2010–2019
Chuẩn Bị cho Sự Trở Lại của Chúa
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


2:3

Chuẩn Bị cho Sự Trở Lại của Chúa

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được ban cho quyền năng độc nhất vô nhị và được ủy quyền để hoàn thành những sự chuẩn bị cần thiết cho Ngày Tái Lâm của Chúa.

Trong hai tuần nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm lễ Phục Sinh. Sự Phục Sinh xác nhận thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và sự xác thực của Thượng Đế Đức Chúa Cha. Ý nghĩ của chúng ta hướng tới Đấng Cứu Rỗi, và chúng ta suy ngẫm về “cuộc sống độc nhất vô nhị của Ngài và quyền năng vô hạn của sự hy sinh chuộc tội lớn lao của Ngài.”1 Tôi hy vọng chúng ta cũng nghĩ về sự trở lại đang được mong chờ của Ngài khi “Ngài sẽ cai trị như Vua của Các Vua và … Chúa của Các Chúa.”2

Cách đây đã lâu ở Buenos Aires, Argentina, tôi tham dự một buổi hội thảo với các vị lãnh đạo từ nhiều tín ngưỡng khác nhau. Tình yêu thương của họ dành cho đồng bào của họ thật là rõ ràng. Ý định của họ là cứu giúp những người đau khổ và giúp đỡ mọi người thoát khỏi cảnh áp bức và nghèo khó. Tôi nghĩ tới rất nhiều công việc nhân đạo của Giáo Hội này, kể cả các dự án hợp tác với nhiều tôn giáo khác được trình bày trong buổi hội thảo. Tôi cảm thấy biết ơn chân thành đối với lòng rộng lượng của các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô giúp cho sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô như vậy có thể thực hiện được.

Trong khoảnh khắc đó, Đức Thánh Linh đã xác nhận cho tôi hai điều. Điều thứ nhất, công việc phục sự cho những nhu cầu về vật chất là quan trọng và cần phải tiếp tục. Điều thứ hai thật là bất ngờ, nhưng mạnh mẽ và rõ ràng. Đó là: ngoài sự phục vụ vô vị kỷ, điều quan trọng nhất là chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi Ngài đến, tình trạng áp bức và bất công không chỉ giảm dần; mà sẽ chấm dứt:

“Sói sẽ ở chung với chiên con, beo sẽ nằm chung với dê con; và bò con, sư tử con và bò mập sẽ ở chung với nhau, và một trẻ nhỏ sẽ dắt chúng đi. …

“Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Đức Giê Hô Va, như các dòng nước che lấp biển.”3

Tình trạng đói kém và đau khổ không chỉ giảm bớt; mà sẽ biến mất:

“Chúng sẽ không đói không khát nữa; cũng không có mặt trời, hoặc cơn nắng gắt nào hại đến mình.

“Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng.”4

Thậm chí cả nỗi đau đớn và buồn rầu vì cái chết sẽ không còn tồn tại nữa:

“Vào ngày ấy, trẻ sơ sinh sẽ không chết cho đến khi nó đến tuổi già; và đời sống của nó sẽ được thọ như tuổi của cây;

“Và khi nó chết, nó sẽ không ngủ, nghĩa là trong đất, nhưng sẽ được biến hóa trong nháy mắt, và sẽ được cất lên, và nơi an nghỉ của nó sẽ được vinh quang.”5

Vâng đúng vậy, chúng ta hãy làm tất cả những gì mình có thể để xoa dịu nỗi đau đớn và khổ sở bây giờ, chúng ta hãy tự dâng hiến mình một cách tận tụy hơn để có những sự chuẩn bị cần thiết cho cái ngày mà nỗi đau đớn và sự tà ác sẽ hoàn toàn chấm dứt, khi “Đấng Ky Tô [sẽ phải] thân hành trị vì thế gian; và … thế gian sẽ được đổi mới và tiếp nhận vinh quang giống như thiêng đàng.”6 Đó sẽ là ngày của sự cứu chuộc và phán xét. Cựu Giám Mục Anh Giáo của Durham, Giáo Sư N. T. Wright, đã khéo léo miêu tả tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội, Sự Phục Sinh, và Sự Phán Xét của Đấng Ky Tô trong việc khắc phục sự bất công và làm cho mọi điều được đúng đắn.

