Nhà Cửa, Gia Đình của Chúng Ta
Dành Thời Giờ Ra để Nói Chuyện và Lắng Nghe
Từ bài nói chuyện trong buổi phát sóng bằng vệ tinh đại hội giáo khu ở thành phố Salt Lake City vào ngày 24 tháng Mười năm 2010.
Mục đích của nỗ lực chúng ta nhằm truyền đạt hữu hiệu hơn ngày nay sẽ vĩnh viễn ban phước cho gia đình chúng ta.
Trong một thế giới lý tưởng, mỗi đứa trẻ đi học về phải được chào đón với một cái dĩa bánh quy sôcôla mới nướng xong, một ly cao đầy sữa lạnh, và một người mẹ sẵn sàng dành thời giờ ra để nói chuyện và lắng nghe đứa con kể về ngày hôm đó. Chúng ta không sống trong một thế giới lý tưởng, nên các anh chị em có thể bỏ qua mấy cái bánh quy và sữa, nếu muốn, nhưng xin đừng bỏ qua việc “dành thời giờ ra để nói chuyện và lắng nghe.”
Cách đây hai mươi chín năm, Chủ Tịch James E. Faust (1920–2007), Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã than rằng gia đình có rất ít thời giờ với nhau. Hãy nghĩ về điều đó—cách đây 29 năm—ông đã nói trong đại hội trung ương: “Một trong các vấn đề chính yếu trong gia đình ngày nay là chúng ta càng ngày càng dành thời giờ ít hơn cho nhau. … Thời giờ có với nhau là thời giờ quý báu—thời giờ cần có để nói chuyện, lắng nghe, khuyến khích và cho thấy cách làm việc này, việc nọ.”1
Khi dành thời giờ ra với nhau và nói chuyện với con cái, chúng ta dần dần trở nên biết chúng và chúng dần dần trở nên biết chúng ta. Ưu tiên của chúng ta, những cảm nghĩ thật trong lòng mình, sẽ trở thành một phần của cuộc chuyện trò của chúng ta với mỗi đứa con.
Sứ điệp quan trọng nhất từ đáy lòng mình mà các anh chị em sẽ chọn để chia sẻ với đứa con của mình là gì?
Tiên tri Môi Se giảng dạy chúng ta trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký:
“Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi.
“Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi;
“Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5–7; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Và tôi xin thêm vào một điều nữa: “Và khi cùng nhau ăn tại bàn ăn.”
Nếu muốn gia đình mình được sống với nhau vĩnh viễn, chúng ta bắt đầu tiến trình này hôm nay. Việc dành thời giờ ra để nói chuyện với con cái chúng ta là một sự đầu tư trong gia đình vĩnh cửu của mình khi chúng ta cùng nhau bước đi trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.
Một người mẹ từ Illinois, Hoa Kỳ, chia sẻ cách người ấy tạo ra thời giờ để nói chuyện với con cái của mình:
“Khi con cái của chúng tôi còn nhỏ, tôi có thói quen xem một vài chương trình truyền hình mà tôi ưa thích. … Rủi thay, các chương trình này diễn ra cùng lúc với giờ con cái đi ngủ.
“… Có lần, tôi nhận thấy tôi đã đặt các chương trình đó trên đầu của bản liệt kê và con cái của tôi thì xa ở phía dưới. Trong một thời gian, tôi đã cố gắng đọc các câu chuyện trước giờ đi ngủ với máy truyền hình bật lên, nhưng trong lòng mình, tôi biết đó không phải là cách tốt nhất. Trong khi suy ngẫm về những ngày và tuần lễ tôi đã lãng phí cho thói quen xem truyền hình của mình, tôi bắt đầu cảm thấy có tội và quyết định phải thay đổi. Tôi phải mất một thời gian dài để tự thuyết phục rằng mình có thể thật sự tắt máy truyền hình.
“Sau khoảng hai tuần không vặn truyền hình lên, tôi cảm thấy một gánh nặng đã được nâng lên bằng một cách nào đó. Tôi nhận ra tôi đã cảm thấy tốt hơn, thậm chí bằng cách nào đó còn trong sạch hơn, và tôi biết tôi đã chọn điều đúng.”2
Giờ đi ngủ là thời gian lý tưởng để nói chuyện.
