2018
Vị Tiên Tri của Thượng Đế
May 2018


Vị Tiên Tri của Thượng Đế

Một vị tiên tri không đứng ở giữa anh chị em và Đấng Cứu Rỗi. Thay vì thế, ông đứng ở bên cạnh anh chị em và chỉ con đường dẫn đến Đấng Cứu Rỗi.

Tôi xin thêm lời chào mừng Anh Cả Gerrit Gong và Anh Cả Ulisses Soares vào tình anh em vô song của Nhóm Túc Số Mười Hai.

Khi tán trợ Chủ Tịch Russell M. Nelson với tư cách là vị tiên tri của Chúa và là Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta là một phần của một cuộc họp trọng thể do Thượng Đế quy định—trọng thể bởi vì các sự kiện trong giờ vừa qua đã được dự kiến trước trên thiên thượng từ trước khi thế gian được tạo dựng. Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng điều khiển công việc của Ngài, ngày hôm nay, qua Chủ Tịch Eyring, đã giới thiệu vị tiên tri của Ngài, vị lãnh đạo đã được xức dầu, cho chúng ta, con cái giao ước của Ngài, cho phép chúng ta công khai bày tỏ sự sẵn lòng của mình để tán trợ ông và tuân theo lời khuyên bảo của ông.

Đối với hàng triệu các tín hữu đang không ở đây với chúng tôi trong Trung Tâm Đại Hội, tôi muốn anh chị em biết rằng Thánh Linh của Chúa ở trong tòa nhà này trong khi chúng ta tán trợ Chủ Tịch Nelson đã đúng như anh chị em dự đoán—tràn đầy quyền năng thuộc linh. Nhưng cuộc họp được thiên thượng hướng dẫn của chúng ta không chỉ diễn ra trong Trung Tâm Đại Hội này mà ở trên khắp thế giới: trong các giáo đường ở châu Á, châu Phi, và Bắc Mỹ; trong những căn nhà ở Trung và Nam Mỹ và châu Âu; trên các hiên nhà có mái che ở khu vực Thái Bình Dương và các hải đảo. Cuộc họp này diễn ra ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà anh chị em có thể đang ở, thậm chí nếu anh chị em chỉ kết nối qua âm thanh của điện thoại thông minh của mình. Những cánh tay chúng ta đã giơ lên không được vị giám trợ đếm, nhưng chắc chắn đã được thiên thượng ghi nhận, giống như giao ước của chúng ta với Thượng Đế, và hành động của chúng ta đã được ghi vào trong sách sự sống.

Chúa Lựa Chọn Vị Tiên Tri của Ngài

Sự lựa chọn vị tiên tri đã được chính Chúa thực hiện. Không có tranh cử, không có tranh luận, không có thái độ giả tạo để có được chức vụ, không có bất đồng, hoài nghi, lộn xộn, hay xáo động. Tôi cũng xác nhận rằng quyền năng thiên thượng đã ở cùng với chúng tôi trong căn phòng trên lầu của đền thờ khi chúng tôi thành tâm đứng vòng quanh Chủ Tịch Nelson và cảm thấy sự chấp thuận không thể phủ nhận được của Chúa dành cho ông.

Việc lựa chọn Chủ Tịch Nelson để phục vụ với tư cách là vị tiên tri của Thượng Đế đã được thực hiện từ cách đây rất lâu. Những lời của Chúa ban cho Giê Rê Mi cũng áp dụng cho Chủ Tịch Nelson: ″Trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước.”1 Chỉ cách đây 3 năm, Anh Cả Nelson, vào lúc 90 tuổi, đứng ở vị trí thứ tư trong cấp bậc thâm niên, với hai trong số ba Vị Sứ Đồ thâm niên trẻ tuổi hơn ông. Chúa, đấng điều khiển sự sống và sự chết, lựa chọn vị tiên tri của Ngài. Ở tuổi 93, Chủ Tịch Nelson có sức khỏe tuyệt vời. Chúng ta hy vọng ông sẽ sống lâu với chúng ta thêm một hoặc hai thập niên, nhưng bây giờ chúng tôi đang cố gắng khuyên ông không nên đi trượt tuyết nữa.

