2018
Kẻ Nào Bền Chí cho Đến Cuối Cùng, thì Sẽ Được Cứu
May 2018


Kẻ Nào Bền Chí cho Đến Cuối Cùng, thì Sẽ Được Cứu

Chúng ta hãy trung tín với điều chúng ta đã tin và biết.

Anh chị em thân mến, tôi biết ơn rất nhiều về cơ hội được bày tỏ với anh chị em một số cảm nghĩ của tôi.

Cách đây vài năm, vợ chồng tôi có mặt tại lễ khai mạc triển lãm tương tác của các thiếu nhi trong Viện Bảo Tàng Lịch Sử của Giáo Hội ở Salt Lake City. Vào cuối buổi lễ, Chủ Tịch Thomas S. Monson đi về phía chúng tôi, và trong khi bắt tay chúng tôi, ông nói: “Hãy bền chí, và anh chị sẽ chiến thắng”—một lời dạy sâu sắc và là một lẽ thật mà dĩ nhiên chúng ta đều có thể khẳng định.

Chúa Giê Su Ky Tô cam đoan với chúng ta rằng “kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu.”1

Bền chí có nghĩa là “giữ vững lời cam kết sống trung tín theo các giáo lệnh của Thượng Đế bất chấp sự cám dỗ, chống đối và nghịch cảnh.”2

Ngay cả những người đã có những kinh nghiệm thuộc linh vững mạnh và đã phục vụ trung thành một ngày nào đó cũng có thể lạc lối hoặc trở nên kém tích cực nếu họ không bền chí cho đến cùng. Cầu xin cho chúng ta luôn luôn giữ vững trong tâm trí mình câu nói: “Điều này sẽ không xảy ra với tôi đâu.”

Khi Chúa Giê Su Ky Tô giảng dạy ở thành Ca Bê Na Um, thì “có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa.

“Đức Chúa Giê Su phán cùng mười hai sứ đồ rằng: Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”3

Tôi tin rằng ngày nay, Chúa Giê Su Ky Tô cũng hỏi tất cả chúng ta là những người đã lập giao ước thiêng liêng với Ngài: “Các ngươi cũng muốn lui chăng?”

Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta, với sự suy ngẫm cặn kẽ về điều mà thời vĩnh cửu sẽ dành cho mình, có thể đáp như Si Môn Phi E Rơ đã đáp: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời.”4

Chúng ta hãy trung tín với điều chúng ta đã tin và biết. Nếu chúng ta không sống theo sự hiểu biết của mình thì chúng ta hãy thay đổi. Những người phạm tội mà tiếp tục làm tội lỗi và không hối cải, càng ngày càng chìm sâu hơn vào sự ô uế, cho đến khi Sa Tan nhận họ thuộc về nó, làm nguy hại rất nhiều đến cơ hội của họ để hối cải, được tha thứ, và được ban phước với tất cả các phước lành vĩnh cửu.

Tôi đã nghe rất nhiều lý lẽ bào chữa từ những người đã ngừng tham gia tích cực trong Giáo Hội và đã đánh mất sự hiểu biết đúng về mục đích của cuộc sống chúng ta trên thế gian này. Tôi khuyên họ nên suy ngẫm và trở lại, vì tôi tin rằng không ai có thể bào chữa trước mặt Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta được.

Khi chịu phép báp têm, chúng ta đã lập giao ước—không phải với bất cứ người nào mà là với Đấng Cứu Rỗi, khứng chịu “mang danh Chúa Giê Su Ky Tô, quyết tâm phục vụ Ngài cho đến cùng.”5

Sự tham dự các buổi lễ Tiệc Thánh là một trong những cách quan trọng nhất để chúng ta có thể đánh giá quyết tâm của mình nhằm phục vụ Ngài, sức mạnh thuộc linh của chúng ta và sự phát triển đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Việc dự phần Tiệc Thánh là điều quan trọng nhất chúng ta làm trong ngày Sa Bát. Chúa đã giải thích giáo lễ này cho các Sứ Đồ của Ngài biết ngay trước khi Ngài chết. Ngài cũng đã làm như vậy trên lục địa Châu Mỹ. Ngài phán với chúng ta rằng nếu chúng ta tham dự giáo lễ này, thì đó sẽ là lời chứng với Đức Chúa Cha rằng chúng ta luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, và Ngài hứa rằng chúng ta sẽ có Thánh Linh của Ngài ở cùng với chúng ta.6

Trong những lời dạy của An Ma Con cho con trai Síp Lân của ông, chúng ta thấy lời khuyên dạy khôn ngoan và lời cảnh báo để giúp chúng ta vẫn luôn trung tín với các giao ước của mình:

“Các người hãy lưu ý đừng dương dương tự đắc; phải, hãy lưu ý đừng khoe khoang sự khôn ngoan và sức mạnh của mình.

“Hãy tỏ lòng can đảm nhưng đừng hống hách, và hãy lưu ý kềm chế mọi dục vọng của mình, để cho con được tràn đầy tình thương. Hãy lưu ý đừng để trở nên biếng nhác.”7

Cách đây vài năm, trong kỳ nghỉ hè, tôi muốn đi bơi thuyền kayak lần đầu tiên. Tôi đã thuê một chiếc thuyền kayak, và lòng đầy hăng hái, tôi lao thuyền ra biển.