Ông nói: “Thượng Đế đã định ra một ngày mà vào ngày đó Ngài sẽ để cho thế gian được phán xét một cách chính đáng bởi một người mà Ngài đã chỉ định—và vì thế Ngài đã ban sự bảo đảm cho tất cả mọi người bằng cách làm cho người này sống dậy từ cõi chết. Sự thật về Chúa Giê Su người Na Xa Rét, và đặc biệt là về sự phục sinh của Ngài từ cõi chết, là nền tảng của sự bảo đảm rằng thế gian không phải là vô nghĩa. Nó không phải chủ yếu là hỗn loạn; rằng khi chúng ta thực thi công lý trong thời nay chúng ta không uổng phí thời gian công sức, cố gắng chống đỡ một tòa nhà mà cuối cùng rồi sẽ sụp đổ, hoặc sửa chữa một cái xe mà rồi sẽ hỏng. Khi Thượng Đế làm cho Chúa Giê Su sống dậy từ cõi chết, đó là một sự kiện vi mô mà tiêu biểu cho cả hành động vĩ mô tột bậc của sự phán xét, [một] hột cải … của niềm hy vọng vô tận. Thượng Đế tuyên bố, trong một cách thức mạnh mẽ nhất có thể tưởng tượng được, rằng Chúa Giê Su của Na Xa Rét thực sự là Đấng Mê Si. … Trong điều trớ trêu nhất trong lịch sử, chính [Chúa Giê Su] đã trải qua sự phán xét ác nghiệt và bất công, phải đi đến cái nơi tiêu biểu và thu hút tất cả những sự tà ác và bất công không kể xiết của lịch sử, để chịu đựng sự hỗn loạn, tối tăm, ác nghiệt, bất công đó lên bản thân Ngài, và để làm kiệt quệ quyền năng của nó.”7

Trong khi tôi tham dự hội thảo ở Buenos Aires như tôi nói lúc nãy, Thánh Linh đã cho tôi biết rõ rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được ban cho quyền năng độc nhất vô nhị và được ủy quyền để hoàn thành những sự chuẩn bị cần thiết cho Ngày Tái Lâm của Chúa; quả thật, Giáo Hội đã được phục hồi vì mục đích đó. Anh chị em có thể tìm thấy ở đâu nữa một dân tộc chấp nhận kỷ nguyên hiện tại là “gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn” như đã được tiên tri mà trong đó Thượng Đế đã có ý định để “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng [Ky Tô]”?8 Nếu anh chị em không tìm thấy ở đây một cộng đồng cam kết để hoàn tất những gì cần thiết cho cả người sống lẫn người chết nhằm chuẩn bị cho ngày đó, nếu anh chị em không tìm thấy ở đây một tổ chức sẵn lòng cam kết một số lượng rất lớn thời gian và tiền bạc để quy tụ và chuẩn bị một dân tộc giao ước để sẵn sàng tiếp nhận Chúa, thì anh chị em sẽ không tìm được ở đâu cả.

Trong khi phán cùng Giáo Hội vào năm 1831, Chúa đã tuyên bố:

“Các chìa khóa của vương quốc của Thượng Đế được giao phó cho loài người trên trái đất, và từ đó phúc âm sẽ trải ra tới các nơi tận cùng của trái đất. …

“Hãy cầu khẩn Chúa, để cho vương quốc của Ngài có thể bành trướng trên thế gian, hầu cho dân cư trên trái đất có thể nhận được nó, và hãy chuẩn bị cho ngày sắp tới, là ngày mà Con của Người sẽ từ trên trời xuống, khoác trên mình vẻ sáng chói của vinh quang của Ngài, để gặp gỡ vương quốc của Thượng Đế được thiết lập trên thế gian.”9

Chúng ta có thể làm gì bây giờ để chuẩn bị cho ngày đó? Chúng ta có thể tự chuẩn bị mình với tư cách là một dân tộc; chúng ta có thể quy tụ dân giao ước của Chúa; và chúng ta có thể giúp cứu chuộc lời hứa về sự cứu rỗi “đã được lập với những người cha,” là các tổ tiên của chúng ta.10 Tất cả những công việc này cần phải được thực hiện ở một mức độ đáng kể trước khi Chúa trở lại.