Trong khi chúng ta tán trợ vị tiên tri với tư cách là người đã được Chúa xức dầu, chúng ta cần hiểu rõ rằng chúng ta chỉ thờ phượng Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, và Vị Nam Tử thiêng liêng của Ngài. Chính là qua sự trung gian của công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, mà một ngày nào đó chúng ta có thể một lần nữa được ở nơi hiện diện của Hai Ngài.2

Tại Sao Chúng Ta Noi Theo Vị Tiên Tri

Nhưng Chúa Giê Su cũng đã dạy một lẽ thật quan trọng về các tôi tớ mà Ngài gửi đến cho chúng ta. Ngài phán: “Ai rước các ngươi, tức là rước ta; ai rước ta, tức là rước Đấng đã sai ta.”3

Vai trò quan trọng nhất của vị tiên tri của Chúa là để giảng dạy chúng ta về Đấng Cứu Rỗi và dẫn dắt chúng ta đến với Ngài.

Có rất nhiều lý do hợp lý để noi theo Chủ Tịch Russell M. Nelson. Thậm chí những người không thuộc tín ngưỡng của chúng ta cũng cho rằng ông tài giỏi. Ông trở thành bác sĩ y khoa ở tuổi 22, một bác sĩ phẫu thuật tim đáng kính, và là một người tiên phong nổi tiếng trong sự phát triển ngành phẫu thuật tim hở.

Đa số đều công nhận sự khôn ngoan và tài xét đoán của ông: chín thập niên học hỏi về cuộc sống và cái chết, sống một cách vô vị kỷ, yêu mến và giảng dạy con cái của Thượng Đế ở mỗi nẻo của địa cầu, và chín chắn với những kinh nghiệm của việc có mười người con, 57 cháu và 118 chắt (con số cuối cùng này đang thay đổi nhanh chóng; một đứa chắt trai chỉ mới ra đời hôm thứ Tư vừa rồi).

Chủ Tịch Russell M. Nelson với đứa chắt trai mới sanh

Những người biết rõ về ông sẽ nói rằng Chủ Tịch Nelson đã đối phó với những khó khăn của cuộc đời với đức tin và lòng can đảm. Khi con gái 37 tuổi của ông tên Emily qua đời vì bệnh ung thư, bỏ lại một người chồng yêu dấu và năm đứa con nhỏ, tôi đã nghe ông nói: “Tôi là cha của nó, một bác sĩ y khoa, và Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng tôi đã phải cúi đầu … và thừa nhận: ‘Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý [con]!.’”4

Người Lính Canh trên Cái Tháp

Mặc dù chúng ta khâm phục tất cả các đức tính xuất sắc này, tại sao chúng ta noi theo Chủ Tịch Nelson? Tại sao chúng ta noi theo vị tiên tri? Bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã kêu gọi ông và bổ nhiệm ông làm người lính canh đứng trên tháp Ngài.

Carcassonne, Pháp

Carcassonne là một thành phố với tường thành bao quanh nổi bật ở nước Pháp mà đã có từ thời Trung Cổ. Những cái tháp canh nhô cao lên từ tường thành bảo vệ, được xây lên để cho những người canh gác đứng trên các tháp này cả ngày lẫn đêm, tập trung chú ý canh chừng kẻ thù từ xa. Khi người canh gác trông thấy kẻ thù đang tiến gần, tiếng nói cảnh báo của người ấy bảo vệ dân Carcassonne khỏi mối hiểm nguy đang đe dọa mà họ không thể thấy được.

Vị tiên tri là một người canh gác trên tháp canh, bảo vệ chúng ta khỏi những mối hiểm nguy về phần thuộc linh mà chúng ta có thể không thấy được.

Chúa phán cùng Ê Xê Chi Ên: “Nầy, hỡi con người, ta đã lập ngươi được làm kẻ canh giữ cho nhà Y Sơ Ra Ên; nên hãy nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo trước cho chúng nó.”5

Chúng ta thường nói về sự cần thiết phải noi theo vị tiên tri, nhưng hãy cân nhắc gánh nặng này mà Chúa đặt lên vị tiên tri của Ngài: “Nếu ngươi không răn bảo để cho kẻ dữ xây bỏ đường lối xấu của nó, [và] kẻ dữ ấy sẽ chết trong sự gian ác mình; … ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi.”6

Một Lời Chứng Cá Nhân Lớn Lao Hơn

Chúng ta nhiệt tình tán trợ Chủ Tịch Nelson như chúng ta cũng sẽ nhiệt tình tán trợ Phi E Rơ hay Môi Se nếu chúng ta sống trong thời họ. Thượng Đế phán cùng Môi Se: “Vậy bây giờ, hãy đi; ta sẽ ở cùng miệng ngươi và dạy ngươi những lời phải nói.”7 Chúng ta lắng nghe vị tiên tri của Chúa với đức tin rằng những lời của ông “phát ra từ chính miệng [Chúa].”8

