Lớp Giáo Lý
1 Nê Phi 1: “Có Nhiều Vị Tiên Tri Đến”


“1 Nê Phi 1: ‘Có Nhiều Vị Tiên Tri Đến,’” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“1 Nê Phi 1: ‘Có Nhiều Vị Tiên Tri Đến,’” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

1 Nê Phi 1

“Có Nhiều Vị Tiên Tri Đến”

Lê Hi thuyết giảng ở Giê Ru Sa Lem

Các vị tiên tri không phải lúc nào cũng chia sẻ các sứ điệp phổ biến với thế gian, nhưng những lời dạy và cảnh báo của họ thể hiện tình thương yêu của Chúa dành cho dân của Ngài. Lê Hi được Thượng Đế kêu gọi để thuyết giảng sự hối cải cho người dân ở Giê Ru Sa Lem. Bất chấp lời khẩn nài và cảnh báo của ông, họ chối bỏ lời ông và tìm cách giết ông. Bài học này có thể giúp em cảm thấy được tầm quan trọng của việc tiếp nhận và vâng theo các vị tiên tri của Thượng Đế.

Sử dụng chứng ngôn của các vị tiên tri.Các vị tiên tri được kêu gọi bởi và nói thay cho Thượng Đế (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tiên Tri, Vị”). Một cách để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô là cho các học viên lắng nghe chứng ngôn của các vị tiên tri trong lớp học của chúng ta. Trong khi em tra cứu thánh thư hoặc nghiên cứu các bài nói chuyện đại hội, hãy tìm kiếm những chứng ngôn của các vị tiên tri về Chúa Giê Su Ky Tô. Xác định các cách thức thích hợp để giúp học viên nhìn thấy và nghe được những chứng ngôn này như một phần trong kinh nghiệm học tập của họ.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên chuẩn bị trước buổi học để chia sẻ những cảnh báo các em đã nghe được gần đây từ các vị tiên tri và suy ngẫm xem các em đã phản ứng như thế nào với những cảnh báo đó.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Các Cảnh Báo

Trưng bày hình ảnh, phần mô tả và câu hỏi sau đây.

Hãy tưởng tượng rằng em có cơ hội đi bè nổi hoặc chèo xuồng trên dòng sông này.

  • Em có lo lắng gì không? Tại sao có hoặc tại sao không?

một dòng sông êm đềm

Khi em chuẩn bị bắt đầu chuyến du ngoạn của mình, có người cảnh báo với em rằng dòng sông có vẻ êm đềm nhưng có một khúc sông nguy hiểm và đe dọa tính mạng của em.

  • Em có tin người đã cảnh báo mình không? Tại sao có hoặc tại sao không?

Bức ảnh sau đây cũng chính là dòng sông này với khúc sông mà em đã thấy mô tả trước đó:

Trưng bày hình ảnh sau đây và mời học viên trả lời các câu hỏi liên quan.

một dòng sông êm đềm trước một thác nước
  • Bây giờ thì em biết và cảm thấy gì về người đã đưa ra cảnh báo?

  • Tình huống tưởng tượng này có thể dạy cho chúng ta điều gì về vai trò của các vị tiên tri của Thượng Đế?

Nhắc nhở học viên về phần chuẩn bị cho buổi học khi các em suy ngẫm điều sau đây.

  • Các mối nguy hiểm đã được các vị tiên tri cảnh báo trong thời đại của chúng ta

  • Những phước lành của việc tuân theo và hậu quả có thể xảy ra của việc phớt lờ những cảnh báo của họ

  • Cảm nghĩ của em về việc nghe theo những cảnh báo của họ

  • Lý do tại sao em cần những lời cảnh báo của Thượng Đế qua các vị tiên tri của Ngài

Trong khi em nghiên cứu, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em cảm thấy mong muốn lớn hơn để vâng theo các vị tiên tri của Thượng Đế.

“Có nhiều vị tiên tri đến”

Sách 1 Nê Phi bắt đầu vào khoảng năm 600 trước Công Nguyên ở Giê Ru Sa Lem. Vào thời điểm này, nhiều người Do Thái đã từ bỏ Thượng Đế và thờ phượng tà thần Ba Anh, tin tưởng vào lời nói của các vị tiên tri dối trá và tham gia vào hành vi tội lỗi như trộm cắp, giết người và vô luân (xin xem Giê Rê Mi 27). Hãy suy ngẫm xem những hoàn cảnh này tương tự như thế nào với thế gian ngày nay.

Hãy đọc 1 Nê Phi 1:1–4, tìm kiếm cách Nê Phi đã bắt đầu việc ghi chép của ông.

  • Em nghĩ có điều gì quan trọng cần phải hiểu từ những câu này? Tại sao?

Các vị tiên tri được đề cập đến trong câu 4 có thể bao gồm các vị tiên tri trong Kinh Cựu Ước là Giê Rê Mi, Ha Ba Cúc, Ô Ba Đia, Na Hum, Sô Phô Ni và những vị tiên tri khác.

Hãy đọc 1 Nê Phi 1:5–15 và tìm kiếm những chi tiết về sự kêu gọi trở thành tiên tri của Lê Hi.

18:14
  • Em ấn tượng điều gì nhất về kinh nghiệm của Lê Hi? Tại sao?

  • Lê Hi đã học được gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô từ những điều ông nhìn thấy?

  • Tại sao việc biết những lẽ thật này về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô lại quan trọng trong hoàn cảnh của em?

