Tháng Chín
Tôi Sẽ Hết Lòng, Hết Năng Lực, Hết Tâm Trí và Hết Sức Mạnh của Mình mà Phục Vụ Thượng Đế
“Các ngươi yêu thương Chúa Thượng Đế của các ngươi với tất cả tấm lòng, tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh; và các ngươi phải phục vụ Ngài trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô” (GLGƯ 59:5).
Hãy bổ sung những ý kiến đã được đưa ra ở đây với một số ý kiến riêng của các anh chị em. Mỗi tuần, hãy hoạch định những cách để (1) nhận ra giáo lý, (2) giúp các em hiểu giáo lý đó, và (3) giúp chúng áp dụng giáo lý đó vào cuộc sống của chúng. Hãy tự hỏi: “Các em trong lớp học của mình sẽ làm gì để học hỏi và làm thế nào tôi có thể giúp chúng cảm nhận được Thánh Linh?”
Tuần Lễ thứ nhất: Chúa Giê Su Ky Tô dạy chúng ta cách phục vụ những người khác.
Nhận ra giáo lý (nhìn vào hình): Trưng ra một vài tấm hình Chúa Giê Su Ky Tô đang phục vụ những người khác. Ví dụ, hãy sử dụng HHPPA các tấm hình 41, 42, 46, 47, và 55. Bảo các em mô tả điều gì đang xảy ra trong mỗi tấm hình. Nêu lên rằng Chúa Giê Su đang phục vụ những người khác trong mỗi tấm hình. Viết lên trên bảng: “Chúa Giê Su Ky Tô dạy chúng ta cách phục vụ những người khác.”
Khuyến khích sự hiểu biết (đọc thánh thư và đóng diễn vai): Bảo các em thay phiên nhau đóng diễn một trong các nhu cầu được mô tả trong Ma Thi Ơ 25:35–36. Ví dụ, một đứa trẻ có thể giả bị đói, khát, giả làm một người lạ hay bị bệnh. Bảo các em khác đoán nhu cầu đó là gì và rồi đóng diễn cách chúng có thể phục vụ một người có nhu cầu đó. Cùng đọc với nhau Ma Thi Ơ 25:35–40 và bảo các em tìm xem Chúa Giê Su Ky Tô phán rằng chúng ta đang phục vụ ai khi chúng ta phục vụ những người khác.
Khuyến khích sự áp dụng: Đưa cho các em một tờ giấy và bảo chúng liệt kê tên hoặc vẽ hình những người chúng có thể phục vụ và những hành động phục vụ chúng có thể làm cho những người đó. Bảo các em chia sẻ những tờ giấy của chúng với gia đình chúng ở nhà.
Tuần Lễ thứ 2: Các vị tiên tri và sứ đồ cho chúng ta thấy cách phục vụ.
Nhận ra giáo lý: Trưng ra hình Môi Se, Vua Bên Gia Min, Joseph Smith, và Thomas S. Monson. Nói cho các em biết rằng các vị tiên tri này, cũng giống như tất cả các vị tiên tri và sứ đồ, cho chúng ta thấy cách phục vụ những người khác.
Khuyến khích sự hiểu biết (chơi trò chơi đoán): Chuẩn bị những manh mối về cách Môi Se, Vua Bên Gia Min, Joseph Smith, và Thomas S. Monson cho chúng ta thấy cách phục vụ. Ví dụ, một số manh mối về Chủ Tịch Monson có thể là “tôi thường xuyên đi thăm các góa phụ trong tiểu giáo khu của tôi,” “Khi còn bé, tôi cho một đứa bé khác một trong các món đồ chơi ưa thích của mình,” và “Tôi thường đi thăm những người nằm trong bệnh viện.” Các anh chị em có thể muốn sử dụng những điều tham khảo sau đây để chuẩn bị cho các manh mối. Môi Se: Xuất Ê Díp Tô Ký 2:16–17; 1 Nê Phi 17:24–29. Vua Bên Gia Min: Mô Si A 2:12–19. Joseph Smith: Joseph Smith—Lịch Sử 1:62, 67; GLGƯ 135:3. Thomas S. Monson: Ensign, tháng Chín năm 1994, 12–17; tháng Mười Hai năm 1995, 2–4; tháng Mười Một năm 2006, 56–59.