Đây có phải là đức tin mù quáng không? Không, không phải thế. Mỗi chúng ta đều có một lời chứng thuộc linh về lẽ trung thực của Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Với ý muốn và sự lựa chọn của riêng mình, chúng ta đã giơ tay lên buổi sáng hôm nay, tuyên bố mong muốn của mình để tán trợ vị tiên tri của Chúa qua “sự tín nhiệm, đức tin, cùng lời cầu nguyện”9 của chúng ta và để tuân theo lời khuyên bảo của ông. Chúng ta có đặc ân với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau để nhận được lời chứng cá nhân rằng sự kêu gọi của Chủ Tịch Nelson là từ Thượng Đế. Mặc dù vợ tôi, Kathy, đã quen biết riêng Chủ Tịch Nelson gần ba thập kỷ và không hề có thắc mắc gì về trách nhiệm thiêng liêng của ông, nhưng vào lúc ông được phong nhiệm, vợ tôi bắt đầu đọc tất cả các bài nói chuyện mà ông đã đưa ra tại đại hội trung ương trong suốt 34 năm qua, cầu nguyện để có được sự tin chắc thậm chí còn sâu sắc hơn về vai trò tiên tri của ông. Tôi hứa với anh chị em rằng lời chứng lớn lao hơn này sẽ đến với anh chị em khi anh chị em khiêm nhường và tìm kiếm nó một cách xứng đáng.

Tại sao chúng ta rất sẵn lòng tuân theo tiếng nói của vị tiên tri của mình? Đối với những người đang tận tụy tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu, tiếng nói của vị tiên tri mang đến sự an toàn về phần thuộc linh trong những lúc hỗn loạn.

Chúng ta sống trong một thế giới ồn ào với vô số ảnh hưởng khác nhau. Mạng Internet, điện thoại thông minh và rất nhiều lựa chọn giải trí của chúng ta đều nài xin sự chú ý của chúng ta và bắt chúng ta phải chịu ảnh hưởng của chúng, với hy vọng chúng ta sẽ mua các sản phẩm và chấp nhận các tiêu chuẩn của chúng.

Sự có sẵn dường như vô tận của thông tin và quan điểm nhắc chúng ta nhớ đến những lời cảnh báo trong thánh thư về việc bị “day động,”10 “bị gió động,”11 và bị đánh bại bởi “mưu chước dỗ dành” của những người “nằm chờ đợi để lừa gạt.”12

Việc trung tín noi theo Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi phải lắng nghe những người Ngài gửi đến. Việc noi theo vị tiên tri trong một thế giới ồn áo náo nhiệt cũng giống như được quấn trong tấm chăn mềm mại, ấm áp trong một ngày giá lạnh.

Chúng ta sống trong một thế giới đầy ắp lý do, tranh luận, bàn cãi, lý luận và giải thích. Việc hỏi “Lý do tại sao?” thì thật tích cực trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống chúng ta, cho phép sức mạnh của trí tuệ chúng ta chỉ hướng cho nhiều sự lựa chọn và quyết định chúng ta gặp phải hằng ngày.

Nhưng tiếng nói của Chúa thường đến mà không có lời giải thích.13 Từ lâu trước khi các học giả nghiên cứu tác động của sự không chung thủy trên vợ chồng và con cái, Chúa đã tuyên phán: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm.”14 Ngoài việc chỉ trông cậy vào sự hiểu biết không thôi, chúng ta trân quý ân tứ Đức Thánh Linh.

Đừng Ngạc Nhiên

Nô Ê đang thuyết giảng

Tiếng nói của vị tiên tri, mặc dù được nói ra một cách tử tế, sẽ thường là một tiếng nói kêu gọi chúng ta hãy thay đổi, hối cải, và trở về cùng Chúa. Khi cần phải sửa chỉnh, hãy đừng trì hoãn. Và hãy đừng sợ hãi khi tiếng nói cảnh báo của vị tiên tri là trái với những ý kiến phổ biến ngày nay. Những người không tin thích chế giễu bắt đầu chỉ trích những lời của vị tiên tri ngay khi ông nói ra. Khi anh chị em khiêm nhường tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri của Chúa, tôi hứa rằng anh chị em sẽ có thêm phước lành của sự an toàn và bình an.

