2018
Những Chuyện Nhỏ Nhặt Tầm Thường
May 2018


Những Chuyện Nhỏ Nhặt Tầm Thường

Chúng ta cần phải được nhắc nhở rằng qua thời gian dài thì những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt này sẽ mang lại những điều lớn lao.

I.

Anh chị em thân mến của tôi, như anh chị em, tôi cảm thấy vô cùng xúc động cũng như được gây dựng và soi dẫn bởi các sứ điệp và phần âm nhạc cùng những cảm xúc của lần này ở cùng nhau. Tôi chắc chắn là tôi có thể thay mặt anh chị em cảm ơn những người anh chị em của chúng ta, với tư cách là các công cụ trong bàn tay của Chúa, đã củng cố chúng ta trong lần nhóm họp này của chúng ta.

Tôi biết ơn được nói chuyện với anh chị em trong ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh. Hôm nay chúng ta cùng với những người Ky Tô Hữu khác kỷ niệm Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Đối với các tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, hiện thực Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô là một trụ cột của đức tin chúng ta.

Bởi vì chúng ta tin những lời tường thuật trong cả Kinh Thánh lẫn Sách Mặc Môn về hiện thực Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta cũng tin vô số những lời giảng dạy trong thánh thư về một sự phục sinh tương tự sẽ đến với tất cả những ai đã từng sống trên thế gian này. Sự phục sinh đó cho chúng ta điều Sứ Đồ Phi E Rơ gọi là “sự trông cậy sống” (1 Phi E Rơ 1:3). Sự trông cậy sống đó là sự tin chắc của chúng ta rằng sự chết không phải là sự kết thúc danh tính của chúng ta nhưng chỉ là một bước cần thiết trong kế hoạch thương xót của Cha Thiên Thượng chúng ta vì sự cứu rỗi của con cái Ngài. Kế hoạch đó đòi hỏi một sự chuyển tiếp từ thể hữu diệt sang thể bất diệt. Trọng tâm của sự chuyển tiếp đó là hoàng hôn của sự chết và buổi sáng vinh quang được hiện thực hóa bởi Sự Phục Sinh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta mà chúng ta kỷ niệm vào ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh này.

II.

Trong một bài thánh ca tuyệt vời do Eliza R. Snow viết lời, chúng ta hát:

Ôi vĩ đại, vinh quang, hoàn chỉnh biết bao

Kế hoạch cứu chuộc thế gian,

Cứu Chúa xót thương ban cho công lý

Trong sự hòa hợp thiêng liêng!1

Trong việc hoàn thành kế hoạch và sự hòa hợp thiêng liêng đó, chúng ta tụ họp trong các buổi nhóm họp, kể cả đại hội này, để giảng dạy và khuyến khích lẫn nhau.

Buổi sáng hôm nay tôi cảm thấy được thúc giục phải dùng làm đề tài cho bài nói chuyện của tôi lời An Ma giảng dạy con trai ông là Hê La Man, được ghi chép trong Sách Mặc Môn: “Chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được” (An Ma 37:6).

Chúng ta được giảng dạy nhiều điều nhỏ nhặt tầm thường trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cần phải được nhắc nhở rằng qua thời gian dài thì những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt này sẽ mang lại những điều lớn lao. Nhiều vị Thẩm Quyền Trung Ương và các giảng viên đáng kính khác đã đưa ra nhiều bài nói chuyện về đề tài này. Đề tài này rất quan trọng nên tôi cảm thấy nên nói chuyện về nó lần nữa.

Tôi được nhắc nhở về sức mạnh của những điều nhỏ nhặt tầm thường qua thời gian bởi điều tôi đã thấy trong một lần đi bộ buổi sáng nọ. Đây là bức hình tôi đã chụp. Vỉa hè bê tông dày và kiên cố đang nứt ra. Đây có phải là kết quả của một lực đẩy lớn và mạnh chăng? Không, vết nứt này là do sự phát triển từ từ, chậm rãi của một nhánh rễ vươn ra từ cái cây gần bên gây ra. Đây là một ví dụ tương tự tôi thấy trên một con đường khác.

