Sự Kêu Gọi cho một Người Cải Đạo
Tôi là một người mới cải đạo và không có tài chơi dương cầm. Nhưng tôi biết ơn biết bao vì sự kêu gọi với tư cách là người đệm đàn cho chi nhánh đã thay đổi cuộc sống của tôi.
Ngay sau khi chịu phép báp têm lúc 10 tuổi ở Lappeenranta, Phần Lan, tôi nhận được sự kêu gọi đầu tiên trong Giáo Hội. Đó là vào năm 1960, và chi nhánh nhỏ bé của chúng tôi rất cần một người đệm đàn các bản thánh ca cho các buổi lễ Tiệc Thánh. Tôi được yêu cầu làm tròn công việc chỉ định này.
Mặc dù mẹ tôi luôn luôn khuyến khích anh tôi và tôi theo đuổi các tài năng nghệ thuật, nhưng tôi không biết chơi dương cầm, và chúng tôi không có dương cầm. Nhưng tôi muốn làm tròn sự kêu gọi của mình nên chúng tôi đề ra một kế hoạch.
Trong buổi họp tối gia đình, chúng tôi nói về ý nghĩa của sự kêu gọi này đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, vì mẹ tôi là một góa phụ với hai đứa con nhỏ nên chúng tôi biết việc mua một cây dương cầm và trả tiền để học nhạc sẽ là một thử thách gay go cho chúng tôi. Chúng tôi quyết định là tất cả chúng tôi đều sẵn lòng thực hiện những hy sinh cần thiết này.
Sự hy sinh đầu tiên của gia đình tôi là tài chính. Chúng tôi quyết định rằng từ mùa xuân đến mùa thu chúng tôi sẽ đạp xe đạp thay vì đi xe buýt. Anh tôi, Martti, rất dũng cảm và đạp xe đạp giỏi một cách đặc biệt—ngay cả trên tuyết và băng. Tôi bỏ không mua hầu hết quần áo của mình và học may. Chúng tôi cũng học cách sống tằn tiện. Chúng tôi bắt đầu một mảnh vườn ở vùng quê gần nhà của ông bà ngoại tôi và dự trữ thức ăn cho mùa đông. Các “dịp nghỉ hè” của chúng tôi trở thành những chuyến đi đền thờ của mẹ chúng tôi ở Thụy Sĩ hay các buổi đi chơi ngoài trời và cắm trại gần nhà.
Sự hy sinh thứ nhì của gia đình tôi là thời giờ. Chúng tôi chia công việc vặt trong nhà và hoạch định lại các sinh hoạt khác cũng bài tập về nhà của mình để tôi có đủ thời giờ tập đánh dương cầm. Nhờ vào những hy sinh và sự làm việc siêng năng của chúng tôi, Mẹ tôi thường nhận xét rằng chúng tôi không có thời giờ nhàn rỗi để gây rắc rối giống như những đứa trẻ khác cùng tuổi với chúng tôi. Thật ra, sự kêu gọi của tôi trở thành một sự kêu gọi của gia đình từ rất lâu trước khi tôi chơi được một nốt nhạc.
Tôi bắt đầu học với một giáo sư âm nhạc tại trường địa phương. Tôi tập dượt bằng cách sử dụng một cái bàn phím bằng giấy và cây dương cầm ở nhà thờ. Khi giáo sư dương cầm của tôi dọn đi, chúng tôi mua lại cây dương cầm của ông và tôi được chấp nhận cho học với một giáo sư dương cầm nổi tiếng trong khu vực.
Tôi tự học chơi các bài thánh ca và thực tập rất nhiều với người điều khiển nhạc trong chi nhánh. Mọi người khuyến khích tôi—ngay cả khi đánh sai một nốt nhạc. Giáo sư của tôi kinh hoàng sau khi bà khám phá ra rằng tôi đã chơi đàn trước mặt mọi người trước khi tôi học hết và thuộc lòng các bản nhạc. Nhưng việc đàn một tay còn tốt hơn là không có nhạc gì cả.
