Các Buổi Họp Ngày Chủ Nhật Tuần Thứ Tư
Vào ngày Chủ Nhật tuần thứ tư của mỗi tháng, các nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ thảo luận một đề tài do Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chọn ra. Đề tài ngày Chủ Nhật tuần thứ tư này sẽ được cập nhật sau mỗi đại hội trung ương. Đề tài từ giờ cho đến đại hội trung ương kế tiếp sẽ là “Phục Sự Những Người Khác.” Mỗi tháng, các vị lãnh đạo hay giảng viên có thể chọn để hướng dẫn thảo luận về bất kỳ nguyên tắc nào trong những nguyên tắc liên quan đến việc phục sự sau đây.
Phục sự có nghĩa là gì?
Việc phục sự có ý nghĩa gì đối với các tín hữu trong tiểu giáo khu hay chi nhánh của anh chị em? Để tìm hiểu, anh chị em có thể viết Việc Phục Sự lên trên bảng và sau đó mời các tín hữu viết ra những từ họ liên tưởng đến việc phục sự xung quanh chữ này. Các tín hữu có thể tìm ra những từ hay cụm từ để thêm vào danh sách các câu thánh thư như sau đây: Ma Thi Ơ 25:34–40; Lu Ca 10:25–37; 2 Nê Phi 25:26; Mô Si A 18:8–9; 3 Nê Phi 18:25; và Giáo Lý và Giao Ước 81:5. Chúng ta học được gì từ các câu này về việc phục sự? Anh chị em có thể yêu cầu các tín hữu chia sẻ những ví dụ về việc phục sự họ đã chứng kiến. Việc phục sự của chúng ta có thể giúp đáp ứng các nhu cầu thuộc linh và thể chất của các tín hữu như thế nào? Điều này có thể giúp các tín hữu đến gần Đấng Ky Tô hơn như thế nào?
Đấng Cứu Rỗi là tấm gương cho chúng ta về việc phục sự.
Để học hỏi cách thức phục sự một cách có hiệu quả, các tín hữu có thể chia sẻ những câu chuyện từ thánh thư trong đó Đấng Cứu Rỗi phục sự những người khác—nhiều ví dụ có thể được tìm thấy trong Giăng 4–6 và Mác 2:1–12. Các tín hữu cũng có thể chia sẻ điều gây ấn tượng cho họ về những câu chuyện này và những nguyên tắc họ học được về việc phục sự. Ví dụ, Đấng Cứu Rỗi đã phục vụ riêng từng cá nhân những người khác như thế nào? Ngài đáp ứng các nhu cầu thuộc linh cũng như thể chất của những người khác như thế nào? Các tín hữu trong lớp cũng có thể chia sẻ những khi họ thấy người khác áp dụng những nguyên tắc này trong việc phục sự của mình.
Việc phục sự được thúc đẩy bằng tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.
Để khám phá quyền năng của việc phục sự được thúc đẩy bằng tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô, anh chị em có thể viết các câu sau đây lên trên bảng và mời các tín hữu đề nghị các cách để điền vào chỗ trống: Khi tôi thật lòng yêu thương những người tôi phục sự, tôi . Khi tôi phục vụ vì những lý do khác, tôi . Chúng ta có thể làm gì để bảo đảm rằng việc phục sự của mình được thúc đẩy bằng tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô? Chúng ta phát triển tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô đối với những người chúng ta được chỉ định để phục sự như thế nào? (xin xem Mô Rô Ni 7:45–48). Có lẽ, các tín hữu có thể chia sẻ những ví dụ về việc phục sự được soi dẫn bởi tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.
Thượng Đế muốn tất cả các con cái của Ngài được trông nom và quan tâm.
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Một điểm đặc biệt của Giáo Hội chân chính và sinh động của Chúa sẽ luôn luôn là một nỗ lực có tổ chức, có sự hướng dẫn nhằm phục sự cho từng con cái của Thượng Đế và gia đình họ” (“Phục Sự với Quyền Năng và Thẩm Quyền của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 69.). Chủ Tịch Nelson giảng dạy những điều gì là một số cách thức “có tổ chức, có sự hướng dẫn” trong đó Giáo Hội giúp chúng ta quan tâm các cá nhân hơn? Tại sao những nỗ lực này là “một điểm đặc biệt của Giáo Hội chân chính và sinh động của Chúa”? (xin xem Mô Si A 18:21–22 và Mô Rô Ni 6:4–6 để có được ý tưởng). Những phước lành nào đã được ban cho cuộc sống của chúng ta hay của những người khác vì các tín hữu phục sự trong sự kêu gọi hay sự chỉ định trong Giáo Hội của mình?
Dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao.