Vết nứt trên vỉa hè
Một vết nứt khác trên vỉa hè

Lực đẩy làm nứt những vỉa hè bê tông nặng trịch này là quá nhỏ để có thể đo lường mỗi ngày hoặc thậm chí mỗi tháng, nhưng ảnh hưởng của nó qua thời gian quả là mạnh mẽ lạ thường.

Sức ảnh hưởng qua thời gian của những điều nhỏ nhặt tầm thường chúng ta được giảng dạy trong thánh thư và bởi các vị tiên tri tại thế cũng vậy. Hãy xem xét việc học tập thánh thư chúng ta được giảng dạy phải kết hợp vào cuộc sống hằng ngày của mình. Hoặc hãy xem xét những lời cầu nguyện cá nhân và những lời cầu nguyện chung khi cả gia đình cùng quỳ xuống mà đã trở thành những sinh hoạt thường ngày đối với các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín. Hãy xem xét việc tham gia lớp giáo lý của giới trẻ hay viện giáo lý của những người thành niên trẻ tuổi. Mặc dù mỗi một hành động này dường như có vẻ nhỏ nhặt tầm thường, nhưng qua thời gian chúng sẽ dẫn đến sự tiến triển và phát triển mạnh mẽ về mặt thuộc linh. Điều này xảy ra bởi vì mỗi một hành động nhỏ nhặt tầm thường này mời gọi sự đồng hành của Đức Thánh Linh, là Đấng Làm Chứng sẽ khai sáng chúng ta và hướng dẫn chúng ta đến lẽ thật, như Chủ Tịch Eyring đã giải thích.

Một nguồn tiến triển và phát triển thuộc linh khác là hành động liên tục hối cải, ngay cả những sự phạm giới nhỏ nhặt nhất. Việc tự kiểm điểm được soi dẫn của chúng ta có thể giúp chúng ta nhìn thấy mình không hoàn hảo như thế nào và chúng ta có thể làm tốt hơn như thế nào. Sự hối cải như thế nên đi trước việc chúng ta dự phần Tiệc Thánh hằng tuần. Một số chủ đề để xem xét trong quá trình hối cải này được nêu lên trong bài thánh ca “Ta Đã Làm Điều Gì Tốt?”

Nhìn lại xem mình làm điều chi tốt trong ngày nay?

Nào ta có giúp cho người kêu xin?

Hoặc an ủi ai đang buồn, hoặc làm cho ai mừng vui?

Không thế thì chính ta sai lầm rồi.

Hôm nay ai vơi được sầu, vì ta chung chia sớt

Có gánh nặng nào được ta ghé vai?

Người bệnh nào yếu đuối những lúc trông mong ta nâng dắt?

Chính ta đã làm những chi cho họ?2

Chắc chắn đây là những chuyện nhỏ nhặt, nhưng chắc chắn chúng là những ví dụ tốt về điều An Ma đã giảng dạy con trai ông Hê La Man: “Và Đức Chúa Trời đã dùng những phương tiện đó để thực hiện các mục đích vĩ đại và vĩnh cửu của Ngài; và cũng chính với những phương tiện hết sức nhỏ bé ấy mà Chúa … đem lại sự cứu rỗi cho biết bao linh hồn” (An Ma 37:7).