Sa Mu Ên, Người La Man, nói tiên tri

Đừng ngạc nhiên nếu đôi khi quan điểm cá nhân của anh chị em thoạt đầu không phù hợp với những lời giảng dạy của vị tiên tri của Chúa. Đây là những giây phút học hỏi, khiêm nhường, khi chúng ta quỳ xuống cầu nguyện. Chúng ta tiến bước trong đức tin, tin cậy nơi Thượng Đế, biết rằng với thời gian chúng ta sẽ nhận được thêm sự sáng về mặt thuộc linh từ Cha Thiên Thượng. Một vị tiên tri mô tả ân tứ vô song về Đấng Cứu Rỗi như là “ý muốn của Đức Chúa Con lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha.”15 Việc hiến dâng ý muốn của chúng ta theo ý muốn của Thượng Đế, thực ra không phải là từ bỏ tất cả, mà là khởi đầu của một chiến thắng vẻ vang.

Một số người sẽ cố gắng phân tích thái quá những lời của vị tiên tri, gặp khó khăn để xác định thế nào là tiếng nói tiên tri của ông và thế nào là quan điểm cá nhân.

Vào năm 1982, hai năm trước khi được kêu gọi với tư cách là một vị Thẩm Quyền Trung Ương, Anh Russell M. Nelson nói: “Tôi không bao giờ tự hỏi, ‘Khi nào thì vị tiên tri nói như một vị tiên tri và khi nào thì ông không nói như vậy?’ Mối quan tâm của tôi luôn luôn là: ‘Làm thế nào tôi có thể được giống như ông hơn?’” Và ông nói thêm: “[Phương châm] của tôi là ngừng đặt dấu chấm hỏi ở cuối lời phát biểu của vị tiên tri và thay vào đó bằng dấu chấm than.”16 Đây là cách mà một người khiêm nhường và đầy thuộc linh chọn để đặt ưu tiên cho cuộc sống của ông. Giờ đây, 36 năm sau, ông là vị tiên tri của Chúa.

Gia Tăng Đức Tin của Anh Chị em nơi Đấng Cứu Rỗi

Trong cuộc sống riêng tư của tôi, tôi đã thấy rằng khi tôi thành tâm và cẩn thận học những lời của vị tiên tri của Thượng Đế, với lòng kiên nhẫn, làm cho ý muốn của tôi phù hợp một cách thuộc linh với những lời giảng dạy đầy soi dẫn của ông, thì đức tin của tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn gia tăng.17 Nếu chúng ta chọn để sang một bên lời khuyên bảo của ông và cho rằng mình biết nhiều hơn, thì đức tin của chúng ta sẽ bị tổn thương và quan điểm vĩnh cửu của chúng ta sẽ suy yếu. Tôi hứa với anh chị em rằng khi anh chị em tiếp tục quyết tâm noi theo vị tiên tri, thì đức tin của anh chị em nơi Đấng Cứu Rỗi sẽ gia tăng.

Đấng Cứu Rỗi phán: “Tất cả các tiên tri … đều làm chứng về ta.”18

Một vị tiên tri không đứng ở giữa anh chị em và Đấng Cứu Rỗi. Thay vì thế, ông đứng ở bên cạnh anh chị em và chỉ con đường dẫn đến Đấng Cứu Rỗi. Trách nhiệm lao nhất và món quà quý giá nhất của vị tiên tri dành cho chúng ta là lời chứng chắc chắn của ông, sự hiểu biết xác thực của ông, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Giống như Phi E Rơ thời xưa, vị tiên tri của chúng ta tuyên bố: “[Ngài là] Đấng [Ky Tô], con Đức Chúa Trời hằng sống.”19

Vào một ngày trong tương lai, khi nhìn lại cuộc sống trần thế của mình, chúng ta sẽ vui mừng hãnh diện rằng mình đã bước đi trên thế gian vào thời điểm mà có một vị tiên tri tại thế. Vào ngày đó, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ có thể nói:

Chúng ta đã lắng nghe ông.

Chúng ta đã tin tưởng ông.

Chúng ta đã học lời của ông với lòng kiên nhẫn và đức tin.

Chúng ta đã cầu nguyện cho ông.

Chúng ta đã cùng hiệp một với ông.

Chúng ta đã có đủ khiêm nhường để noi theo ông.