Tôi đạp xe đi học nhạc, và khi mùa đông đến, tôi cố gắng đi bộ hay đi bằng ván trượt tuyết nếu có thể được. Vào ngày Chủ Nhật, tôi đi một mình đến các buổi lễ nhà thờ để tôi có thể đến sớm hơn một giờ và có thời giờ tập nhạc. Tôi quyết tâm chỉ đi xe buýt khi nào nhiệt độ ở dưới 15 độ âm. Tuyết và mưa không thật sự làm tôi bận tâm; thời giờ trôi qua nhanh chóng khi tôi đi bộ vì tôi có rất nhiều bài thánh ca tuyệt diệu để làm bạn. Trong khi đi bộ, tôi đi ngang qua các cánh đồng với những người tiền phong (xin xem “Cùng Nhau Lại Đây Hỡi Các Thánh Hữu,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 30), đi lên trên đỉnh núi cao ở Si Ôn (xin xem “Cao Trên Đỉnh Núi,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi trang 2), và đứng với giới trẻ không bao giờ nản chí (xin xem “True to the Faith,” Hymns, số 254). Tôi không bao giờ có thể nản chí với sự hỗ trợ đó—mặc dù gia đình tôi và tôi chỉ là Các Thánh Hữu Ngày Sau duy nhất trong cộng đồng của mình ở miền đông Phần Lan, ở gần biên giới nước Nga.
Trong những năm qua, tôi bắt đầu chơi đàn khá hơn và có thể chơi nhạc thay vì chỉ chơi đúng những nốt nhạc. Tôi học biết phải thành tâm trong việc chọn nhạc để Thánh Linh sẽ hiện diện trong buổi họp. Và quan trọng hơn hết, chứng ngôn của tôi về phúc âm đến với tôi qua âm nhạc. Tôi có thể dễ dàng nhớ đến những cảm nghĩ, lời ca và sứ điệp của các bài thánh ca nếu tôi có thắc mắc về điều gì đó. Tôi biết rằng các nguyên tắc phúc âm và các giáo lễ là chân chính, bằng cách học các điều này từng hàng chữ một và từng điều ghi chép một.
Tôi nhớ một ngày đặc biệt nọ khi sự cam kết của tôi với các nguyên tắc đó được đem thử thách. Tôi được 14 tuổi; tôi thích bơi lội và mơ ước thi đua bơi lội trong Thế Vận Hội. Tôi không thi đua vào ngày Chủ Nhật nhưng tôi vẫn tiến triển. Cuối cùng, khi gần đến Thế Vận Hội ở Mexico City, một huấn luyện viên mời tôi tham gia một chương trình tập dượt đặc biệt.
Tuy nhiên, chương trình tập dượt diễn ra vào mỗi buổi sáng Chủ Nhật trong giờ Trường Chủ Nhật. Tôi biện minh rằng tôi có thể tập dượt và bỏ qua Trường Chủ Nhật vì tôi sẽ trở lại nhà thờ đúng lúc cho buổi lễ Tiệc Thánh buổi chiều. Tôi dành dụm tiền để mua vé xe buýt và hoạch định mọi việc. Ngày thứ Bảy trước lần tập dượt đầu tiên, tôi cho mẹ tôi biết về kế hoạch của mình.
Tôi nhìn thấy vẻ buồn bã và thất vọng trong mắt bà, nhưng bà chỉ trả lời rằng quyết định đó là của tôi và tôi đã được giảng dạy về điều gì là đúng. Buổi tối hôm đó, tôi đã không thể xua đuổi lời của bài hát “Chọn Điều Ngay” (Thánh Ca, số 110) ra khỏi tâm trí mình. Lời bài hát lặp đi lặp lại trong đầu tôi giống như một cái dĩa hát bị hư.
Vào buổi sáng Chủ Nhật, tôi xách bao đựng đồ bơi lội trong một tay và bao đựng sách nhạc trong tay kia, hy vọng rằng sẽ làm cho mẹ tôi tin rằng tôi đang đi nhà thờ. Tôi đi ra ngoài đến trạm xe buýt. Sự việc là trạm xe buýt đi đến hội trường bơi lội là ở bên này đường của nhà tôi và trạm xe buýt đi đến giáo đường là ở bên kia đường. Trong khi chờ đợi, tôi trở nên khó chịu. Bài hát “Ta Đã Làm Điều Tốt?” vang lên trong tai tôi (Thánh Ca, số 58)—bài thánh ca được hoạch định cho Trường Chủ Nhật vào ngày đó. Tôi biết từ kinh nghiệm rằng với nhịp điệu khó khăn, lời bài hát đầy phức tạp và những nốt nhạc cao thì bài thánh ca này sẽ rất khó hát nếu không được đệm đàn đúng.
Trong khi tôi đang phân vân thì cả hai chiếc xe buýt đang chạy lại gần. Chiếc xe buýt đi hội trường bơi lội đã dừng lại chờ tôi lên, và người lái chiếc xe buýt đi nhà thờ dừng lại và nhìn tôi, hoang mang vì người ấy biết tôi luôn luôn lên chiếc xe buýt của ông. Chúng tôi đều nhìn nhau trân trân trong một vài giây. Tôi đang chờ đợi gì đây? Tôi đã chọn Chúa [xin xem bài “Who’s on the Lord’s Side?” (Ai Đang ở Bên Phía Chúa) Hymns, số 260]. Tôi đã hứa sẽ đi nơi nào Ngài muốn tôi đi (xin xem bài “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 46). Quyết định của tôi để tuân giữ các lệnh truyền đã được chọn từ lâu rồi [xin xem “Keep the Commandments (Tuân Giữ các Lệnh Truyền),” Hymns, số 303].
