2009
Tìm Kiếm Sức Mạnh qua Sự Vâng Lời
Tháng Mười năm 2009


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Tìm Kiếm Sức Mạnh qua Sự Vâng Lời

President Thomas S. Monson

Trong thế giới ngày nay của chúng ta, sự chú ý tập trung vào sự trẻ trung. Mọi người đều muốn trông trẻ trung, cảm thấy trẻ trung và được trẻ mãi. Thật vậy, vô số tiền bạc được tiêu dùng mỗi năm cho các sản phẩm mà người ta hy vọng sẽ phục hồi nét trẻ trung. Chúng ta có thể tự hỏi: “Công cuộc tìm kiếm sự trẻ trung có mới mẻ gì đối với thời kỳ của chúng ta, đối với thế hệ của chúng ta không?” Chúng ta chỉ cần xem qua những quyển sách lịch sử để tìm ra câu trả lời cho mình.

Cách đây nhiều thế kỷ, trong thời đại thám hiểm đại quy mô, các đoàn thám hiểm đã được trang bị và các chiếc tàu chở các thủy thủ đoàn liều lĩnh và thích phiêu lưu hải hành trên biển cả xa lạ để tìm kiếm một dòng suối làm cho tươi trẻ thật sự. Huyền thoại của thời kỳ đã hứa rằng ở nơi nào đó tại vùng đất xa xôi có một dòng suối kỳ diệu chứa đựng nước trong sạch nhất và một điều mà người ta chỉ cần phải làm để có lại sức sống của tuổi trẻ và kéo dài sinh lực này là uống nước chảy ra từ dòng suối này.

Ponce de León, người cùng hải hành với Columbus, đã làm những chuyến đi thám hiểm sau đó, tìm kiếm ở các vùng biển Bahamas và Caribbean khác vì hoàn toàn tin vào huyền thoại rằng liều thuốc tiên để được trẻ mãi này có thể tìm ra được. Các nỗ lực của ông cũng như của nhiều người khác đã không đưa đến một khám phá nào như vậy, vì trong kế hoạch thiêng liêng của Thượng Đế chúng ta, thì chúng ta bước vào cuộc sống hữu diệt để nếm mùi tuổi trẻ một lần mà thôi.

Suối Lẽ Thật

Mặc dù không có dòng suối nào làm cho tươi trẻ mà chúng ta có thể tìm kiếm một cách khôn ngoan, nhưng có một dòng suối khác chứa đựng nước quý báu hơn, chính là nước của sự sống vĩnh cửu. Đây là suối lẽ thật.

Nhà thơ đã đạt được ý nghĩa thật sự của công cuộc tìm kiếm lẽ thật khi ông viết những câu thơ bất hủ này:

Vâng xin cho biết lẽ thật là gì? ‘Đó là phần thưởng cao quý nhất

Mà người phàm hoặc Thượng Đế đều có thể mong muốn có được.

Hãy đi tìm kiếm chỗ sâu thẳm nơi nó chiếu rực,

Hoặc leo lên đuổi bắt trên bầu trời cao ngất:

‘Đó là mục tiêu dành cho ước muốn cao quý nhất …

Rồi bạn nói lẽ thật là gì? ‘Đó là điều cuối cùng và điều đầu tiên,

Vì lẽ thật không thay đổi với thời gian.

Cho dù các tầng trời có biến mất và trái đất có bị ngập lụt,

Thì toàn thể lẽ thật sẽ tồn tại qua những tai ương tệ hại nhất,

Vĩnh cửu, bất biến, mãi mãi.1

Trong một điều mặc khải ban qua Tiên Tri Joseph Smith ở Kirtland, Ohio, vào tháng Năm năm 1833, Chúa đã phán:

“Lẽ thật là sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có; …

“Thánh Linh lẽ thật là từ Thượng Đế. … Ngài [Chúa Giê Su] đã nhận được lẽ thật trọn vẹn … ;

“Và chẳng ai nhận được sự trọn vẹn trừ phi kẻ ấy tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

“Ai biết tuân giữ các giáo lệnh của Ngài thì sẽ nhận được lẽ thật và sự sáng, cho đến khi nào người ấy được vinh quang trong lẽ thật và biết được tất cả mọi điều.”2

Trong thời đại được soi sáng này, khi phúc âm trọn vẹn đã được phục hồi, các anh chị em hay tôi không cần phải hải hành trên biển cả xa lạ hoặc hành trình trên những con đường chưa khai phá để tìm kiếm suối lẽ thật. Vì Cha Thiên Thượng đầy lòng nhân từ đã đánh dấu hướng đi của chúng ta và cung ứng một bản đồ chắc chắn—sự vâng lời!