Hê La Man nói về các chiến sĩ trẻ tuổi: “Họ còn kể lại cho tôi nghe những lời của mẹ họ, và nói như vầy: Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc mẹ chúng tôi đã biết như vậy” (An Ma 56:48).
Chính là “những lời của mẹ họ” đã dạy cho họ. Trong khi nói chuyện với con cái mình, những người mẹ đó đã giảng dạy lời của Thượng Đế.
Bảo Tồn Sự Truyền Đạt của Cá Nhân
Nhiều điều tốt lành đến từ việc nói chuyện, và kẻ nghịch thù nhận thức được quyền năng của lời nói. Nó rất thích làm suy giảm cái tinh thần vào nhà của chúng ta trong khi chúng ta nói chuyện, lắng nghe, khuyến khích nhau và cùng làm việc chung với nhau.
Sa Tan đã thất bại trong việc cố gắng ngăn chặn Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong gian kỳ này khi nó cố gắng ngăn chặn một cuộc chuyện trò quan trọng giữa Joseph Smith và Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.
Joseph nói: “Khi tôi vừa mới bắt đầu cầu nguyện, thì liền bị một sức mạnh hoàn toàn chế ngự tôi, và có một ảnh hưởng thật lạ lùng trên tôi đến nỗi lưỡi tôi như bị buộc lại, khiến tôi không thể nói được” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:15).
Kẻ nghịch thù rất thích buộc lưỡi của chúng ta—bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta không cho mặt đối mặt bày tỏ bằng lời những cảm nghĩ trong lòng của mình. Nó thích khoảng cách và sự xao lãng; nó thích tiếng ồn; nó thích sự truyền đạt bâng quơ—bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta khỏi cảm giác ấm áp của một tiếng nói và những cảm nghĩ riêng đến từ việc chuyện trò và nhìn thẳng vào mắt nhau.
Lắng Nghe Tiếng Lòng của Con Cái Chúng Ta
Lắng nghe cũng quan trọng như nói chuyện. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói: “Nếu chúng ta lắng nghe với tình yêu thương, thì chúng ta sẽ không cần phải tự hỏi phải nói điều gì. Điều đó sẽ được Thánh Linh … ban cho chúng ta.”3
Khi lắng nghe, chúng ta hiểu được tấm lòng của những người xung quanh mình. Cha Thiên Thượng có một kế hoạch cho mỗi người con của Ngài. Hãy tưởng tượng chúng ta có thể thoáng thấy kế hoạch riêng dành cho mỗi đứa con của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể biết cách làm gia tăng các ân tứ thuộc linh của chúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể biết cách thúc đẩy một đứa con để đạt đến tiềm năng của nó? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể biết cách giúp mỗi đứa con chuyển tiếp từ đức tin của một đứa trẻ thành chứng ngôn?
Làm thế nào chúng ta có thể biết được?
Chúng ta có thể bắt đầu biết bằng cách lắng nghe.
Một người cha Thánh Hữu Ngày Sau nói: “Tôi làm được nhiều điều tốt lành hơn khi tôi lắng nghe các con tôi thay vì tôi nói với chúng. … Tôi dần dần học được rằng các con tôi không muốn có những câu trả lời có sẵn, đã được thời gian chứng minh là đúng, và khôn ngoan. … Đối với chúng, việc có thể đặt ra câu hỏi và nói chuyện về các vấn đề của chúng thì quan trọng hơn là nhận được các câu trả lời của tôi. Thường thường khi chúng nói xong, nếu tôi đã lắng nghe lâu và đủ rồi, thì chúng thật sự không cần câu trả lời của tôi. Chúng đã tìm ra câu trả lời của chúng rồi.”4
Cần có thời giờ để tập trung vào những điều quan trọng nhất. Việc nói chuyện, lắng nghe và khuyến khích không xảy ra nhanh chóng. Những điều này không thể vội vã hay được hoạch định theo lịch trình—những điều này tốt nhất là xảy ra một cách tự nhiên. Những điều này xảy ra khi chúng ta cùng làm điều này, điều nọ chung với nhau: cùng làm việc chung, cùng sáng tạo chung và cùng chơi chung với nhau. Những điều này xảy ra khi chúng ta tắt đi phương tiện truyền thông, loại bỏ những điều xao lãng của thế gian, và tập trung chú ý tới nhau.
