềm tĩnh, và nghiêm túc. Các sinh viên nội trú đều được đối xử một cách rất tôn trọng. Tuy nhiên, sau khi trình bày một thủ tục y khoa, Bác Sĩ Nelson kỳ vọng tiêu chuẩn làm việc cao nhất từ mỗi sinh viên nội trú. Ông ta mô tả thêm cách mà phòng giải phẫu của Bác Sĩ Nelson cho ra những kết quả tốt nhất của bệnh nhân và những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất.
Điều này không hề làm tôi ngạc nhiên. Đây là điều tôi đã đích thân chứng kiến, và thực sự được ban phước vì ở trong Nhóm Túc Số Mười Hai. Tôi cảm thấy mình đã, theo một ý nghĩa nào đó, là một trong các “sinh viên thực tập nội trú” của ông.
Chủ Tịch Nelson có một phương pháp đặc biệt để giảng dạy người khác và đưa ra sự sửa dạy trong một cách tích cực, tôn trọng, và nâng cao. Ông là hiện thân của một tấm lòng giống như Đấng Ky Tô và là một tấm gương cho tất cả chúng ta. Chúng ta học được từ ông rằng dù chúng ta đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, cách cư xử và tấm lòng chúng ta có thể phù hợp với các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Bây giờ chúng ta có một phước lành lớn lao để tán trợ vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson. Trong suốt cuộc đời ông, ông đã làm vinh hiển nhiều vai trò khác nhau của mình với tư cách là học sinh, người cha, giáo sư, người chồng, bác sĩ, người lãnh đạo chức tư tế, người ông, và Sứ Đồ. Ông đã hoàn thành các vai trò này lúc đó—và tiếp tục làm như vậy—với tấm lòng của một vị tiên tri.
Anh chị em thân mến, điều chúng ta đã chứng kiến và tham gia ngày hôm nay, trong cuộc họp trọng thể, dẫn đến lời chứng của tôi rằng Chủ Tịch Russell M. Nelson là người phát ngôn tại thế của Chúa cho tất cả nhân loại. Tôi cũng thêm chứng ngôn của tôi về Thượng Đế Đức Chúa Cha, về Chúa Giê Su Ky Tô, và về vai trò của Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.