Lớp Giáo Lý
1 Nê Phi 2: “Con Đã Biết Chuyên Tâm Tìm Tới Ta”


“1 Nê Phi 2: ‘Con Đã Biết Chuyên Tâm Tìm Tới Ta,’” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“1 Nê Phi 2,” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

1 Nê Phi 2

“Con Đã Biết Chuyên Tâm Tìm Tới Ta”

Nê Phi đang cầu nguyện bên bờ suối

Đôi khi Chúa truyền lệnh cho chúng ta làm những điều mà chúng ta có thể thấy khó hiểu hoặc khó làm. Sau khi kêu gọi người dân ở thành phố Giê Ru Sa Lem hối cải, Lê Hi đã tuân theo một sự mặc khải để mang gia đình mình đi vào vùng hoang dã. Thay vì ta thán như La Man và Lê Mu Ên, Nê Phi đã tìm đến Chúa để hiểu rõ hơn và để được xoa dịu tấm lòng ông. Bài học này nhằm giúp em cảm thấy mong muốn lớn hơn để tìm đến Chúa khi Ngài yêu cầu em làm những điều khó khăn.

Nhớ đến Đấng ban hành luật pháp.Khi giảng dạy về luật pháp và những giáo lệnh của Thượng Đế, anh chị em cũng hãy nhớ dạy về Đấng ban hành luật pháp. Hãy giúp học viên suy ngẫm những điều mà được giảng dạy về Thượng Đế trong các giáo lệnh của Ngài, mong muốn của Ngài để hướng dẫn và ban phước cho các em, và tình yêu thương Ngài dành cho các em. Giúp học viên hiểu rằng luật pháp đã được Cha Thiên Thượng nhân từ ban cho để giúp các em trở nên giống Ngài và Con Trai Yêu Quý của Ngài hơn.

Học viên chuẩn bị: Hỏi một người bạn hoặc một người trong gia đình: “Có khi nào anh chị em đã tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ của Chúa để tin tưởng và vâng theo lời của Ngài, ngay cả khi điều đó khó khăn không?”

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Đáp lại lời khuyên bảo của Chúa

Cân nhắc cho thấy tình huống và những câu hỏi sau. Cho học viên đủ thời gian để suy ngẫm và thảo luận về cách các em có thể trả lời các câu hỏi.

Hãy tưởng tượng em đang nghe đại hội trung ương và Chủ Tịch Giáo Hội đưa ra lời khuyên mà em nghĩ là sẽ khó để làm theo. Sau đại hội, em bắt đầu nghe các tín hữu khác của Giáo Hội phàn nàn về lời khuyên của ông và hỏi tại sao vị tiên tri lại yêu cầu chúng ta làm điều này. Khi em lắng nghe những lập luận này, em bắt đầu tự hỏi mình nên làm gì.

  • Có thể có một số cách tiêu cực nào để phản ứng với những lời phàn nàn và chỉ trích của các tín hữu?

  • Một số giải pháp tích cực cho tình huống này là gì? Điều gì sẽ làm hài lòng Chúa?

Trong 1 Nê Phi 2, em sẽ thấy các con của Lê Hi phản ứng theo những cách khác nhau với một giáo lệnh đầy thử thách mà Thượng Đế ban cho họ qua vị tiên tri của Ngài. Khi em nghiên cứu, hãy tìm kiếm các nguyên tắc có thể giúp em nếu việc tuân theo vị tiên tri có vẻ khó khăn.

Chúa ra lệnh cho Lê Hi rời khỏi Giê Ru Sa Lem

Em có thể nhớ rằng Lê Hi đã được Chúa truyền lệnh cảnh báo cho người dân ở thành Giê Ru Sa Lem rằng họ sẽ bị diệt vong nếu họ không hối cải. Hãy đọc 1 Nê Phi 2:1–5, tìm kiếm lời khuyên bảo của Chúa dành cho Lê Hi sau khi ông đã rao giảng về sự hối cải.

2:27

Cân nhắc trưng ra bản đồ này. Để giúp học viên hình dung quãng đường mà gia đình của Lê Hi có thể đã đi, anh chị em cũng có thể đưa ra ví dụ về một nơi cách địa điểm của anh chị em và học viên khoảng 200 dặm (320 km).

bản đồ lộ trình Lê Hi có thể đã đi trong vùng hoang dã

Quãng đường mà gia đình của Lê Hi có thể đã đi từ thành Giê Ru Sa Lem đến bờ Biển Đỏ là khoảng 200 dặm (320 km). Hành trình của họ sẽ mất nhiều ngày và dẫn họ qua một vùng đất nóng nực và cằn cỗi, nổi tiếng có những tên trộm chờ đợi sẵn để cướp bóc những lữ khách thiếu sự chuẩn bị.

  • Nếu em là một trong những người con của Lê Hi, em nghĩ mình sẽ phản ứng như thế nào trong tình huống này? Tại sao?

  • Em có thể đã có những câu hỏi gì?

  • Làm thế nào em nhìn thấy được lòng thương xót của Chúa được thể hiện trong lệnh truyền rời khỏi Giê Ru Sa Lem của Ngài?