Chủ Tịch Steven C. Wheelwright đã mô tả một cách đầy soi dẫn cho những người tham gia vào buổi họp đặc biệt ở trường đại học Brigham Young University–Hawaii về lời giảng dạy của An Ma: “An Ma xác nhận với con trai ông rằng quả thật mẫu mực Chúa theo khi chúng ta thực hành đức tin nơi Ngài và tuân theo sự khuyên dạy của Ngài trong những việc nhỏ nhặt tầm thường là Ngài ban phước cho chúng ta với những phép lạ nhỏ mỗi ngày, và qua thời gian, với những công việc kỳ diệu.”3

Chủ Tịch Howard W. Hunter đã dạy rằng “thường thì những công việc thường ngày… lại có ảnh hưởng tích cực lớn nhất đến cuộc sống của người khác, khi so sánh với những việc thế gian thường gán cho sự vĩ đại.”4

Một lời giảng dạy thế tục đầy thuyết phục về cùng một nguyên tắc đến từ cựu Thượng Nghị Sĩ Dan Coats của tiểu bang Indiana, ông viết: “Sự chuẩn bị duy nhất cho một quyết định sâu sắc đó mà có thể thay đổi một cuộc đời, hay thậm chí một quốc gia, là hàng trăm và hàng ngàn những quyết định bán vô thức, xác định bản thân, dường như tầm thường được đưa ra trong chốn riêng tư.”5

Những quyết định “dường như tầm thường” riêng tư đó gồm có việc chúng ta sử dụng thời gian của mình như thế nào, chúng ta xem gì trên truyền hình và trên mạng, chúng ta đọc gì, chúng ta thưởng thức nghệ thuật và âm nhạc nào ở công sở và ở nhà, chúng ta giải trí bằng gì, và chúng ta thực hiện sự cam kết của mình để trở nên trung thực và chân thật như thế nào. Một việc dường như nhỏ bé tầm thường khác là lịch sự và vui vẻ trong những mối tương tác cá nhân của chúng ta.

Không việc nào trong những việc nhỏ nhặt tầm thường đáng ao ước này sẽ giúp chúng ta tiến triển đến sự vĩ đại trừ khi chúng được thực hành một cách thích hợp và liên tục. Chủ Tịch Brigham Young được kể lại là đã nói rằng: “Cuộc sống của chúng ta bao gồm những hoàn cảnh nhỏ bé, tầm thường mà, khi chúng kết hợp với nhau, sẽ trở nên vô cùng quan trọng, và sẽ tổng kết lại trọn vẹn cuộc đời của một người nam hay nữ.”6

Chúng ta bị bao quanh bởi những ảnh hưởng truyền thông và những sự sa đọa văn hóa mà sẽ lôi chúng ta xuống nếu chúng ta không liên tục chống lại. Để lội ngược dòng lên đến mục đích vĩnh cửu của mình, chúng ta phải liên tục không ngừng tay chèo. Sẽ có ích nếu chúng ta nằm trong một nhóm cùng chèo với nhau, như một đội đang chèo thuyền. Để áp dụng hình ảnh này sâu xa hơn, các dòng nước văn hóa mạnh đến nỗi nếu chúng ta ngừng chèo, thì chúng ta sẽ bị kéo xuống hạ lưu đến một nơi mà chúng ta không tìm kiếm nhưng đang trở nên bất khả kháng nếu chúng ta không luôn luôn tìm cách tiến lên.

Sau khi thuật lại một sự kiện dường như nhỏ nhặt nhưng có kết quả lớn lao, Nê Phi đã viết: “Và do đó, chúng tôi thấy được rằng, bằng những phương tiện nhỏ bé Chúa có thể đem lại những việc lớn lao” (1 Nê Phi 16:29). Kinh Cựu Ước có ghi chép lại một ví dụ đáng nhớ về nguyên tắc này. Trong đó chúng ta đọc về dân Y Sơ Ra Ên khổ sở thế nào vì những con rắn lửa. Nhiều người đã chết vì bị chúng cắn (xin xem Dân Số 21:6). Khi Môi Se cầu nguyện cho sự giải thoát, ông được soi dẫn để làm “một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một cây sào.” Sau đó, “nếu người nào đã bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng, thì được sống” (câu 9). Một việc nhỏ nhặt lại tạo ra một kết quả thật kỳ diệu! Thế nhưng, như Nê Phi đã giải thích khi ông giảng dạy ví dụ này cho những người nổi loạn chống lại Chúa, ngay cả khi Chúa đã sửa soạn cách thức mà qua đó họ có thể được chữa lành, nhưng “vì cách thức quá giản dị, hay quá dễ dàng, nên có nhiều người đã chết” (1 Nê Phi 17:41).