Chọn bốn đứa trẻ tượng trưng cho các vị tiên tri này, và mời mỗi đứa trẻ đọc các manh mối mà các anh chị em đã chuẩn bị. Mời các em khác giơ tay lên khi các em nghĩ rằng mình biết vị tiên tri đó là ai. Sau đó bảo chúng tìm ra hình của vị tiên tri đó. Lặp lại sinh hoạt đó với các vị tiên tri khác.
Khuyến khích sự áp dụng (lắng nghe đại hội): Mời các em xem hay lắng nghe đại hội trung ương vào tháng tới. Khuyến khích chúng lắng nghe những câu chuyện về cách phục vụ những người khác. Cho chúng cơ hội để chia sẻ điều chúng học được.
Tuần lễ thứ 3 và thứ 4: Khi tôi phục vụ những người khác tức là tôi phục vụ Thượng Đế.
Nhận ra giáo lý (học thuộc lòng một câu thánh thư): Giúp các em học thuộc lòng phần cuối của Mô Si A 2:17 bằng cách viết lên trên bảng: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy.” Mời các em lặp lại hai hoặc ba lần cụm từ này. Bảo một đứa trẻ xóa một hoặc hai từ, và bảo các em lặp lại cụm từ đó một lần nữa. Lặp lại cho đến khi không còn từ nào nữa ở trên bảng.
Khuyến khích sự hiểu biết (nghe những trường hợp nghiên cứu): Trong khi chuẩn bị, hãy thành tâm nghiên cứu bài nói chuyện tại đại hội tháng Tư năm 2010 của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, “Các Ngươi Là Đôi Tay Ta” (xin xem Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, 68–70, 75). Hỏi các em làm thế nào việc chúng ta phục vụ Thượng Đế tức là khi chúng ta phục vụ những người xung quanh mình (chúng ta đang làm điều Ngài sẽ làm nếu Ngài có mặt ở đây). Chia sẻ một câu chuyện hay một kinh nghiệm riêng về sự phục vụ, và giải thích cách mà câu chuyện hay kinh nghiệm này đã ban phước cho người ban phát lẫn người nhận như thế nào. (Các anh chị em có thể tìm ra những câu chuyện về sự phục vụ trong tạp chí Friend hay Liahona). Chuẩn bị một số trường hợp nghiên cứu trong đó cho thấy cách các trẻ em có thể phục vụ những người khác. Ví dụ: “An trượt chân ngã trên đường đi học về, và sách vở cả giấy tờ của nó rơi đầy trên đất. Dân ngừng lại để giúp An đứng dậy và nhặt sách vở của nó lên.” “Người hàng xóm của Mai vất vả mang đồ tạp phẩm vào nhà người ấy trong khi đứa con nhỏ của người ấy đang khóc la. Mai giúp người ấy mang đồ tạp phẩm vào nhà.” Bảo các em đóng diễn những trường hợp nghiên cứu và cho biết ai là người được phục vụ (người nhận sự phục vụ lẫn Thượng Đế).
Khuyến khích sự hiểu biết (chơi trò chơi so sao cho tương xứng): Tìm ra hay vẽ hình của những người mà các em có thể phục vụ, như một người cha hay mẹ, một người anh, chị hay em, một người ông hay người bà, một người bạn và một người hàng xóm. Sao chụp lại bản thứ nhì của các tấm hình này và chơi trò chơi so sao cho tương xứng với các em. Khi một đứa trẻ so hai hình tương xứng với nhau, hãy mời em ấy cho biết một cách để phục vụ người trong hình. Liệt kê những ý kiến của các em lên trên bảng. Để có một vài ý kiến về cách phục vụ, hãy xem Primary 4, 166.