Lời mặc khải của Ngài mô tả một cách mạnh mẽ các phước lành mà sự vâng lời mang đến và nỗi đau khổ và thất vọng chắc chắn xảy ra cho người lữ hành đi trệch hướng dọc theo những lối cấm của tội lỗi và sai lầm. Đối với một thế hệ cuồng tín nơi truyền thống dâng các con vật làm của lễ hy sinh, Sa Mu Ên đã mạnh dạn nói: “Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.”3

Các vị tiên tri, thời xưa lẫn thời nay, đều đã biết sức mạnh đến từ sự vâng lời. Hãy nghĩ về Nê Phi: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh.”4 Hoặc lời mô tả tuyệt vời của Mặc Môn về sức mạnh của các con trai của Mô Si A:

“Họ đã trở nên mạnh mẽ trong sự hiểu biết lẽ thật, vì họ là những người có một sự hiểu biết vững chắc và rất chuyên tâm tìm tòi thánh thư để có thể hiểu thấu được lời của Thượng Đế.

“Nhưng như vậy chưa phải là hết; họ đã hết lòng cầu nguyện và nhịn ăn; vậy nên họ có được tinh thần tiên tri và tinh thần mặc khải, và khi giảng dạy, họ đã giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế.”5

Tuân Giữ Các Lệnh Truyền.

Chủ Tịch David O. McKay (1873–1970), trong một sứ điệp khai mạc của ông ngỏ cùng các tín hữu của Giáo Hội tại một đại hội trung ương, đã cho chúng ta sự hướng dẫn về thời kỳ của chúng ta một cách rất giản dị nhưng đầy mạnh mẽ: “Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế.”6

Đây cũng là ý chính trong sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài phán: “Vì tất cả những ai muốn nhận được phước lành từ tay ta đều phải tôn trọng luật pháp mà đã được lập ra cho phước lành đó, và những điều kiện của nó, như đã được thiết lập từ trước khi thế gian được tạo dựng.”7

Chính các hành động của Đấng Chủ Tể mang đến khả năng đáng tin vào những lời của Ngài. Ngài đã cho thấy tình yêu thương chân thật của Thượng Đế bằng cách sống một cuộc sống hoàn hảo, bằng cách tôn vinh sứ mệnh thiêng liêng của Ngài. Ngài không bao giờ ngạo mạn. Lòng Ngài không bao giờ tràn đầy kiêu ngạo. Ngài không bao giờ bội tín. Ngài luôn luôn khiêm nhường. Ngài luôn luôn thành thật. Ngài luôn luôn chân thật.

Mặc dù Ngài đã bị tên tổ sư lừa gạt cám dỗ, chính là quỷ dữ; mặc dù thể chất của Ngài đã suy yếu vì nhịn ăn 40 ngày 40 đêm “rồi sau thì đói”; nhưng khi quỷ đưa ra những lời đề nghị đầy lôi cuốn và hấp dẫn nhất thì Ngài đã cho chúng ta thấy một tấm gương siêu phàm về sự vâng lời bằng cách không chịu xa rời khỏi điều mà Ngài biết là đúng.8

Khi Ngài chịu thống khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, nơi mà Ngài đau đớn đến nỗi mồ hôi của Ngài được mô tả như những giọt máu lớn rơi xuống đất, Ngài đã nêu tấm gương của Vị Nam Tử biết vâng lời bằng cách nói rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi.”9

Chúa phán cùng Phi E Rơ ở Ga Li Lê: “Hãy theo ta.” Cùng một chỉ thị đó với Phi Líp: “Hãy theo ta.” Và sự kêu gọi đến với người thâu thuế Lê Vi là người đang ngồi nhận thuế: “Hãy theo ta.” Ngay cả người chạy theo Ngài, một người có nhiều tài sản của cải, cũng có lời phán: “Hãy theo ta.”10 Và cũng tiếng nói đó đến với các anh chị em và tôi, cũng Đấng Giê Su đó phán: “Hãy theo ta.” Chúng ta có sẵn lòng tuân theo không?

Sự vâng lời là một đặc điểm của các vị tiên tri, nhưng chúng ta cần nên biết rằng nguồn sức mạnh này cũng có sẵn cho chúng ta ngày nay.

Một Tấm Gương Hiện Đại

Có một người đã học rất kỹ bài học về sự vâng lời, đã tìm được suối lẽ thật, là một người nhân từ và thành thật với phương tiện và hoàn cảnh khiêm tốn. Ông đã gia nhập Giáo Hội ở Châu Âu và, bằng cách siêng năng dành dụm và hy sinh, đã di cư đến Bắc Mỹ—đến một vùng đất mới, một ngôn ngữ xa lạ, những phong tục khác biệt, nhưng cũng cùng Giáo Hội đó dưới sự lãnh đạo của Vị Chúa đó là Đấng mà ông đã tin cậy và tuân theo. Ông trở thành chủ tịch chi nhánh của một nhóm nhỏ Các Thánh Hữu đang sống chật vật trong một thành phố có phần không thân thiện. Ông tuân theo chương trình của Giáo Hội, mặc dù có rất ít tín hữu và nhiều phận sự. Ông đã nêu một tấm gương thật sự giống như Đấng Ky Tô cho các tín hữu của chi nhánh của ông và họ đã đáp ứng với một tình yêu thương hiếm thấy.

