Đến Bảy Mươi Lần Bảy
Ở giữa cuộc sống đầy những chướng ngại vật và sự không hoàn hảo, chúng ta đều biết ơn có được những cơ hội thứ hai.
Lỗi lầm là một thực tế của cuộc sống. Về cơ bản, một người không thể học cách chơi đàn piano giỏi nếu không mắc phải hàng ngàn lỗi—thậm chí còn có thể là một triệu lỗi. Để học một ngoại ngữ, một người phải chịu bị ngượng ngùng vì mắc phải hàng ngàn lỗi—thậm chí còn có thể là một triệu lỗi. Ngay cả các vận động viên tài giỏi nhất của thế giới cũng không bao giờ ngừng mắc phải lỗi lầm.
Người ta nói rằng: “Thành công không phải là không thất bại, mà là đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình.”1
Khi phát minh ra bóng đèn, Thomas Edison công khai thừa nhận: “Tôi đã không thất bại 1.000 lần. Bóng đèn là một phát minh với 1.000 bước.”2 Charles F. Kettering gọi thất bại là “bảng chỉ đường trên con đường dẫn đến thành tựu.”3 Hy vọng rằng mỗi lỗi lầm của chúng ta sẽ trở thành một bài học về sự khôn ngoan, biến những chướng ngại vật thành những phương tiện để tiến bước.
Đức tin vững vàng của Nê Phi đã giúp ông đi từ thất bại này đến thất bại khác cho đến khi cuối cùng ông lấy được các bảng khắc bằng đồng. Môi Se phải mất 10 lần cố gắng trước khi cuối cùng ông đã thành công trong việc trốn khỏi Ai Cập với dân Y Sơ Ra Ên.
Chúng ta có thể tự hỏi—nếu cả Nê Phi lẫn Môi Se đều làm công việc của Chúa, thì tại sao Chúa không can thiệp và giúp họ thành công trong lần cố gắng đầu tiên của họ? Tại sao Ngài để cho họ—và tại sao Ngài để cho chúng ta—gặp khó khăn và thất bại trong những lần cố gắng của chúng ta để thành công? Sau đây là một vài câu trả lời trong số nhiều câu trả lời quan trọng cho câu hỏi đó:
-
Trước hết, Chúa biết rằng “những điều này sẽ đem lại cho [chúng ta] một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho [chúng ta].”4
-
Thứ hai, để cho phép chúng ta “nếm mùi cay đắng, để [chúng ta] có thể hiểu giá trị của điều thiện.”5
-
Thứ ba, để cho thấy rằng “Chúa [là] của chiến trận,”6 và chỉ nhờ vào ân điển của Ngài chúng ta mới có thể hoàn thành công việc của Ngài và trở thành giống như Ngài.7
-
Thứ tư, để giúp chúng ta phát triển và trau dồi nhiều thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà không thể có được trừ khi qua sự tương phản8 và “trong lò gian khổ.”9
Vì vậy, ở giữa cuộc sống đầy những chướng ngại vật và sự không hoàn hảo, chúng ta đều biết ơn có được những cơ hội thứ hai.
Vào năm 1970, là sinh viên năm thứ nhất tại trường BYU, tôi đã ghi danh vào một khóa học khởi đầu về môn vật lý cơ bản do Jae Ballif, một giáo sư xuất sắc, giảng dạy. Sau khi hoàn tất mỗi đơn vị của khóa học này, ông sẽ cho thi. Nếu một sinh viên nhận được điểm C và muốn đạt điểm cao hơn, thì Giáo Sư Ballif sẽ cho phép người sinh viên đó làm một bài thi đã được sửa đổi về cùng đề thi đó. Nếu sinh viên nhận được điểm B trong lần thử thứ hai mà vẫn không hài lòng, thì người này có thể thi lại lần thứ ba và lần thứ tư, vân vân. Bằng cách cho phép tôi có nhiều cơ hội thứ hai, ông đã giúp tôi trở nên xuất sắc và cuối cùng đã nhận được điểm A trong lớp của ông.
Ông là một giáo sư khôn ngoan và nhân từ một cách khác thường, là người đã soi dẫn và khuyến khích sinh viên của ông tiếp tục cố gắng—để coi thất bại là một người thầy, chứ không phải là một thảm kịch, và không sợ thất bại nhưng học hỏi từ nó.