Hãy đọc 1 Nê Phi 1:18–20 để xem những điều Lê Hi đã dạy và cách phản ứng của người dân ở thành phố Giê Ru Sa Lem.

18:14
  • Trong những nỗ lực của mình, Lê Hi giống Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

  • Em học được điều gì về các vị tiên tri từ những kinh nghiệm của Lê Hi?

Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ tấm gương của Lê Hi là Thượng Đế kêu gọi các vị tiên tri cảnh báo về hậu quả của tội lỗi và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.

Mời học viên thảo luận những câu hỏi sau đây theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ.

  • Em đã thấy các vị tiên tri thực hiện những trách nhiệm này như thế nào trong thời đại của chúng ta?

  • Một số người ngày nay bày tỏ sự giận dữ với các vị tiên tri hoặc chối bỏ những lời dạy của họ bằng các cách thức nào? Em nghĩ tại sao họ lại phản ứng như vậy?

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích tầm quan trọng của những điều các vị tiên tri của Thượng Đế dạy:

Anh Cả Neil L. Andersen

Việc trung tín noi theo Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi phải lắng nghe những người Ngài gửi đến. …

Tiếng nói của vị tiên tri, mặc dù được nói ra một cách tử tế, sẽ thường là một tiếng nói kêu gọi chúng ta hãy thay đổi, hối cải, và trở về cùng Chúa. Khi cần phải sửa chỉnh, hãy đừng trì hoãn. Và hãy đừng sợ hãi khi tiếng nói cảnh báo của vị tiên tri lại trái với những ý kiến phổ biến ngày nay. Những người không tin thích chế giễu luôn chỉ trích những lời của vị tiên tri ngay khi ông nói ra. Khi anh chị em khiêm nhường tuân theo lời khuyên bảo từ vị tiên tri của Chúa, tôi hứa rằng anh chị em sẽ có thêm phước lành của sự an toàn và bình an. …

… Trách nhiệm lớn lao nhất và món quà quý giá nhất của vị tiên tri dành cho chúng ta là lời chứng chắc chắn của ông, sự hiểu biết xác thực của ông, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. (Neil L. Andersen, “Vị Tiên Tri của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 26–27)

  • Tại sao em nghĩ rằng trách nhiệm lớn lao nhất của vị tiên tri là chia sẻ lời chứng của ông về Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Điều gì có thể giúp em phản ứng một cách trung tín với lời khuyên bảo và những cảnh báo từ các vị tiên tri của Thượng Đế trong thời đại của chúng ta?

Vai trò của các vị tiên tri và tầm quan trọng của việc tuân theo họ

Trưng ra các chỉ dẫn sau. Cho học viên một vài phút để ghi lại suy nghĩ của các em.

Hãy tưởng tượng rằng người bạn của em không phải là tín hữu của Giáo Hội gửi cho em tin nhắn văn bản sau:

“Mình nhớ bạn đã nói điều gì đó về việc làm thế nào mà giáo hội của bạn có các vị tiên tri. Điều đó có thực sự đúng không? Các vị tiên tri của bạn làm việc gì? Họ có giống như các vị tiên tri trong Kinh Thánh không?”

Em muốn chắc chắn rằng các câu hỏi của họ được trả lời rõ ràng. Hãy chuẩn bị một câu trả lời bằng cách sử dụng những điều sau đây:

Học viên có thể truy cập những nguồn tài liệu sau đây trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Nếu cần, hãy cung cấp bản in cho học viên để xem lại.

  1. Các đoạn và ví dụ từ 1 Nê Phi 1 (và các đoạn thánh thư khác về các vị tiên tri anh chị em biết) có thể giúp các em hiểu vai trò của một vị tiên tri.

  2. Ví dụ về cách các vị tiên tri ở thời hiện đại đã giúp em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Cân nhắc chia sẻ những ví dụ trong đó các vị tiên tri đã ảnh hưởng đến em từ các bài nói chuyện trong đại hội trung ương gần đây, các bài viết trên tạp chí của Giáo Hội hoặc cuốn sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

  3. Ví dụ từ cuộc sống của em hoặc cuộc sống của những người khác cho thấy những kết quả tích cực của việc nghe theo các vị tiên tri. Cân nhắc thêm vào chứng ngôn của cá nhân em về các vị tiên tri.

Sau khi đã cho đủ thời gian chuẩn bị, hãy xếp học viên thành từng cặp. Mời học viên tưởng tượng rằng các em đã quyết định trả lời trực tiếp câu hỏi của người bạn thay vì qua một tin nhắn văn bản. Mỗi học viên, với tư cách là tín hữu của Giáo Hội, có thể lần lượt giải thích cho bạn của mình.

Cân nhắc thảo luận những ví dụ về lời khuyên bảo, sửa dạy và hướng dẫn gần đây từ các vị tiên tri và sứ đồ tại thế.

Sau đó, hãy chia sẻ chứng ngôn cá nhân về cách các vị tiên tri đã giúp em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Cân nhắc mời những học viên nào sẵn sàng để chia sẻ chứng ngôn của các em.

Suy ngẫm về cách em phản ứng với những cảnh báo gần đây của các vị tiên tri. Tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh để nhận ra những cách thức em có thể lưu tâm kỹ hơn đến lời khuyên bảo của họ. Viết những ý tưởng đó vào nhật ký ghi chép việc học tập của em và thành tâm chọn một ý tưởng để áp dụng vào cuộc sống của mình.