Ông kiếm sống bằng hai bàn tay của mình làm người buôn bán. Thu nhập của ông rất giới hạn nhưng ông luôn luôn đóng tiền thập phân của mình và còn hiến tặng nhiều hơn. Ông bắt đầu một quỹ truyền giáo trong chi nhánh nhỏ của mình và trong nhiều tháng, có lần ông chỉ là người duy nhất đóng góp. Khi có những người truyền giáo trong thành phố của mình, ông cho họ ăn, và họ không bao giờ đi về nhà mà không có một số tặng dữ vật chất cho công việc và sự an lạc của họ. Các tín hữu Giáo Hội ở xa và đi ngang qua thành phố của ông và đến thăm chi nhánh của ông thì luôn luôn nhận được sự tiếp đãi nồng hậu của ông và tinh thần nồng nhiệt của ông và họ tiếp tục cuộc hành trình của mình và biết rằng họ đã gặp được một người độc đáo, một tôi tớ biết vâng lời của Chúa.

Những người lãnh đạo của ông đã nhận được sự kính trọng sâu xa và sự chăm sóc rất đặc biệt của ông. Đối với ông, họ là sứ thần của Chúa; ông chăm nom lo liệu cho những tiện nghi vật chất và đặc biệt tỏ ra quan tâm trong những lời cầu nguyện của ông—rất thường xuyên—cho sự an lạc của họ. Một ngày Sa Bát nọ, một số vị lãnh đạo đến thăm chi nhánh của ông đã cùng dâng lên với ông hơn một chục lời cầu nguyện trong nhiều buổi họp khác nhau và trong những cuộc thăm viếng các tín hữu. Các vị lãnh đạo từ giã ông vào cuối ngày với một cảm giác vui vẻ và tinh thần được nâng cao mà giữ cho họ vui mừng trong suốt bốn giờ đồng hồ lái xe trong thời tiết lạnh lẽo và giờ đây, sau nhiều năm, đã làm phấn khởi tinh thần và làm ấm lòng khi nhớ đến ngày ấy.

Những người có học thức, những người dày dạn kinh nghiệm tìm kiếm người đàn ông khiêm nhường, ít học này của Thượng Đế và tự cho rằng họ rất may mắn nếu họ có thể có được một giờ đồng hồ với ông. Diện mạo của ông bình thường; tiếng Anh của ông nói sai và có phần khó hiểu; căn nhà của ông khiêm tốn. Ông không có xe hơi hoặc máy truyền hình. Ông không viết sách và không đưa ra những bài thuyết giảng trau chuốt và không làm một điều gì mà thường khiến cho thế gian phải chú ý. Tuy nhiên, những người trung tín tranh nhau đến tìm ông. Tại sao? Bởi vì họ muốn được uống nơi suối lẽ thật của ông. Họ không cảm kích nhiều về điều mà ông nói bằng điều mà ông làm, không phải cốt lõi của các bài giảng của ông mà là sức mạnh của cuộc sống mà ông đã sống.

Việc biết rằng một người nghèo khó thường vui vẻ dâng gấp đôi số tiền thập phân của mình lên Chúa đã cho người ta một sự hiểu biết rõ ràng hơn ý nghĩa thật sự của việc đóng tiền thập phân. Việc thấy ông phục sự người đói khát và tiếp đón người lạ làm cho người ta biết rằng ông đã làm việc đó như ông đã làm cho Đấng Chủ Tể. Cầu nguyện với ông và dự phần vào sự tin tưởng của ông về ảnh hưởng thiêng liêng là sự thử nghiệm một phương cách giao tiếp mới mẻ.

Có thể nói là ông đã giữ giáo lệnh thứ nhất và lớn hơn hết và giáo lệnh thứ nhì cũng giống như vậy11 tức là lòng của ông tràn đầy bác ái đối với mọi người, tức là đức hạnh làm đẹp tư tưởng của ông luôn luôn, và do đó, sự tin tưởng của ông trở nên mạnh mẽ nơi hiện diện của Thượng Đế.12

Sự thiện lành và ngay chính của ông thật là hiển nhiên. Sức mạnh của ông từ sự vâng lời mà có.

Sức mạnh mà chúng ta sốt sắng tìm kiếm ngày hôm nay để đáp ứng những thử thách của một thế giới phức tạp và hay thay đổi có thể thuộc về chúng ta khi, với sự dũng cảm và lòng can đảm kiên quyết, chúng ta đứng lên và nói với Giô Suê: “Ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê Hô Va.”13

Trái: hình do Matthew Reier thực hiện; Hình Ảnh Đấng Ky Tô, do Heinrich Hofmann thực hiện, với nhã ý của C. Harrison Conroy Co.; phải: tranh do Jerry Thompson minh họa

Chi tiết từ Đấng Ky Tô Kêu Gọi Phi E Rơ và Anh Rê, tranh do James Taylor Haywood họa, với nhã ý của Viện Bảo Tàng Lịch Sử Giáo Hội