Tôi vừa gọi điện thoại cho người đàn ông vĩ đại này 47 năm sau khi học khóa học vật lý của ông. Tôi hỏi ông tại sao ông lại sẵn lòng để cho sinh viên cố gắng thử không giới hạn để nâng cao số điểm của họ vậy. Ông đáp: “Tôi muốn được ở cùng một phía với các sinh viên.”
Trong khi chúng ta biết ơn về những cơ hội thứ hai sau khi mắc phải lỗi lầm, hoặc có những quyết định sai lầm, chúng ta hết sức kinh ngạc trước ân điển của Đấng Cứu Rỗi vì đã ban cho chúng ta các cơ hội thứ hai trong việc khắc phục tội lỗi, hoặc thất bại trong những lựa chọn.
Không một ai muốn chúng ta được thành công hơn Đấng Cứu Rỗi. Ngài cho phép chúng ta tiếp tục có được cơ hội để tự chứng tỏ. Việc trở thành giống như Ngài sẽ đòi hỏi vô số cơ hội thứ hai trong những khó khăn hằng ngày của chúng ta với con người thiên nhiên, chẳng hạn như kiềm chế sự ham muốn, học tính kiên nhẫn và tha thứ, khắc phục sự biếng nhác, tránh tội chểnh mảng, và còn một vài điều khác nữa. Nếu sai lầm là bản chất con người, thì chúng ta sẽ phải thất bại bao nhiêu lần cho tới khi bản chất của chúng ta không còn là bản chất con người nữa mà là bản chất thiêng liêng? Hàng ngàn lần à? Có thể là hơn một triệu lần.
Vì biết rằng con đường chật và hẹp sẽ đầy dẫy những thử thách và chúng ta sẽ có thất bại hằng ngày, nên Đấng Cứu Rỗi đã trả một cái giá vô hạn để ban cho chúng ta có càng nhiều cơ hội hơn để sống qua cuộc sống hữu diệt một cách thành công. Sự tương phản mà Ngài cho phép xảy ra có thể dường như không thể vượt qua được và hầu như không thể chịu đựng được, tuy nhiên Ngài không để cho chúng ta tuyệt vọng.
Để giữ vững niềm hy vọng của mình khi chúng ta đối phó với những thử thách trong cuộc sống, ân điển của Đấng Cứu Rỗi luôn luôn sẵn sàng và hiện hữu. Ân điển của Ngài là một “phương tiện thiêng liêng để giúp đỡ hoặc sức mạnh, … một quyền năng làm cho có khả năng mà cho phép những người nam và người nữ đạt được cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao sau khi họ đã tận dụng các nỗ lực tốt nhất của mình.”10 Ân điển và đôi mắt nhân từ của Ngài luôn ở với chúng ta trong suốt cuộc sống chúng ta trong khi Ngài soi dẫn, nâng nhẹ gánh nặng, củng cố, giải thoát, bảo vệ, chữa lành và còn “giúp đỡ dân Ngài” nữa, cho dù họ vấp ngã dọc theo con đường chật và hẹp.11
Sự hối cải là ân tứ luôn có sẵn mà cho phép và làm cho chúng ta có khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác nhưng không mất đi bất cứ sự nhiệt tình nào cả. Sự hối cải không phải là kế hoạch dự phòng của Ngài trong trường hợp chúng ta có thể thất bại. Sự hối cải là kế hoạch của Ngài vì biết rằng chúng ta sẽ mắc phải lỗi lầm. Đây là phúc âm về sự hối cải, và như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhận xét, đây sẽ là “một chương trình học hỏi suốt đời.”12
Trong chương trình học hỏi suốt đời này về sự hối cải, Tiệc Thánh là cách Chúa chỉ định để cho phép liên tục tiếp cận sự tha thứ của Ngài. Nếu chúng ta dự phần với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối thì Ngài ban cho chúng ta sự tha thứ hằng tuần khi chúng ta tiến triển từ thất bại này đến thất bại khác dọc theo con đường giao ước. Vì “mặc dù chúng đã phạm tội, nhưng lòng ta đầy sự thương hại đối với chúng.”13
Nhưng Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta bao nhiêu lần? Ngài sẽ phải nhịn nhục bao lâu nữa? Vào một dịp nọ, Phi E Rơ hỏi Đấng Cứu Rỗi: “Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?”14
Có lẽ, Phi E Rơ đã nghĩ rằng bảy lần là một con số đủ cao để nhấn mạnh đến sự rồ dại của việc tha thứ quá nhiều lần và rằng lòng nhân từ nên có giới hạn của nó. Để đáp lại, Đấng Cứu Rỗi chủ yếu đã phán bảo Phi E Rơ là còn không đếm nữa—để không đặt ra giới hạn cho sự tha thứ.
