Bắt Đầu bằng Lời Cầu Nguyện
Tìm kiếm những sự đáp ứng? Các thanh thiếu niên này ở Ottawa, Canada nói rằng lời cầu nguyện là nơi để bắt đầu.
Khi Jenni, 15 tuổi, kể về lời cầu nguyện được đáp ứng thì em bắt đầu với câu xin lỗi. Em lấy làm hối tiếc phải thú nhận rằng em đã không cầu nguyện thường xuyên trong gần một năm. Những sự việc trong cuộc sống của em đã không được tốt đẹp—ở trường, với bạn bè của em, ngay cả ở nhà thờ.
Jenni giải thích, một tối nọ, em muốn xem phim. Em cúi xuống để nhìn vào các cuốn phim nằm trên kệ sách thấp nhất thì em thấy bức ảnh người chú của em đã qua đời một cách bi thảm trước đó không lâu lắm. Đột nhiên, sức nặng của mọi việc mà em lo lắng làm cho em muốn khóc. Jenni nói: “Em biết ngay trong giây phút đó rằng em phải cầu nguyện.” Em quỳ xuống ngay tại chỗ và cầu nguyện.
Jenni mô tả việc em tiếp nhận sự đáp ứng của mình: “Ngay khi cầu nguyện xong, em đã có sự đáp ứng cho những thắc mắc của mình. Em cảm thấy rằng mọi việc đều sẽ ổn thỏa lại. Mọi việc sẽ được tốt đẹp. Mọi điều với chú của em cũng được tốt đẹp. Em ý thức rằng em yêu thích trường học và bạn bè của mình. Vừa cầu nguyện xong, em đã biết rằng em phải đi nhà thờ vì nhà thờ là điều mà em cần. Em rất cảm kích với cảm giác mà em có và em cảm thấy rất dễ chịu và ấm áp. Em biết Cha Thiên Thượng của em yêu thương em và Ngài sẽ giúp em vượt qua những khó khăn.”
Đối với Jenni, lời cầu nguyện này chính là lời cầu nguyện mà em đã muốn dâng lên nhưng vì một lý do nào đó em đã không thể làm được. Giờ đây, ngay cả khi nghĩ đến lời cầu nguyện đó, em cũng có được cảm giác dễ chịu đó một lần nữa và cùng một sự đảm bảo rằng sự đáp ứng cho em là từ Chúa.
Jenni Holt sống ở Ottawa, thủ phủ xinh đẹp của Canada, tọa lạc trên hai bờ sông có nhiều cây của Sông Ottawa. Em và bạn bè của em từ Giáo Khu Ottawa Ontario nói chuyện với các tạp chí Giáo Hội về sự cầu nguyện ảnh hưởng đến cuộc sống của các em như thế nào.
Những Sự Đáp Ứng Đến Từ Đâu?
Một trong những điều thú vị nhất mà các thanh thiếu niên ở Ottawa đã thảo luận là những lời cầu nguyện của các em đã được đáp ứng như thế nào. Trước hết, Susan Brook nói: “Nếu ta muốn có được sự đáp ứng thì ta phải lắng nghe nó.”
Susan nói rằng đôi khi những sự đáp ứng đến từ việc đọc thánh thư. Em có một ví dụ rất hay: “Một ngày nọ, tôi rất mỏi mệt và tôi tỏ ra khiếm nhã đối với mọi người. Tôi không muốn trò chuyện. Tôi nhớ đã đọc trong thánh thư, mà tôi còn không nhớ đã đọc ở chỗ nào nữa và câu đó nói rằng: ‘Hãy khiêm nhường.’ Tôi thình lình hiểu được. Đó là sự đáp ứng cho tôi.” (Xin xem GLGƯ 112:10.)
Ariana Keith lắng nghe kỹ ở nhà thờ. Em nói: “Em nghĩ rằng nhiều lời cầu nguyện của chúng ta đã được đáp ứng bởi những người nói chuyện ở nhà thờ. Có lúc em muốn có phước lành tộc trưởng của mình. Rồi tuần lễ trước khi em định đi xin phước lành đó, thì vị tộc trưởng giáo khu thật sự đến nói chuyện ở tiểu giáo khu của em. Em đã cầu nguyện rất khẩn thiết về điều đó và việc nghe ông nói chuyện thật là tuyệt diệu.”
Mackenzie Loftus nói rằng những lời cầu nguyện của em thường được đáp ứng qua gia đình em. Em cầu nguyện về một quyết định của gia đình, và “em cảm nhận được Thánh Linh ngay, vì biết rằng quyết định mà gia đình em đang chọn là điều đúng.”
Đôi khi một người nào đó với sự giải đáp mà em đang cầu xin đi thẳng đến em. Khi Thomas Francis và gia đình của em dọn đến Ottawa, em cần kết bạn mới tại một ngôi trường mới. Em cầu nguyện để tìm ra những người bạn tốt. Thomas nói: “Một ngày nọ, có một người trong lớp học của em đến gần em và nói: ‘Bạn có muốn đến gặp bạn của tôi không?’ Kể từ lúc đó, chúng em là bạn với nhau. Điều đó giúp đỡ em rất nhiều.”
Dawson Lybbert có một điều gì đó khá quan trọng để nói về những sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện. Em nói: “Đôi khi ta không có được sự đáp ứng như ta mong muốn nhưng ta sẽ nhận được sự đáp ứng mà ta cần.” Em nói rằng đôi khi ta không thật sự thấy điều đó ngay nhưng ta có thể thấy được điều đó khi nghĩ lại sau này.