Một cách để giúp học viên nghiên cứu chương này là giúp các em so sánh và đối chiếu phản ứng của La Man và Lê Mu Ên với phản ứng của Nê Phi và Sam. Việc so sánh và đối chiếu các cá nhân trong thánh thư là một kỹ năng nghiên cứu thánh thư có thể giúp học viên suy ngẫm về nỗ lực của chính họ để noi theo Thượng Đế. Cân nhắc cho học viên luyện tập kỹ năng này bằng cách tạo bảng dưới đây trên bảng trắng. Mời học viên viết những điều mình khám phá ra trên bảng. Cũng có thể là hữu ích để chỉ ra đây là một kỹ năng nghiên cứu thánh thư mà các em có thể áp dụng với toàn bộ thánh thư khi học cá nhân.

Phản ứng của La Man và Lê Mu Ên

Phản ứng của Nê Phi và Sam

Phản ứng của La Man và Lê Mu Ên

1 Nê Phi 2:11–13

Phản ứng của Nê Phi và Sam

1 Nê Phi 2:16–21

6:2
  • Em nhận thấy điều gì khi so sánh những hành động của La Man và Lê Mu Ên với những hành động của Nê Phi và Sam?

    Việc mời học viên tóm lược những điều các em đã học được có thể là một cách tốt để cho các em nhận ra các nguyên tắc từ thánh thư. Học viên thường sẽ phát hiện ra các nguyên tắc tương tự như trong sách hướng dẫn dành cho giảng viên. Nếu học viên chia sẻ những lẽ thật khác với những điều trong sách hướng dẫn, thì những khám phá đó có thể có ý nghĩa hơn đối với các em. Hãy tìm kiếm sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh để xác định những nguyên tắc nào có ý nghĩa nhất để thảo luận với lớp học.

  • Trong một câu, em sẽ tóm tắt những điều mình đã học được từ tấm gương của La Man và Lê Mu Ên như thế nào? Em sẽ tóm tắt những điều mình đã học được từ tấm gương của Nê Phi và Sam như thế nào?

Hãy dành một chút thời gian để xem lại những điều em đã viết. Suy ngẫm xem hành động hoặc động cơ nào giống với em nhất. Em có những mong muốn, suy nghĩ hoặc cảm nghĩ nào khi thực hiện sự so sánh này?

Qua La Man và Lê Mu Ên, em có thể đã phát hiện ra rằng việc không biết những việc làm của Chúa và không tin các vị tiên tri của Ngài có thể khiến chúng ta ta thán. Qua Nê Phi, em có thể đã học được rằng khi chúng ta siêng năng tìm cách hiểu các lệnh truyền của Chúa, Ngài có thể làm mềm lòng chúng ta để giúp chúng ta tin và tuân theo.

Nhận xét của Nê Phi rằng Chúa “đã xoa dịu lòng [ông]” (1 Nê Phi 2:16) chỉ ra rằng, tương tự như La Man và Lê Mu Ên, đây không phải là một lệnh truyền dễ dàng với ông để vâng theo. Hãy nghĩ xem việc Nê Phi quyết định tìm đến Chúa trong tình huống này có thể đã ảnh hưởng như thế nào đến phần đời còn lại của ông. Hãy nghĩ về cuộc sống của La Man và Lê Mu Ên có thể trở nên khác như thế nào nếu họ làm theo tấm gương của Nê Phi.

  • Em sẽ có lợi ích từ việc noi theo tấm gương của Nê Phi trong một số tình huống nào em đang hoặc sẽ gặp phải?

  • Việc khiêm nhường tìm kiếm Chúa trong những trường hợp này, thay vì không tin và ta thán, có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của em bây giờ và trong tương lai?

  • Em hiểu gì về Thượng Đế mà có thể khiến em không ta thán khi Ngài yêu cầu em làm điều gì đó khó khăn?

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ những điều chúng ta có thể làm khi ban đầu chúng ta có thể không hiểu hoặc không đồng ý với lời khuyên bảo từ vị tiên tri của Chúa.

Đừng ngạc nhiên nếu đôi khi quan điểm cá nhân của các anh chị em thoạt đầu không phù hợp với những lời răn dạy từ vị tiên tri của Chúa. Đây là những giây phút học hỏi, khiêm nhường, khi chúng ta quỳ xuống cầu nguyện. Chúng ta tiến bước trong đức tin, tin cậy nơi Thượng Đế, biết rằng với thời gian chúng ta sẽ nhận được thêm sự sáng về mặt thuộc linh từ Cha Thiên Thượng. Một vị tiên tri mô tả ân tứ vô song về Đấng Cứu Rỗi như là “ý muốn của Đức Chúa Con lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha” [Mô Si A 15:7]. Việc hiến dâng ý muốn của chúng ta theo ý muốn của Thượng Đế, thực ra không phải là từ bỏ tất cả, mà là khởi đầu của một chiến thắng vẻ vang. (Neil L. Andersen, “Vị Tiên tri của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 26)

  • Những phước lành nào đã đến với em khi em tìm cách hiến dâng ý muốn của mình cho Cha Thiên Thượng, giống như Chúa Giê Su và Nê Phi đã làm?

Hãy dành chút thời gian để ghi lại những suy nghĩ và ấn tượng thuộc linh của em. Em đã học được điều gì mà mình muốn ghi nhớ? Em cảm thấy được soi dẫn để thực hiện những điều chỉnh nào trong cuộc sống của mình dựa trên những điều em đã học hôm nay?