Trước khi ý nghĩ của tôi bắt kịp với với ước muốn của lòng tôi, thì con người của tôi đã hành động rồi. Tôi phóng nhanh qua bên kia đường và vẫy tay với người lái xe buýt kia. Tôi trả tiền vé xe buýt và đi xuống phía sau của chiếc xe buýt đang hướng đến nhà thờ, và nhìn theo giấc mơ thi đua bơi lội của mình đang xa dần theo hướng khác.
Ngày hôm đó, mọi người tưởng rằng tôi khóc vì tôi cảm nhận Thánh Linh. Nhưng tôi thật sự khóc vì giấc mơ của thời thơ ấu của mình đã tan vỡ và vì tôi xấu hổ đã có ý nghĩ đi bơi vào ngày Sa Bát. Nhưng vào ngày Chủ Nhật đó, giống như những ngày Chủ Nhật trước đó và sau đó, tôi đã làm tròn sự kêu gọi của mình.
Đến lúc tôi chuẩn bị đi học đại học, tôi đã huấn luyện cho một số tín hữu trong chi nhánh cách hướng dẫn nhạc và chơi dương cầm. Ở trường đại học, tôi tiếp tục chơi dương cầm và học đánh phong cầm. Tôi nghĩ rằng cơ hội của tôi để đi đến Châu Mỹ La Tinh đã không còn nữa khi tôi bỏ không thi đua bơi lội, nhưng sau khi tôi học xong cao học từ trường Brigham Young University, tôi đã phục vụ truyền giáo ở Colombia. Trong khi đi truyền giáo, tôi đã dạy đánh dương cầm. Tôi muốn để lại năng khiếu chơi nhạc cho Các Thánh Hữu đó. Các trẻ em và thanh thiếu niên ở Colombia đã đi nhiều dặm đường trong ánh nắng mặt trời nóng rực để có được cơ hội học chơi dương cầm. Các em ấy cũng bắt đầu chơi đàn với một tay cho đến khi tiến triển để có thể chơi đàn với cả hai tay. Và các em đã hy sinh nhiều hơn tôi trong các nỗ lực của mình để học chơi dương cầm.
Đã 50 năm kể từ khi tôi chịu phép báp têm. Tôi đã đi khắp nơi từ quê hương của tôi ở Phần Lan, nhưng bất cứ nơi nào tôi đi, cũng đều cần có một người chơi các bài thánh ca. Ngôn ngữ chung của âm nhạc đã xây đắp những nhịp cầu thông cảm và yêu thương ở nhiều nơi.
Ngày hôm nay, đôi tay của tôi đã trở nên chậm chạp và bị bệnh viêm khớp. Nhiều nhạc sĩ có khả năng hơn đã thay thế tôi. Mẹ tôi thường cảm thấy buồn bã khi nhìn lại những năm tháng đầu đời của tôi trong Giáo Hội và những điều tôi đã hy sinh, những dặm đường tôi đã đi và những điều tôi thiếu thốn. Bà sợ rằng cái lạnh đã góp phần vào bệnh viêm khớp của tôi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy vui vẻ với những “vết sẹo nhắc nhở thời niên thiếu gian khổ” của mình. Tôi trút hết nỗi buồn vui của mình vào âm nhạc. Tôi học cười và khóc qua các ngón tay của mình.
Lòng tôi cảm thấy biết ơn khi nghĩ rằng Cha Thiên Thượng và các vị lãnh đạo của tôi đã có đủ quan tâm để yêu cầu một đứa bé gái làm tròn một công việc chỉ định đầy thử thách như vậy. Sự kêu gọi đó đã giúp tôi đạt được một sự hiểu biết vững vàng về phúc âm và cho phép tôi giúp những người khác cảm nhận Thánh Linh qua âm nhạc. Tôi là bằng chứng sống về việc những người mới cải đạo cần một sự kêu gọi—cho dù đó là các bé gái không có tài đánh dương cầm. Qua sự kêu gọi đầu tiên của mình, tôi biết rằng đối với Thượng Đế thì không có điều gì là không thực hiện được và Ngài có một kế hoạch và mục đích cho mỗi con cái của Ngài. Và qua âm nhạc, tôi đã đạt được một chứng ngôn vững vàng về phúc âm được phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.