Các kinh nghiệm của các con trai của Mô Si A minh họa rằng cách thức chúng ta nhìn nhận người khác ảnh hưởng đến cách chúng ta phục sự họ. Anh chị em có thể viết lên bảng Cách dân Nê Phi nhìn nhận dân La Man và Cách các con trai của Mô Si A nhìn nhận dân La Man. Sau đó, mời các tín hữu tìm kiếm trong Mô Si A 28:1–3 và An Ma 26:23–26 để tìm những từ hay cụm từ để viết xuống bên dưới mỗi câu phát biểu này. Sự so sánh này dạy chúng ta điều gì về cách chúng ta nhìn người khác ảnh hưởng đến cách chúng ta phục sự họ? Làm thế nào chúng ta có thể học để nhìn người khác giống như Thượng Đế nhìn họ hơn? (xin xem GLGƯ 18:10–16).
Những người phục sự chân chính tập trung vào các nhu cầu của người khác.
Để giúp các tín hữu hiểu rõ hơn giá trị của việc tập trung vào các nhu cầu của những người khác khi phục sự, anh chị em có thể so sánh việc phục sự với việc cho và nhận quà. Đã có khi nào chúng ta nhận được một món quà đầy ý nghĩa từ một ai đó biết rõ chúng ta cần hay muốn thứ gì chưa? Việc phục sự giống với việc tặng một món quà đầy ý nghĩa như thế nào? Cân nhắc việc thảo luận các câu chuyện từ đại hội trung ương gần đây nhất mà minh họa cách người ta phục sự theo những nhu cầu của những người khác (xin xem, ví dụ, Jean B. Bingham, “Phục Sự giống như Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Năm năm 2018). Các tín hữu cũng có thể chia sẻ những câu chuyện khác mà cũng minh họa nguyên tắc này.
Làm thế nào chúng ta có thể biết được nhu cầu của những người khác là gì? Mời mỗi tín hữu lập một danh sách một số những người họ phục sự. Bên cạnh mỗi cái tên, họ có thể viết ra câu trả lời cho câu hỏi “Người này cần điều gì để đến gần Đấng Ky Tô hơn?” Nếu có thể áp dụng được, hãy mời các tín hữu bao gồm vào những giáo lễ mỗi người này có thể cần phải tiếp nhận. Mời các tín hữu hãy tiếp tục suy nghĩ về câu hỏi này và tìm kiếm sự soi dẫn để giúp họ đáp ứng nhu cầu của những người khác.
Chúa muốn chúng ta chấp nhận việc phục sự từ những người khác.
Anh Cả Robert D. Hales đã nói: “Kế hoạch phúc âm đòi hỏi việc cho đi và nhận lấy. … Các cá nhân trong cảnh khó khăn thường nói: ‘Tôi sẽ tự làm lấy một mình,’ … ‘Tôi có thể tự lo lấy bản thân.’ Có người nói rằng không ai quá giàu có để không cần sự giúp đỡ của người khác, không ai quá nghèo để không có ích lợi gì cho đồng bào mình. Khuynh hướng yêu cầu sự trợ giúp từ người khác với sự tự tin, và ban phát với lòng nhân từ, nên là một phần của bản tính chúng ta” (“We Can’t Do It Alone,” Ensign, tháng Mười Một năm 1975, trang 91, 93). Tại sao đôi khi chúng ta ngại phải chấp nhận sự giúp đỡ của người khác? Sự sẵn lòng của chúng ta để chấp nhận sự giúp đỡ ban phước cho những người phục vụ chúng ta như thế nào? Cho các tín hữu một vài phút để suy ngẫm các cách họ có thể trở nên sẵn sàng hơn để chấp nhận sự phục sự của người khác. 1 Cô Rinh Tô 12:13–21 gợi lên điều gì về tại sao chúng ta cần có lẫn nhau?
Có nhiều cách để chúng ta có thể phục sự những người khác.
Để giúp các tín hữu xem xét nhiều cách thức đa dạng chúng ta có thể phục sự lẫn nhau, anh chị em có thể mời họ xem lại sứ điệp của Anh Cả Holland “Ở Cùng và Củng Cố Họ” (Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 101–3; xin xem thêm “Các Nguyên Tắc Phục Sự” trong các số tới của tạp chí Liahona). Các tín hữu có thể chia thành các nhóm nhỏ, và mỗi nhóm có thể nghĩ về nhiều tình huống trong đó một người có thể cần được giúp đỡ. Sau đó, họ có thể nghĩ ra nhiều cách trong đó các tín hữu có thể phục sự những nhu cầu thuộc linh và thể chất của các cá nhân trong các tình huống. Yêu cầu các nhóm chia sẻ ý tưởng của họ và suy ngẫm xem có ý tưởng nào được thảo luận có thể ban phước cho các tín hữu họ phục sự không.