“[Chúa Giê Su] đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng: đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy.”15
Hiển nhiên, Đấng Cứu Rỗi không đặt ra giới hạn tối đa là 490. Điều đó có thể so sánh với việc nói rằng sự tham dự Tiệc Thánh có giới hạn là 490 lần, và sau đó vào lần thứ 491, một kiểm soát viên của thiên thượng xen vào nói: “Ta rất tiếc, nhưng thẻ hối cải của người vừa hết hạn—từ giờ trở đi, ngươi phải tự lo thôi.”
Chúa đã sử dụng phép tính bảy mươi bảy lần làm phép ẩn dụ cho Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, tình yêu thương vô biên của Ngài, và ân điển bao la của Ngài. “Phải, và bất cứ lúc nào dân của ta biết hối cải, thì ta sẽ tha thứ cho họ về những điều họ đã xúc phạm cùng ta.”16
Điều đó không có nghĩa là Tiệc Thánh cho phép phạm tội. Đó là một lý do mà cụm từ này được gồm vào sách Mô Rô Ni: “Nhưng một khi họ hối cải và chân thành xin được tha thứ thì họ sẽ được tha thứ.”17
Chân thành có nghĩa là với nỗ lực thật sự và sự thay đổi thật sự. “Thay đổi” là từ chính mà Sách Hướng Dẫn Thánh Thư sử dụng để định nghĩa sự hối cải: “Sự thay đổi trí óc và tâm hồn mang lại một thái độ mới mẻ đối với Thượng Đế, đối với bản thân, và cuộc sống nói chung.”18 Sự thay đổi đó dẫn đến sự tăng trưởng thuộc linh. Rồi thì, sự thành công của chúng ta không phải là đi từ thất bại này đến thất bại khác mà là tăng trưởng từ sự thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình.
Về sự thay đổi, hãy suy nghĩ về câu nói đầy hiểu biết và giản dị này: “Những điều nào không thay đổi thì vẫn giữ nguyên như vậy.” Lẽ thật hiển nhiên này không nhằm xúc phạm đến trí thông minh của anh chị em mà là sự khôn ngoan sâu sắc của Chủ Tịch Boyd K. Packer. Rồi ông nói thêm: “Và khi chúng ta không còn thay đổi nữa—thì chúng ta sẽ chết.”19
Bởi vì chúng ta không muốn chết cho đến khi chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi,20 chúng ta cần tiếp tục đứng lên mỗi khi vấp ngã, với mong muốn tiếp tục tăng trưởng và tiến triển bất chấp những yếu kém của mình. Chúa trấn an chúng ta về sự yếu kém của chúng ta: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.”21
Chỉ bằng cách quan sát trong một khoảng thời gian dài hoặc trên biểu đồ tăng trưởng thì chúng ta mới có thể thấy rõ được sự tăng trưởng thể chất của mình. Tương tự như vậy, sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta thường không thể nhận thấy được trừ khi chúng ta nhìn lại những điều đã xảy ra trong quá khứ. Sẽ là điều khôn ngoan để thường xuyên tự suy nghĩ về quá khứ để nhận ra sự tiến triển của chúng ta và soi dẫn chúng ta “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sán lạn.”22
Tôi biết ơn về lòng nhân từ tử tế, kiên nhẫn và sự nhịn nhục của Cha Mẹ Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi, là các Đấng để cho chúng ta có vô số cơ hội thứ hai trong cuộc hành trình của mình trở lại nơi hiện diện của các Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.