Ví dụ đó và lời giảng dạy đó nhắc nhở chúng ta rằng tính giản dị của cách thức hay tính dễ dàng của công việc được truyền lệnh không có nghĩa là công việc đó không quan trọng để đạt đến ước muốn ngay chính của chúng ta.

Tương tự, ngay cả những hành động không vâng lời nhỏ nhặt nhất hay việc không làm theo các lối thực hành ngay chính nhỏ nhặt nhất có thể kéo chúng ta xuống đến kết quả mà chúng ta đã được cảnh báo phải tránh. Lời Thông Sáng cung cấp một ví dụ về nguyên tắc này. Có thể nói rằng, ảnh hưởng của một điếu thuốc lá hay một ly rượu hay một liều thuốc khác có thể không đo lường được. Nhưng qua thời gian, ảnh hưởng đó sẽ trở nên mạnh mẽ và có thể không đảo ngược được. Hãy nhớ về vết nứt vỉa hè do sự phát triển từ từ của một cái rễ cây gây ra. Một điều chắc chắn là, những hậu quả tồi tệ của việc dự phần vào bất cứ thứ gì có thể gây nghiện, như ma túy tấn công cơ thể hay hình ảnh sách báo khiêu dâm làm bại hoại suy nghĩ của chúng ta, đều hoàn toàn có thể tránh được nếu chúng ta không bao giờ dự phần vào lần đầu tiên—dù chỉ một lần.

Nhiều năm về trước, Chủ Tịch M. Russell Ballard đã mô tả trước toàn thể đại hội trung ương “làm thế nào những việc nhỏ nhặt tầm thường có thể trở thành tiêu cực và phá hoại sự cứu rỗi của một người.” Ông đã dạy: “Như những thớ sợi mỏng manh tạo thành chỉ, rồi thành sợi, và cuối cùng là dây thừng, những việc nhỏ nhặt này kết hợp với nhau có thể trở nên rất chắc chắn khó có thể bị đứt được. Chúng ta phải luôn luôn nhận thức được sức mạnh mà những điều nhỏ nhặt tầm thường có thể có trong việc xây dựng nền tảng thuộc linh. Cùng một lúc, chúng ta phải luôn luôn nhận thức được rằng Sa Tan sẽ dùng những việc nhỏ nhặt tầm thường để dẫn dắt chúng ta vào tuyệt vọng và khổ sở.”7

Chủ Tịch Wheelwright đã đưa ra một lời cảnh báo tương tự cho những người ở trường đại học BYU–Hawaii: “Chính vì việc không làm theo những điều nhỏ nhặt tầm thường mà đức tin lung lay, các phép lạ ngừng xảy ra, và sự tiến triển hướng về Chúa và vương quốc của Ngài trước hết là ngừng lại và rồi bắt đầu suy yếu vì việc theo đuổi vương quốc của Thượng Đế bị thay thế bằng những theo đuổi thế tục và những tham vọng của thế gian.”8

Để bảo vệ chống lại các tác động tiêu cực chất chồng phá hoại sự tiến triển thuộc linh của mình, chúng ta cần phải tuân theo mẫu mực thuộc linh về những điều nhỏ nhặt tầm thường. Anh Cả David A. Bednar đã mô tả nguyên tắc này tại Đại Hội Phụ Nữ ở trường đại học BYU: “Chúng ta có thể học hỏi nhiều về bản chất và tầm quan trọng của mẫu mực thuộc linh này từ phương pháp … nhỏ nước từ từ xuống đất,” thay vì đổ ngập nước hay phun một lượng nước lớn khi có thể không cần thiết.