Chúng ta đã yêu mến ông.

Tôi đưa ra cho anh chị em lời chứng long trọng của tôi rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, và rằng Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri đã được xức dầu trên thế gian. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giê Rê Mi 1:5.

  2. Xin xem 2 Nê Phi 2:8.

  3. Ma Thi Ơ 10:40.

  4. Ký ức cá nhân; xin xem thêm Spencer J. Condie, Russell M. Nelson: Father, Surgeon, Apostle (năm 2003), trang 235.

  5. Ê Xê Chi Ên 33:7.

  6. Ê Xê Chi Ên 33:8.

  7. Xuất Ê Díp Tô Ký 4:12.

  8. Giáo Lý và Giao Ước 21:5.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 107:22.

  10. Ê Phê Sô 4:14.

  11. Gia Cơ 1:6.

  12. Ê Phê Sô 4:14.

  13. Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã có lần nói:

    “Trong một buổi phỏng vấn năm 1988 … tôi giải thích thái độ của tôi trước những cố gắng để đưa ra những lý do trên trần thế cho điều mặc khải thiêng liêng:

    “‘Nếu anh chị em đọc thánh thư với câu hỏi này trong tâm trí, “Tại sao Chúa truyền lệnh điều này hoặc tại sao Ngài truyền lệnh điều đó,” anh chị em sẽ tìm thấy lý do được đưa ra cho ít hơn một lệnh truyền trong số một trăm lệnh truyền. Đó không phải là mẫu mực của Chúa để đưa ra lý do. Chúng ta [những người trần thế] có thể đặt lý do cho điều mặc khải. Chúng ta có thể đặt lý do cho các lệnh truyền. Khi làm như vậy, thì chúng ta bị bỏ mặc một mình. Một số người đặt lý do cho [điều mặc khải] … , và rồi nhận thấy rằng họ đã sai lầm rất lớn. Có một bài học trong điều đó. … Tôi đã quyết định từ cách đây rất lâu là tôi có đức tin nơi lệnh truyền và tôi không có đức tin nơi những lý do mà đã được gợi ý cho lệnh truyền đó.’ …

    “‘… Đối với tôi cả một loạt những lý do dường như là rủi ro không cần thiết. … Hãy đừng phạm phải lỗi lầm mà đã phạm phải trong quá khứ, … khi cố gắng đặt ra những lý do cho điều mặc khải. Những lý do thực ra đều do con người đặt ra. Những điều mặc khải là những gì chúng ta tán trợ với tính cách là ý muốn của Chúa và đó là nơi chốn an toàn của chúng ta’” (Life’s Lessons Learned [2011], trang 68–69).

  14. Xuất Ê Díp Tô Ký 20:14.

  15. Mô Si A 15:7.

  16. Russell M. Nelson, trong Lane Johnson, “Russell M. Nelson: A Study in Obedience,” Tambuli, tháng Một năm 1983, trang 26.

  17. Chủ Tịch Henry B. Eyring nói: “Một cách ngụy biện khác là tin tưởng rằng sự lựa chọn để chấp nhận hoặc không chấp nhận lời dạy bảo của các vị tiên tri thì không hơn gì việc quyết định liệu có chấp nhận lời khuyên hữu ích và hưởng lợi ích từ lời khuyên đó hoặc là ở nguyên chỗ mình đang ở. Nhưng sự lựa chọn để không nghe theo lời dạy bảo của vị tiên tri làm thay đổi con đường mà chúng ta đang ở trên đó. Con đường đó trở nên càng nguy hiểm hơn. Thất bại trong việc nghe theo lời dạy của vị tiên tri làm suy yếu sức mạnh của chúng ta để làm theo lời dạy được soi dẫn trong tương lai. Thời điểm tốt nhất để quyết định giúp Nô Ê đóng tàu là lần đầu tiên ông ấy yêu cầu. Với mỗi lần ông ấy yêu cầu sau đó, thì mỗi lời từ chối hành động sẽ làm suy yếu sự nhạy cảm với Thánh Linh. Và vì thế mỗi lần lời yêu cầu của ông sẽ dường như càng thêm ngốc nghếch, cho đến khi trời đổ mưa. Và rồi lúc đó đã quá muộn” (“Finding Safety in Counsel,” Ensign, tháng Năm năm 1997, trang 25).

  18. 3 Nê Phi 20:24.

  19. Ma Thi Ơ 16:16; xin xem thêm Giăng 6:69.