Điều đầu tiên và tối quan trọng đối với sự trở lại của Chúa là sự hiện diện trên thế gian của những người sẵn sàng đón nhận Ngài vào lúc Ngài trở lại. Ngài đã phán rằng những người nào còn ở lại trên thế gian vào ngày đó “từ những kẻ nhỏ nhất cho đến những kẻ lớn nhất, … sẽ tràn đầy sự hiểu biết về Chúa, cùng sẽ thấy tận mắt và sẽ cất tiếng lên, để cùng nhau hát một bài ca mới, với lời rằng: Chúa đã đem Si Ôn trở lại. … Chúa đã thu gồm vạn vật thành một. Chúa đã đem Si Ôn từ trên xuống. Chúa đã đem Si Ôn từ dưới lên.”11

Thời xưa, Thượng Đế đã cất đi thành phố Si Ôn ngay chính cho riêng Ngài.12 Tuy nhiên, trong những ngày sau cùng một Si Ôn mới sẽ đón nhận Chúa vào ngày Ngài trở lại.13 Si Ôn có những kẻ có tấm lòng thanh khiết, một dân tộc đồng một lòng và một trí, và sống trong sự ngay chính; và không có người nào nghèo khó trong số họ.14 Tiên Tri Joseph Smith nói rằng: “Chúng ta cần phải đặt việc xây dựng Si Ôn làm mục tiêu lớn nhất của mình.”15 Chúng ta xây đắp Si Ôn trong nhà mình, trong tiểu giáo khu, chi nhánh, và giáo khu của mình qua tình đoàn kết, sự tin kính, và lòng bác ái.16

Chúng ta cần phải công nhận rằng việc xây đắp Si Ôn diễn ra trong những lúc hỗn loạn—“ngày thịnh nộ, ngày thiêu đốt, ngày tiêu điều, than khóc, rên rỉ, và đớn đau; và nó sẽ lan tràn khắp mặt đất như một cơn gió lốc, Chúa phán vậy.”17 Vì thế, sự quy tụ vào các giáo khu trở thành việc “phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút …. lên toàn thể thế gian.”18

Cũng giống như trước kia, chúng ta “thường nhóm họp, để nhịn ăn và cầu nguyện, và để nói với nhau về sự an lạc của tâm hồn [chúng ta]. Và … để chia sẻ bánh và [nước], trong sự tưởng nhớ tới Chúa Giê Su.”19 Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích tại đại hội trung ương tháng Mười năm ngoái: “Mục tiêu của Giáo Hội trong nhiều năm nay là phụ giúp tất cả các tín hữu gia tăng đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi Sự Chuộc Tội của Ngài, để phụ giúp họ lập và tuân giữ các giao ước của họ với Thượng Đế, và củng cố cùng làm lễ gắn bó gia đình của họ.”20 Vì thế, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các giao ước đền thờ, giữ ngày Sa Bát được thánh, và hằng ngày nuôi dưỡng phúc âm, được đặt trọng tâm trong nhà và được hỗ trợ bởi một chương trình học tập tích hợp ở nhà thờ. Chúng ta muốn có sự hiểu biết về Chúa, và chúng ta muốn biết Chúa.21

Mục tiêu chính yếu nhất trong việc xây đắp Si Ôn là quy tụ dân giao ước của Chúa đã bị phân tán từ lâu.22 “Chúng tôi tin vào sự quy tụ thực sự của Y Sơ Ra Ên và vào sự phục hồi Mười Chi Tộc.”23 Tất cả những ai chịu hối cải, tin nơi Đấng Ky Tô, và chịu phép báp têm đều là dân giao ước của Ngài.24 Chính Chúa đã tiên tri rằng trước khi Ngài trở lại, phúc âm sẽ được thuyết giảng ở khắp nơi trên thế gian25 “để phục hồi dân của [Ngài] là gia tộc Y Sơ Ra Ên,”26 “và lúc bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.”27 Lời tiên tri của Giê Rê Mi đang được làm tròn:

“Vậy nên, Đức Giê Hô Va phán, này, những ngày đến, là khi [họ] sẽ chẳng nói rằng: Thật như Đức Giê Hô Va hằng sống, tức là Đấng đã đem con cái Y Sơ Ra Ên lên khỏi đất Ê Díp Tô;

“Nhưng nói rằng, thật như Đức Giê Hô Va hằng sống, là Đấng đã đem con cái Y Sơ Ra Ên lên từ phương bắc, và từ các nước mà họ đã bị đuổi đến. Ta sẽ lại dẫn chúng nó về trong đất mà ta đã ban cho tổ phụ chúng nó.”28