Thật đó là một điều khó để làm. Khi chúng ta ngừng lại và tắt mọi thứ, thì chúng ta cần phải sẵn sàng cho điều sẽ xảy ra kế tiếp. Thoạt tiên, sự im lặng có thể ngột ngạt, đưa đến một cảm giác vụng về mất mát. Hãy kiên nhẫn, chờ thêm chỉ một vài giây thôi và rồi sẽ thấy vui thích. Hãy lưu tâm đến những người xung quanh mình bằng cách đặt câu hỏi về họ và rồi bắt đầu lắng nghe. Các cha mẹ, hãy nói về sở thích của con của mình. Hãy cười khi nghĩ về quá khứ—và hãy mơ ước cho tương lai. Cuộc chuyện trò vớ vẩn còn có thể thay đổi thành một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa.
Đặt Ưu Tiên Cho Mục Đích Vĩnh Cửu của Chúng Ta
Mùa xuân năm ngoái, trong khi tôi đến thăm một lớp học của các thiếu nữ, người giảng viên yêu cầu lớp học viết xuống 10 điều ưu tiên của mình. Tôi lập tức bắt đầu viết. Tôi phải thú nhận rằng ý nghĩ đầu tiên của tôi bắt đầu với “Số 1: dọn dẹp hộc tủ đựng bút chì trong nhà bếp.” Khi bản liệt kê của chúng tôi được viết xong, người lãnh đạo Hội Thiếu Nữ yêu cầu chúng tôi chia sẻ điều chúng tôi đã viết. Ngồi cạnh tôi là Abby, mới vừa được 12 tuổi. Tôi muốn các em nghe bản liệt kê của Abby:
-
Đi học đại học.
-
Trở thành người thiết kế nội thất.
-
Đi truyền giáo ở Ấn Độ.
-
Kết hôn trong đền thờ với một người truyền giáo được giải nhiệm.
-
Có năm đứa con và một mái ấm gia đình.
-
Gửi con cái đi truyền giáo và cho chúng đi học đại học.
-
Trở thành bà nội hay bà ngoại “luôn luôn cho cháu bánh”.
-
Cưng chiều mấy đứa cháu.
-
Học hỏi thêm về phúc âm và vui hưởng cuộc sống.
-
Trở lại sống với Cha Thiên Thượng.
Tôi nói: “Cám ơn, Abby. Em đã dạy cho tôi biết về việc có được một sự hiểu biết về kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho tất cả chúng ta. Khi biết là mình đang đi trên một con đường, cho dù có thể gặp phải những khúc ngoặt nào đó, thì em cũng sẽ được vô sự. Khi con đường của em tập trung vào mục tiêu tối thượng—mục tiêu của sự tôn cao và trở lại với Cha Thiên Thượng, thì em sẽ đến đó.”
Abby nhận được ý nghĩa về mục tiêu vĩnh cửu này ở đâu vậy? Điều đó bắt đầu từ trong nhà chúng ta. Điều đó bắt đầu từ trong gia đình chúng ta. Tôi hỏi em ấy: “Em làm gì trong gia đình để lập ra những ưu tiên như vậy”
Đây là câu trả lời của em ấy: “Ngoài việc đọc thánh thư, gia đình em còn học sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta.” Rồi em nói thêm: “Gia đình em nói chuyện với nhau rất nhiều—trong buổi họp tối gia đình, lúc cùng ăn tối và trong xe khi lái xe.”
Nê Phi viết: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ nơi Đấng Ky Tô.” Tại sao? “Để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26).
Việc nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau, khuyến khích nhau và cùng làm việc này, việc nọ chung với nhau với tính cách là gia đình sẽ mang chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi là Đấng yêu thương chúng ta. Mục đích của nỗ lực chúng ta nhằm truyền đạt hữu hiệu hơn ngày nay—ngay ngày hôm nay—sẽ vĩnh viễn ban phước cho gia đình chúng ta. Tôi làm chứng rằng khi chúng ta nói về Đấng Ky Tô, thì chúng ta cũng hoan hỷ nơi Đấng Ky Tô và nơi ân tứ của Sự Chuộc Tội. Con cái chúng ta sẽ tiến đến việc biết được “nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng”