Các Tài Liệu và Giờ Chia Sẻ dành cho Hội Thiếu Nhi
Tháng Năm: Các Vị Tiên Tri Dạy Chúng Ta Sống Theo Phúc Âm Phục Hồi


Tháng Năm

Các Vị Tiên Tri Dạy Chúng Ta Sống Theo Phúc Âm Phục Hồi

“Cũng vậy, Đức Chúa Trời chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ của Ngài, là các tiên tri” (A Mốt 3:7).

Hãy bổ sung những ý kiến đã được đưa ra ở đây với một số ý kiến riêng của các anh chị em. Mỗi tuần, hãy hoạch định những cách để (1) nhận ra giáo lý, (2) giúp các em hiểu giáo lý đó, và (3) giúp chúng áp dụng giáo lý đó vào cuộc sống của chúng. Hãy tự hỏi: “Các em trong lớp học của mình sẽ làm gì để học hỏi và làm thế nào tôi có thể giúp chúng cảm nhận được Thánh Linh?”

Tuần lễ thứ nhất và thứ 2: Vị tiên tri tại thế lãnh đạo Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê Su Ky Tô.

Nhận ra giáo lý (nhìn hình và chơi trò chơi): Cho thấy hình vị tiên tri tại thế. Yêu cầu vài em thay phiên nhau hướng dẫn Hội Thiếu Nhi trong một hành động giản dị chẳng hạn nhảy lên nhảy xuống hay vỗ tay. Chỉ hình vị tiên tri và giải thích rằng ông là Chủ Tịch của Giáo Hội và chúng ta cần phải làm theo điều ông yêu cầu chúng ta làm. Hỏi: “Vị tiên tri noi theo ai?” Cho thấy hình Chúa Giê Su Ky Tô, và giải thích rằng vị tiên tri làm việc dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Khuyến khích sự hiểu biết (thảo luận những lời giảng dạy của vị tiên tri): Cho các em thấy số báo đại hội gần đây nhất của tạp chí Ensign hoặc Liahona. Giải thích rằng tại đại hội trung ương, vị tiên tri dạy chúng ta điều mà Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta phải làm. Hãy chọn ra các câu nói từ các bài nói chuyện của các vị tiên tri, và mời các em đọc to. Hãy cùng nhau làm một bản liệt kê những điều mà các em có thể làm để noi theo vị tiên tri.

Khuyến khích sự áp dụng (vẽ hình): Đưa cho mỗi em một tờ giấy. Mời các em gấp đôi tờ giấy lại. Yêu cầu các em vẽ hình của vị tiên tri lên trên một nửa tờ giấy và viết hoặc vẽ một cách thức chúng sẽ noi theo vị tiên tri lên trên một nửa kia. Mời các em đứng lên và giơ hình vẽ của chúng lên trong khi chúng đồng ca bài “Tạ Ơn Thượng Đế Đã Ban cho một Vị Tiên Tri” (TCVCBCTN, 36).

Tuần Lễ thứ 2, dạy cho các em về một điều gì mà vị tiên tri đã dạy tại một đại hội trung ương mới đây. Khi hoạch định các sinh hoạt mà các anh chị em sẽ sử dụng, hãy nghĩ về cách các anh chị em sẽ nhận ra lời giảng dạy của vị tiên tri và giúp các em hiểu cùng áp dụng lời giảng dạy đó vào cuộc sống của chúng.

Tuần Lễ thứ 3: Các vị tiên tri dạy tôi đóng tiền thập phân.

Nhận ra giáo lý (đọc một câu thánh thư và nghe một câu chuyện): Giải thích rằng Ma La Chi là một vị tiên tri thời Cựu Ước là người giảng dạy dân chúng phải đóng tiền thập phân. Yêu cầu một em đọc Ma La Chi 3:10 trong khi các em khác lắng nghe điều mà Chúa hứa với chúng ta nếu chúng ta đóng tiền thập phân. Giải thích rằng việc “mở các cửa sổ trên trời” có nghĩa là các phước lành chúng ta nhận được khi chúng ta đóng tiền thập phân.

Khuyến khích sự hiểu biết (thấy một bài học với đồ vật): Mời 10 em đến đứng trước phòng. Đưa một trái táo (hoặc trái cây khác) cho mỗi em và bảo chúng giơ trái táo của chúng lên và giả vờ là các cây táo. Bảo một em khác “hái” các quả táo và đặt chúng vào một cái giỏ. Giải thích rằng tiền thập phân là một phần mười của những gì chúng ta kiếm được và thường được trả bằng tiền, nhưng có những lúc người ta trả bằng bất cứ thứ gì họ có. Hỏi em đó sẽ đưa cho vị giám trợ bao nhiêu trái táo để đóng tiền thập phân.

trẻ em giả vờ hái táo.

Khuyến khích sự áp dụng (thảo luận tiền thập phân): Cho thấy một biên nhận tiền thập phân và phong bì. Thảo luận tiến trình đóng tiền thập phân. Mời các em chia sẻ cách gia đình của chúng đã được phước bởi việc đóng tiền thập phân. Chia sẻ chứng ngôn về các phước lành đến từ việc tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri để đóng tiền thập phân.

Tuần Lễ thứ 4: Các vị tiên tri dạy tôi cách sống theo Lời Thông Sáng.

Nhận ra giáo lý (đọc một câu thánh thư): Bảo các em kể về lúc cha mẹ chúng cảnh cáo chúng về mối nguy hiểm. Hỏi chúng tại sao cha mẹ chúng thường cảnh cáo chúng. Giải thích rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và cảnh cáo chúng ta về mối nguy hiểm qua các vị tiên tri của Ngài. Bảo một em đọc Giáo Lý và Giao Ước 89:4, và bảo các em lắng nghe về điều mà lời cảnh cáo này được đưa ra. Giải thích rằng Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được lời cảnh cáo này, Lời Thông Sáng, là một điều mặc khải từ Thượng Đế.

Khuyến khích sự hiểu biết (đọc thánh thư): Trước khi Hội Thiếu Nhi nhóm họp, hãy dán những câu tham khảo thánh thư sau đây ở dưới đáy của các chiếc ghế khác nhau: GLGƯ 89:7, GLGƯ 89:8, GLGƯ 89:9, GLGƯ 89:10, GLGƯ 89:12, GLGƯ 89:16. Giải thích rằng Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta thể xác và Ngài muốn chúng ta chăm sóc thể xác đó; Ngài đã ban cho chúng ta Lời Thông Sáng để giúp chúng ta biết những điều nào sẽ giúp cho cơ thể chúng ta và những điều nào sẽ làm hại chúng. Bảo các em nhìn dưới ghế của chúng để tìm ra những câu tham khảo thánh thư. Mời mỗi đứa trẻ đã tìm ra câu tham thảo thánh thư đọc to câu thánh thư đó. Thảo luận ý nghĩa của mỗi câu thánh thư. Hãy nói rõ rằng “các loại rượu mạnh“ là rượu và “các thức uống nóng“ là cà phê và trà.

Khuyến khích sự áp dụng (chơi một trò chơi): Để trong một cái bao một số hình ảnh về thức ăn, thức uống khác nhau và những món đồ khác tốt hay không tốt cho cơ thể. Mời một đứa trẻ chọn ra một tấm hình từ cái bao và cho các em khác thấy tấm hình đó. Bảo các em mở miệng ra nếu thứ đó là tốt cho cơ thể hoặc che miệng lại nếu thứ đó không tốt cho cơ thể. Đọc Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21 và thảo luận các phước lành chúng ta nhận được khi noi theo lời khuyên dạy của vị tiên tri để sống theo Lời Thông Sáng.

trẻ em nhìn vào hình

Trẻ em có thể học hỏi qua các sinh hoạt và động tác thú vị nhưng vẫn duy trì một thái độ tôn kính.

Những giúp đỡ cho người hướng dẫn nhạc

Một bài ca cho tháng này có thể là “Tạ Ơn Thượng Đế Đã Ban Cho Một Vị Tiên Tri” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 36). Sau đây là một số ý kiến có thể được sử dụng để giảng dạy bất cứ bài ca nào. Mặc dù những mảnh giấy có ghi chữ được sử dụng trong ví dụ này, với một số bài ca, hình ảnh cũng có thể được sử dụng để giảng dạy cho các em nhỏ.

Viết mỗi cụm từ của bài ca lên trên một mảnh giấy có ghi chữ có màu khác nhau (hoặc viết mỗi cụm từ bằng một màu khác nhau). Chia mỗi cụm từ thành hai phần. Sử dụng bất cứ phương pháp nào sau đây để dạy bài ca:

  1. Đặt tất cả các mảnh giấy có ghi chữ không theo thứ tự nào cả xung quanh phòng. Để cho một vài em sắp xếp lại cụm từ theo đúng thứ tự khi các anh chị em và các em hát đi hát lại bài ca. Hát và thảo luận mỗi cụm từ, và rồi hát hết bài ca đó.

  2. Bắt đầu với những mảnh giấy có ghi chữ đã gắn trên bảng. Cùng hát bài ca này với các em. Yêu cầu một em gỡ ra một mảnh giấy có ghi chữ, và hát bài ca này một lần nữa. Lặp lại cho đến khi nào tất cả các mảnh giấy ghi chữ đã được gỡ ra.

  3. Đặt phần đầu của mỗi câu lên trên bảng theo đúng thứ tự và đặt phần thứ hai lên trên bảng theo thứ tự lộn xộn. Hát phần đầu của một câu và bảo các em tìm ra phần thứ hai của câu và giải thích ý nghĩa của câu đó.

  4. Chia các em ra thành hai nhóm. Bảo một nhóm hát phần thứ nhất của mỗi câu và nhóm khác hát phần thứ hai. Chuyển đổi các nhóm và lặp lại.

những mảnh giấy có ghi chữ

Có sẵn những mảnh giấy có in chữ tại trang mạng sharingtime.lds.org