Sau một vài phút, một con sóng lật úp chiếc thuyền kayak. Với rất nhiều nỗ lực, trong khi một tay giữ mái chèo và tay kia giữ chiếc thuyền kayak, tôi đã có thể lấy lại được thăng bằng.

Tôi đã cố gắng một lần nữa chèo chiếc thuyền kayak của mình, nhưng chỉ một vài phút sau thì chiếc thuyền kayak lại bị lật lần nữa. Tôi vẫn tiếp tục cố gắng, nhưng vô ích, cho đến khi một người hiểu cách chèo thuyền kayak cho tôi biết rằng chắc hẳn đã có một vết nứt trong vỏ thuyền nên chiếc kayak mới bị ngập nước, làm cho nó chao đảo và không thể điều khiển được. Tôi lôi chiếc thuyền kayak lên bờ và rút cái chốt ra, và tất nhiên là một lượng nước lớn trào ra.

Tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta phạm tội trong cuộc sống mà, giống như sự rò rỉ trong chiếc thuyền kayak của tôi, cản trở sự tiến bộ thuộc linh của chúng ta.

Nếu vẫn tiếp tục phạm tội thì chúng ta quên đi các giao ước mà chúng ta đã lập với Chúa, mặc dù chúng ta tiếp tục vấp ngã vì bị mất cân bằng mà những tội lỗi đó gây ra trong cuộc sống của chúng ta.

Giống như những vết nứt trong chiếc thuyền kayak của tôi, những lỗi lầm trong cuộc sống của chúng ta cần phải được giải quyết. Một số tội lỗi sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực để hối cải hơn những tội lỗi khác.

Vì vậy, chúng ta nên tự hỏi: Chúng ta đang ở đâu khi xem xét thái độ của mình đối với Đấng Cứu Rỗi và công việc của Ngài? Chúng ta có ở trong trường hợp của Phi E Rơ khi ông chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô không? Hay là chúng ta đã tiến đến mức mà chúng ta có thái độ và quyết tâm mà ông đã có sau mệnh lệnh quan trọng ông đã nhận được từ Đấng Cứu Rỗi?8

Chúng ta cần phải cố gắng tuân theo tất cả các lệnh truyền và lưu ý đến những lệnh truyền nào là khó nhất cho chúng ta để tuân giữ. Chúa sẽ ở bên chúng ta, giúp đỡ chúng ta trong những lúc cần thiết và yếu đuối, và nếu chúng ta cho thấy một ước muốn chân thành và hành động đúng đắn, thì Ngài sẽ làm cho “những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ.”9

Sự vâng lời sẽ mang đến cho chúng ta sức mạnh để khắc phục tội lỗi. Chúng ta cũng phải hiểu rằng thử thách của đức tin chúng ta đòi hỏi chúng ta phải vâng lời, tuy thường là không biết được kết quả.

Tôi đề nghị một công thức mà sẽ giúp chúng ta kiên trì đến cùng:

  1. Hằng ngày, cầu nguyện và đọc thánh thư.

  2. Hằng tuần, dự phần Tiệc Thánh với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối.

  3. Đóng tiền thập phân và của lễ nhịn ăn của mình hằng tháng.

  4. Mỗi hai năm—mỗi năm đối với giới trẻ—gia hạn giấy giới thiệu đi đền thờ của chúng ta.

  5. Trong suốt cuộc đời chúng ta, hãy phục vụ trong công việc của Chúa.

Cầu xin cho những lẽ thật vĩ đại của phúc âm củng cố tâm trí chúng ta, và cầu xin cho chúng ta giữ cho cuộc sống của mình khỏi những tội lỗi mà có thể cản trở cuộc hành trình an toàn của chúng ta vượt qua biển đời.

Sự thành công trong con đường của Chúa có một cái giá, và cách duy nhất để đạt được nó là phải trả cái giá đó.

Tôi biết ơn biết bao Đấng Cứu Rỗi đã kiên trì cho đến cùng để hoàn thành sự hy sinh vĩ đại của Ngài để chuộc tội.

Ngài chịu đau khổ vì tội lỗi, nỗi đau đớn, chán nản, thống khổ, đau yếu, và sợ hãi của chúng ta và vì vậy Ngài biết cách giúp đỡ chúng ta, cách soi dẫn chúng ta, cách an ủi chúng ta và cách củng cố chúng ta để chúng ta có thể kiên trì và nhận được mão triều thiên dành riêng cho những người không bị đánh bại.

Cuộc sống đều khác biệt đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta đều có lúc bị thử thách, lúc có hạnh phúc, lúc phải đưa ra quyết định, lúc khắc phục những trở ngại và lúc tận dụng cơ hội.

Cho dù hoàn cảnh cá nhân của chúng ta có thể là gì đi chăng nữa thì tôi cũng làm chứng rằng Cha Thiên Thượng đang liên tục phán: “Ta yêu thương con. Ta giúp đỡ con. Ta ở cùng con. Đừng bỏ cuộc. Hãy hối cải và kiên trì trong con đường mà ta đã chỉ cho con thấy. Và ta cam đoan với con rằng chúng ta sẽ gặp nhau lại trong ngôi nhà thiên thượng của mình.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.