Có Một Người Nào Đó để Trò Chuyện
Vài thanh thiếu niên nói rằng thật là tốt biết bao nếu có được một gia đình cùng cầu nguyện chung. Kyffin de Souza đặc biệt thích biết rằng gia đình của em cùng cầu nguyện chung mỗi tối. “Gia đình em có một lịch trình cho mỗi người luân phiên cầu nguyện. Em cảm nhận được Thánh Linh và em biết rằng nếu em có đi xa, thì họ đang cầu nguyện cho em để được an toàn.”
Bénédicte Bélizaire thích cầu nguyện với cha mẹ mình vào mỗi sáng. Em nói: “Em đi vào phòng của họ, và gia đình cầu nguyện. Em có chứng ngôn rằng Đức Thánh Linh ở với em, và nếu em có cần sự giúp đỡ của Ngài thì em sẽ xin Cha Thiên Thượng điều đó.”
Bạn của em là Ruth Decady nói: “Thật là quan trọng khi chúng ta dâng lên lời cầu nguyện của mình, chúng ta biết rằng Cha Thiên Thượng đang lắng nghe. Luôn luôn có người nào đó sẵn sàng giúp ta.”
Katie Cameron thích cảm giác mà sự cầu nguyện mang đến cho em. “Khi em thưa chuyện cùng Chúa thì giống như một người nào đó đang thật sự muốn trò chuyện với em. Em biết rằng em có thể trò chuyện với Ngài về bất cứ điều gì.”
Những Lời Cầu Nguyện Dâng Lên cho Những Người Khác
Các thiếu niên—nhất là các em trong lứa tuổi thầy tư tế như Ronan Filamont, Fred King, và Dawson cùng Davin Lybbert—nói về ý nghĩa và bổn phận thiêng liêng về việc dâng lên những lời cầu nguyện cho các tín hữu trong tiểu giáo khu và chi nhánh của các em ấy.
Dawson nói: “Lời cầu nguyện cho Tiệc Thánh làm cho ta suy ngẫm rõ ràng hơn về ý nghĩa của lời cầu nguyện. Em có được thẩm quyền chức tư tế này và em cảm thấy rằng em không thể lạm dụng nó.”
Fred nhớ việc dâng lời cầu nguyện Tiệc Thánh khi em mới được sắc phong là thầy tư tế: “Lúc đầu rất là khó và em vẫn cứ làm sai. Có lần em đã phải bắt đầu lại nhiều lần. Nhưng Thánh Linh mách bảo với em rằng dù em có phải cố gắng làm lại bao nhiêu lần thì cũng không sao; cuối cùng em làm đúng. Thật là một cảm giác rất dễ chịu.”
Sự Cầu Nguyện Cần Có Sự Chuẩn Bị
Vài thanh thiếu niên nói về những việc quan trọng mà các em phải làm để chuẩn bị cho sự cầu nguyện. Matt Larson gắn phần tham khảo thánh thư lên bức tường của phòng ngủ em, Giáo Lý và Giao Ước 78:19: “Kẻ nào tiếp nhận mọi điều với lòng biết ơn thì sẽ được làm vinh quang; và những của cải trên thế gian này sẽ được ban thêm cho kẻ ấy, phải, ngay cả gấp trăm lần thêm nữa.” Câu thánh thư đó nhắc cho em nhớ phải biết ơn về những thứ mà Chúa đã ban cho em. Em biết rằng lòng biết ơn cần phải là một phần của những lời cầu nguyện của em.
Nick Moolenbeck nói: “Sự cầu nguyện sẽ không hữu hiệu nếu em chỉ cầu xin mà không có ý nghĩ nghiêm chỉnh và cầu nguyện với chủ ý thật sự và sự chú tâm.”
Quyền Năng Kỳ Diệu của Sự Cầu Nguyện
Sierra Lybbert có một câu chuyện đặc biệt về sự cầu nguyện. Khi em được hai tuổi, một con ngựa đã dẫm lên tay em. Ngón tay cái của em bị đứt rời và vài ngón tay khác bị cắt chẻ ra. Cha mẹ của em vội vã đưa em đến hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để tìm ra một bác sĩ giải phẫu sẵn lòng chữa thương tích mà dường như không thể chữa được. Em nói: “Một bác sĩ bảo cha mẹ em rằng vị bác sĩ giải phẫu không dâng lời cầu nguyện để được thành công. Mẹ em nói với người ấy rằng vị bác sĩ giải phẫu không có một lời cầu nguyện với ông ta—ông có rất nhiều lời cầu nguyện. Mẹ em đã gọi điện thoại cho đền thờ để thêm tên của em vào danh sách những người cần được cầu nguyện cho.”
Giờ đây, ở tuổi 13, Sierra có một bàn tay sử dụng được. Ngón tay cái của em lành lặn và em giơ nó lên cho một vài em thiếu nữ khác trong tiểu giáo khu của em thấy. Các em ấy chưa hề nghe câu chuyện này. Các em ấy chỉ thấy trên bàn tay của Sierra một vết thẹo nhỏ, khó thấy nằm vòng ngang phần dưới của ngón tay cái của Sierra. Kết quả dường như thật là đầy kinh ngạc.
Sierra nói: “Em cảm thấy vui sướng khi biết rằng sự cầu nguyện có thể làm điều gì cho em. Thật là một điều kỳ diệu trong cuộc sống của em.”
Mọi người dường như đồng ý với Kale Loftus khi em nói: “Sự cầu nguyện là một thói quen tuyệt diệu để đạt được.”