Ông giải thích: “Những giọt nước nhỏ đều đều xuống thấm sâu vào trong lòng đất và cung cấp độ ẩm cao cho đất nhờ đó cây cỏ có thể phát triển được. Cũng như thế, nếu anh chị em và tôi tập trung và thường xuyên tiếp nhận những giọt nước nuôi dưỡng phần thuộc linh nhỏ xuống đều đều, thì các nhánh rễ của phúc âm có thể đào sâu vào trong tâm hồn chúng ta, có thể xây dựng một nền tảng vững chắc, và có thể sản sinh ra trái cây ngon ngọt và phi thường.”

Ông tiếp tục nói: “Mẫu mực thuộc linh về những điều nhỏ nhặt tầm thường mang đến những điều lớn lao tạo ra sự vững chắc và kiên định, sự dâng hiến sâu sắc hơn, và sự cải đạo trọn vẹn hơn theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.”9

Tiên Tri Joseph Smith đã giảng dạy nguyên tắc này bằng những lời được ghi chép lại trong Giáo Lý và Giao Ước: “Chớ để cho một ai xem những điều này là nhẹ; vì có rất nhiều điều … liên quan đến các thánh hữu, mà tùy thuộc vào những điều này” (GLGƯ 123:15).

Liên quan đến những nỗ lực xây dựng Giáo Hội đầu tiên ở Missouri, Chúa đã khuyên bảo về tính kiên nhẫn vì “mọi sự việc phải xảy ra vào thời kỳ của nó” (GLGƯ 64:32). Sau đó Ngài đã ban cho lời giảng dạy tuyệt vời này: “Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn” (GLGƯ 64:33).

Tôi tin tất cả chúng ta đều có ước muốn tuân theo lời yêu cầu của Chủ Tịch Russell M. Nelson phải tiến lên “trên con đường giao ước.”10 Sự cam kết của chúng ta để làm như vậy được củng cố bằng cách liên tục tuân theo “những chuyện nhỏ nhặt” chúng ta được giảng dạy trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và bởi các vị lãnh đạo trong Giáo Hội của Ngài. Tôi làm chứng về Ngài và cầu xin các phước lành của Ngài trút lên tất cả những ai tìm kiếm để giữ vững trên con đường giao ước của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Tình Yêu và Sự Khôn Ngoan Lớn Lao,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 195.

  2. “Ta Đã Làm Điều Gì Tốt?” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 223.

  3. Steven C. Wheelwright, “The Power of Small and Simple Things” (buổi họp đặc biệt devotional Brigham Young University–Hawaii, ngày 31 tháng Tám năm 2007), trang 2, devotional.byuh.edu.

  4. Teachings of Presidents of the Church: Howard W. Hunter (năm 2015), trang 165.

  5. Dan Coats, “America’s Youth: A Crisis of Character,” Imprimis, tập 20, quyển 9 (tháng Chín năm 1991), trang 4; xin xem thêm Anh Cả Wilford Andersen trong bài báo của ông đăng trên Mesa Tribune, tháng Năm năm 1996.

  6. Brigham Young, bài giảng trong Đại Thính Đường Ogden, ngày 19 tháng Bảy năm 1877, như đã được tường thuật trong “Discourse,” Deseret News, ngày 17 tháng Mười năm 1877, trang 578.

  7. M. Russell Ballard, “Small and Simple Things,” Ensign, tháng Năm năm 1990, trang 7, 8.

  8. Steven C. Wheelwright, “The Power of Small and Simple Things,” trang 3.

  9. David A. Bednar, “By Small and Simple Things Are Great Things Brought to Pass” (Brigham Young University Women’s Conference, ngày 29 tháng Tư năm 2011), womensconference.byu.edu.

  10. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Tiếp Tục Cùng Nhau Tiến Bước,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 7.