Chủ Tịch Nelson đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “sự quy tụ [của Y Sơ Ra Ên] là điều quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay. Không có điều gì khác so sánh được về tầm cỡ, về tầm quan trọng, hay về sự oai nghiêm của công việc này. Và nếu các em chọn, … thì các em có thể là một phần tử quan trọng của sự quy tụ này.”29 Các Thánh Hữu Ngày Sau luôn luôn là một dân tộc truyền giáo. Hàng trăm ngàn người đáp ứng sự kêu gọi đi truyền giáo kể từ lúc bắt đầu của Sự Phục Hồi; hàng chục ngàn người hiện đang phục vụ. Và như Anh Cả Quentin L. Cook mới vừa dạy: tất cả chúng ta đều có thể tham gia trong những cách thức đơn giản và tự nhiên, trong tình yêu thương, mời gọi những người khác tham dự với chúng ta ở nhà thờ, đến thăm ở nhà chúng ta, và trở thành bạn bè của chúng ta. Việc xuất bản Sách Mặc Môn là dấu hiệu cho thấy sự quy tụ đã bắt đầu.30 Sách Mặc Môn tự nó là công cụ chính yếu trong việc quy tụ và cải đạo.

Cũng thiết yếu đối với sự chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm là nỗ lực cứu chuộc quan trọng thay cho tổ tiên của chúng ta. Chúa đã hứa gửi tiên tri Ê Li trước Ngày Tái Lâm, “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê Hô Va chưa đến,”31 để “tiết lộ… Chức Tư Tế” và “gieo vào lòng con cái những lời hứa đã được lập với những người cha.”32 Ê Li đã đến như đã được hứa. Đó là vào ngày 3 tháng Tư năm 1836; địa điểm là Đền Thờ Kirtland. Ở nơi đó và vào thời điểm đó, ông quả thật đã truyền giao thánh chức tư tế, các chìa khóa cho sự cứu chuộc người chết và sự kết hợp giữa người chồng, người vợ, và các gia đình trong khắp các thế hệ của thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu.33 Nếu không có sự kiện này, thì mục đích của sự sáng tạo sẽ không được làm tròn, và như vậy thì thế gian sẽ “bị rủa sả” hoặc “bị tận diệt.”34

Tại buổi họp đặc biệt dành cho giới trẻ diễn ra trước buổi lễ cung hiến Đền Thờ Rome Italy, hàng trăm thiếu niên và thiếu nữ có mặt đã cho Chủ Tịch Nelson thấy những tấm thẻ đền thờ có tên của các tổ tiên của các em mà các em đã chuẩn bị. Các em ấy đã sẵn sàng bước vào đền thờ để chịu phép báp têm thay cho các tổ tiên này ngay sau khi đền thờ mở cửa. Đó thật là một khoảnh khắc vô cùng thỏa mãn, nhưng chỉ là một ví dụ về nỗ lực xúc tiến để thiết lập Si Ôn cho các thế hệ đã qua đời.

Mặc dù chúng ta cố gắng để chuyên cần xây đắp Si Ôn, kể cả phần vụ của mình trong việc quy tụ những người chọn lựa của Chúa và sự cứu chuộc người chết, chúng ta cần dừng lại để nhớ rằng đây là công việc của Chúa và Ngài đang thi hành công việc đó. Ngài là Chúa vườn, và chúng ta là tôi tớ của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta làm việc trong vườn cây với hết sức lực của mình “lần chót” này, và Ngài cũng ra làm việc chung với chúng ta.35 Có lẽ chính xác hơn khi chúng ta nói là Ngài cho phép chúng ta làm việc chung với Ngài. Như Phao Lô đã nói: “Tôi đã trồng, A Bô Lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên.”36 Ngài là Đấng đang gấp rút làm công việc Ngài vào đúng kỳ của nó.37 Bằng cách sử dụng những nỗ lực được thừa nhận là không hoàn hảo—“những phương tiện nhỏ bé” của chúng ta—Chúa đem lại những việc lớn lao.38

Gian kỳ sau cùng trọng đại này đang phát triển đều đều đến cực đỉnh—Si Ôn trên thế gian, đang được gia nhập với Si Ôn ở trên cao vào sự trở lại đầy vinh quang của Đấng Cứu Rỗi. Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được giao cho sứ mệnh để chuẩn bị—và đang chuẩn bị—thế gian cho ngày đó. Và vì thế, vào lễ Phục Sinh này, chúng ta hãy thực sự ăn mừng Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô và tất cả ý nghĩa của nó: sự trở lại của Ngài để trị vì trong một ngàn năm trong sự bình an, sự phán xét ngay chính và sự công bình hoàn hảo cho tất cả mọi người, sự bất diệt cho tất cả những người nào đã từng sống trên thế gian này, và lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu. Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô là sự bảo đảm tột bậc rằng tất cả mọi điều đều được làm cho đúng. Chúng ta hãy làm công việc xây đắp Si Ôn nhằm xúc tiến ngày đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.